Con người thầy, mới gặp, ai cũng nghĩ đó là một nghệ sĩ. Tôi còn nhớ một kỷ niệm khó phai trong đời học sinh bậc đại học: dạo đó Khoa Ngữ Văn vừa từ nơi sơ tán (làng La Khê, Hà Đông) chuyển về khu Mễ Trì (trên đường Lương Thế Vinh bây giờ), giờ Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945, thầy dạy 3 tiết cuối, bài giảng về thơ kháng chiến 1946 - 1954. Lúc đó đã 11 giờ, gần tan buổi học. Sinh viên khu Ký túc xá Mễ Trì kéo nhau xuống bếp ăn tập thể, nhiều người vừa đi vừa gõ thìa vào bát lanh canh. Bỗng dưng nhiều sinh viên Khoa Lịch sử dừng lại bên cửa sổ lớp học Văn năm thứ ba. Thầy Hoàng Như Mai đang giảng bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Giọng thầy trầm bổng, lúc hùng hồn lúc tha thiết, xúc động và lắng sâu. Cả thầy và trò quên mệt, quên đói, quên cả thời gian trôi nhanh vào phút chót, giờ chót buổi học. Câu thơ cuối của bài thơ, sau khi đọc và bình xong, hai tay thầy vẫn giơ lên như một nhạc trưởng đang bắt nhịp một bài hát. Rồi bỗng oà lên, rồi xuýt xoa, rồi hể hả trong đám học trò. Hôm đó tại nhà bếp Ký túc xá Mễ Trì, sinh viên hai khoa Văn - Sử cứ nấn ná mãi bên những bàn ăn đã được dọn sạch từ lúc nào, họ mải mê bình luận về bài giảng tuyệt vời của thầy Hoàng Như Mai.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai (1919-2013)
GS. Hoàng Như Mai đã sống qua thế kỷ XX - một thế kỷ đầy những biến cố đáng nhớ, anh hùng và hào sảng - qua thời kỳ đổi mới và bước sang thập niên đầu của thế kỷ XXI với vận hội mới của cả dân tộc và mỗi người Việt Nam. Sống nhiều, trải nghiệm và cảm xúc nhiều, con người thầy vì thế mà lịch lãm, tự tại cộng thêm cái chất nghệ sĩ bẩm sinh, vì thế mà thầy hào hoa, phóng khoáng. Gặp thầy, cảm giác đầu tiên là sự tin cậy, đồng cảm và chia sẻ. Là một trong những học trò của thầy nên tôi thấy thầy là người toả sáng trên nhiều lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu, hoạt động văn hoá - xã hội.
Trước hết, thầy Hoàng Như Mai là một nhà giáo chân chính. Thầy vào nghề dạy học từ năm 29 tuổi (1948) với hơn 50 năm theo đuổi, cống hiến tận tâm tận lực cho sự nghiệp "trồng người". Tháng 8 năm 1948, Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình chủ trương thành lập một trường chuyên khoa tư thục để thu nhận học sinh địa phương và học sinh từ các nơi khác tản cư về Thái Bình (lúc đó tỉnh chưa bị quân Pháp đánh chiếm). Đa số giáo viên của trường lúc đó là trí thức, văn nghệ sĩ nên tổ chức muốn tìm một người có thực tế dạy học và hoạt động văn hoá - xã hội làm Hiệu trưởng. Hoàng Như Mai được đề cử làm Hiệu trưởng trường Phan Thanh từ tháng 9 năm 1948 đến đầu năm 1950. Đầu năm này, quân Pháp đánh chiếm tỉnh Thái Bình, vì vậy, Trường Phan Thanh không hoạt động được, học sinh một số tản cư tới nơi khác, một số xung phong vào bộ đội, du kích. Sau sự kiện này, thầy lên Việt Bắc và nhận công tác tại Bộ Quốc gia Giáo dục (lúc đó đóng ở Phú Thọ). Lúc đầu, thầy làm ở phòng chuyên môn (phòng 3), sau đó được cử làm Thư ký Trại Tu thư. Tháng 9.1950, Bộ Quốc gia Giáo dục thành lập một trường Sư phạm (đặt tại tỉnh Bắc Thái), lấy tên là Trường Sư phạm Việt Bắc (hệ sơ cấp), một lần nữa, thầy lại được Bộ Quốc gia Giáo dục điều động về dạy học và sau đó được cử làm Hiệu trưởng. Sau chiến thắng Biên giới (1950), Bộ Quốc gia Giáo dục chuyển mấy trường Sư phạm sang một địa điểm mới, có tên là Khu học xá Việt Nam (đặt ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc). Năm 1953, các trường Sư phạm ở Khu học xá Việt Nam được tổ chức lại thành 3 trường: Trường Sư phạm Cao cấp (đào tạo giáo viên cấp 3), Trường Sư phạm Trung cấp Xã hội (đào tạo giáo viên cấp 2 các môn khoa học xã hội) và Trường Sư phạm Trung cấp Tự nhiên (đào tạo giáo viên cấp 2 các môn khoa học tự nhiên). Thầy Hoàng Như Mai được cử làm Hiệu trưởng Trường Sư phạm Trung cấp Xã hội.
Giáo sư Hoàng Như Mai thời trẻ (bên trái)
Những ai có điều kiện gần gũi và hiểu, sẽ kính phục và ngưỡng mộ thầy với tư cách là một nghệ sĩ, một nhà hoạt động văn hoá - xã hội. Đỗ tú tài Ban Triết năm 1939, thầy vào học Cao đẳng Y khoa được một năm thì chuyển sang học Cao đẳng Luật khoa nhưng không thi lấy bằng mà tiếp tục tự học, viết báo, viết sách. Cách hành xử như vậy, trước Cách mạng tháng Tám (1945) người ta thường thấy ở những người thuộc mẫu hình "lãng tử" "nghệ sĩ", không phải là hiếm. Thầy Hoàng Như Mai tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ và hoạt động trong phong trào Thanh niên ở tỉnh Hải Dương (9.1943 - 3.1945). Thầy tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, có mặt tại cuộc mít tinh lịch sử ngày 2.9.1945 trên Quảng trường Ba Đình trong khối trí thức, văn nghệ sĩ. Tháng 4.1946, thầy tham gia đoàn quân Nam tiến, hoạt động trong lĩnh vực văn hoá - văn nghệ: cùng bạn bè thành lập đoàn kịch tuyên truyền, lấy tên là Đoàn kịch Độc Lập. (Giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Thông tin - Tuyên truyền Trần Huy Liệu cấp). Đoàn kịch Độc Lập khai trương ở Huế rồi tiếp tục lưu diễn ở các tỉnh thành, thị trấn vùng Nam Trung Bộ. Những vở diễn của Đoàn kịch Độc Lập thu hút rất nhiều người xem vì nội dung yêu nước, với nhiệt tình diễn xuất của các diễn viên không chuyên, trong đó có phần công lao đóng góp của thầy. Giữa năm 1947, thầy Hoàng Như Mai tham gia vận động thành lập Hội Văn hoá Kháng chiến tỉnh Hưng Yên, đảm nhận chức Tổng Thư ký và đặc trách đoàn kịch mang tên Đoàn kịch Văn hoá Kháng chiến (của tỉnh Hưng Yên). Thời gian này thầy sáng tác một số vở kịch như Tiếng trống Hạ Hồi (về cuộc tấn công đại phá quân Thanh của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ); Sát thát (về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông); Người tù binh (về cuộc kháng chiến chống Pháp)...
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954) và tiếp quản Thủ đô (10.1954), các trường Sư phạm ở Khu học xá Việt Nam chuyển từ Trung Quốc về Hà Nội. Lúc này hai Trường Sư phạm Trung cấp Tự nhiên và Xã hội được sát nhập thành Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương (đào tạo giáo viên cấp II). Thầy Hoàng Như Mai được cử làm Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng từ năm 1956 đến năm 1959. Từ năm 1959, thầy được điều động về làm cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đến khi hai trường được tách ra thầy về dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1960 - 1980).
GS. Trương Tửu và GS. Hoàng Như Mai
Bắt đầu từ thời gian này, giáo sư Hoàng Như Mai ngoài công việc giảng dạy đại học còn hoạt động văn hoá - xã hội: là Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội (2 khoá), cộng tác viên tích cực của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài CP-90 (của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam - Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam), chuyên viết về các vấn đề văn hoá - xã hội. Thầy còn là diễn giả văn học của các câu lạc bộ ở Hà Nội và một số tỉnh thành. Những buổi nói chuyện văn chương, nghệ thuật của thầy thường rất đông khán, thính giả. Tôi biết trong lĩnh vực này, thời đó chỉ có một số "kiện tướng" như Hoài Thanh, Xuân Diệu, Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ. Bởi vì như người ta nói là phải có "khoa nói", phải "lợi khẩu". Nhưng cái nền tảng văn hoá mới là quyết định, nhất là diễn thuyết trước đám đông lúc nào cũng khó tính và thông minh (như các thành viên của câu lạc bộ Thăng Long chẳng hạn).
Từ năm 1980, chuyển vào sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, ngoài công việc dạy học tại Khoa Ngôn ngữ và Văn học, Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tuy đã ngoài "lục tuần" thầy vẫn đầy nhiệt huyết vì sự nghiệp văn hoá - xã hội - giáo dục. Với uy tín của mình, thầy được bầu làm Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh (4 khoá). Thầy có một sức làm việc hơn người trong nhiều công việc khác nhau: Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh (3 khoá), Uỷ viên Hội đồng Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh (từ khi thành lập đến nay), Uỷ viên Ban Chấp hành Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (3 khoá), Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học thành phố Hồ Chí Minh (2 khoá).
Thầy Hoàng Như Mai nghỉ hưu năm 1990. Nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm việc. Những người hoạt động trong các ngành văn hoá - xã hội và giáo giới thành phố mang tên Bác vẫn hay gặp một ông già dẫu là 70, rồi 80 tuổi vẫn "xông pha" trên nhiều mặt trận. Thầy được mời làm Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Văn Hiến và là Hiệu trưởng trường Tư thục Trung học Trương Vĩnh Ký tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy đã 26 năm định cư ở thành phố miền Nam nhiều nắng gió, thành phố được gọi là "hòn ngọc Viễn Đông", thầy Hoàng Như Mai vẫn có "một cõi đi về" Hà Nội. Sống ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng tâm hồn thầy lúc nào cũng "Thương nhớ mười hai" như tâm thế của nhà văn Vũ Bằng, người đã từng có những tuyệt tác mê li về thủ đô Hà Nội. Thi thoảng có dịp về “chốn cũ”, thầy vẫn tạo cơ hội để được gặp gỡ đồng nghiệp, bạn bè, học trò một thuở nơi đây. Rất nhiều kỉ niệm cũ ùa về khiến cả trò và thầy đều bồi hồi, xúc động…
Yêu đời, yêu người, yêu công việc và bình tĩnh, tự tại làm việc hết sức mình - đó là những gì tôi và thế hệ hậu sinh học được rất nhiều ở thầy Hoàng Như Mai. "Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người", lời dạy của Bác Hồ được hàng vạn thầy, cô giáo dốc toàn tâm toàn sức thực hiện. Trong đội ngũ đông đảo những người làm nghề "trồng người", thầy Hoàng Như Mai là một trong những người như thế.
GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN HOÀNG NHƯ MAI
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Hiệu trưởng Trường tư thục Phan Thanh (1948). Hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Băc (1951). Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương (1953). Hiệu trưởng Trường trung học Trương Vĩnh Ký (1997). Chủ tịch Hội nghiên cứu và Giảng dạy văn học (từ 1988 đến khi mất).
Văn học Việt Nam hiện đại, NXB GD, HN, 1961. Nhà soạn kịch - cải lương Trần Hữu Trang, NXB Sân Khấu, viết chung, 1968. Giới thiệu sân khấu cải lương, NXB Sân Khấu, viết chung, 1986. Hồi ức và suy nghĩ về văn hoá giáo dục, 1998. Hoàng Như Mai tuyển tập, NXB GD, HN, 2005. |
Tác giả: Bùi Việt Thắng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn