Lần đầu tiên tôi đặt chân ra Hà Nội là vào một chiều mưa. Mưa mờ nhòe mùa thu Hà Nội. Mưa giăng mắc nổi niềm của phố. Một ngày cuối tháng tám bốn năm về trước, tôi một mình bước qua cánh cổng sắt sơn xanh cũ kỷ của trường Đại Học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội để dự thi vào khoa Quản trị Văn phòng của trường (trước đây khoa nằm trong Khoa Lưu trữ Học và Quản Trị Văn Phòng của trường). Trước đấy khoảng một tuần tôi biết mình đã trúng tuyển vào Học viện Hành Chính Quốc Gia nhưng tôi vẫn quyết định dự thi vào đây, có lẽ do duyên phận với văn chương cũng có lẽ cái tên trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội để lại ấn tượng rất lớn đối với mình. Vì cả hai chị gái của tôi cũng đều tốt nghiệp trường này ra và đã đi làm, là những cán bộ huyện đoàn địa phương gương mẫu.Cha mẹ tôi ngày trước cũng đã tốt nghiệp trường Nhan văn. Có thể nói, gia đình tôi là một gia đình “Nhân văn” hiểu theo nhiều cách.
Trường Nhân văn nằm gần ngã tư Khuất Duy Tiến, và ngay cạnh một đại lộ ồn ào, tấp nập – Nguyễn Trãi.Một khung cảnh khác hẳn với những gì tôi từng nghĩ trước đây. Nhưng rồi như chợt hiểu Nhân văn, tôi nhận ran ó vẫn chầm chậm bên phố phường tấp nập, tự khoác cho mình những chiếc áo màu vàng nhạt cổ kính của thời gian, làm con người ta thấy thật bình yên, và thanh thản.
Tiến gần vào trường, dòng chữ lớn Đại Học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG nằm hiên ngang trên đỉnh tòa nhà BGH đập vào mắt tôi. Ấn tượng đầu tiên của tôi là dòng chữ lớn ấy, không chỉ lúc ấy mà ngay cả trong suốt bốn năm theo học ở Khoa Quản Trị Văn Phòng và có thể mãi sau này cũng vậy. Thả chân bước xuống con dốc đầu cổng trường khi chúng ta ngước lên thì dòng chữ ấy hiện ngay ra trước mắt như nhắc nhở ta mỗi ngày theo đúng cái tên gọi của nó. Nó làm ta tự hào.
Một mùa hè nữa lại sắp đến, khiến con người ta có chút lo lắng và dường như nỗi lo ấy càng ngày càng tăng lên. Vì chính tại ngôi trường ấy, khoảng không gian bé nhỏ ấy nhưng ắp đầy kỷ niệm, ắp đầy tình cảm với bạn bè, thầy cô trong suốt bốn năm tôi theo học.
Những Nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩ Mác Lênin có lẽ là môn đại cương đầu tiên tôi thích học nhất vì đã cảm nhận được những cái hay, lý tưởng sống cao đẹp trong các giờ giảng của thầy Bình. Dáng thầy nhỏ nhắn nhưng toát lên vẻ nhanh nhẹn, hài hước. Chúng tôi luôn cảm thấy thoải mái trong mọi tiết mà thầy đứng lớp. Ít ai làm được điều đó như thầy đối với đám văn chương “ất ơ” bọn tôi vì Triết học là một trong những môn học khó tiêu hóa nhất.
Rồi những giờ môn Phương pháp luận nghiên cứu Khoa học của cô Hương Giang.Cô không chỉ dạy kiến thức sách vở, cách làm những bài nghiên cứu mà cô còn dạy những bài học làm người.
Tôi còn nhớ ngày 22/11, ngày hội Hiến máu toàn trường Nhân Văn. Có thể nói đây là ngày vui nhất trong cuộc đời sinh viên của tôi. Ngay từ sang sớm, mọi người đã xôn xao, nhộn nhịp chuẩn bị cho một ngày hội 4 tháng một lần. Đội Xung kích cùng đội Máu và sinh viên trong trường đã làm nên một ngày hội hết sức ý nghĩa “Nắng hồng Nhân Văn”.Cũng là lần đầu tiên tôi được thử cảm giác hiến máu của mình, một nghĩa cử cao đẹp mà bấy lâu tôi luôn tự nhủ khi nào đỗ Đại học nhất định sẽ làm.Dúng là một ngày thật ý nghĩa ngay giữa khuôn viên nhà trường.Một ngày Nắng Hồng Nhân Văn ở trường Nhân Văn Hà Nội.
Rồi mùa thi, Nhân Văn xanh, làm tình nguyện mang trong mình tấm áo xanh của trường Nhân Văn, các buổi liên hoan văn nghệ…Tất cả sẽ là hành trang theo tôi đi suốt cuộc đời này. Tất cả sẽ tạo them cho tôi niềm tin để vững bước vào đời. Tất cả sẽ làm mình thanh thản, nguôi ngoai đi trong cuộc sống đô thị xô bồ, tấp nập với vòng xoáy khốc liệt thường ngày của cơm áo gạo tiền mỗi khi mình nhớ về ngôi trường thân thương ấy.
Thời gian như “Bóng câu qua cửa sổ”.Bốn năm như là chớp mắt, như là thoáng qua. Có một lần, vào năm nhất tôi cùng một anh bạn trong lớp lên chuyến xe bus đi đến làng trẻ SOS vừa để chơi thăm thú Hà Nội vừa để tìm hiểu về cuộc sống của các em nhỏ ở nơi này. Một bác gái đã già, trạc ngoài sáu mươi hỏi bọn tôi:
- Các cháu định đi đâu?
Tôi trả lời:
- Bọn cháu đến làng trẻ em SOS ạ!
Bác gái lại hỏi:
- Các cháu là sinh viên tình nguyện à?
- Vâng ạ!
Anh bạn tôi bên cạnh nhanh nhảu đáp.
- Thế hai cháu là sinh viên trường nào?
Không chút ngần ngại, anh bạn tôi bảo:
- Bọn cháu là sinh viên trường Đại Học Ngoại Thương ạ!
Nói xong, anh bạn tôi có vẻ đắc ý lắm. Phải là sinh viên Ngoại Thương hay Bách Khoa, Xây Dựng, Y Dược mới đáng mặt còn nếu khai ra là sinh viên Nhân Văn thì có vẻ cậu ta thấy xấu hổ. Rất nhiều bạn bè trong trường, trong lớp của tôi có cùng một quan niệm tự ti như thế.Theo tôi, đấy là một quan niệm sai lầm. Trường nào cũng có những nét đặc thù riêng của trường đó và sinh viên học trường nào cũng có những năng khiếu, tài năng và thế mạnh riêng của mình không việc gì phải ngại ngùng, xấu hổ khi nói ra mái trường mình đang theo học.
Ngay lúc đó, tôi vội cải chính:
- Không phải đâu ạ! Bọn cháu là sinh viên trường Nhân Văn ạ!
Lúc đó, không những không cảm thấy xấu hổ mà tôi còn cảm thấy tự hào vì mình là sinh viên của trường Nhân Văn. Anh bạn tôi bên cạnh mặt hơi tái vì hổ thẹn đã nói dối bác gái, nhưng bác ấy vẫn điềm đạm và bảo:
- Ngày trẻ bác từng là sinh viên trường Đại học Tổng hợp, tiền thân của Đại Học Khoa học xã hội và Nhân Văn bây giờ. Các cháu không việc gì phải xấu hổ vì mình học trường Nhân Văn mà phải cảm thấy tự hào mới đúng. Đấy là một môi trường tốt, một môi trường đào tạo cán bộ văn hóa bậc nhất ngày xưa, trường không chỉ dạy kiến thức khô khan trong sách mà trường còn dạy cách làm người như chính tên gọi của nó.
Lúc đó, trong tôi trào dâng một cảm xúc khó tả pha lẫn niềm tự hào và trong đầu nhìn thấy một tương lai tươi đẹp đang đón đợi mình phía trước. Dù sau này có đi đâu về đâu, tôi cũng luôn tự hào vì mình là sinh viên trường Nhân Văn và sẽ luôn chỉ nói một câu: “Tôi là sinh viên trường Đại Học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội” mỗi khi ai đó hỏi về thời sinh viên của mình.
Tác giả: Tống Thị Tâm - Khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn