Cứ tưởng việc chuyển thể một vở kịch, chỉ là cái cao hứng, "cơn say" nhất thời của nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Hữu Đạt, ai ngờ, về sau này, sáng tác đã trở thành công việc thường nhật của anh. Và đến nay, thì chúng tôi không còn thấy lạ nữa, vì Hữu Đạt, trong suốt gần 40 năm qua ngoài công việc chuyên môn (giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ) còn đích thực là một "lão nông cày sâu, cuốc bẫm" trên cánh đồng văn chương của mình. Anh viết rất rất nhanh và rất nhiều (thậm chí số đầu sách anh viết tính cho đến lúc này, tôi không thể thống kê hết). Ở một góc độ nào đó, cũng có thể coi Hữu Đạt là một "hiện tượng". Tại sao lại không nhỉ? Đã có lúc, bạn bè chúng tôi thường đùa vui tếu táo hỏi nhau: "Không biết thằng cha ấy viết vào lúc nào nhỉ?" (thời còn ở chung phòng tập thể với nhau ở nhà C1, Ký túc xá Mễ Trì, tôi quan sát thấy bất cứ lúc nào rỗi, Hữu Đạt đều chăm chỉ ngồi viết trên một cái bàn xếp kiểu học trò đặt ngay trên chiếc giường ngủ của anh). Thì thời gian sống của mỗi con người cũng chỉ chừng ấy, ngoài công việc sinh nhai người ta còn làm bao nhiêu việc khác. Văn chương với đa số người chỉ là một "trò chơi". Có người thậm chí chỉ làm cái công việc chính thôi, cũng đã thấy quá mỏi mệt, đã luôn cảm thấy mình thiếu thốn thời gian rồi. Vậy mà Hữu Đạt, ngoài lĩnh vực chuyên môn (đã được xã hội thừa nhận: được phong phó giáo sư nhiều năm nay), viết hàng chục cuốn sách (cả giáo trình và chuyên luận), hoàn thành nhiệm vụ một người cha, người chồng (bằng hai người khác), vẫn có thể làm "thêm" được cả một sự nghiệp văn chương "đồ sộ" như thế. Tác phong lao động của anh quả đúng là của một "lão nông"! Chỉ có người nông dân chân chính mới thực sự lao động cần cù chăm chỉ như thế.
Tôi nói Hữu Đạt là một "lão nông chân chính" còn vì một nhẽ khác nữa: trong suốt gần 40 năm viết lách của mình, Hữu Đạt đã "cày bừa" gần như trên tất cả các thể loại văn chương, viết nghiên cứu, phê bình, sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, tạp văn… Có lẽ "lão nông" Hữu Đạt cho đến lúc này đã cày nát mảnh ruộng được chia của mình. Chỉ còn một "mảnh đất nhỏ xíu" anh chưa kịp thử "gieo hạt mới" là thơ ca và một cuốn hồi ký (mặc dù Hữu Đạt cũng đã có một cuốn "ký" rất ấn tượng: Văn khoa chân dung ký từng làm dư luận xôn xao). Tôi cứ nghĩ rằng với tất cả những gì đã làm, Hữu Đạt phải thỏa mãn lắm. Vậy mà, hình như không phải thế. Một ngày đẹp trời cách đây 3 tuần, anh gặp tôi với một bộ mặt "hớn hở". Anh đưa cho tôi một tập giấy A4 đóng quyển, trong đó có gần một trăm bài thơ. Lần này thì tôi không thấy ngạc nhiên. Tôi nghĩ đây là kết quả tất yếu của một con người thấm đẫm tâm hồn văn chương như Hữu Đạt. Con người ấy trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, sau khi đã "cày nát" mảnh đất quen thuộc của mình, lần này muốn thử sức trên địa hạt mới là thơ ca. Vậy thôi. Suy cho cùng, một nhà văn đa tài như Hữu Đạt thì đó cũng là điều tất yếu. Vấn đề chỉ còn là, cái tập giấy A4 với gần trăm bài thơ ấy của Hữu Đạt liệu có "vượt qua" sự nghiệp văn xuôi đồ sộ mà anh đã từng có? Vậy mà, có vẻ như nó "vượt qua" thật. Ngày đầu tiên khi nhận được những bài thơ của anh, tôi đọc và đã có ngay lời động viên: "Mình thấy thơ Hữu Đạt hình như hay hơn văn xuôi". Tôi cứ sợ Hữu Đạt "tự ái". Vậy mà không. Trái lại anh rất vui vẻ. Thì ra, dù đã từng nhận được bao nhiêu lời khen từ các trang viết văn xuôi, Hữu Đạt vẫn cảm thấy "khoái" khi nhận được những lời nhận xét của một người vốn không được "xếp hạng" thẩm thơ như tôi. Điều đó khiến cho tôi hoàn toàn có được cảm giác thoải mái khi bắt tay viết những dòng này. Các bạn đọc chắc cũng không trách tôi, nếu như có nhận xét nào đó chưa thật thỏa đáng về thơ Lữ hành của Hữu Đạt.
Thơ ca vốn là một thể loại được xếp vào hàng "hoa hậu" trong lĩnh vực văn chương nói chung. Nói như vậy thật chẳng sai chút nào: với văn xuôi, kịch sân khấu hay cả kịch bản điện ảnh, đôi khi chỉ cần một chút năng khiếu thôi, cộng thêm với lao động bền bỉ, người ta vẫn có thể "làm" được một tác phẩm. Nhưng với thơ, thì tôi xin cam đoan rằng, nếu không thực sự được "Trời phú", hay nói như Hàn Mặc Tử và Vũ Hoàng Chương, không "điên" và không "say", thì suốt đời dù muốn đến mấy, anh cũng chỉ làm được dăm ba bài vè, chứ nhất quyết đó không phải là thơ thứ thiệt. Vậy mà, ngay từ lần "xuất thi" đầu tiên, Hữu Đạt đã mang đến cho bạn đọc một tập thơ thứ thiệt với gần một trăm bài. Cái anh "phu chữ" ấy sau khi đã có một cuộc hành trình khám phá "cánh đồng văn chương", sau những cuộc "lữ hành" đi qua gần hết các hình thức, thể loại: nghiên cứu ngôn ngữ, văn học, viết phê bình, văn xuôi, tạp văn, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, và bây giờ thì làm thi sĩ ở cái tuổi "lục thập" (như tên một tập thơ của một nhà giáo khoa Văn, cùng lứa bạn bè với tôi và anh công bố gần đây: PGS.TS Nguyễn Bá Thành). Tôi cứ nhủ thầm trong bụng, chắc Hữu Đạt sẽ chưa dừng ở đây: hoặc anh sẽ còn tiếp tục cho ra đời những tập thơ mới; hoặc nữa, sẽ còn một việc cuối cùng trong cuộc đời phải làm, là viết một cuốn hồi ký, "để đến khi nhắm mắt xuôi tay không còn hối tiếc, vì tất cả đời ta, sức ta đã cống hiến cho sự nghiệp văn chương của loài người" (nhại Oxtropxki)…
Lữ hành, Hữu Đạt đặt tên cho tập thơ dày dặn gần trăm bài của mình như vậy. Lữ hành quả nhiên là một cuộc Đi xa. Đi xa thì không hẳn đã có gì đặc biệt, nhưng với Hữu Đạt, tôi lại thấy đặc biệt. Bởi lẽ, nếu nhìn bề ngoài, với vóc người bé nhỏ, thư sinh, dù đã có sẵn một hành trang "đủ xài" trong nghề văn chương trước khi đến với thơ, Đi xa, với anh vẫn là một trải nghiệm đầy thử thách. Khi đã chấp nhận "đi xa", liệu Hữu Đạt có đủ kiên nhẫn để đi tới cuối chặng đường? Hoặc nữa, dẫu có đến được cuối chặng đường, "trái quả" anh hái được trong cuộc lữ hành đầu tiên ấy có được vị ngọt với người đọc? Ấy là tôi nghĩ trong bụng vậy thôi, chứ một người làm văn chuyên nghiệp như Hữu Đạt, dù có bước chân sang một lĩnh vực mới, những sản phẩm đầu tiên của anh hẳn cũng "không đến nỗi nào". Hay nói cách khác, không có bài nào trong tập Lữ hành của nhà văn Hữu Đạt là không "sạch nước cản", nói như dân cờ tướng mà Hữu Đạt cũng là một "kỳ thủ" từng nói với nhau. Nói như vậy, cũng không có nghĩa tôi đường đột cho rằng, cả trăm bài thơ của tập Lữ hành đều "tuyệt bút". Tôi tin, không phải chỉ riêng Hữu Đạt mà bất cứ ai làm nghề văn chương, đều muốn những sản phẩm mình làm ra đều được người đọc chấp nhận, nhưng không dễ dãi mơ hồ, tất cả đều "tuyệt bút". Tôi nhớ không biết có chính xác không, Hồ Chí Minh, khi tự nói về tập Nhật ký trong tù của mình, đã hóm hỉnh cho rằng "có cả bài hay lẫn bài vừa". Tập Lữ hành của Hữu Đạt không nằm ngoài ngoại lệ đó.
Tôi khẳng định điều đó vì có cái lý của riêng mình: một người trong gần cả đời người đã viết quá nhiều và quá quen với thể loại văn xuôi, khi bước sang lĩnh vực thơ, vốn được coi là thể loại tinh túy, chọn lọc, Hữu Đạt có bị "văn xuôi hóa"? Thơ chứa đựng nhiều bí ẩn, nhiều điều không thể lý giải, nhiều cái phi logich, so với văn xuôi. Tôi nhớ một nhà thơ rất nổi tiếng của Bungari, Blaga Đimitrova, người đã từng đến Việt Nam những năm còn chiến tranh, đã nói về thơ thế này: "Nếu như tôi biết thơ là gì, tôi đã chẳng phải khổ sở thế này?" Thơ còn khác với văn xuôi ở chỗ, bất cứ ai dù có "khéo tay" đến mấy, nếu chỉ biết dựa theo "một vài mẫu hàng đã đưa sẵn", thì khó có thể làm thơ. Tôi buộc phải nói dài dòng như thế, vì sẽ có ai đó nghĩ rằng, một người đã viết quá nhiều văn xuôi như Hữu Đạt, sẽ khó có được thơ hay. Không phải thế, khi bước sang lĩnh vực thơ ca, chúng ta vẫn nhận ra một Hữu Đạt, "chuyên nghiệp" như bất cứ một nhà thơ thứ thiệt nào khác. Chẳng hạn, ngay từ tiêu đề tập thơ, Lữ hành, tác giả đã đầy ẩn ý: sau gần trọn một cuộc đời, cũng coi như là một cuộc lữ hành, giờ đây, anh đang nhìn lại những thành quả của mình sau nhiều năm cày xới trên cánh đồng văn chương. Tôi nhớ, Nguyễn Duy, một nhà thơ nổi tiếng người Thanh Hóa, cùng khóa học K16 với anh và tôi, cũng từng xuất bản một tập thơ nhan đề Đường xa, có một bài thơ, mà chúng tôi hồi ấy đọc lên thấy "rợn" hết cả người: "Vâng – đã có một thời hùng vĩ lắm/hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương/ mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm…" (Nhìn từ xa Tổ quốc). Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du cũng từng viết: "Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh". Nói tóm lại, Đường xa, với bất cứ ai cũng vậy, bao giờ cũng là một sự thách thức. Hữu Đạt cũng không là một ngoại lệ, nhưng anh đã thực sự thành công trong tác phẩm thơ này. Có biết bao nhiêu kỷ niệm, bao cuộc đời, bao tâm sự, yêu thương và nuối tiếc đã được "khách lữ thứ" Hữu Đạt thu vào ống kính của mình. Trong 4 câu Đề từ của tập thơ, Hữu Đạt đã tóm tắt tinh thần chung cuộc Lữ hành của mình như sau:
Lữ hành đi tứ xứ
Vẫn nhớ bóng quê mình
Lòng chạy theo con chữ
Sâu tận đáy tâm linh
Bốn câu tứ tuyệt mà nói được về cơ bản tâm hồn, cốt cách của cả thơ và người. Tự nhận mình là khách "lữ hành đi tứ xứ", trong cuộc sống Hữu Đạt quả là một tuýp người hướng ngoại, thời trẻ tuổi, anh đi nhiều và thích khám phá, như Nguyễn Tuân của Vang bóng một thời. Không chỉ ham mê khám phá những miền đất khác nhau trên đất nước mình, Hữu Đạt còn lữ hành đến nhiều nơi, nhiều vùng đất xa lạ. Không phải ai trong cuộc đời mình cũng có được cái may mắn như thế. Đi nhiều, hướng ngoại, nhưng trong thơ, Hữu Đạt thường chỉ "đau đáu" trong thế giới nội tâm của riêng anh. Tôi biết trong cuộc đời thật, Hữu Đạt là người ăn nói nhỏ nhẹ, trân trọng tình cảm. Con người thơ trong anh thiên về hướng nội. Đi nhiều, nhưng con người thơ ấy vẫn như chỉ trở về với thế giới nội tâm, với lòng mình, với nhiều băn khoăn trăn trở. Lữ hành trong thơ với anh, thực chất chỉ là một cuộc chuyển hóa từ những chuyến đi xa trong cuộc đời thật của mình.
Trong số hơn trăm bài của tập Lữ hành, tôi quan sát thấy bước chân của Hữu Đạt đặt lên nhiều vùng đất mới lạ. Và với thói quen của một người ghi chép lâu nay, không có chỗ nào đi qua anh lại không để lại đôi dòng cảm xúc. Đến đất nước của Lý Bạch, Đỗ Phủ, anh có thơ về Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông (Di Hòa Viên, Tử Cấm Thành, Qua bến Tương Giang, Nhớ Thôi Hiệu, Long Môn Thành…). Trong vệt thơ cảm xúc về đất nước Trung Hoa, phần lớn chỉ là những bài tứ tuyệt, với những kỷ niệm chạm được vào cõi sâu văn chương đã từng học được trong 4 năm ở trường, Hữu Đạt có những dòng thơ khá xúc động:
"Cô đơn cánh hoa giữa trời
Thuyền neo dưới bến một người khách câu
Khói chiều dâng bến Hạc Lâu
Đường xa lữ khách nhìn nhau nhớ nhà"
(Bến Hạc Lâu)
Qua nước Nga, đến Moskva, mảnh đất anh từng gần 6 năm ở đó (thời kỳ làm nghiên cứu sinh), hẳn những ký ức về nó không phải lúc nào cũng êm ái. Moskva với những địa danh nổi tiếng một thời với các sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam: những chợ Vòm, Đôm 5, những cuộc "đánh quả", thậm chí "đánh cược" cả mạng sống của mình, Hữu Đạt rất ít, thậm chí gần như không nhắc lại những sự kiện "sôi động" đó. Đó phải chăng cũng là cái tạng của anh: ngoài cuộc đời thật, Hữu Đạt không thích cuộc sống xô bồ, không phải là tuýp người của "phim hành động". Anh ưa sự nhẹ nhàng, tình cảm. Vì thế, viết về đất nước của Puskin, Lev Tolstoi, anh chỉ nhắc đến những kỷ niệm đẹp: nhìn mùa thu Nga nhớ một ngày thu ở Tây Hồ: "Anh ngồi đây/nhớ mặt nước Tây Hồ/Chiều bảng lảng/mây trôi về mái phố/ Mặt trời cháy/ chiều thu rực rỡ/ Mồ hôi rơi trên má em" (Thu); hoặc, nước Nga với anh là một đêm giao thừa, là lòng cảm thương với một người em đồng hương trên đất khách (Đêm giao thừa ở Moskva); hoặc nữa cảm xúc về một cánh hoa trắng nơi xứ sở bạch dương với màu áo trắng quê nhà: "Bừng nắng rừng thông hương tỏa ngát/ Bóng em như gió giữa ngàn hoa/ Nghe em mắt ướt qua câu hát/ Bỗng thấy đâu đây bóng quê nhà" (Hoa trắng).
Qua Pháp, đến Paris, ghé lâu đài Versaille cổ kính (Bên Lâu đài Versaille). Đến nước Bỉ, qua thủ đô Brussells, lại một địa danh nổi tiếng trong văn học Hữu Đạt không bỏ lỡ: Pháo dài Waterloo, địa danh gắn với tên tuổi vị tướng tài Napoléon Bonarparte (Thăm Pháo đài Waterlo); sang thủ đô Amsterdam của Hà Lan Hữu Đạt không thể không cảm xúc với những người dân hiền lành, tốt bụng của xứ sở "cơn lốc màu da cam" này:
"Người của xứ này hiền như đất
Thành phố bình yên giữa màu xanh
Sóng biển rì rào quanh giấc ngủ
Tàu gọi xa xăm lúc khởi hành…"
(Qua Amsterdame).
Cứ đọc qua các địa danh, hay những tên tuổi danh nhân một thời của những đất nước Hữu Đạt từng đặt chân đến, bất cứ ai, kể cả tôi là người thỉnh thoảng cũng có đôi cuộc viễn du, cũng phải "thòm thèm". Không thòm thèm làm sao được vì giá trị của một đời người, theo tôi hiểu được tính bằng số lượng những vùng đất đã đặt chân qua. "Đi là sống", "Cứ đi, cứ đi, nghe nhiều âm thanh mới lạ"… Nguyễn Tuân, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy… đều là những người làm thơ như thế. Có lẽ vì thế, điều tôi nhận ra trong tập thơ đầu tay của nhà văn chuyên nghiệp Hữu Đạt, đó là tập nhật ký lữ hành. Hữu Đạt làm thơ chẳng khác nào người ghi nhật ký. Tuy anh viết không đều đặn, cũng không có ghi chú ngày tháng chi tiết trong từng bài thơ, nhưng cứ nhìn vào những gì ghi lại, Hữu Đạt đã cho ta thấy anh là một con ong chăm chỉ, một nhà lữ hành giàu cảm xúc. Tâm trạng ký ức tràn ngập trong tập thơ Lữ hành. Qua bến Hạc Lâu, nhớ nhà thơ Hiệu; Nghỉ bến sông Tương, cảm xúc nhớ thương trong những ngày xa cách ào ạt tuôn trào; nhớ Lý Bạch một lần uống rượu dưới trăng khi qua sông Hồ Bắc… Trong dòng hồi ức, đối thoại với đất nước Trung Hoa, thơ Hữu Đạt phảng phất một chút gì đó của dòng thơ cổ điển phương Đông. Anh sử dụng nhiều hình thức thơ tứ tuyệt, loại thơ lời ít, ý nhiều nổi tiếng của Trung Quốc một thời. Trong khi đó, dòng ký ức về những miền đất xa hơn, Moskva, Paris, Brusselle, dòng ký ức ấy lại như được kéo dài. Tôi nghĩ, kỷ niệm về nước Nga, đất nước Bạch Dương, với Hữu Đạt có lẽ là những kỷ niệm không thể nào quên, "sống mà nhớ lấy". Nhớ nước Nga thì tất nhiên rồi, nhưng nhớ lại "thân phận" của mình trong những ngày bươn trải kiếm sống, những ngày "một nửa thương yêu" ở quê hương một lúc nào đó đã cách xa mình, Hữu Đạt đi tìm những ký ức về một loài hoa trắng (hay một em áo trắng):
"Hoa trắng như là áo trắng em
Hoa cũng là hoa của núi rừng
Anh là du khách từ xa tới
Đứng lặng mơ màng hóa bạch dương
Nửa vòng dang dở đời lữ khách
Sao lại gặp em ở chốn này
Anh đi giữa hai bờ thương nhớ
Ngan ngát hoa rừng cánh ong bay"
(Hoa trắng)
Lữ hành có một vệt những bài thơ viết về sự trở về. Đó là những cuộc trở về tới tận cùng ký ức. Rất nhiều những ký ức, kỷ niệm, hình bóng ngày xưa song hành trong suốt cuộc Lữ hành cùng thi nhân. Đó là những cuộc trở về với ngôi trường xưa, ký túc, những thầy cô giáo cũ, với quê hương, với mẹ, với những người yêu dấu, và có lẽ đặc biệt hơn với vài ba bóng dáng người thân yêu cũ "giờ ở đâu bây giờ?" (Vũ Đình Liên). Kỷ niệm trường học, tuổi học trò có mặt trong nhiều bài thơ của tập Lữ hành. Có vẻ như sau gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề dạy học, giờ sắp phải chia tay với những gương mặt học trò thân yêu, Hữu Đạt muốn tìm lại nỗi buồn vui của một thời qua cuộc du hành trở lại. Là một thầy giáo trẻ, đẹp, thư sinh, lại còn là người đa tài, dù đã bị ràng buộc, níu kéo bởi cái mô phạm của nghề nghiệp, tôi vẫn không tin, trong suốt cuộc lữ hành của mình, "thi nhân" Hữu Đạt không bị ám ảnh với "đôi ba mối tình vẩn vơ" nào đó. Bởi thế trong tập Lữ hành, ta thấy anh có nhiều cuộc kiếm tìm, nhiều nỗi nhớ "vẩn vơ", nhiều "giá như, tiếc nuối": "Cũng có thể do bàn tay tạo hóa/ Cho ta yêu từ lúc mới sinh thành/ Nên vừa gặp đã như là hóa đá/ Trong nỗi buồn nhung nhớ mãi ngàn năm"; hoặc: "Tôi nhớ trường xưa mỗi khi lên lớp/ Văng vẳng câu ca mỗi lúc đi về/ Gió lạnh cuối đông, nắng nồng giữa hạ/ Chiếc ô nào nghiêng gió em che?". Và có khi nỗi nhớ trào lên, nhà thơ lữ hành lại tiếp tục ra đi với những cuộc kiếm tìm hệt như khi mình vẫn còn trai trẻ: "Ta tìm ngọn gió liêu xiêu/ Cỏ may rối cả một chiều díu dan"; "Ta tìm ngọn gió heo may/ Đi lang thang suốt những ngày mùa đông" (Ta tìm); hay: "Anh về bến cũ thời thơ ấu/Sông vẫn xôn xao nước hai dòng/Con thuyền đợi nước lưng chừng bãi/Nước rất trong/ Mà bóng em không" (Về thăm bến cũ); hoặc nữa: "Như vẫn thấy có em/trong những chiều lên lớp/Đôi mắt ngước nhìn lên/Một chiều xa biền biệt" (Như vẫn thấy có em)…
Ở cái tuổi ngấp nghé "lục tuần", với người bạn đời, Hữu Đạt đôi khi cũng bộc lộ những nét tình cảm, mối quan tâm, nỗi buồn rất trẻ trung:
"Đêm lạnh rồi em có đắp chăn không
Trời trở gió có nhớ người xa xứ
Trong gió thoảng nghe thầm thì tiếng vợ
Buồn nôn nao cây đèn sáng góc phòng"
(Đêm xa xứ)
Với mẹ, với những đứa con của cuộc "hôn nhân của một thời", Hữu Đạt luôn giữ được những nét tình cảm rất chân thành. Nghĩ về người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời vì "con cái", tình cảm của anh đôi lúc như nghẹn lại, mỗi khi nhớ về mẹ của một thời gian khó. Người mẹ trong thơ Hữu Đạt có dáng dấp giống hình bóng người mẹ trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm: "Để cứu đói mẹ đi buôn vã/ Ròng rã hai mươi cây số mỗi ngày/ Thân gầy nhỏ gánh trên vai trĩu nặng/ Hình hài Người chỉ như một sợi dây" (Mẹ tôi). Trong một mối quan hệ khác, quan hệ cha con, khi nói với những đứa con đã phương trưởng của mình, anh vẫn nói bằng lời lẽ của một người cha đầy trách nhiệm: "Cha mẹ nuôi con một thời gian khó/ Chắt chiu từng hạt muối bát cơm/ Mong cho con có ngày khôn lớn/ Để đền ơn cái nghĩa sinh thành" (Lời cha). Có lẽ nặng tình nhất vẫn là những bài thơ anh viết về thầy – những người đã cho anh "con chữ" để thành nhà thơ Hữu Đạt như ngày hôm nay. Với vệt bài thơ này, Hữu Đạt để lại nhiều cảm xúc sâu lắng. Đó là các bài: Thương thầy, Có một niềm tin, Giáo chẳng thành sư, Nhà giáo ĐTH, Nhà giáo LHS, Nhà giáo HTC. Những bài thơ anh viết tặng những thầy cô kính yêu của một thời, dù không ghi đầy đủ ký tự, nhưng đọc qua, nếu ai đã từng đồng hành với anh nửa thế kỷ qua (như tôi chẳng hạn), thì biết ngay anh viết về thầy cô nào. Chẳng hạn về giáo sư HTP: "Vẫn mái tóc bồng bềnh thời trai trẻ/Vẫn nụ cười bát ngát lúc còn xuân/Tám mươi tuổi vẫn phóng xe đến lớp/Có đến hai hay ba buổi một tuần/Đôi tay múa những vòng như nghệ sĩ/Giọng bổng trầm như tiếng sáo diều ngân/Chân uyển chuyển bước đi theo dáng người vóc hạc/Bóng vờn bay trên giáo án mỗi phần" (Có một niềm tin). Hữu Đạt viết về phó giáo sư ĐTH, nhà giáo ND LHS, NGND HTC… đều bằng sự trân trọng, bằng tình cảm của một người học trò kính yêu thầy. Nhưng có lẽ có một chân dung về người thầy nặng tình nhất, tôi thích, dù rằng thời còn học, vì một lý do nào đó (thầy L làm công tác quản lý chuyên trách), tôi và Hữu Đạt không được dự giảng trực tiếp của thầy. Tuy vậy, trái tim nặng nỗi ân tình của anh vẫn dành cho thầy những lời đẹp đẽ, ngợi ca: "Một đời lên lớp vô tư/Mà sao giáo chẳng thành sư bao giờ?/Bao năm thuyền lái qua bờ/Đưa người lớp trước lại chờ lớp sau/Phơ phơ tóc bạc trên đầu/Mà sao vẫn cứ dãi dầu nắng mưa/Hết đi sớm lại về trưa/Một mình…lại tự đón đưa chính mình/Hàm chẳng có đạo chẳng vinh/Đã là sen chẳng sợ tanh mùi bùn…" (Giáo chẳng thành sư)
Đặc sắc nhất trong tập Lữ hành, có lẽ là ở những bài thơ thể hiện sự say mê tìm tòi cách tân hình thức của Hữu Đạt. Viết lục bát, một thể thơ quá quen thuộc với nhiều người, cũng đã có không ít nhà thơ thể hiện những cách tân độc đáo, đến lượt mình, Hữu Đạt vẫn tìm cho mình một lối viết riêng, tạo cho thể thơ truyền thống của dân tộc những sắc màu quyến rũ:
+ Ngắt nhịp 6/3/5: "Một năm lời hẹn em trao/Thời gian đi/Đã khuyết hao trăng gầy" (Một năm lỗi hẹn).
+ Ngắt nhịp 2/4/2/2/4: "Cho anh/làm gánh giếng đồng/Để em/gánh cá/đêm giông cuối hè" (Cho anh).
+ Ngắt nhịp 2/2/2/2: "Xa rồi/áo trắng/ngày xưa/nâng niu/mực tím/mấy tờ/giấy than" (Cho anh)
+ Thơ hai chữ: "Anh ngồi/Như say/nhìn trời/ mưa bay/ở đâu/xa tít/nghe cơn/ Gió rít/qua vùng/mênh mông" (Mưa hoang).
+ Thơ 4 chữ: "Ta ru em ngủ/ Một sáng mùa thu/ Khi em tỉnh dậy/ Lá vàng đung đưa/ ta ru em ngủ/ Đông đã sang rồi/ Khi em tỉnh dậy/ Đầy trời tuyết rơi" (Ru em bốn mùa).
Đặc biệt nhất, trong tập Lữ hành, Hữu Đạt có khá nhiều bài thơ viết theo hình thức xếp hình. Đây là một hình thức thơ đòi hỏi người viết ngoài sự nhạy cảm, còn phải có hiểu biết nhất định về kiến thức ngôn ngữ. Có lẽ Hữu Đạt đã tận dụng khả năng chuyên môn đó của mình. Nếu không nhầm, tôi nhớ trong nền thơ ca Pháp, Baudelaire, Appolinaire đã từng viết những bài thơ hình vẽ rất đặc sắc. Tôi không dám so sánh Hữu Đạt với các bậc thi hào trên, nhưng không thể không khẳng định rằng, một người mới bắt đầu bước vào địa hạt thơ như Hữu Đạt, đã "dám" mon men tìm tòi cách tân hình thức, thì quả là hiếm. Nhìn hình những chiếc cốc (Thu cảm, Ngọn gió lang thang), hình tháp chồng hình kim cương (Chiều thu), hình cái nơ (Mộng mị), hình mũi tên (Đổi mùa), hình tháp chồng (Tôi mơ về phố núi)… ta không thể không thấy vui vui. Dù chưa đọc nội dung để hiểu được đầy đủ ý nghĩa câu chữ trong những "bức hình" thú vị đó, chí ít, bằng thị giác, thơ cũng đã mang đến cho chúng ta khoái cảm trước một "thời đại nghe nhìn". Có lẽ vì thế chăng, tôi nhận thấy, không phải chỉ ở những bài thơ xếp hình, một số bài thơ khác trong tập lữ hành, luôn mang đến cho ta niềm vui "thị giác". Tính tạo hình trong thơ Hữu Đạt là rất rõ:
Bờ vai em
mũm mĩm trái trăng tròn
Miệng chúm chím
một bóng hoa trinh nữ
Những nét cong
nhẹ nhàng như nét chữ
Vẽ một vòng
uốn lượn giữa không gian
Đôi chân dài
như sếu đỏ đa mang
bước qua mặt
những khỏa thân bùn đất
Bàn tay mềm
như mơn man ve vuốt
Làm cháy lòng
những kẻ rất đam mê
Hình như tôi đã quá dài dòng lan man khi lạc vào cuộc Lữ hành cùng Hữu Đạt. Phải chăng vì đã lâu lắm rồi, làm việc và theo dõi con đường văn chương của anh, tôi bất ngờ khi được "người văn" Hữu Đạt cho thưởng thức một "món ăn" độc đáo, mới lạ của mình. Và lẽ thường khi được thưởng thức một món ăn mới lạ, người ta dễ "say sưa" nên quên mất mình đã đi quá xa. Tôi không biết những điều mình viết có "trúng" được ý nào với suy nghĩ của Hữu Đạt trong tập Lữ hành không? Nhưng tôi tin những gì mình viết là hết sức chân thành trước thành quả của người bạn đồng môn Hữu Đạt, tôi hằng yêu quý.
Tác giả: Trần Hinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn