Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Một thiên lịch sử bằng thơ (Ấn tượng về trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của Hữu Đạt)

Thứ năm - 15/12/2016 00:30
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), là tác giả của hàng chục công trình nghiên cứu về ngôn ngữ, văn học. Nhưng còn có một nhà văn Hữu Đạt (Bút danh). Ông là tác giả của hàng chục tác phẩm đủ các thể loại từ thơ ca, kịch, đến truyện ngắn, tiểu thuyết). Trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày (do nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành, 2015) của nhà văn Hữu Đạt nhận được sự đón chào nồng nhiệt của nhiều tầng lớp độc giả. Nó là một điểm sáng trong gia tài văn chương phong phú của nhà văn. Tới đây, vào hồi 14 h, ngày 19-12-2016, Trường Đại học KHXH&NV sẽ tổ chức giới thiệu trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của nhà văn Hữu Đạt. Sẽ có nhiều bạn bè đồng nghiệp và đông đảo sinh viên của Trường tới dự buổi giới thiệu tác phẩm của nhà văn Hữu Đạt. Bài viết của chúng tôi như một bó hoa tươi thắm tặng nhà giáo – nhà văn Hữu Đạt.
Một thiên lịch sử bằng thơ (Ấn tượng về trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của Hữu Đạt)
Một thiên lịch sử bằng thơ (Ấn tượng về trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của Hữu Đạt)

LỊCH SỬ VÀ VĂN CHƯƠNG

Lịch sử không phải là văn chương. Tất nhiên. Nhưng trong một bối cảnh nào đó, lịch sử và văn chương lại trùng phùng, nâng đỡ nhau, hô ứng nhau và chiếu sáng nhau. Lấy ví dụ trong văn chương đương đại cho gần kề, dễ nhớ. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết “nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Tố Hữu) đã nhanh chóng được tiểu thuyết hóa qua Người người lớp lớp (1955) của Trần Dần, Cao điểm cuối cùng (1960) của Hữu Mai. Chiến dịch Hồ Chí Minh và toàn thắng về ta năm 1975 được tái hiện trong các tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy (Trong cơn gió lốc, 1977), Nguyễn Trí Huân ( Năm 75 họ đã sống như thế, 1979). Đáng chú ý nhất phải kể đến tiểu thuyết tư liệu Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2014) của nhà báo Trần Mai Hạnh viết về chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh và ngày tận thế, sụp đổ của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Tác phẩm này mang lại vinh quang cho tác giả bằng hai giải thưởng văn học danh giá (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2014, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, 2015). Cuốn sách được tái bản nhiều lần, tổng số lên tới 10.000 bản (một con số đáng mơ ước với các nhà văn ngày nay). Một số chiến dịch lớn trong chiến tranh cũng được tiểu thuyết hóa như Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu (về chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh), Thượng Đức của Nguyễn Bảo - Trường Giang (về chiến dịch Thượng Đức), vv và vv… Một hiện tượng không thể không nhắc đến để nói về mối lương duyên giữa lịch sử và văn chương. Đó là việc nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật in trọn bộ 17 tập (với 9000 trang in) bộ tiểu thuyết tư liệu có tính chất sử thi Đường thời đại của tác giả Đặng Đình Loan. Bộ sách tái hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam trên chặng đường lịch sử 1954-1975. Điểm nhấn của bộ tiểu thuyết này là tính chất “toàn cảnh” của nó (miêu tả chiến tranh cả ở phía chiến hào, cả ở phía tổng hành dinh, ở cả tầm vĩ mô và vi mô). Phần hư cấu với tư cách là tiểu thuyết dĩ nhiên còn non tay. Nhưng sự dồi dào của tư liệu đã làm cho bộ sách có được cái tính chất toàn cảnh (“panorama”) rất cần thiết đối với tác phẩm văn chương về Cách mạng và chiến tranh chính nghĩa.

Nhìn sang lĩnh vực thơ ca sẽ thấy dấu ấn lịch sử rất rõ – đó là Cách mạng và chiến tranh được tái hiện bẳng ngôn ngữ thơ, bằng thể loại đặc thù có tính chủ công, chủ lực của thơ – thơ dài, trường ca. Đó là những tác phẩm không thể không nhắc tới khi hình dung về lịch sử văn chương thời hiện đại từ sau năm 1945 như Ba mươi năm đời ta có Đảng của Tố Hữu, Bài ca chim chơ - rao của Thu Bồn Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo, Dấu chân trên trảng cỏ của Thanh Thảo, Đổ bóng xuống mặt trời của Trần anh Thái, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh,…Theo thống kê của tác giả Đỗ Quyên, cho đến nay có tất cả 150 trường ca Việt viết về thời hiện đại trong những biến thiên của cách mạng và chiến tranh.

THÊM MỘT TRƯỜNG CA CÁCH MẠNG

Chúng ta từng xem Một thiên lịch sử bằng truyền hình do các nhà làm phim Mỹ sản xuất, nói về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tư liệu và tư liệu. Nhưng người Mỹ đã thổi vào tư liệu hồn cốt của sự sống. Từ cảm hứng đó tôi muốn gọi Cuộc chiến mười ngàn ngày của nhà văn Hữu Đạt là “một thiên lịch sử bằng thơ”.

Nhưng viết trường ca cần có điều kiện tiên quyết - phải…trường lực (khác với viết tứ tuyệt, lục bát, hay thất ngôn bát cú). Nếu so sánh thì người viết trường ca phải giàu lưng vốn như người viết trường thiên tiểu thuyết hàng nghìn trang chứ không phải là truyện ngắn dăm hoặc cùng lắm mấy chục trang. Nếu quý vị quen biết nhà văn Hữu Đạt lâu năm như chúng tôi, sẽ thấy ông là người bền bỉ dựng cơ đồ văn chương từ những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước. Có thể nói mấy chục năm bươn chải sống và viết, nhà văn Hữu Đạt đã trải ngiệm, tích lũy được một lưng vốn đầy đặn. Cái vốn ấy ông trải ra dùng cho kịch, thơ, văn và nghiên cứu, phê bình văn chương. Nhưng viết trường ca, như đã nói ở trên, cần phải trường lực. Đã đành. Nhưng là vốn sống trực tiếp hay gián tiếp? Cả hai. Có thể khẳng định như thế qua trường hợp nhà văn Hữu Đạt. Nhưng rất nhiều người trường lực mà vẫn không thể “bén gót” hay “bén duyên” đến thể loại “trọng pháo” này của văn chương - trường ca -  được. Vì sao? Vì thiếu một nhân tố căn bản - cảm hứng lớn. Chúng tôi gọi là “đại khí văn chương”. Phải có cái khí chất của chim đại bàng chứ không thể là chim sẻ (dẫu cho nếu nướng lên ăn thì thịt chim sẻ sẽ ngon hơn!). Trong một bài viết gần đây Thơ đi về đâu? chúng tôi có cắt nghĩa về sự bế tắc của thơ đương đại (nhất là thơ trẻ) chủ yếu là vì thiếu cảm hứng lớn mang tính nhân văn. Thơ ngày nay ít hướng đến nhân quần, chỉ chăm chú đào xới cái tôi nhỏ bé và ích kỷ khi thoát li hẳn cái ta. Tuyền những nỗi đau hờ, buồn rớt, vui gượng. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, thơ trẻ khéo “thêu thùa” cho mình mà kém “ vá may” cho người!

Trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của nhà văn Hữu Đạt thuộc dòng chính thống văn chương, được viết bằng một cảm hứng lớn mang tính “đại khí văn chương”. Tất nhiên. Phải nói thêm, viết trường ca phải có phẩm chất của một nhạc trưởng, không thể chỉ là một nhạc công. Vai trò nhạc trưởng thể hiện ở quá trình tổ chức kết cấu, chúng tôi xem đây là khâu đột phá đầu tiên và hoàn thiện cuối cùng khi chế tác thành công của một trường ca có tầm vóc và ý nghĩa như Cuộc chiến mười ngàn ngày. Dẫu cho kết cấu là yếu tố hình thức như lý thuyết về tư duy nghệ thuật đã chỉ ra. Nhưng trong nghệ thuật thì hình thức và nội dung giống như hai mặt của một tờ giấy mà thôi. Đặc điểm của kết cấu trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày là gì? Tạm gọi là một “liên khúc chủ đề”. Nếu soi vào nội dung 12 chương của trường ca sẽ thấy rõ đặc điểm này - thứ tự các chương: “Khát vọng mùa thu/ Cuộc kháng chiến 9 năm/ Mãi mãi Điện Biên/ Khi chúng tôi lớn lên/ Cuộc đối đầu lịch sử/ Những người mẹ/ Mái trường Đại học/ Những ngôi làng/ Trận đánh cuối cùng/ Đất nước chuyển mình/ Thách thức/Thế hệ chúng tôi”. Và làm thế nào để kết dính 12 chương, bằng chất “keo” nào? Không thể dùng yếu tố hình thức thuần túy để kết dính các phần/bộ phận của trường ca. Cần có một tư tưởng chủ đạo xuyên suốt như là “sợi chỉ đỏ”. Tôi nghĩ “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chính là “Khát vọng mùa thu” (như tên Chương một). Khát vọng độc lập tự do cho toàn thể dân tộc (“Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” như lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch). Câu nói thành thật nhất của Bảo Đại, vị Vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam: Làm dân một nước độc lập còn sướng hơn làm vua một nước nô lệ. Nói trong giờ thoái vị, trao ấn kiếm cho chính phủ Cách mạng, năm 1945. Khát vọng độc lập tự do đến hôm nay càng cháy rực khi biển Đông đang nổi sóng, khi “Tổ quốc nhìn từ biển”. Định đề của văn hào Nga M. Gorki chưa hề cũ “Thời đại anh hùng đòi hỏi một nền nghệ thuật anh hùng”. Trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của nhà văn Hữu Đạt, có thể nói, thuộc nền “nghệ thuật anh hùng”.

NHỮNG THỂ NGHIỆM NGHỆ THUẬT

Nghệ thuật chấp nhận những tìm tòi, thể nghiệm dẫu thất bại. Cần phải có cái nhìn cởi mở, rộng lượng trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Nhưng phải nói ngay rằng lối tìm tòi của một số “nhóm thơ” gần đây (như Nhóm Ngựa Trời, hay Mở Miệng), thì rõ ràng là không thể chấp nhận vì nó đi chệch ra ngoài quỹ đạo Chân – Thiện – Mỹ. Gần đây nhà thơ Trần Quang Quý có thể nghiệm thơ 5 câu (tập thơ mới nhất của ông có nhan đề namkau), được độc giả đón chào nồng nhiệt. Thơ năm câu Việt có hay bằng thơ hai câu haiku Nhật hay không thì còn cần thời gian minh định.

Thử xem nhà văn Hữu Đạt thể nghiệm nghệ thuật thơ như thế nào trong trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày. Trước hết, trong trường ca này tác giả hạn chế tối đa “tự sự”. Bởi vì nếu sa chân vào tự sự thì sẽ biến tác phẩm thành “thơ dài” chứ không phải “trường ca”. Nhưng có lẽ chủ yếu tác giả tập trung vào thiết kế một kiểu thơ gọi là “thơ hình họa”. Trong tập thơ trước đó Lữ hành (2014) nhà văn Hữu Đạt đã bắt đầu thể nghiệm kiểu thơ hình họa này. Nhưng phải nói là còn dè dặt, chưa thật tự tin. Mới chỉ mang ý nghĩa thăm dò. Đến trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày, nhà văn Hữu Đạt tự tin hơn và đẩy thơ hình họa lên bình diện số một với ý thức về hình thức mới chuyên chở nội dung truyền thống (bình mới rượu cũ!?). Thơ hình họa, theo trần tình của tác giả, không đơn thuần là “trò chơi ngôn ngữ”, mà là những thông tin thẩm mỹ. Những “ý tứ” kín đáo, hàm ý triết lý nhân sinh. Có bao nhiêu hình họa trong trường ca này? Có hình mái nhà rông, hình trống đồng, hình cái lư đồng, hình cái bình cổ, hình cây rơm, hình cái hũ,…Rất nhiều và rất nhiều.

Với tư cách người đọc có kinh nghiệm, tôi chia sẻ với nhà văn Hữu Đạt về tư tưởng chủ đạo của trường ca: “Với những biểu tượng ấy và ẩn ý nhằm bộc lộ rằng, cuộc chiến này là cuộc đọ sức của hai nền văn hóa. Trong đó, Việt Nam là một nước có nền văn hóa lâu đời đã chiến thắng nền văn hóa thực dụng với  những phương tiện và vũ khí hiện đại kiểu Mỹ”. Vậy nên, theo tôi, cần tiếp nhận trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của nhà văn Hữu Đạt từ phương diện văn hóa. Như thế, chúng ta sẽ có cái nhìn về biên độ sáng tạo mở của tác giả. Đặt phạm trù văn chương trong phạm trù văn hóa, chúng ta sẽ nhìn nhận rõ hơn con đường và cách thức viết của mỗi một nhà văn. Là bởi văn hóa của nhà văn hiện đang là một vấn đề rất thời sự (trong khi học vấn của nhà văn được nâng lên rõ rệt thì văn hóa của nhà văn lại có nguy cơ giảm thiểu, vì sao?!).

Tôi muốn nói đến sự ứng xử với tiếng Việt của nhà văn Hữu Đạt (khi ứng xử là một trong những phẩm tính căn bản đánh giá căn cốt văn hóa của một người). Đừng nghĩ một giáo viên văn học, một nhà ngôn ngữ học khi cầm bút sáng tác thì sẽ “chuẩn không cần chỉnh” tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt. Tôi không nghĩ nhà văn Hữu Đạt đương kim Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học (Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV), thì mọi chuyện về chữ nghĩa sẽ hoàn toàn hanh thông. Hiện có gần 300 nhà văn từng là, đang là nhà giáo. Nhưng như tôi biết thì chữ nghĩa vẫn chưa chuẩn. Tôi trích xuất ngẫu nhiên Chương sáu trong trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày - Những người mẹ để soi sáng sự ứng xử với tiếng Việt của nhà văn Hữu Đạt. Người Mẹ vĩ đại nhất của chúng ta, sinh thành ra chúng ta là Mẹ Âu Cơ! Nhưng đó là truyền thuyết. Có một thực thể Mẹ tâm linh lớn lao vô bờ bến là Mẹ Việt Nam. Nhưng đó cũng là trong tâm linh. Còn trong cuộc đời thực thì chúng ta có những bà mẹ khác, bình thường nhưng vĩ đại: “Những người mẹ làm nên điệu múa trống đồng/Lòng thanh thản nhẹ nhàng như  ngọn lúa/ Khi giặc đến trong đêm nằm trở dạ/Vẫn đàng hoàng trong tư thế chủ nhân ông”. Và nữa: “Những bà mẹ tảo tần suốt cả bốn ngàn năm/Từng giọt mồ hôi góp nên trang lịch sử/Không có chữ lấy lá cây tạo chữ/Câu ca dao truyền miệng đến muôn đời”. Viết về Mẹ không thể không đúc kết: “Mỗi tấc đất là một giọt máu rơi/Mỗi cuộc đời là bao nhiêu giọt nước mắt/ Lưng mẹ còng cõng hai đầu đất nước/ Cho một dải non sông chữ S hóa hình hài”. Quan sát thấy nhà văn sử dụng rất nhiều động từ khi viết về người Mẹ (sinh nở, sinh ra, gánh, làm nên, múa, trở dạ, góp nên, truyền miệng, cõng, cầm kiếm, hát, nuôi con, mơ, cười, vật vờ, chao đảo, hóa dáng,…). Mà không riêng gì Chương sáu. Cả trường ca ngập tràn động từ. Động từ tạo không khí thời đại “một ngày bằng hai mươi năm”, “Cách mạng là ngày hội của quần chúng”. Động từ góp vào nhịp điệu (rythme) của trường ca. Một nhịp điệu sôi sục, khẩn trương, quyết liệt. Và đi tới. Đây là một chương viết gọn, cảm động, có dư ba. Chương sáu được kết thúc bởi những câu thơ ám ảnh: “Tổ quốc hỡi! nghìn năm/không có mẹ/Hỏi còn đâu thi sỹ với anh hùng/Mẹ- điểm tựa cho con/Cho đất nước/ Vóc thân gầy đã hóa dáng núi sông”. Nếu nói “văn chương là nghệ thuật ngôn từ” thì khi đọc trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của nhà văn Hữu Đạt không thể không chú ý đến phương diện quan trọng này.

LỜI KẾT

Ai đó nói chí lí: “Không phải là nhà chép sử, mà chính là nhà văn mới là  người chép lại lịch sử cuộc đời”. Từ Lữ hành (2014) còn sâu đậm cái Tôi trữ tình, nhưng là cái Tôi cá thể, phảng phất nỗi niềm cô đơn thế sự, tới Cuộc chiến mười ngàn ngày là một cuộc “lột xác”. Hoành tráng, hào sảng, toàn cảnh, đại khí văn chương, như là những phẩm tính của tác phẩm, nếu có thế nói, là “đỉnh cao” trong gia tài văn chương của nhà văn Hữu Đạt. Ông đã sáng tác hàng chục tác phẩm đủ các thể loại (kịch, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết). Nhưng trong tâm cảm của tôi thì, trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày mới phát lộ bút lực và tài năng của nhà văn. Có thể ý kiến của tôi không giống với nhiều người khác khi đọc văn của nhà văn Hữu Đạt. Đành lòng vậy cầm lòng vậy./.

                                                                                                            Hà Nội, tháng 12-2016

Nhà văn Bùi Việt Thắng

Tác giả: Nhà văn Bùi Việt Thắng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây