Hội thảo lần này quy tụ hàng trăm học giả, chính khách và chức sắc tôn giáo Việt Nam cùng sự hiện diện của các học giả đến từ các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, Đức, Anh, Trung Quốc và Đài Loan. Đây là hoạt động học thuật nhằm thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo Tôn giáo học trong trường, mặt khác còn là cơ hội để các học giả trong nước và quốc tế, cũng như giữa các học giả và các chức sắc tôn giáo có điều kiện trao đổi, gặp gỡ nhằm nâng cao hiểu biết lẫn nhau.
GS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã phát biểu khai mạc hội thảo, đề cập đến mối quan hệ giữa tôn giáo và đạo đức như là hai phạm trù cổ xưa nhất xuất hiện trong đời sống con người. Mối quan hệ giữa chúng cũng vô cùng phức tạp. Có thể có đạo đức thế tục, phi tôn giáo, nhưng không có tôn giáo nào lại không có các chuẩn mực đạo đức của mình. Tuy rằng, các tôn giáo nói chung đều hướng con người tới các giá trị nhân văn cao cả, dăn dạy tín đồ khuyến thiện trừ ác, nhưng lịch sử nhân loại cũng đã chứng kiến không ít các cuộc xung đột, chiến tranh tôn giáo bởi những khác biệt giữa chúng trong các quan niệm về giá trị văn hóa cũng như các chuẩn mực đạo đức.
Bài phát biểu cũng đề cập đến tính đa tôn giáo trong đời sống xã hội Việt Nam. Trong lịch sử, Việt Nam cũng đã lần lượt trải qua các giai đoạn Phật giáo là quốc giáo thời Lý và thời Trần, rồi vai trò đó chuyển sang Nho giáo dưới thời Lê và thời Nguyễn. Từ thời cận đại đến nay, với sự du nhập của Công giáo, tiếp đó là các hệ phái Tin Lành mang tới cho người Việt Nam chúng ta các giá trị văn hóa cũng như các chuẩn mực đạo đức Ki tô giáo làm cho bức tranh đạo đức tôn giáo ở Việt Nam thêm đa dạng.
Một trong những đặc điểm nổi trội trong bức tranh đời sống tín ngưỡng ở Việt Nam là sự dung thông tam giáo (Nho, Phật, Đạo) như là nền tảng tâm linh và tinh thần truyền thống của người Việt. Một trong những lý do khiến các tôn giáo ở Việt Nam có thể dung thông là bởi chúng không quá khác biệt nhau, mà trái lại, có nhiều điểm tương đồng trong các quan niệm về lễ nghi, giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức.
Vậy, đạo đức Việt Nam là đạo đức gì, quan hệ giữa đạo đức tôn giáo và đạo đức thế tục ở Việt Nam có gì khác biệt với ở các nước khác – đó là những câu hỏi được đặt ra cho các nhà khoa học tại hội thảo lần này.
Với trên 80 báo cáo và tham luận, nội dung của Hội thảo chia làm 4 phiên: 1/Tôn giáo và đạo đức: Những vấn đề lý luận chung; 2/Tôn giáo và đạo đức: trường hợp các tôn giáo cụ thể; 3/Tôn giáo và đạo đức trong xã hội: các nghiên cứu so sánh; và 4/ Các vấn đề chính sách và phát huy nguồn lực tôn giáo.
Sau hội thảo này, Nhà trường đã ký văn bản hợp tác với Đại học Trường Vinh (Đài Loan) trong lĩnh vực đào tạo Tôn giáo học, Triết học và các ngành khoa học xã hội khác. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn từ nhiều năm qua có sự hợp tác với một số viện nghiên cứu về lĩnh vực tôn giáo, trong đó phải kể tới Missionswissenschaftliches Institut e. V Missio của Đức hay Institute of Global Engagement (IGE) của Mỹ và nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế khác.
Tác giả: Thanh Ha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn