1. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu đi xa đã trên 10 năm. Ông mất vào mùa xuân năm 2003, tháng 3 ngày 27 Dương lịch (nhằm giờ Dậu ngày 25/02 năm Quý Mùi). Kỉ niệm về ông trong tôi vẫn như hôm nào còn vào ra trong căn gác hẹp của ông ở 26 Hàng Bài. Hồi đó tôi còn ở phố trung tâm. Tuần nào cũng một, hai buổi đến thăm thầy. Nhiều hôm chỉ có hai thầy trò ngồi nói chuyện suốt buổi về văn chương, về đời sống, công việc, gia đình, con cái. Gia đình ông cũng không được vui lắm. Cô con gái mà hình như ông yêu quý nhất đã định cư cùng chồng con ở Ba Lan, một anh con trai ở Nga, nhưng công việc làm ăn cũng sa sút, không được suôn sẻ và gia đình, vợ con cũng không được em ấm; còn một anh ở nhà, cha con không hợp tính nhau. Tôi đến nhiều và thường xuyên, nhưng hầu như không thấy mấy khi ông bà nói ngồi nói chuyện với nhau. Vợ thầy là cô giáo Trường Trưng Vương cạnh nhà, đã nghỉ hưu. Từ khi quen biết ông, vào đầu những năm 80, dạo tôi mới về Trường, cho đến khi ông qua đời, tính ra là 23 năm có lẻ, tôi luôn thấy ông buồn, u uẩn, cô đơn, yếm thế ngay cả những lúc cười hiếm hoi. Ông che miệng, âm thanh khùng khục, như muốn giấu đi một điều gì. Đoạn đời trước những năm 80 của ông, tôi không được rõ lắm, nhưng hẳn là phải có những niềm tin và những đổ vỡ. Đọc lại bài “Đôi lời tâm sự (Trò chuyện với anh Nguyễn Trung Đức)” ở cuối quyển Đổi mới đọc và bình văn của ông, tôi đã phần nào hiểu ông.
Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Đức Hiểu (1924-2003)
2. Ông chỉ vui và đầy hứng khởi khi nói về văn chương, công việc nghiên cứu, viết lách. Là một người yêu cái Đẹp văn chương, ông đam mê, đắm đuối triền miên trong đó. Ông rất thận trọng trong nghiên cứu. Trước mỗi bài định viết, bao giờ ông cũng đọc, ghi chép, viết dàn bài cẩn thận, cho đến khi in được, thường cũng phải mất đến vài tháng mới xong một bài. Ông lao động suốt đời với chữ nghĩa, nhưng tôi cho rằng những năm 80 và 90 là những năm ông gặt hái nhiều thành công nhất. Trong một bài viết nhân kỉ niệm 75 năm ngày sinh của ông, tôi đã có một số tổng kết.
Trong những năm này ông là người đứng đầu chủ biên bộ Từ điển văn học (hai tập), xuất bản năm 1983 và 1984, năm 2004 khi ông qua đời được một năm, tái bản và bổ sung thành Bộ mới, in ở Nxb. Thế giới. Trong hai tập Từ điển văn học ông đã tham gia viết tới 67 mục từ các loại: các khuynh hướng, các trào lưu, các thuật ngữ, nhà văn, nhà triết học và tác phẩm của họ - Chủ nghĩa hiện sinh, Chủ nghĩa tự nhiên, Tiểu thuyết Mới, Chủ nghĩa hiện thực Mới, baroque, Descartes, Corneille, Racine, Molière, Béranger, Baudelaire, Rimbaud, Verlaine, Proust, Apollinaire,... hầu hết các đỉnh của văn học và tư tưởng Pháp qua ba thế kỉ. Đó là chưa kể các nhà văn, các tác phẩm Bungari, Đức, Bỉ, Mỹ mà ông cũng có viết ở đây. Mỗi mục từ là một núi công sức bỏ ra: sưu tầm tài liệu, đọc tác giả, tác phẩm, thời đại, lịch sử, xã hội,... Chọn lọc, sắp xếp, biên soạn, vân vân. Đọc liên tục các mục từ của ông ta sẽ hình dung được khá rõ tình hình văn học, lịch sử, các nhà văn, các nhà triết học ở những thế kỉ đó. Công trình đó cần phải có một sự lao động bền bỉ, trung thực và một tình yêu lớn lao đối với văn chương, cái đẹp.
3. Ông thường ngủ sớm, khoảng 8, 9 giờ tối là tắt đèn (ông nhắc tôi : “H đừng đến hoặc gọi cho tôi sau giờ ấy nhé”); khoảng 1 hoặc 2 giờ sáng ông đã thức dậy pha trà, hút thuốc và làm việc cho đến trưa hôm sau. Những năm cuối đời ông thường gọi cơm ngoài phố (gọi là “cơm bụi”) về ăn. Lại nhớ, có lần anh Phan Quý Bích, có món tiền mời cả nhóm Văn học phương Tây đi ăn quán Tây gần Nhà Hát lớn. Món ăn ngon, sang trọng. Lúc về, ra đến phố, ông đủng đỉnh, giọng kim : “Không ngon bằng cơm bụi”. Cả hội cười ồ. Sau này bà Đặng Thị Hạnh cứ vừa cười vừa nhắc lại mãi về kỉ niệm này. Chỉ còn 2/3 dạ dày, ông không thể ăn nhiều, đã đành, nhưng ăn cũng không ngon miệng. Với ông, ăn như một nghĩa vụ đủ để “nạp” năng lượng tối thiểu cho một cơ thể gày gò tồn tại qua ngày. Chán ăn và chán sống, đôi khi thoáng qua trong ánh nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ. Câu chuyện bỗng ngắt quãng vài giây.
4. Trở lại với sự nghiệp viết lách của ông. Ông còn là chủ biên cùng với các đồng nghiệp 10 tập Giáo trình Lịch sử văn học Pháp suốt từ thời Trung cổ đến tận ngày nay. Tập Đổi mới phê bình văn học của ông, in ở Nxb KHXH – Nxb. Mũi Cà Mau, năm 1993, tái bản ngay sau khi ra một thời gian; tiếp đó là cuốn Đổi mới phê bình văn học, Nxb. Hội nhà văn, 1999; rồi Thi pháp hiện đại, Nxb. Hội nhà văn, 2000. Cuộc “phiêu lưu” văn chương của ông là bất tận, cho đến một ngày ông đã ứng dụng lí thuyết văn học để về lại với văn học Việt Nam cùng “Thế giới thơ Hồ Xuân Hương”; “Những con đường ra đi của Thuý Kiều”; rồi ông “Cùng Nguyễn Nhược Pháp trảy hội Chùa Hương”; lắng nghe “Tiếng thu, thơ nhạc của Lưu Trọng Lư”; cùng những Số đỏ, Sống mòn, Phố huyện, Bi kịch Vũ Như Tô... những bài viết về văn học Việt Nam đó có tiếng vang. Về lại bờ Đông, ông đã về lại tuổi thơ cắp sách ngày xưa của chính mình với những “Thủa trời đất nổi cơn gió bụi”, “Lâm Truy từ thủa uyên bay”, “Nước non nặng một lời thề”… Nhiều học trò cũ làm ở truyền hình ngỏ ý muốn ghi hình thầy làm phim tư liệu, nhưng ông gắt, (hiếm khi thấy ông quyết liệt như thế) : “Tôi không quay hình đâu. Đừng mang máy đến !”. Có lẽ ông đã thấu hiểu sự vô nghĩa của tiếng vang.
Cố GS.NGƯT Đỗ Đức Hiểu, NGND Lê Hồng Sâm, thầy Trần Hinh - giảng viên Khoa Văn học
5. Những năm cuối đời ông sống khá buồn. Bà Tâm, người bạn đời của ông đã đi trước ông vài năm. Những người con của ông mỗi người mỗi ngả đi lập nghiệp. Có người ở rất xa. Cũng không ai theo nghiệp của bố. Sau khi ông mất được một thời gian thì ngôi nhà nhỏ đó cũng sang tay người khác. Năm 2016 cũng là năm kỉ niệm 60 năm tròn tuổi của Khoa Văn Đại học Tổng hợp năm xưa mà ông là một trong những người tiền bối xây dựng và phát triển. Bài viết này từ một vài kỉ niệm với Thầy coi như nén tâm nhang tưởng nhớ tới ông. Có thể do những hạn chế khách quan và chủ quan khiến ông có những buồn phiền, nhưng trên hết và trước hết, ông vẫn là một con người trung thực trong cách sống và lao động khoa học. Học ông, tôi học được những điều đó.
GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ ĐỖ ĐỨC HIỂU
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).
Văn thơ Trần Tế Xương (viết chung với Hoàng Ngọc Phách, Lê Thước), Bộ Giáo dục xuất bản, Hà Nội,1957. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam,Tập 3 (Từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX ), NXB Văn học, Hà Nội,1963. Lịch sử văn học Phương Tây (viết chung), NXB Đại học & Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1963. Văn học Công xã Paris, NXB Văn học, Hà Nội, 1978. Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa. NXB Văn học, Hà Nội, 1978. Từ điển văn học, Tổng chủ biên, 2 tập, NXB Văn học, Hà Nội, 1983 Lịch sử văn học Pháp, 5 tập, đồng chủ biên, NXB Thế giới, Hà Nội, 1992-1994 Đổi mới phê bình văn học, NXB Khoa học Xã hội & NXB Mũi Cà Mâu, 1994. Điển tích văn học (viết chung với Mai Thục), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996. Đổi mới Đọc và Bình văn, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1999. Thi pháp hiện đại, Đỗ Lai Thúy tuyển chọn và giới thiệu, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2000. Thi pháp hiện đại - Một số vấn đề lí luận và ứng dụng, Trần Hinh tuyển chọn và giới thiệu, NXB GD, 2013. |
Tác giả: PGS.TS Đào Duy Hiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn