Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, người có công chính trong việc xuất bản cuốn sách, vốn là sinh viên khóa 9 Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kể lại: Trong nhiều chuyên đề mà anh được học ở năm thứ tư (1967), anh quan tâm nhiều hơn cả đến chuyên đề tư tưởng Nho gia và Lão Trang do thầy Hượu trình bày. Với tác phong học tập nghiêm túc, anh ghi tốc ký bài giảng này của thầy được 130 trang sổ tay cỡ 13x 19 cm. Thời gian trôi đi, đến những năm 1980, anh dần nhận thức được những tư tưởng học thuật mới mẻ của thầy Hượu như nhận định không thể xem xét dưới góc nhìn lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực đối với toàn bộ văn học Việt Nam thời trung đại, hoặc nhận định văn học Việt Nam ba chục năm đầu thế kỷ XX như quá trình chuyển đổi hệ thống văn học, từ hệ thống văn học trung cận đại sang hệ thống văn học hiện đại, từ hệ thể tài gồm thơ văn phú lục sang hệ thể tài gồm thơ mới, kịch nói, tiểu thuyết, phê bình... Anh bắt đầu năng tham dự các sinh hoạt học thuật có thầy Hượu thuyết trình. Sau khi thầy mất, anh càng nhận thấy có nhiều điều lẽ ra phải hỏi thầy Hượu nhưng chưa có dịp. Và anh sực nhớ đến cuốn sổ ghi bài giảng của thầy hồi mùa đông 1967 trên một giảng đường xa xôi tại khu sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên. Hồi những năm 1990 cũng xuất hiện một số sách lấy từ vở ghi của học trò như Xã hội sử Trung Quốc (Nxb Khoa học Xã hội, 1994) - bài giảng của GS. Đặng Thai Mai cho lớp Hán học 1965-1968, cuốn Lịch sử tư tưởng trước Mars (Nxb Khoa học Xã hội, 1995) bài giảng của GS. Trần Đức Thảo hồi 1956-57. Cách thực hiện những cuốn sách đó đã khích lệ anh làm việc trên cuốn sổ ghi bài giảng của Trần Đình Hượu hơn hai mươi năm trước. Anh đã tìm được cả 6 cuốn băng cassett ghi âm bài giảng về Nho giáo và Nho giáo ở Việt Nam tại Viện Văn hóa Nghệ thuật, 1991, lại phối hợp với vở ghi chép của nhà phê bình Nguyễn Hòa - người đã trực tiếp nghe giảng năm này. Thế là công trình ra đời.
Phó giáo sư Trần Đình Hượu (1926-1995)
Ảnh hưởng của các thầy cô về tư tưởng học thuật đến sinh viên thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng ảnh hưởng của thầy Trần Đình Hượu đến những người sinh viên Lại Nguyên Ân, Nguyễn Hòa có một hình thức khá hiếm hoi: những tư tưởng, quan điểm học thuật của thầy theo với thời gian, ngày càng được nhận thức lại sâu sắc hơn. Bài giảng của thầy sau hàng chục năm đã được các trò dày công tái hiện lại thành sách. Những trường hợp như vậy không nhiều trong học thuật cũng như trong thực tiễn đại học ở ta cho đến ngày hôm nay. Sự kiện đó ghi nhận tầm ảnh hưởng của thầy Trần Đình Hượu đối với nhiều thế hệ học trò và trong phạm vi học thuật rộng rãi. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân là sinh viên cũ gọi ông là thầy đã đành, nhà phê bình Nguyễn Hòa không học chính thức môn học của thầy ở đại học mà chỉ học chuyên đề thầy giảng ở Viện Văn hóa Nghệ thuật cũng gọi ông bằng thầy. Sự kết hợp người thầy và nhà khoa học trong ông là một kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn.
*
Sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của thầy Trần Đình Hượu đa dạng, thể hiện sự uyên bác và trí tuệ của một nhà khoa học chân chính. Sau khi thầy qua đời, Nhà xuất bản Giáo dục đã in Trần Đình Hượu tuyển tập gồm 2 tập, mỗi tập ngót ngàn trang in khổ 16x24 cm. Tập 1 dành cho các nghiên cứu về triết học và lịch sử tư tưởng , tập 2 cho các nghiên cứu về văn học.
Xuất phát điểm sự nghiệp khoa học của ông là nghiên cứu lịch sử tư tưởng triết học phương Đông, rồi đứng từ điểm nhìn triết học phương Đông để đọc văn học Việt Nam trung cận đại. Ở lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng và triết học cũng như văn học, ông đều có những đóng góp quan trọng. Đã có nhiều luận văn, bài viết nghiên cứu về di sản khoa học của thầy và vẫn cần tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn, chỉ ra được những vỉa tầng tư tưởng khoa học sâu sắc của di sản này.
Những bài học từ sự nghiệp của thầy Trần Đình Hượu là gì? Chúng tôi muốn nói đến bài học có thể hữu ích cho thế hệ giảng viên và các nhà nghiên cứu trẻ hiện đang tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy ở Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn.
Hiện nay, chúng ta đang tích cực tiếp thu nhiều lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của thế giới, nhất là từ phương Tây trong việc nghiên cứu và giải quyết các vấn đề của Việt Nam. Thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ hiện nay có điều kiện thuận lợi tiếp nhận nhiều lý thuyết của phương Tây. Điều đó là rất lành mạnh. Bình sinh, thầy Hượu cũng tiếp nhận lý thuyết và phương pháp của nước ngoài. Chúng tôi biết thầy Hượu chịu ảnh hưởng rất sâu sắc từ công trình Phương Tây và phương Đông rất nổi tiếng của Viện sĩ N.I. Conrad. Đây là công trình nghiên cứu so sánh văn hóa, triết học và văn học phương Tây - phương Đông với hệ vấn đề hết sức quan trọng vấn đề thời Phục hưng trong văn hóa phương Tây và phương Đông, vấn đề có hay không chủ nghĩa hiện thực của văn học phương Đông, quan niệm lịch sử của các sử gia cổ đại Đông-Tây… Nhưng thầy Hượu, dẫu rất tâm đắc với Conrad, vẫn chọn lập trường đứng vững trên thực tế Việt Nam để giải quyết các vấn đề của Việt Nam, các lý thuyết khái quát từ thực tiễn nước ngoài chỉ là tham khảo. Có thể lấy một ví dụ một thời lãng mạn cách mạng, không ít người hô hào quét sạch tàn dư Khổng giáo ở Việt Nam với ý nghĩ giản đơn là cần quét sạch các tư tưởng triết học đạo đức cũ như để mở đường cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa toàn thắng.
Trần Đình Hượu cho rằng đó là một cách nghĩ ấu trĩ, không phản ánh đúng thực tế Việt Nam: “Nho giáo ra đời và tồn tại gắn bó với một cơ chế kinh tế - chính trị - xã hội, biểu hiện tập trung là nhà nước chuyên chế phương Đông. Cơ chế đó lựa chọn Nho giáo, một mặt, vạch ra con đường phát triển, mặt khác, tạo ra một cuộc sống. Bị điều kiện hóa trong đó, con người không chỉ buộc phải thích ứng mà còn tự lựa chọn Nho giáo, sống thành những mẫu người đặc định: vua, quan, lại, hào, cường, thân sĩ, nhà nho, nông dân tiểu kỷ… Khi cơ chế và môi trường xã hội đó chưa thay đổi căn bản thì con người vẫn tự động thích ứng theo nó, sống theo những mẫu người cũ, vẫn nghĩ, vẫn sống theo cách Nho giáo hóa. Có người tự coi là rũ sạch ảnh hưởng Nho giáo, lên án Nho giáo kịch liệt, nhưng vẫn sống và vẫn nghĩ rất “Nho”. Nhưng trong thực tế như vậy, Nho giáo không chỉ là còn, mà tư tưởng mới từ ngoài vào cũng bị Nho giáo hóa; ở một chỗ nào đó, Nho giáo được coi là bị quét sạch thì nó vẫn có khả năng tái sinh”. Trong cả nghiên cứu lịch sử tư tưởng và nghiên cứu văn học trung, cận đại, Trần Đình Hượu đều đứng vững trên thực tế dân tộc, “nhìn vào thực tế một cách lịch sử, hoàn chỉnh, rõ nét”, nghiên cứu, phân tích thực tế đó để kiến nghị các phương pháp ứng xử khoa học. Tuy trong quá khứ lịch sử Việt Nam nói riêng, các nước Đông Á nói chung không chỉ có Nho giáo (với tư cách học thuyết triết học hay tôn giáo, học thuyết đạo đức hay hệ tư tưởng chính trị - xã hội) là duy nhất, nhưng rõ ràng, nó là học thuyết có vai trò quan trọng nhất, ở địa vị hệ tư tưởng chính thống lâu dài và bền bỉ nhất, góp phần chủ yếu làm nên những nét bản sắc của nền văn hóa cả khu vực, nên việc không hiểu đúng, hiểu sâu về nó cũng có nghĩa là không thể hiểu đúng, hiểu sâu về bản chất của tồn tại trong cái nhìn tổng quan đối với toàn bộ quá khứ lịch sử.
Vì thế, các công trình nghiên cứu lịch sử tư tưởng của ông cũng thấm đẫm tinh thần phục vụ thực tiễn.
Bìa cuốn sách "Nho giáo và văn học Việt Nam trung - cận đại" của PGS. Trần Đình Hượu - công trình khoa học được trao tặng giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000.
Trong nghiên cứu văn học, Trần Đình Hượu cũng đứng vững trên mảnh đất thực tiễn văn học Việt Nam. Giữa lúc nhiều đồng nghiệp lựa chọn lý thuyết về đấu tranh giai cấp để phân tích hệ thống các nhân vật văn học, lựa chọn lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực để định giá trị các tác phẩm văn học, lựa chọn hình thái xã hội theo sơ đồ phương thức sản xuất để cắt nghĩa quá trình chuyển biến của văn học Việt Nam từ thời phong kiến sang thời hiện đại v.v…, thì Trần Đình Hượu lại mô tả trung thực thực tiễn văn hóa xã hội Việt Nam.
Trần Đình Hượu quan tâm trước hết đến các loại mẫu người của xã hội Nho giáo: vua, quan, lại, hào, cường, thân sĩ, nhà nho, nông dân tiểu kỷ… Để phân tích các loại nhân vật này, ông thường phân loại theo các tiêu chí. Đây là điểm mới, đóng góp của ông so với các tác giả Việt Nam khác trong cách đọc văn hóa của xã hội Nho giáo hóa. Nhìn từ góc độ chính trị, sự đa dạng của các mẫu người được ông qui về hai kiểu nhân vật: hoàng đế và thần dân. Tất cả đều là thần dân, ngôi hoàng đế có tính thiêng liêng. Góc nhìn này nhấn mạnh bản chất chuyên chế của mô hình xã hội và giúp giải mã nhiều hiện tượng tư tưởng văn hóa trung đại Việt Nam. Để thấy tính chất phong phú, phức tạp của mẫu hình nhà nho trong thực tế, và ảnh hưởng của các mẫu hình nhà nho đến văn học, ông phân biệt ba kiểu: hành đạo, ẩn dật và tài tử. Cách tiếp cận này tránh được cách nhìn sơ cứng và đơn giản so với cách phân loại con người theo tiêu chí giai cấp.
Phó giáo sư Trần Đình Hượu là chuyên gia đầu ngành về lịch sử triết học phương Đông, lịch sử tư tưởng và lịch sử văn học, văn hoá Việt Nam
Nghĩa của khái niệm “thực” của văn học trung đại vẫn bị không ít người hiểu lầm là tả thực, tả chân. Trần Đình Hượu đã công phu giải cấu trúc ý nghĩa của các khái niệm chân, thực đó: “Khi đối trí lời và ý, văn và tâm, cái thực mà họ nói chính là sự trung thực với tâm chứ không phải với cảnh”. Nói một cách đơn giản, chân và thực mà các nhà nho nói là sự chân thực của nhân cách đạo đức. Muốn phát biểu tư tưởng thân dân thì chính người sáng tác phải có tình thương yêu nhân dân thực sự, muốn nói nhân cách cao thượng thì bản thân nhà thơ phải có nhân cách. Về hình ảnh xã hội trong văn học trung đại, ông viết “Xã hội không còn là cuộc sống mà là nhân luân, là trật tự, là nhân tình thế thái. Con người chỉ là những hình mẫu về đạo đức theo luân thường… Thực tế bị ép mất đi sức sinh động mà biến thành những hình mẫu, những vật tượng trưng để nói về Đạo”.
Về quá trình hiện đại hóa văn học, Trần Đình Hượu quan niệm đó là quá trình chuyển đổi của hệ thống văn học từ trung cận đại sang hệ thống văn học hiện đại, từ văn thơ phú lục sang thơ, kịch, tiểu thuyết theo lối mới chịu ảnh hưởng phương Tây.
Nhìn lại sự nghiệp của thầy, không phải tất cả mọi vấn đề đã được giải quyết triệt để, không phải mọi luận đề thầy nêu lên đều đã hoàn chỉnh, song bài học quan trọng chính là ở chỗ nghiên cứu vì thực tiễn, bám vào thực tiễn để nghiên cứu. Mà thực tiễn văn hóa, văn học của dân tộc thì phong phú, đa dạng mà không lý thuyết sẵn có nào của nước ngoài là hoàn hảo để vận dụng.
Một bài học khác theo chúng tôi cũng rất quan trọng với thế hệ trẻ ngày nay, đó là sự kiên định của một bản lĩnh học thuật ở thầy Trần Đình Hượu. Tạm thời trong một giai đoạn từ những năm 1960-1970, thầy Hượu chịu thiệt thòi nhất định vì những tư tưởng học thuật mới mẻ và độc đáo chưa được giới nghiên cứu đông đảo chia sẻ và thấu hiểu. Nhưng thầy vẫn âm thầm làm việc, không thay đổi con đường mình đã lựa chọn. Cuối cùng thì khoa học đã chiến thắng. Sinh thời, thầy Bùi Duy Tân từng nói: có những công trình của ông Hượu khi ông sống một chữ không được in, nhưng khi ông mất rồi, người ta đăng không sót một chữ. Quan điểm học thuật của thầy Trần Đình Hượu cuối cùng đã được xã hội tiếp nhận rộng rãi. Không chỉ các sinh viên cũ biên lục lại bài giảng của thầy thành sách, không chỉ tuyển tập ngót 2000 trang của thầy đã xuất bản, Bộ Giáo dục đã đưa vào sách cải cách Ngữ văn 12 một trích đoạn trích từ sách Đến hiện đại từ truyền thống nhan đề Nhìn về vốn văn hóa dân tộc. Từ học sinh phổ thông đến sinh viên đại học và các nhà nghiên cứu, tư tưởng nghiên cứu của thầy Hượu đã và đang lan tỏa. Đó là niềm tự hào của chúng tôi, những học trò của thầy, của chúng ta, những đồng nghiệp hậu thế của thầy.
Tháng 6 năm 2015
PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ TRẦN ĐÌNH HƯỢU
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 – 1930 (chủ biên). Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, 1988. Văn học và hiện thực (viết chung). Nxb Khoa học Xã hội, 1990. Đến hiện đại từ truyền thống. 1994. Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại. Nxb Văn hoá Thông tin, 1995. Các bài giảng về tư tưởng phương Đông (Lại Nguyên Ân ghi). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001. Tuyển tập Trần Đình Hượu (2 tập) (Nxb Giáo dục 2007).
+ Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000 cho cụm công trình: Đến hiện tại từ truyền thống; Nho giáo và văn học Việt Nam trung - cận đại. |
Tác giả: PGS.TS Trần Nho Thìn; GS.TS Trần Ngọc Vương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn