Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Nhà khoa học lãng mạn xứ Quảng

Thứ tư - 09/09/2015 05:38
Có thể nói, trong nhiều năm tháng ở đại học, chỗ nào xuất hiện Hoàng Trọng Phiến là ở đó có tiếng cười. Trong con người của nhà khoa học xứ Quảng này, cái chất nghệ sĩ vẫn là tố chất cơ bản làm nên toàn bộ sự nghiệp và cuộc đời ông. Chính tố chất này là một nhân tố làm cho cuộc đời ông luôn bay bổng, khoáng đạt, làm nên chất đáng yêu rất Hoàng Trọng Phiến. Cuộc đời giáo sư trải mấy chục năm truân trải, ông đi qua mọi cửa ải vui buồn để đạt tới niềm mơ ước của mình. Gửi lại sau lưng ông là những năm tháng đáng yêu đầy kỷ niệm kỷ niệm mà đến nay trong lúc cao hứng, ông vẫn nhắc lại với niềm say sưa và tự hào tột bực
Nhà khoa học lãng mạn xứ Quảng
Nhà khoa học lãng mạn xứ Quảng

GS. Hoàng Trọng Phiến sinh năm1932 tại Hoà Vang, Quảng Nam cũ (nay thuộc Đà Nẵng). Đó là một vùng đất nghèo nhưng nổi tiếng vì thời nào cũng sinh ra các bậc anh tài. Mới 13 tuổi, ông đã hăng hái tham gia cách mạng. Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông xung vào du kích rồi hoạt động trong vùng chiến khu Trung Man (thuộc Quảng Nam) và được kết nạp Đảng lúc chưa tròn 18 tuổi. Ngay từ những năm tháng tuổi trẻ, ông đã làm đến Phó Bí thư Đoàn Thanh niên học sinh Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đi học tại Khu học xá Trung ương với tên gọi là “Dục Tài Học Hiệu” (Nam Ninh Trung Quốc) rồi trở về vào học Trường Đại học Tổng hợp khóa 1 (1956-1959). Ông đi sâu vào nghiên cứu Ngôn ngữ học và trưởng thành gắn bó với ngành khoa học này.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến là Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn (1972-1973); Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt cho người nước ngoài, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1973-1984).

Khi còn công tác ở vùng địch hậu Quảng Nam, do chủ trương phát triển cán bộ lâu dài, Hoàng Trọng Phiến được Tỉnh uỷ Quảng Nam cho đi học trung học cơ sở, rồi học trung học phổ thông tại trường Lê Khiết, Quảng Ngãi. Đó là trường phổ thông cấp III duy nhất của  Liên khu V trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đây là ngôi trường nổi tiếng đã cung cấp cho đât nước nhiều bậc nhân tài kiệt xuất. Khi nhắc đên quê hương, giáo sư Hoàng Trọng Phiến thường bộc lộ niềm tự hào sâu sắc. Những khi cao hứng, ông thường hay dùng cụm từ “Người trai xứ Quảng” một cách đầy kiêu hãnh. Còn nhắc tới ngôi trường thân yêu ấy, ông không bao giờ quên những người thầy cũ của mình. Ông kể, thời cấp III, ông đã từng học văn với các bậc thầy là giáo sư như: Lê Đình Kỵ (sau này là cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ Văn), Lê Trí Viễn (sau này là cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Hà Nội). Còn môn toán thì học những người như GS. Hoàng Tuỵ, GS. Hoàng Chúng...

Ngày chúng tôi mới nhập học năm thứ nhất, khi chưa dự giờ của giáo sư Hoàng Trọng Phiến thì đã được nghe nhiều câu chuyện giai thoại về cuộc đời công tác và giảng dạy của ông. Có một cụm từ mà cả sinh viên Việt Nam và nước ngoài thường dùng để “khu biệt” ông với các thầy khác trong trường. Đó là cụm từ “rất Hoàng Trọng Phiến”.

Ảnh: Thành Long

Các giai thoại được tạo nên quanh ông nhìn chung đều biểu lộ sự yêu quí của những thế hệ sinh viên với người thầy thuộc bậc “nhị tiền bối” (thế hệ thứ hai) của giới nghiên cứu Ngữ học trong trường và cũng là của Việt Nam. So với lịch sử của Khoa Ngữ văn thì ông lại là sinh viên tốt nghiệp khoá I, mà có người gọi là thế hệ thứ nhất, tính theo khoá học.

Khi được học ông, chúng tôi tò mò và hứng thú lắm. Ông là một người có khả năng hùng biện. Giọng giảng “hùng hồn” của ông chắp cánh thêm cho nguồn tri thức mà ông truyền cho lớp chúng tôi, ông đã làm “choáng ngợp” những thằng học trò nhà quê chúng tôi về nhiều vấn đề ngoài chuyên môn sâu là Ngôn ngữ học. Trong giờ dạy, ông thường kể chuyện nhiều về nước Nga. Qua những mẩu chuyện của ông, chúng tôi hình dung nước Nga như là một thiên đường. Nơi đó có những cánh rừng bạch dương bạt ngàn. Về mùa đông, khắp nơi mênh mông tuyết trắng. Cái màu trắng tinh khiết đến nỗi có cảm tưởng nuốt đưojc nó vào miệng với cảm giác mát ngọt. Qua những lời bất tận của Hoàng Trọng Phiến, bọn con trai trong lớp chúng tôi há hốc mồm tưởng tượng như trước mắt mình có một bầy tiên nữ. Đó là các cô nữ sinh viên người Bạch Nga, Ucraina..., cô nào cũng mặc váy xanh, áo trắng, tóc vàng xoã bên vai, mắt xanh biếc màu xanh của sông Vonga. Hoàng Trọng Phiến là người yêu nước Nga đến vô bờ. Nước Nga không chỉ là một trung tâm khoa học lớn của thế giới mà còn là nơi chắp cánh cho tâm hồn lãng mạn vô cùng bay bổng của ông. Nó bay tới đâu, chỉ ông mới biết. Nhưng chắc chắn, trong giờ học, nó hiện lên thấp thoáng trong nhiều giờ dạy mà ông đã lên lớp chúng tôi. Cả trong môn phong cách học lẫn môn ngôn ngữ học đại cương. Tôi nhớ lắm, thời ấy, khi giảng ngôn ngữ học đại cương, ông không dùng sách tiếng Việt. Trước mặt ông chỉ có một cuốn sách tiếng Nga dày cộp. Ông dùng nó để truyền dạy trực tiếp cho chúng tôi. Ông là một trong những người thầy đầu tiên giới thiệu lý thuyết ngôn ngữ học đại cương và giới thiệu Ju. X. Xtepanov ở Việt Nam. Tôi nhớ không nhầm thì đó là cuốn Obsee jazưkaznanie của  Ju. X. Xtepanov (xuất bản tại Matxcơva). Về sau, ông còn giới thiệu  thêm cuốn Jazưk kak sistemno-strykturnoe obrazovanie của V. M. Solnsev (xuất bản tại Matxcơva 1977). GS. Hoàng Trọng là một trong các Phó tiến sĩ đầu tiên “được đào tạo bài bản” tại Liên Xô và việc ông trực tiếp sử dụng các tài liệu “nguyên bản” trong giảng dạy cũng là một biểu hiện tình yêu cháy bỏng với đất nước đã đào tạo mình.  

Cả đời gắn bó với Trường, với khoa, với sự nghiệp trồng người, giáo sư Hoàng Trọng Phiến đã dìu dắt, giúp đỡ nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành, có nhiều đóng góp cho xã hội. Cuốn sách đầu tay ông viết là cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (câu) ( Nxb ĐH&THCN. H. 1980) đã được tái bản nhiều lần và đến nay vẫn còn được các lớp học trò tìm đọc. 

Từ trái qua phải: PGS. Nguyễn Thạch Giang, TS. Trịnh Hồ Khoa, GS.TS.NGND Hoàng Trọng Phiến, GS.TS.NGND Lê Quang Thiêm/Ảnh: Bùi Tuấn

Nói về sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu. Giáo sư Hoàng Trọng Phiến là một trong số ít các bậc trưởng lão của Khoa. Ông là người đầu tiên xây dựng ngành tiếng Việt cho người nước ngoài và là vị chủ nhiệm chính danh đầu tiên của Khoa Tiếng Việt. Chức danh Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt khi ấy vừa sang vừa trọng. Sang vì có hẳn một toà nhà bốn tầng ngự ở phường Bách Khoa, có tài khoản, con dấu riêng. Chủ nhiệm khoa được trao quyền tự chủ cao không kém gì một vị hiệu trưởng của một trường đại học thu nhỏ. Trọng bởi ông được giao quản lý toàn bộ lưu học sinh theo học tiếng Việt và văn hoá Việt nam của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ngày ấy. Gánh trọng trách lớn, ở một cương vị không nhỏ nhưng ông vẫn giữ nhân cách nhà giáo, người cộng sản. Tiếp xúc với GS. Hoàng Trọng Phiến ai cũng thấy ông là người tử tế, khoan dung. Trong cương vị của mình Ông che chở, ủng hộ các cán bộ giỏi chuyên môn, mở các lớp ngoại ngữ cho cán bộ trẻ. Cần tiền cho nghiên cứu, dịch thuật thì ông xin trên cho tiền. Nhiều hội nghị khoa học thường mượn cơ sở ở Khoa Tiếng Việt để được ông hỗ trợ thêm cho phần tài chính. Học sinh làm luận văn với ông, nếu đề tài nào mà có thể phục vụ cho việc dạy tiếng, ông ký “xoẹt” một cái là có tiền đánh máy (thời đó chưa có vi tính nên đánh máy đã là ước mơ của sinh viên. Gần một trăm phần trăm chỉ có luận văn viết tay). Giáo sư Nguyễn Thạch Giang, GS. Bùi Phụng gọi ông là Mạnh Thường Quân của các nhà khoa học của Khoa Tiếng Việt.

Trong giảng dạy, Hoàng Trọng Phiến có một phong cách rất đặc biệt, Khi ông giảng dạy môn Phong cách học Tiếng Việt trên lớp, giọng ông thường ngân nga. Nhất là mỗi khi ông đọc thơ, người nghe có cảm tưởng là chuỗi âm thanh phát ra có lúc giống như làn sóng lượn, có lúc rì rào như cơn gió nhẹ thổi bên hàng bạch dương, có lúc lại sôi nổi như khúc nhạc giao hưởng tới phút cao trào. Những lúc ấy chỉ thấy mắt Hoàng giáo sư ngây ngất. Ông như quên mất cả thời gian, không gian, tâm trí như hút cả vào tiếng vang huyền diệu sau mỗi dòng, mỗi chữ. Vui nhất là khi giảng về thủ pháp so sánh, ông thường dùng biện pháp “trực quan sinh động” khiến sinh viên há hốc mồm về sự bất ngờ. Có lần, hăng say giảng bài trong một lớp có gần 100 sinh viên, ông bước chậm rãi trong lối đi giữa lớp và đọc ngân nga câu ca dao:

Cổ tay em trắng như ngà

Đôi mắt em sắc như là dao cau.

Bất ngờ, ông cầm lấy bàn tay của một cô nữ sinh giơ cao lên và nói “trắng như ngà là cổ tay này”. Cả lớp sững sờ. Ông tài tình thật. Cứ tưởng ông giảng bài thì chẳng chú ý tới cái gì, vậy mà ông đã chọn đúng một bàn tay của cô gái đẹp nhất. Bàn tay thon thả, búp măng, trắng và thật gợi cảm.

Ông có một nghệ thuật thuyết giảng về ngôn ngữ học nói chung, tiếng Việt nói riêng. Các môn học này vốn trừu tượng, khô khan, qua trình giảng của ông nó trở nên sinh động, hấp dẫn. Ông kích hoạt và truyền dẫn cho sinh viên một tình yêu tiếng Việt. Chuyện kể rằng, tại giảng đường trường Đại học ngoại ngữ Tokyo, sinh viên các lớp khác vây quanh để xem một vị giáo sư Việt Nam diễn, giảng tiếng Việt thực hành. Vị giáo sư ấy là Hoàng Trọng Phiến khi ông là giáo sư thỉnh giảng tại Trường.

Phong cách Hoàng Trọng Phiến là thế. Cái quán ngữ mà học trò các thế hệ vẫn đùa ông là “rất Hoàng Trọng Phiến” đã trở thành cụm tính từ mang bản sắc riêng không thể trộn lẫn với ai.

Có thể nói, trong nhiều năm tháng ở đại học, chỗ nào xuất hiện Hoàng Trọng Phiến là ở đó có tiếng cười. Trong con người của nhà khoa học xứ Quảng này, cái chất nghệ sĩ vẫn là tố chất cơ bản làm nên toàn bộ sự nghiệp và cuộc đời ông. Chính tố chất này là một nhân tố làm cho cuộc đời ông luôn bay bổng, khoáng đạt, làm nên chất đáng yêu rất Hoàng Trọng Phiến. Cuộc đời giáo sư trải mấy chục năm truân trải, ông đi qua mọi cửa ải vui buồn để đạt tới niềm mơ ước của mình. Gửi lại sau lưng ông là những năm tháng đáng yêu đầy kỷ niệm kỷ niệm mà đến nay trong lúc cao hứng, ông vẫn nhắc lại với niềm say sưa và tự hào tột bực. Nhiều bài viết về ông, các bài thơ của sinh viên tặng ông đã biểu minh điều này.

Ở tuổi bát tuần, nhưng GS. Hoàng Trọng Phiến luôn sống rất trẻ và vẫn tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đời làm khoa học của ông, ngoài sự đóng góp trong việc nghiên cứu, ông  đã hướng dẫn 32 NCS bảo vệ thành công luận án TS, trong đó có nhiều người nay đã là PGS, Giáo sư, nhà quản lý giỏi. Ông thật xứng với danh hiệu “Kẻ sĩ người xứ Quảng  thời hiện đại” mà các thế hệ học trò đã tặng ông, bên cạnh cái cụm từ trìu mến “Giáo sư Hoàng của chúng em” mà các học trò người nước ngoài thường gọi.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN HOÀNG TRỌNG PHIẾN

  • Năm sinh: 1932.
  • Quê quán: Đà Nẵng.
  • Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngữ văn khóa 1 tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1959.
  • Nhận bằng Tiến sỹ chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô năm 1968.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2000.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1996.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.
  • Thời gian công tác tại trường: 1959 - 2001.

+ Đơn vị công tác:

Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn (nay là Khoa Ngôn ngữ học).

Khoa Tiếng Việt cho người nước ngoài (nay là Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt).

Giáo sư thỉnh giảng Đại học ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản) (1989-1992).

+ Chức vụ quản lý:

Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1972-1973).

Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt cho người nước ngoài, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1973-1984).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Lý luận ngôn ngữ học; Ngữ pháp tiếng Việt; Phong cách học tiếng Việt; Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ; Ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu loại hình.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

            Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1980.

            Lý thuyết tiếng Việt hiện đại, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976.

            Các bài giảng Phong cách học tiếng Việt. (ĐHTHHN) 1976.

            Cơ sở Ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Giáo dục, 1990

           Giáo trình tiếng Việt cho người Nhật .ĐHNN Tokyo 1991.

            Từ điển Hư từ tiếng Việt hiện đại, NXB Tri thức, 2003.

            Cách đọc địa danh tiếng Nhật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.

 

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây