Theo Từ điển Văn học (Bộ mới), mục viết của GS. Huệ Chi, Giáo sư Cao Xuân Huy sinh năm 1900, tại làng Thịnh Mĩ, tổng Cao Xá, phủ Diễn Châu, nay thuộc xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia tộc đại trí thức của triều Nguyễn. Ông nội Giáo sư là Cử nhân Cao Xuân Dục (1843-1923) là một nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà sử học, nhà văn nổi tiếng cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, từ một vị huyện quan, bằng tài năng và đức độ đã thăng dần các chức Tổng đốc, Thượng thư bộ học, Cơ mật viện đại thần, Phụ chính đại thần, Tổng tài quốc sử quán. Ngài Cao Xuân Dục đã là tác giả và là người chủ trì nhiều công trình lịch sử, địa lí, pháp luật, giáo dục, văn hóa quan trọng và sáng tác nhiều tác phẩm thơ văn xuất sắc để lại cho hậu thế. Cha Giáo sư là Phó bảng Cao Xuân Tiếu (1865-1939) cũng làm đến chức Thượng thư và Tổng tài quốc sử quán triều Nguyễn. Cô ruột Giáo sư là nữ sĩ Cao Ngọc Anh (1878-1970), một nhà văn thời cận hiện đại Việt Nam, ủng hộ phong trào Đông du và Đông kinh nghĩa thục, chống Pháp, mở trường dạy văn võ cho phụ nữ tại Hà Nội và bị thực dân pháp đóng cửa, thơ văn chất chứa nỗi u sầu của một người dân mất nước.
Giáo sư Cao Xuân Huy (1900-1983)
Thuở nhỏ, theo truyền thống gia tộc, GS. Cao Xuân Huy trui rèn chữ Hán cổ và Nho học ngay trong thư viện Long Cương của ông nội ở làng quê cùng với việc tu luyện Pháp văn. Mười lăm tuổi đã đi thi Hương tại trường thi Nghệ An nhưng không đậu, bèn vào học Trường trung học Pháp - Việt và đậu Thành chung vào năm 1922 rồi thi vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương danh giá, đến năm 1925 thì tốt nghiệp trường này, đi dạy trường Quốc học Huế.
Năm 1926, ở tuổi 26 chín chắn về tri thức, Giáo sư tham gia Đảng cách mạng Tân Việt. Năm 1927, Giáo sư bị thực dân Pháp bắt, bị giải chức khỏi ngạch giáo dục và phải đi đày ở Lao Bảo, sau đó giải về nhà lao Nghệ An và 1929 được tha tù. Giáo sư lập gia đình và chuyên chú trước thuật, nghiên cứu nhưng công việc không suôn sẻ. Tuy nhiên trong 6 năm trời đó cũng là thời gian Giáo sư nghiền ngẫm tinh hoa tư tưởng, triết học Trung Hoa và Đông phương. Năm 1934, Giáo sư vào Biên Hòa rồi Sài Gòn dạy học tại Trường Paul Doumer và Trường Chấn Thanh. Năm 1938, Giáo sư về lại Huế dạy học và dốc hết tâm trí nghiên cứu Lão Tử và sớm nổi danh là “Nhà Đạo học”. Ông cộng tác viết luận cho tạp chí giáo dục Revue Pesdagogique ở Huế.
Từ trái qua phải: GS. Cao Xuân Huy, nhà phê bình Hoài Thanh, GS. Đặng Thai Mai
Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, Giáo sư được mời ra giảng dạy môn Triết học phương Đông tại Trường Đại học Việt Nam do chế độ mới thành lập. Chiến tranh Pháp Việt ngày càng leo thang, Giáo sư về Diễn Châu các năm 1946-1949 làm Hiệu trưởng Trường trung học tư thục Nguyễn Xuân Ôn, đào tạo nhân tài cho vùng tư do của cuộc kháng chiến. Năm 1949, Giáo sư là giáo viên Trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng kiêm Giáo sư triết học của lớp Đại học Văn khoa đầu tiên mở ở Liên khu IV. Năm 1951- 1954, Giáo sư giảng dạy Triết học tại Trường dự bị Đại học Việt Nam mở ở Thanh Hóa. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Giáo sư được phân công giảng dạy môn triết học phương Đông, lô gich học, và tâm lí học ở hai lớp Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Văn khoa. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, Giáo sư làm việc tại Khoa Ngữ Văn của trường. Năm 1957 Giáo sư được điều động sang giảng dạy tâm lí học tại Khoa Ngữ Văn Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Năm 1959, Viện Nghiên cứu Văn học được thành lập, Giáo sư là một trong những thành viên đầu tiên. Năm 1965, giáo sư Cao Xuân Huy được bổ nhiệm Giáo sư chính lớp Đại học Hán học đầu tiên của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1970-1974, Giáo sư được điều sang làm Ủy viên Ban Hán Nôm, trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Giáo sư được Trường Đại học Tổng hợp và Trường Đại hoc Sư pham luôn luôn mời làm Giáo sư thỉnh giảng, đào tạo liên tục các thế hệ sinh viên. Giáo sư chính thức nghỉ hưu năm 1974 nhưng vẫn tham gia đào tạo các lớp Hán Nôm cho Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giáo sư mất năm 1983 tại thành phố Hồ Chí Minh.
GS. Cao Xuân Huy và học trò (tư liệu)
Giáo sư Cao Xuân Huy để lại trước thuật không nhiều nhưng đặc biệt tinh túy. Suốt đời Giáo sư là một nhà giáo dục miệt mài đào tạo nhân tài cho cách mạng, cho tổ quốc, cho chế độ. Sau này, vào năm 1995, các thế hệ học trò của Giáo sư đã tập hợp tư liệu, bài giảng in thành công trình Tư tưởng phương Đông, gợi những điểm nhìn tham chiếu. Ngoài ra ông còn có các công trình nghiên cứu, hiệu đính, biên chú về Lê Quý Đôn, Nguyễn Trường Tộ.
Sự tích tụ của hiện tượng Cao Xuân Huy có thể thấy qua các phương diện:
Một là sự thừa hưởng trí thông minh thiên bẩm từ dòng dõi gia tộc, được rèn cặp nghiêm khắc theo phong cách cổ học phương Đông, sống đằm mình trong không khí học thuật, trong thư viện gia đình với sự phong phú tối đa về từ thư, sách vở. Phong cách khảo cứu và khái quát hóa tư liệu từ một gia đình 2 đời là Tổng tài quốc sử quán đã tạo điều kiện cho tri thức, trí tuệ của Giáo sư sớm phát triển, sớm định hình. Học phong và quá trình tu luyện bản thân là nền tảng cho tư duy xuất sắc của Giáo sư.
Nhưng học phong và trui rèn thì nhiều gia tộc trí thức đều có. Điều thứ hai làm nên GS. Cao Xuân Huy phải là sự tiếp xúc sớm với tư tưởng và triết học phương Tây. Chính điều này làm Giáo sư có cơ sở tham chiếu để vững tâm đi vào con đường nghiên cứu hình nhi thượng triết học của mình.
Nhưng cả hai điều đó cũng nhiều người có được. Điều thứ ba, đó là sự lựa chọn triết học phương Đông phong phú và phức tạp, khó minh giải, đặc biệt với Phật giáo và Đạo giáo, hai hệ thống triết học cao cấp và chính danh nhất tạo ra thế giới quan Đông phương, làm mục tiêu tiếp cận của mình để tham chiếu với Tây phương. Sự lựa chọn này là sớm và độc đáo, đầy khó khăn vì không phải ai cũng có điều kiện quan tâm sâu sắc.
Điều thứ tư làm nên nhân cách Giáo sư là tấm lòng yêu nước thiết tha, không chịu cam tâm làm vong quốc nô. Giáo sư sớm tham gia Đảng cách mạng Tân Việt hoạt động chống Pháp, và sau này đứng hẳn về lực lượng kháng chiến kiến quốc, xây dựng một chế độ dân chủ cộng hòa, đấu tranh bảo vệ tổ quốc.
Điều thứ năm làm nên nhân cách của Giáo sư là tư tưởng cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong gia tộc đại trí thức phong kiến nhưng cũng như nhiều trí thức đầu thế kỉ XX, sớm tiếp thu ánh sáng Tự do - Bình đẳng - Bác ái của cách mạng tư sản Pháp và sau này tiếp thu Biện chứng pháp của Các Mác, tư tưởng GS. Cao Xuân Huy là tư tưởng mang tính cách mạng trong học thuật, trong thực tiễn truyền dạy triết học, văn hóa.
Điều thứ sáu đó là đạo đức và nhân cách của con người giáo dục, dạy người không biết mỏi trong mọi điều kiện khó khăn nhất của chiến tranh và đời sống kinh tế, ung dung tự tại của người nắm trong tay tri thức tối thượng để tư duy và nhìn nhận thời cuộc.
Hội tụ sáu điều đó, một sự hội tụ không phải lúc nào cũng diễn ra, làm cho GS. Cao Xuân Huy, cùng với GS. Trần Đức Thảo, trở thành hai nhà triết học xuất sắc nhất, có tư duy triết học trong trẻo nhất, thuần khiết nhất của Việt Nam thế kỉ XX, được giới trí thức tôn vinh, các học giả thế thừa nhận. Ở đẳng cấp đó, chỉ có hai mà thôi!.
Phải nói đến tư tưởng triết học độc sáng và xuất sắc của GS. Cao Xuân Huy, đó là chuyên khảo triết học được hoàn thành vào năm 1958, mà sau này khi in, các học trò đặt tên là Chủ toàn và chủ biệt – Hai ngã rẽ trong triết học Đông Tây.
GS. Cao Xuân Huy và cán bộ viện Văn học (ảnh tư liệu)
Không thấm nhuần triết học phương Tây không thể so sánh được và không uyên súc triết học phương Đông cũng không thể có phát kiến sớm này. GS. Cao Xuân Huy đã đụng đến cõi cơ bản nhất, cao cấp nhất mà một tư duy trừu tượng, một tư duy khái quát triết học có thể đạt đến trong so sánh Đông Tây. Đối với triết học phương Tây cho đến giữa thế kỉ XX, cũng như quan niệm chung về triết học hiện nay của chúng ta, hai phạm trù Tồn tại và Ý thức, mối quan hệ giữa chúng, vẫn, vốn là hai phạm trù tối thượng của tư duy triết học. Triết học duy tâm hay triết học duy vật được thử thách qua hòn đá thử vàng đó. Một tư duy nhị nguyên được xác lập từ nguồn cội của nó. Song với triết học Đạo giáo, triết học Phật giáo và với lý thuyết quản trị xã hội của Nho giáo (tất nhiên là có quan hệ tất nhiên với hai triết học trên trong lịch sử) vấn đề dường như không dừng lại ở đó. Các triết học này muốn đi đến tận cùng của cả Tồn tại và Ý thức và các khái niệm Vô-Hữu, Sắc-Không, Thực-Huyền… ra đời trọng mối quan hệ tận cùng nhất thể. Vừa nhất nguyên vừa nhị nguyên. Ý thức không chỉ là phản ánh Tồn tại mà chính nó cũng là một Tồn tại, hiện hữu khách quan như chính Tồn tại. và cả Tồn tại và Ý thức, không chỉ là tương tác phổ biến, mà đều cùng vận hành theo những quy luật phổ quát mà cả Phật và Lão đều chung tên gọi là ĐẠO. Cái Thường Đạo đó vận hành vĩnh cửu như những quy luật phổ biến nhất, trong sự tương tác mãi mãi, không tách biệt. Và vì thế, nó đạt đến tính chất CHỦ TOÀN trong triết học. Lão Tử trả lời Khổng Tử:
“Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thủy. Hữu danh vạn vật chi mẫu” (Cái có thể gọi là Đạo, như ông vẫn nghĩ, là không phải cái Đạo hằng xuyên như tôi đang quan niệm đâu! Cũng như cái có thể gọi là Danh, cái ông đang muốn biết, không phải là cái thường danh như quan niệm của tôi , nó là việc định danh, là cái biểu hiện của cái được biểu hiện. Khi chưa có nhận thức của con người lúc đầu tiên thì tất cả là vô danh. Nhưng khi đã có việc nhận thức và việc đặt tên, nó lại phạm trù hóa Tồn tại để giúp ta Ý thức về Tồn tại). Đạo học bắt đầu từ những mệnh đề như vậy để hướng tới Huyền tẫn chủ toàn. Phải chăng, con đường của khoa học tự nhiên hiện đại đang tiến tới lí giải sự hài hòa tuyệt đối, cơ bản của vũ trụ khởi nguyên. Chủ toàn và chủ biệt trong tương tác tham chiếu để đi tới nhận thức toàn bộ vũ trụ.
Bài học của GS. Cao Xuân Huy vẫn vẫy gọi lớp lớp các thế hệ trí tuệ Việt Nam hướng tới. Cho đến nay, viết về Giáo sư cũng chi là việc “bẻ que đo trời” mà thôi.
GIÁO SƯ CAO XUÂN HUY
+ Đơn vị công tác: Đại học Văn khoa (1954-1956). Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) (1956-1957).
Chủ toàn và chủ biệt – Hai ngã rẽ trong triết học Đông Tây. Tư tưởng phương Đông, gợi những điểm nhìn tham chiếu (1995).
+ Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 1996 cho công trình Tư tưởng phương Đông, những góc nhìn tham chiếu. |
Tác giả: Nguyễn Hùng Vỹ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn