Mùa gió mới đã về trên những con phố. Những chuyển động mỏng và uyển chuyển, bao bọc lấy tâm hồn trẻ đang chộn rộn trước cái bắt tay chuyển giao dùng dằng giữa từng hạt li ti của mưa xuân với nắng và gió tháng Ba. Một bước đi là một niềm nhớ, một nỗi lưu luyến, có lẽ tôi sẽ cất vào ngăn chứa bí mật của mùa cũ. Vì mùa cũ, sẽ không cần đến người thư ký mà trung thành tỉ mẩn ghi chép lại những chi lưu của cuộc sống.
Nói về một trong những chi lưu đó, tôi muốn mượn câu hát của cố nhạc sĩ Văn Cao trong ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”: “Mùa bình thường, mùa vui nay đã về”. Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ để tự tay cầm bút phác thảo vài vệt chì giản đơn của bức tranh về những năm tháng rong ruổi Hà Nội, dưới ngôi trường nhỏ xinh. Vẫn là những năm tháng miệt mài trên giảng đường, được học với những người thầy người cô đáng kính, vui với bè bạn từ nhiều vùng về Hà Nội trọ học mà có lẽ bất cứ ai là sinh viên đều có cơ hội từng trải. Nhưng với tôi, trong sâu thẳm những “mùa bình thường” đó lại là kết quả của sự tiếp nối không ngẫu nhiên của nhiều mùa khác: mùa chia tay, mùa thi, mùa tựu trường, và có lẽ còn nhiều khoảng trời khác đọng lại sau khi rời xa những “mùa bình thường”. Bởi vậy, như con chim khao khát tự do đến lúc buông ra khỏi những chật hẹp của trái tim và khối óc, tôi thấy “mùa vui, nay đã về” trong khấp khởi ký ức của những ngày đầu ở Nhân Văn.
Ngày tôi chọn lối rẽ vào trường, trời không một gợn mây. Nắng sớm vàng ươm. Mặt trời như rải mật lên những cung đường. Lòng bỗng thấy lâng lâng vì sực nhớ mùi lúa tháng năm thơm nồng trong hốc mũi, đan vào những khoảng trời mùa hè ở nhà bà ngoại. Một ký ức dạt lên trong niềm hứng khởi và hàm ơn sâu nặng. Có được mùi lúa chín cảm nhận bằng khứu giác vốn thân quen với làng quê, vị mặn mòi của thứ nước chấm chắt lọc quyện với cơm nếp dẻo bùi lót dạ ban sớm, tinh thần xem như đã đủ khỏe để có thể bắt đầu thử thách mới cho chặng đua trước mắt. Chỉ chờ được chạm vào tờ giấy thi, sột soạt gió trong không khí mùa hạ tươi mát, lúc đó mọi thứ sẽ cuốn theo dòng cảm xúc và suy nghĩ, để toàn tâm với mọi thứ mình viết. Trong những trang văn tôi viết ngày hôm đó, hình ảnh quê hương hòa làm một với “đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, với những cảm nhận trong sâu thẳm về một miền đất bình yên. Có lẽ nơi tôi gửi gắm trái tim và nhiệt huyết thanh xuân của mình trong chặng sắp tới của cuộc sống cũng chứa đựng trong đó những con người của “đất nước”, của quê hương tươi mới và nồng cháy.
Trong mơ hồ những mùa cũ làm tổ, tôi luôn nhớ về mùa thu đầu tiên ở trường. Một dấu ấn nhẹ và êm nhưng sâu và đậm nét. Tôi, lúc đó đã là một cậu sinh viên, lặng lẽ bước vào cổng trường đại học mà hồi bé vẫn hay mơ hồ gọi bằng cái tên “đại học chữ to”. Những ngày mùa thu cổ kính, hơi cũ và đượm mùi lá cỏ. Tôi tưởng tượng mình đang nghe mùa thu. Rơi trên những bậc thềm tí tách. Từng giọt, từng giọt một, đọng trên hàng dây điện nối dài, như đoàn tàu rong ruổi ra bắc vào nam rồi dừng chân ở những sân ga vắng lặng. Phố bỗng tít tắp. Lòng người cũng xa vắng. Sân trường yên lặng trong buổi chiều tà. Một cảm giác bình yên đến lạ. Cái bình yên không khiến người ta khắc khoải ngay sau đó bởi nỗi nhớ về một miền hoang hoải đang trôi gần về khoảnh khắc của thực tại, mà là sự bao bọc, trong một không gian đủ gần gũi và ấm áp, gói cả trời tuổi nhỏ trong những góc sân, hoen màu rêu phong như mái nhà mười mấy năm gắn bó. Có lúc tôi đã thấy mình tìm được một nơi để náu mình quan sát những chảy trôi theo dòng tuyến tính của cuộc sống ngay trước mặt.
Rồi những mùa cũ về sau. Trong veo. Dịu ngọt. Người lái đò và mùa thu, dường như tôi cảm thấy có chút gì đó gợi mở với hình ảnh này. Có lẽ nó bước ra khấp khởi từ một tác phẩm văn học nào đó. Hay chăng hình ảnh người lái đò là những người thầy đáng kính? Nếu là thế, cái thiên chức cao quý ấy đã chọn cho họ một sự khởi đầu đầy thi vị, khi con đò học vấn khua những mái chèo đầu tiên vào tiết trời đầu thu man mác. Tôi thầm nghĩ con người cũng là chút mùa thu kết tinh trong đó, thì người lái đò thân thương của tôi là một mùa thu ấm áp, một mùa thu sôi nổi, một mùa thu đầy nhiệt huyết. Một chút thu nữa, tôi vẫn luôn cất trong trí nhớ. Đó là mùa thu nhẹ dịu, nữ tính và nồng đượm như bếp lửa. Mùa thu đó tôi muốn chọn để làm quà, như thức cốm làng Vòng thanh nhã trong trang văn Thạch Lam, để dành cho những cô giáo của tôi, những người “không vội”, thong thả và chút ít, chỉ bảo tôi như cậu học trò nhỏ còn nhiều vụng dại và thiếu sót. Nếu được làm mùa thu, tôi muốn làm một thu không mùa. Thu ấy sẽ mãi mãi đọng lại hình ảnh của những tháng năm xa xôi và sáng rực.
Con đò mùa cũ của tôi đã đi qua được những chi lưu của con sông thời gian, đã đằm mình trong bốn mùa đổi thay, chỉ chớp mắt thôi, một hành trình khác đã lại bắt đầu. Hình ảnh con đò của tôi, mái trường của tôi, như một câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”
Lại nói đến mùa cũ. Thực ra trong bốn mùa của trời đất vạn vật chẳng có mùa nào tên là mùa cũ nhưng tôi vẫn thích gọi tên như thế. Mùa cũ là những gì trôi đi rồi lặp lại với một niềm tri ân y hệt như thời điểm nó từng xảy ra, là ngăn kéo cất giữ tất cả những điều tốt đẹp nhưng mong manh sợ có lúc gặp phải bất trắc sẽ vỡ tan chỉ còn là những mảnh vụn để rồi không hẹn mà lác đác rơi như những hạt bụi ký ức trên những quãng tiếp theo của cuộc đời. Mùa cũ hay còn là niềm buồn nơi những trăn trở xao xuyến của tuổi trẻ, của những lo toan mơ hồ và niềm suy tư còn ngọt lịm chưa thấm mùi chua cay. Hơn tất cả, khi mùa đã đi qua, mọi thứ đổi thay, như sự tiếp nối thu qua hạ đến, chỉ có mùa cũ là chứa đựng những cung bậc buồn vui với mong ước giữ cho nguyên khôi những kỷ niệm ngọt ngào và trân quý những điều đã qua.
Mùa cũ hay chăng cũng là môt thứ “phế phẩm của ký ức”? Ở đó ta say đắm với vị rượu nho tinh tế đã “được chưng cất lâu năm án biết bao bụi thời gian”, béo ngậy với hương phô mai đồng đặc từ sữa bò, thanh đạm với vị nấm rơm dân dã… Toàn là những thức quà của thiên nhiên được chế biến từ những công đoạn hết sức đơn giản nhưng đòi hỏi cẩn thận từng chút. Như cái cách ta vẫn gặm nhấm hay thưởng thức vị mùa cũ đã qua dù biết đó đôi khi chỉ là những thứ “dập nát” hay “ôi thiu”. Dù thế nào đi nữa thì mùa cũ cũng là thứ bảo bối để ta vịn vào và bước đi trên những bậc thang của hành trình khám phá đảo cuộc đời. Bởi thế, những điều đã cũ, dù không thể hấp dẫn như mới nhưng đôi khi cựa quậy thoát ra khỏi lớp vỏ phế phẩm của mình rồi khoác chiếc áo màu xanh đi cùng đểcái tôi không còn đơn độc.
Những ngày cuối ở Nhân văn. Tôi thấy mình chững lại. Mọi chuyển động của bàn chân dường như chậm hơn. Có lẽ để thu vào tầm mắt những dấu ấn riêng chỉ ở đây mới có, ít nhất là trong con mắt bé nhỏ của tôi. Một chùm hoa nắng lơ lửng trên ban công tầng 6 nhà E, hàng bằng lăng bướng bỉnh chờ những đợt mưa cuối cùng của tháng năm mới chịu nở, đôi cây phượng đã xa thấp thoáng trong mờ nhòa những ngày nhà M còn chưa xây dựng lại…Một mùa hoa sưa nữa lại đi qua. Hoa rụng sân trường, cành vương đôi bông thưa thoáng. Sương sớm dệt thành từng mảng như đan vào vai áo ai bâng khuâng.
Những mùa kỷ niệm đang bước đi trong tôi.
Tác giả: Vũ Tiến Đạt - K56 Hàn Quốc học
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn