Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn Hà Nội bởi lẽ thành phố của chúng ta có những đặc trưng riêng mà không thành phố nào trên thế giới có được. Hà Nội, thành phố nghìn năm tuổi, đã từng hứng chịu những làn bom đạn của chiến tranh, những chia cắt và tổn thất. Ngày nay, Hà Nội nay là một thành phố năng động, hiện đại, song vẫn rất đẹp, một vẻ đẹp cổ kính nhưng lãng mạn, hiện đại mà vẫn có nét “quốc doanh”, kiên cường mà vẫn rất dịu dàng, Hà Nội của những con người hiền hòa, thân thiện. Hà Nội cho người ta một cảm giác yên bình và an toàn mỗi khi đặt chân đến.
Quốc kỳ của 3 quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ - Triều Tiêu được đặt trang trọng phía trên biểu tượng bắt tay hòa bình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Mỗi lần nghĩ về Hà Nội là tôi lại nhớ đến đoạn thơ trong bài “Ngày về” của Chính Hữu:Ở Hà Nội, dù là thời bình nhưng đâu đó vẫn có những hình ảnh của thời binh lửa. Một buổi sáng, nơi phố phường chúng ta vẫn có thể thấy dáng dấp của những bộ quân phục màu xanh bộ đội hòa cùng những bộ cánh điệu đà, bắt mắt, hòa trong nhịp sống đời thường của người đi chợ, người tản bộ hóng mát, tập thể dục hay lặng lẽ uống café, đọc báo trầm ngâm… Điều đặc biệt rằng, khi có chiến tranh, chính những người dân Hà thành bình thường đó, đều có thể cầm súng để bảo vệ thành phố. Đối với người dân Hà Nội, dường như chiến tranh và hòa bình đã trở thành lẽ sống, họ có thể trở thành người lính khi cần thiết trở thành những anh hùng nơi trận mạc, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình, nhưng khi hết chiến tranh, họ lại quay trở về cuộc sống bình thường với những công việc thường ngày của những người dân bình dị.
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương.
Nhà lãnh đạo hai nước Mỹ và Triều Tiên có thể cũng sẽ đi qua Hồ Gươm huyền thoại. Một truyền thuyết về Hồ Gươm cũng rất đáng để hai nhà lãnh đạo cùng suy ngẫm về những người Việt Nam không bao giờ lấy chiến tranh làm lẽ sống. Đó là những người đã cầm gươm đánh giặc, và khi hết giặc rồi thì trả lại gươm thần cho Thần Kim Quy để tiếp tục dựng xây đất nước. Hòa bình ở Hà Nội rất quý giá và đáng trân trọng, vì phải đánh đổi bằng xương máu của cha ông, của những người sẵn sàng hi sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc mình. Mỗi người dân có thể trở thành một người lính, nhưng hết chiến tranh thì người lính lại trở về làm một người dân thiện lành. Hà Nội là bảo tàng sống, lưu giữ những kí ức của chiến tranh, nhưng đồng thời cũng đang cố gắng từng ngày xây dựng nền hòa bình lâu dài và vĩnh cửu. Người Việt Nam có thể chấp nhận chiến tranh như là tất yếu và cũng sẵn sàng đàm phán, chấm dứt chiến tranh, khép lại quá khứ để xây dựng một đất nước hồi sinh từ đống tro tàn.
Có thể cả Mỹ và Triều Tiên đều thấy rằng, tại Việt Nam, chiến tranh là điều không ai mong muốn, nhưng khi cần thiết Việt Nam vẫn sẵn sàng bước vào cuộc chiến, và khi chiến tranh qua đi Việt Nam cũng sẵn sàng vượt qua nỗi đau để tái thiết đất nước. Với Triều Tiên, Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ một thông điệp rằng, đã từng là kẻ thù vẫn có thể làm bạn, đã từng chia cắt vẫn có thể thống nhất, đã từng lạc hậu vẫn có thể trở nên hiện đại, nhưng vẫn không quên truyền thống. Việt Nam đã làm được, thì tại sao Triều Tiên lại không?
Tác giả: GS.TS Phạm Quang Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn