Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Trần Thị Minh Hoà khẳng định: Từ năm 2006, Trường ĐHKHXH&NV đã là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia kiểm định chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cho đến nay, Trường đã xây dựng được hệ thống văn bản liên quan và triển khai nhiều hoạt động liên quan đến kiểm định và ĐBCL và tiến tới xây dựng văn hoá chất lượng. Qua 10 năm thực hiện, ĐBCL đã thực sự trở thành nhu cầu của các đơn vị đào tạo trong trường, là điều kiện quan trọng cho hội nhập quốc tế và sự phát triển bền vững của Nhà trường.
PGS.TS Trần Thị Minh Hoà - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại hội nghị
Hội nghị đã nghe TS Nguyễn Văn Chiều - Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo trình bày báo cáo kết quả đạt được trong 10 năm qua của công tác ĐBCL.
Theo đó, năm 2006, Trường ĐHKHXH&NV là trường đại học đầu tiên của ĐHQGHN thành lập Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo. Trung tâm là đơn vị tham mưu, giúp việc cho Hiệu trưởng trong công tác đánh giá, kiểm định, quản lý, đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trong mọi mặt hoạt động của Trường. Trung tâm cũng là đơn vị nghiên cứu, tư vấn về các vấn đề ĐBCL đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ cộng đồng.
Tính đến nay, đã có 03 CTĐT của Nhà trường gồm CTĐT cử nhân ngành Ngôn ngữ học, Đông phương học, Triết học đã được kiểm định theo chuẩn Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN). Việc KĐCL theo Bộ tiêu chuẩn của AUN đã giúp các khoa và Nhà trường điều chỉnh lại các CTĐT, nâng cao chất lượng dạy và học, thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế. Được công nhận KĐCL theo tiêu chuẩn AUN đem lại cho Trường nhiều cơ hội: sinh viên là đối tượng được hưởng lợi rất lớn từ hoạt động đánh giá này, bởi được học tập trong một môi trường được cải tiến liên tục và ĐBCL. Kết quả kiểm định AUN như một sự khẳng định chương trình đào tạo với xã hội về chất lượng sản phẩm đầu ra của chương trình, vì thế sẽ giúp tăng cơ hội việc làm cho sinh viên. Trong tương lai gần, tham gia kiểm định CTĐT theo chuẩn AUN sẽ tạo điều kiện cho sinh viên được chuyển đổi tín chỉ học tập giữa các CTĐT của các trường đại học thành viên AUN; tạo lợi thế để trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường đại học. Thêm đó, người sử dụng lao động có một sơ sở tin cậy để tìm kiếm nguồn nhân lực ĐBCL, từ một chương trình đào tạo có những tham chiếu chất lượng mang tính quốc tế hoá.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, một số hạn chế của công tác này cũng được chỉ ra như: Về nhận thức, vẫn còn một số bộ phận lãnh đạo, cán bộ, giảng viên chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác ĐBCL và VHCL tại đơn vị; Sự liên thông, liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị về công tác ĐBCL chưa cao; Các CTĐT đã được KĐCL chưa nhiều; Công tác KĐCL đối với các chương trình đào tạo SĐH chưa được thực hiện; Các hình thức phổ biến, tuyên truyền về xây dựng và triển khai VHCL chưa đa dạng, hiệu quả chưa cao…
Đến năm 2020, Nhà trường đặt ra mục tiêu là xây dựng VHCL trong toàn trường trở thành yếu tố cốt lõi để thực hiện các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, phục vụ cộng đồng. KĐCL giáo dục trong Trường sẽ được thực hiện theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ASEAN. Các chỉ số ĐBCL cốt lõi của Trường đạt chuẩn của các trường đại học tiên tiến trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Đối với công tác KĐCL, đến năm 2020, Trường sẽ tiếp tục kế hoạch KĐCL lần đầu đối với các ngành đào tạo theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và AUN. Trong đó, kiểm định các CTĐT hệ chất lượng cao theo định hướng AUN là bắt buộc, tiến tới KĐCL một số chương trình đào tạo SĐH, KĐCL Trường theo chuẩn AUN. Một số chỉ tiêu cụ thể khác như: 100% môn học được lấy ý kiến phản hồi của người học; 100% chương trình đào tạo được lấy ý kiến phản hồi của người học, giảng viên, nhà quản lý, nhà sử dụng lao động; 100% giảng viên thực hiện tự đánh giá…
Tại hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ và đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác ĐBCL như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để cán bộ viên chức nhận thức đầy đủ về công tác ĐBCL, tạo sự đồng thuận trong xây dựng và phát triển VHCL; Sát sao và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch, rà soát đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác ĐBCL; Xây dựng kế hoạch, lộ trình ĐBCL chính xác và tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn và mạng lưới các bộ phận ĐBCL trong Trường; Có chính sách đầu tư thoả đáng cho các hoạt động kiểm định, phát huy tối đa hiệu quả và ý nghĩa của công tác KDCL; Đẩy mạnh, tăng cường các hoạt động giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác ĐBCL giữa các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn