Cả đội tròn xoe mắt khi anh thông báo về chuyến đi sắp tới. Một chuyến đi tình nguyện cách Hà Nội tới hàng trăm cây số - xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Chúng tôi bất ngờ vì chỉ còn hai tuần trước khi mọi thứ sẵn sàng để về với bà con trên vùng đất của núi rừng, của bạt ngàn những ruộng bậc thang, của hoa ban, hoa mơ nở trắng ngần, củanhững con người miền ngược hiền lành, chăm chỉ, mà nghèo khó ấy… đội trưởng mới thông báo cho chúng tôi. Cảm giác đầu tiên của tôi – mà có lẽ là cả “đám người mặc áo xanh” trong phòng họp đội lúc bấy giờ- là hào hứng và… hoang mang. Mới đây thôi, tôi đỗ đại học và chính thức trở thànhtân sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, mọi bỡ ngỡ với Hà Nội náo nhiệt, ồn ào, với guồng quay mới, học tập với bạn bè, thầy cô đến từ mọi miền của Tổ quốc còn chưa “nguôi’’, thì tôi lại sắp cùng đội đến một vùng đất khác. Thích thú ! Nhưng,lo lắng nhiều hơn !
Chúng tôi chỉ có 2 tuần để xắn tay áo và phơi nắng phơi gió quanh quẩn ở Thường Tín và các trường THPT để vận động quyên góp, xin tài trợ cho chuyến đi và quà về cho bà con. Kế hoạch đội trưởng lên chu đáo, cẩn thận.. nhưng rủi ro cao. Vì đội vừa thay một loạt lính mới, non nớt và chưa có kinh nghiệm, vậy mà trọng trách và nhiệm vụ được giao cho lại to lớn. Chúng tôi quyết tâm và hồi hộp chờ đợi ngày đầu tiên được làm việc. Cả đội chia nhóm theo lịch học, nhóm rảnh ban ngàytới “lô cốt’’ ở chợ Vồi– Thường Tín để trông coi, nhận đồ quyên góp.Cabuổi tối, chúng tôi ở lại phân loại quần áo, gói bánh kẹo, gạo, muối, … Sự nhiệt tình của nhân dân ở Thường Tín làm chúng tôi quên hết mệt mỏi khi phải di chuyển liên tục suốt 2 tuần ấy. Mọi người đến ủng hộ chúng tôi, người gửi tiền, người gửi gạo, người cho quần áo, có người tặng bà con Lao Chải cả hàng trăm cân muối,… chúng tôi trêu nhau, rằng “ chợ Vồi không chỉ là đầu mối của những người làm buôn bán, mà đã và đang trở thành Mạnh thường quân của những người làm tình nguyện”. Rồi các em học sinh các trường THPT thì cứ tíu tít: “Em có thể quyên góp sách vở cũ không ạ? Em nghĩ trên đó nhiều trẻ con mà”, “Anh chị ơi có 1 ít quần áo thôi có được tham gia không ạ? Em rất muốn đóng góp cùng mọi người’’. Và tôi hạnh phúc khi thấy ánh mắt chúng hắt lên những niềm vui trong trẻo.
Thành công đến ngỡ ngàng khi 2 tuần chớp mắt vụt qua mà số lượng đồ quyên góp chúng tôi nhận được quá sức tưởng tượng, vẫn còn đó những người liên lạc muốn góp quần áo,vẫn còn đó những cuộc điện thoại ngỏ lời muốn giúp đỡ… nhưng chúng tôi phải lên đường rồi. Xin được cảm ơn những tấm lòng của mọi người, cảm ơn những bữa cơm tại chỗ nóng hổi đầy đủ chất dinh dưỡng, cảm ơn sự nồng hậu chân chất của ba mẹ anh Đội trưởng nữa.
Xe người- xe đồ… chúng tôi đi.
Những đứa con của Nhân Văn đi, mang theo nắng của nhiệt huyết,của tuổi trẻ Nhân Văn sưởi ấm nơi miền cao Lao Chải.
Khởi hành lúc 9 giờ tối ngày 1 tháng 2 năm 2015, 29 thành viên Xung Kích bỏ lại phía sau một Hà Nội lung linh rực rỡ ánh đèn để hồi hộp chờ đợi đặt chân lên vùng đất lạ. Chuyến xe ồn ào một cách vui vẻ cùng những bài hát mà mọi người dành tặng nhau cho tới khi sự cố xảy ra. Khi ấy đã là 2 giờ kém rạng sáng ngày 2 tháng 2 , cả 2 xe đã đều chạm đất Yên Bái.
Mưa…
Con đường chúng tôi đi xuống cấp nghiêm trọng do nhiều xe trọng tải lớn đi qua trước đó. Các thành viên trong đội đều phải xuống xe vì xe nghiêng. Và chính khoảnh khắc đó- khoảnh khắc tôi nhận ra ngoài “đám áo xanh” đang xuống xe, người run rẩy vừa do rét buốt vừa vì sợ, nắm trọn lấy tay nhau mò mò đi vì sợ lạc nhau, sợ làm nhau trơn ngã thì xung quanh tôi là đêm tối với một bên núi, một bên vực- tôi rơi nước mắt. Tôi đã sợ, nhưng những giọt nước mắt kia là dành cho những người bạn của tôi. Sự sẻ chia làm nên kì diệu, và con người ta khi cùng trải qua những điều kì diệu với nhau- một cách vô thức- họ tạo ra một sự gắn kết bền chặt. Tôi đã chứng minh được điều ấy qua câu chuyện của riêng tôi.
Nhân văn đã cho kẻ mới toe này quá nhiều thứ vô giá. Và một trong số đó là những “kẻ Nhân văn” khác, là những người bạn đã cùng tôi viết và đóng gói những kỉ niệm của tuổi trẻ.
Chuyến đi 2 ngày 3 đêm về Lao Chải khép lại với 1500 bộ quần áo, 230 phần quà ( bao gồm có áo ấm, tất, dép, khăn,..),50 gói quà Tết, 900 quyển vở, 20 bộ SGK, 200 cân gạo, 220 cân muối, 900 gói mì.. được trao tận tay các em nhỏ và đồng bảo miền ngược. Với con đường lầy lội trơn trượt mà hằng ngày là đường đi học, đi nương được sửa chữa. Với bài Quốc ca được ngân nga cao vút âm vang giữa núi rừng thăm thẳm. Là cái nghèo vẫn còn đó, là những tấm lòng vẫn còn đau đáu…
Riêng đối với tôi, trở về sau chuyến đi còn là bao nhiêu thương yêu được nảy mầm, nuôi lớn. Tình yêu Nhân văn , chắc chắn phải là tình yêu với những con người Nhân Văn.
Tác giả: Phạm Phương Thúy - K59 Triết học
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn