Dạy tiếng Việt: Nghề mới của nhiều bạn trẻ
Cách đây độ chục năm, khi mối quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam nồng ấm lên, có rất nhiều chuyên gia và doanh nhân người Hàn Quốc muốn học tiếng Việt để tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển ở Việt Nam. Là một du học sinh ở thủ đô Seoul lúc đó, tôi may mắn được một người bạn thân giới thiệu cho công việc dạy tiếng Việt cho chuyên gia và doanh nhân người Hàn sẽ sang Việt Nam làm việc. Nếu như anh bạn người Mỹ cùng học với tôi làm gia sư tiếng Anh cho người Hàn được khoảng 30 đô-la Mỹ/ giờ, thì thù lao dạy tiếng Việt của tôi được trả gấp đôi. Lý do thật đơn giản vì hồi ấy tìm giáo viên dạy tiếng Việt ở Hàn Quốc khó hơn tìm người dạy tiếng Anh rất nhiều. Nhờ có công việc dạy tiếng Việt đều đặn ấy, tôi đã vượt qua được những tháng năm học hành vất vả vì học bổng của tôi không đủ để trang trải các nhu cầu tối thiểu của một gia đình có con nhỏ ở Seoul. Về tinh thần, tiếng Việt giúp tôi tự tin hơn ở nơi xa xứ. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng nhiều thương gia Hàn Quốc giàu có đang phải phấn đấu từng ngày để chinh phục thị trường lớn gần gấp đôi dân số nước họ, bằng cách cần mẫn học tiếng Việt của tôi. Tiếng Việt không chỉ đẹp đẽ và thiêng liêng trong tiềm thức mà với tôi, đó còn là một cứu cánh mưu sinh.
Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đang trở thành một nghề thu hút các bạn trẻ vì thu nhập tốt
Thời gian gần đây, việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ngày càng lên ngôi ở chính quê hương của nó, theo dấu chân những người nước ngoài ồ ạt kéo đến đầu tư. Hoài kể: “Trước em làm kế toán cho một công ty tư nhân ở Hà Nội. Lương không đủ tiêu nên buổi tối em phải ra vỉa hè ở ven hồ Tây để bán nước trà đá, mực nướng kiếm thêm. Có một số người nước ngoài sống gần đó là khách quen và họ thường bắt chuyện với em. Qua câu chuyện, một số người bộc bạch họ muốn học tiếng Việt. Thế là em thử giúp họ, dần dần thành nghề lúc nào không hay”. Người nọ mách người kia, hiện mỗi tuần cô dạy 5 lớp, mỗi lớp từ 1 đến 5 học viên giúp cô thu nhập khoảng 20 triệu đồng từ các lớp dạy tiếng Việt mỗi tháng. Cô bỏ hẳn việc làm kế toán, đăng ký học bài bản một khóa về “Phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài” của 10 trang web cá cược bóng đá hàng đầu (KHXH và NV) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội để có thêm kiến thức và kỹ năng. Cô cũng mày mò tự học quay video để đăng lên mạng Youtube để học viên có thể luyện tập theo, cũng như để quảng bá cho dịch vụ dạy tiếng Việt của mình.
Giống như Hoài, trong lớp học gần 30 người của chúng tôi, rất nhiều bạn trẻ đã và đang là giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và hoàn toàn sống được với nghề. Làn sóng đầu tư của nhiều nước, đặc biệt là từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan vào Việt Nam đã khiến nhu cầu học tiếng Việt của những người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam tăng rất nhanh. Tuy nhiên, dường như cung không đủ cầu. Ngoài các lớp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài do các trường đại học mở ra trong giờ hành chính, các lớp học theo hợp đồng giữa các trường với các công ty lớn có nhu cầu đào tạo tiếng Việt cho nhân viên là người nước ngoài, thì những người nước ngoài có nhu cầu học tiếng chỉ có vài trung tâm để lựa chọn ở các thành phố lớn. Thường họ phải tìm lớp học theo cách hỏi han, mách bảo lẫn nhau. Thông thường, học phí cho các lớp một thày một trò vào khoảng 200 đến 300 ngàn đồng/ giờ. Nếu học viên làm quản lý cao cấp và giảng viên có thể giảng bằng tiếng Hàn, Nhật thì học phí lên tới 500 ngàn đồng/giờ/người. Nghề dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đem lại cho nhiều bạn trẻ một nguồn thu nhập khá ổn định nên ai cũng có ý thức trau dồi kiến thức, kỹ năng để làm tốt hơn từng bài giảng của mình. Vì thế, các lớp dạy phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài của Trường ĐH KHXH và NV lúc nào cũng đông học viên. Nhiều bạn “khởi nghiệp” bằng cách đi dạy thuê ở các trung tâm, nhận một khoản thù lao rất khiêm tốn để học hỏi kinh nghiệm, kết nối… rồi dần dần chinh phục khách hàng và tạo thành mạng lưới gia sư riêng của mình.
Một lớp học tiếng Việt tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐHKHXH&NV
Nghề dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ngày càng có triển vọng, khi số lượng doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam ngày càng tăng. Giả sử, chỉ 10% trong số gần 180 ngàn người Hàn Quốc ở Việt Nam hiện nay muốn học tiếng Việt thì việc đáp ứng nhu cầu của họ cũng sẽ mở ra một cơ hội lớn cho các trung tâm dạy tiếng. Ở ngoài nước, cộng đồng Việt Kiều ở châu Âu, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng tạo ra một thị trường tiềm năng to lớn cho những người dạy tiếng Việt cho người nước ngoài một cách chuyên nghiệp. Chẳng hạn, ở Đài Loan, từ tháng 9/2018, nước này quy định trẻ em lai đều phải bắt buộc học ít nhất 1 giờ tiếng mẹ đẻ mỗi tuần tại trường học khiến cho nhu cầu giáo viên tiếng Việt tăng đột biến vì có tới gần 90 ngàn trẻ em lai người Việt đang sinh sống ở đây. Vị thế của Việt Nam cũng ngày càng được nâng lên trong khu vực và trên thế giới, khiến ngành Việt Nam học ngày càng có triển vọng, thu hút người học tiếng Việt ở khắp năm châu.
Lò dạy tiếng Việt đẳng cấp số 1 thế giới
Nhắc đến nơi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài lâu đời nhất ở Việt Nam, phải kể đến Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường Đại học KHXH và NV. Năm 2018, Khoa vừa tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập khoa, 62 năm truyền thống dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - Trưởng khoa, trong hơn nửa thế kỷ nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, Khoa đã đào tạo cho hơn 10.000 người nước ngoài tại khoa cũng như tại nhiều trường đại học, nhiều trung tâm Việt Nam học trên thế giới. Trong số đó, có nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu, những phiên dịch viên cao cấp, đặc biệt có 15 sinh viên nước ngoài đã trở thành Đại sứ, Đại biện lâm thời tại Việt Nam.
Nguyên Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - ông Giles Lever đến thăm Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt khi ông chuẩn bị hết nhiệm kỳ đại sứ tại Việt Nam (5/2018)
Các thế hệ giáo sư, giảng viên của Khoa đã không ngừng nỗ lực để bắc nhịp cầu tiếng Việt ra thế giới, giúp người nước ngoài, Việt Kiều, con lai người Việt có thể hiểu và yêu mến đất nước của chúng ta hơn thông qua vẻ đẹp của ngôn ngữ, cũng là một phần của văn hóa Việt Nam. Trong những năm gần đây, Khoa đã biên soạn thành công Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, Định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia, Chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cũng như trực tiếp đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, đặc trách chuyên môn cho đề án Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài…
Mặc dù đã ghi dấu ấn quan trọng trong việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt ở trong nước và trên thế giới như vậy, nhưng khi trò chuyện với những người thầy ở Khoa Tiếng Việt và Việt Nam học, ai cũng thấy toát lên ở họ sự hồn hậu, gần gũi, thân thiện, tự nhiên và dí dỏm, có lẽ do môi trường làm việc của họ gắn với nhiều người nước ngoài. Trong cuốn sách “Nửa thế kỷ khoa Việt Nam học và tiếng Việt” (Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội), tâm sự của các thầy cô giáo lão thành luôn khiến người đọc vừa rưng rưng vừa thi thoảng lại tủm tỉm một mình. Mỗi thầy cô làm nghề “dạy abc” như cách nói của thầy Nguyễn Tài Cẩn (tr.130) đều tranh thủ cơ hội học ngược từ chính học trò của mình để dùng được vài ba ngoại ngữ, cũng là cách để họ dạy học tốt hơn. Thầy Hồ Hải Thụy cũng đã tự học nhiều thứ tiếng theo cách đó. Thầy tâm sự: “Điều quan trọng nhất là phải chú ý đến khía cạnh văn hóa, đừng bao giờ nghĩ mình là trung tâm để đặt những câu hỏi ngớ ngẩn như: Ở Cuba có mấy nhà máy bia? Thời chiến tranh chống Mỹ, một giáo viên của chúng ta, vốn chỉ biết có một nhà máy bia ở đường Hoàng Hoa Thám nên đã đặt câu hỏi như vậy. Giá như bây giờ có ai hỏi anh ta là Việt Nam có bao nhiêu nhà máy bia, chắc anh ta cũng chịu” (tr.134). Còn thầy Hoàng Trọng Phiến khẳng định Khoa Tiếng Việt là cơ sở dạy tiếng Việt đầu tiên của cả nước, mở ra cánh cửa giao lưu hợp tác dạy tiếng Việt với các trường đại học ở nước ngoài. Người mang chuông đi đánh ở nước ngoài đầu tiên là thày Hà Xuân Vinh ở Thụy Điển. Rồi tiếp theo là các thầy Đỗ Thanh, Duy Ngọc, Trần Khang, Đắc Huệ, Đinh Thanh Huệ, Nguyễn Thị Khánh, Quốc Vinh. Họ xứng danh các sứ giả bắc nhịp cầu hữu nghị Việt Nam và các quốc gia trên thế giới (tr.138).
Sinh viên nước ngoài học ngành Việt Nam học tại Khoa Việt Nam học và tiếng Việt
Thế nhưng, thật xúc động biết bao khi nói về cái được lớn nhất trong nghề dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, thầy Bùi Phụng, nguyên chủ nhiệm khoa một thời đúc kết trong một câu giản dị: “Đáng tự hào nhất là các thầy dạy tiếng học được tiếng Việt nhiều hơn (nếu thực sự muốn học), học để yêu tiếng mẹ đẻ của mình hơn, cẩn thận hơn khi viết và nói tiếng Việt”. Với tôi, khi trải qua khóa học Phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, tôi mới chợt nhận ra bấy lâu mình dùng tiếng Việt theo thói quen là chính. Để dạy được cho người nước ngoài, người dạy phải trau dồi rất nhiều kiến thức, kỹ năng, vốn sống và cách ứng xử. Khi đó, cảm nhận của tôi là tiếng Việt vừa hay lại vừa rất khó, và thách thức của người dạy là dẫn giải tiếng Việt sao cho người học thật dễ hiểu, dễ bắt chước để từ đó làm theo. Dạy tiếng Việt, vì thế không chỉ là một nghề để mưu sinh, mà còn là cơ hội để từng người thầy cảm nhận được vẻ đẹp của tiếng Việt, trân trọng và biết ơn món quà cha mẹ tặng cho từ thuở nằm nôi, để được vịn vào đó mà tự hào truyền đi tình yêu quê hương sâu thẳm trong trái tim mình đến với thế giới.
Theo Sinh viên Việt Nam
Tác giả: Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn