Nhân duyên thưở ấu thơ, khiến chàng trai Hoàng Văn Khoán đã học chữ Hán ngay từ lúc còn để chỏm và học tiếng Pháp trong trường tiểu học. Trải qua những năm tháng vất vả nhọc nhằn, làm gia sư đổi lấy cơm ăn để đi học trường cấp II Hương Khê. Đến khi lên cấp III được tuyển chọn đi học ở Khu học xã Trung ương tại Nam Ninh (Trung Quốc), tốt nghiệp ông được cử về Hà Tĩnh dạy học. Sau đó được cử đi học Khảo cổ học tại Đại học Tổng hợp Khác Cốp (Liên Xô). Năm 1974, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Khảo cổ học tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, và là một trong ba Tiến sĩ đầu tiên của Khoa Sử. Năm 1967, ông về làm giảng viên tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và dù ở nhiều cương vị quản lý khác nhau cũng như trải nghiệm nhiều thăng trầm khác nhau của đời sống kinh tế, ông luôn gắn bó với Khoa Lịch sử từ đó đến nay.
PGS.TS.NGND Hoàng Văn Khoán là Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1977-1986)/Ảnh: Thành Long
Kim tướng học và kỹ thuật luyện kim là lĩnh vực mà PGS.TS Hoàng Văn Khoán theo đuổi đầu tiên khi bước vào nghề khảo cổ. Luận án Tiến sĩ của ông tại Liên Xô viết về đề tài nghiên cứu đồ sắt ở các bộ lạc Nam Siberia. Sau đó về nước, ông áp dụng nhiều kiến thức đã học được vào nghiên cứu ở Việt Nam. Những nghiên cứu trong các năm 1970 và 1980 của ông về khu luyện sắt Nghi Xuân, về kỹ thuật luyện sắt và chế tạo đồ sắt ở Việt Nam, về hợp kim đồng thau Việt Nam thời cổ, về kỹ thuật đúc trống đồng Đông Sơn, về thực nghiệm quá trình sản xuất sắt thời cổ ở Nho Lâm và cả về vấn đề sự xuất hiện của gang ở Việt Nam… đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Khảo cổ học lịch sử người Việt là một trong những nội dung nghiên cứu mà PGS.TS Hoàng Văn Khoán theo đuổi từ lâu cho đến nay. Đặc biệt, ngay từ sớm Ông tập trung nghiên cứu vùng Cổ Loa. Cuốn sách Cổ Loa - Trung tâm hội tụ văn minh sông Hồng do Ông chủ biên đã xác định vị thế quan trọng của Cổ Loa trong quá trình hình thành nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương dựa trên cơ sở tảng nền của hệ thống di tích văn hóa Tiền Đông Sơn và Đông Sơn khu vực xung quanh.
Lịch sử kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc Việt Nam cũng là nội dung nghiên cứu quan trọng trong cuộc đời sự nghiệp PGS.TS Hoàng Văn Khoán. Trong cuốn sách Kiến trúc chùa tháp Lý-Trần nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc là một cách khái quát để đi đến một cái nhìn thống nhất về chùa tháp thời Lý-Trần nói riêng và về Phật giáo thời Lý-Trần nói chung. Từ đó ông thể hiện những nghiên cứu chuyên sâu của mình về nghệ thuật điêu khắc, nội dung Phật giáo cũng như tình hình kinh tế xã hội, chính trị văn hóa và tư tưởng… Đồng thời thấy được kết quả của giao thoa văn hóa Việt-Ấn, Việt-Chămpa và Việt-Hoa trong quá trình hình thành đặc trưng riêng có của thời kỳ Lý-Trần. Bên cạnh đó, việc truyền dạy khối kiến thức quan trọng này cho sinh viên và học viên sau đại học luôn được Ông đề cao. Bởi vậy ở Khoa Lịch sử, Ông là một trong những “thày giáo già” hiếm hoi luôn dẫn sinh viên và học viên cao học đi thực tế các di tích kiến trúc nổi tiếng của Việt Nam như Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ, Lam Kinh, chùa Phật Tích, chùa Thầy, chùa Tây Phương, nhà thờ đá Phát Diệm…
Trong những năm 2000, giới nghiên cứu khảo cổ học trong nước bất cứ khi nào đến đại công trường 18 Hoàng Diệu đều biết tiếng hai “ông già làm tiền”. Một là chuyên gia tiền cổ Đỗ Văn Ninh và người còn lại chính là PGS.TS Hoàng Văn Khoán. Nhưng những nghiên cứu về tiền cổ của PGS.TS Hoàng Văn Khoán cũng bắt đầu từ khá sớm và ông cũng đã gặt hái những thành tựu nhất định. Từ những năm 1990, ông đã đi nhiều bảo tàng và nhiều sưu tập tư nhân, nghiên cứu và công bố về nhiều bộ sưu tập tiền cổ. Trên tảng nền đó năm 2010, ông xuất bản cuốn sách Sổ tay tiền cổ kim loại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp lưu hành ở Việt Nam từ đầu Công nguyên đến năm 1975. Đây là một cuốn cẩm nang về tiền cổ các nước từng lưu hành tại Việt Nam, là cuốn từ điển quan trọng cho giới nghiên cứu về cổ tiền học và bảo tàng học ở Việt Nam. Từ góc tiếp cận cổ tiền học, ông cũng đã mở rộng nghiên cứu sang các lĩnh vực thương nghiệp qua các triều đại phong kiến khác nhau.
PGS.TS.NGND Hoàng Văn Khoán là chuyên gia khảo cổ học đầu ngành/Ảnh: Thành Long
Khảo cổ học thực nghiệm cũng là một trong những nội dung nghiên cứu quan trọng mà PGS.TS Hoàng Văn Khoán quan tâm theo đuổi và đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt trong số đó phải kể đến thực nghiệm đúc lại lưỡi cày đồng Cổ Loa và tiến hành cày thực nghiệm bằng lưỡi cày đó trên nhiều loại ruộng khác nhau ở làng Đông Xuất. Kết quả thực nghiệm chứng minh hoàn toàn chắc chắn công dụng của loại hình hiện vật mà trước đó các nhà khảo cổ học còn đang lúng túng không biết gọi là lưỡi cày hay lưỡi cuốc. Một kết quả nghiên cứu thực nghiệm khác của PGS.TS Hoàng Văn Khoán là phục dựng lại nghề đan của người Đồng Đậu thông qua hệ thống văn đan trên đồ gốm.
Đối với PGS.TS Hoàng Văn Khoán, người học thực sự là “Thượng đế”. Hẳn rất nhiều thế hệ sinh viên Khoa Lịch sử đều biết, phòng làm việc của Thầy luôn sáng đèn chào đón mọi sinh viên, dù đến tận đêm khuya tiếng thầy vẫn sang sảng và mê say thảo luận những tư duy khoa học mới. Cho đến tận vài năm gần đây, dù không còn khỏe như trước, nhưng chỉ một bài hướng dẫn sinh viên làm báo cáo khoa học cũng khiến ông lấy sự nhiệt tâm của mình mà chống gậy tập tễnh đưa sinh viên đi khảo sát thực địa. Cho đến năm 2014-2015 này, ông lão bát tuần đã hai lần chống gậy đi xe giường nằm vài ngày đường sang tận Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hướng dẫn học viên cao học làm Luận văn Thạc sĩ. Nhiệt tâm ấy không chỉ khiến học trò cảm nhận được sự tôn trọng từ thầy, mà nhiều thầy cô khác cũng lấy làm nể phục tinh thần khoa học của ông.
Một điểm mà nhiều thế hệ học trò Khoa Lịch sử ai cũng biết đến là sau khi nghỉ công tác, Thầy vẫn miệt mài học tập. Những lớp Hán Nôm do thầy tổ chức, mời thầy Nguyễn Hữu Tưởng (cán bộ Viện Hán Nôm) về tận nhà dạy học, Thầy cùng học với sinh viên, thậm chí mỗi khi lớp Hán Nôm đi thực tế đình chùa và dập văn bia, Thầy cũng thường xuyên đi cùng với tâm niệm vừa đi, vừa dạy, vừa học. Tôn chỉ của Thầy khi mở các lớp học này rất rõ ràng, học sử và làm sử phải biết chữ Hán Nôm, và là Hán Nôm thực hành chứ không phải là kinh sách. Nhiều anh em làm sử hiện nay biết và sử dụng khá thành thạo tài liệu Hán Nôm một phần nhờ các lớp học ấy của thầy.
PGS.TS Hoàng Văn Khoán đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ sinh viên , học viên và nghiên cứu sinh chuyên ngành khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, 10 trang web cá cược bóng đá hàng đầu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặc biệt, thầy đã có nhiều đóng góp cho việc đào tạo cán bộ cho chính phủ Lào và Cam Pu chia, như các học viên Thắt Xăm Ri, Thoonglith Luangkhoth, ThoongMy, PhinXẻng, Thao Khăm Mặn, Soiliphane Bouraphane… Ngoài ra, Ông còn tham gia viết chương trình giảng dạy cho Trường Đại học Phnôm Pênh; tham gia giảng dạy và viết giáo trình cho các trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trung ương Đoàn cao cấp, Trường sỹ quan cao cấp, Đại học Huế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…
Tinh thần đoàn kết, gắn bó, dám làm dám chịu là một trong những bản chất cao quý nhất mà thầy Hoàng Văn Khoán tôn sùng. Với ông, “ngay thẳng” là tiêu chuẩn tối thượng của một người làm khảo cổ, của một người viết sử, và đó chính là bài học đầu tiên đối với mỗi học trò từ lần tiếp xúc đầu tiên với thầy.
Hà Nội, tiết Cốc Vũ 2015
PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN HOÀNG VĂN KHOÁN
+ Đơn vị công tác: Khoa Lịch sử. Phòng Tổ chức cán bộ. + Chức vụ quản lý: Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1977-1986). Phó Bí thư Đảng uỷ Trường, Trưởng phòng Tổ chức, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1988-1993).
Bí ẩn của lòng đất, Trung tâm Unesco Thông tin Tư liệu Lịch sử và Văn hoá Việt Nam, Hà Nội, 1999. Kiến trúc chùa tháp Lý-Trần nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc (viết chung), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001. Cổ Loa - Trung tâm hội tụ văn minh sông Hồng (chủ biên), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002. Sổ tay tiền cổ kim loại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp lưu hành ở Việt Nam từ đầu Công nguyên đến năm 1975 (viết chung), Cục Di sản Văn hóa xuất bản, Hà Nội, 2010. Tiền cổ học và tiền cổ Việt Nam (chủ biên), Nxb Lao động, Hà Nội, 2014. |
Tác giả: TS. Đặng Hồng Sơn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn