TS. Nishimura Masanari là một học giả người Nhật Bản có hơn hai mươi năm nghiên cứu Việt Nam trên các lĩnh vực: Khảo cổ, Lịch sử, Văn hóa, Nhân học… Đặc biệt, TS. Nishimura Masanari là một học giả nước ngoài am hiểu sâu và rộng về Khảo cổ học Việt Nam; không chỉ rộng về mặt không quan (các vùng miền), thời gian (từ thời kỳ tiền sơ sử đến thời kỳ lịch sử) và các nền văn hóa cổ mà còn hiểu sâu với từng đối tượng cụ thể: trống đồng, nông nghiệp sớm, khảo cổ học đô thị, gốm sứ và gốm sứ thương mại…
Nhà khoa học Nhật Bản có nhiều gắn bó với Việt Nam - TS. Nishimura Masanari. Ông mất tại Việt Nam năm 2013 khi đang trên đường đi điều tra Chùa Dạm ở Bắc Ninh.
TS. Nishimura Masanari đã cùng các nhà khảo cổ thuộc Trường ĐHKHXH&NV, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia … thực hiện nhiều cuộc khai quật, thăm dò, điều tra khảo cổ học trên lãnh thổ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Ông sở hữu một khối lượng tư liệu quý về lịch sử, khảo cổ, văn hóa và Nhân học không chỉ của Việt Nam mà còn của cả Đông Nam Á.
TS. Nishimura Masanari và vợ là TS. Noriko Nishino có công xây dựng hai nhà bảo tàng: Bảo tàng di tích lò gốm Đương Xá tại Bắc Ninh và Bảo tàng gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan tại Hà Nội. Ông cũng thành lập Quỹ Bảo vệ Di sản dưới lòng đất Đông Nam Á năm 2001 và hoạt động đào tạo sinh viên, cán bộ trẻ về Bảo vệ di sản ở Việt Nam.
Tháng 6/2013, TS. Nishimura Masanari gặp tai nạn và mất trên đường đi điều tra Chùa Dạm (Bắc Ninh). Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với với ngành Khảo cổ học khu vực, đặc biệt là với những người làm Khảo cổ học Việt Nam.
GS.TS Phạm Quang Minh, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, TS. Noriko Nishino và PGS.TS Vũ Văn Quân thực hiện nghi lễ khai trương Phòng đọc Nishimura Masanari
Với tình cảm gắn bó sâu sắc với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, mong muốn tiếp tục thể hiện tình yêu của TS. Nishimura Masanari với đất nước mà ông coi là quê hương thứ hai, gia đình nhà khoa học đã quyết định tặng toàn bộ tủ sách của ông cho một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn uy tín tại Việt Nam. Vợ ông - TS. Noriko Nishino đã lựa chọn Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV là nơi tiếp nhận và khai thác khối tư liệu quý mà ông để lại.
Nhà trường đã quyết định xây dựng Phòng đọc Nishimura Masanari nhằm thể hiện tình cảm tri ân đối với những đóng góp của nhà khoa học Nhật Bản với sự phát triển của ngành Khảo cổ học ở Việt Nam. Phòng đọc này lưu trữ khoảng 7.000 đầu sách và tạp chí thuộc năm lĩnh vực chính: thời đại đồ đá, nông nghiệp sớm, văn hóa Đông Sơn và trống đồng, thành cổ Đông Á và Đông Nam Á, gốm sứ học và lịch sử gốm sứ Đông Á và Đông Nam Á…
Ong bà Nishimura Kenji và Nishimura Mariko - thân phụ và thân mẫu của ông - còn gửi tặng số tiền 50 vạn yên để cho Khoa làm quỹ bảo quản và sử dụng Tủ sách một cách hiệu quả nhất.
Tại lễ khai trương Phòng đọc, TS. Noriko Nishino cho biết cô rất xúc động khi được trao những tư liệu khoa học quý mà chồng mình đã tích lũy trong gần 30 năm nghiên cứu. Lan tỏa và chia sẻ giá trị của khối tư liệu này với các đồng nghiệp Việt Nam cũng là ước mơ của TS. Nishimura Masanari khi sinh thời. Cô hy vọng đây sẽ là địa chỉ tin cậy, là không gian gặp gỡ, giao lưu của những người đam mê khoa học; để những người bạn bè và đồng nghiệp sẽ luôn nhớ đến ông cũng như những tình cảm yêu quý của TS. Nishimura Masanari dành cho Việt Nam.
PGS.TS Vũ Văn Quân - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - cho biết, Khoa sẽ bảo quản và khai thác hiệu quả nguồn tài liệu này. Phòng đọc Nishimura Masanari cũng sẽ là nơi khơi nguồn và tiếp sức cho những đam mê nghiên cứu khoa học, như một biểu trưng của tình cảm và tình hữu nghị giữa các nhà khoa học - các nhà sử học và khảo cổ học hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Đại diện cho Nhà trường, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Nhà trường) bày tỏ sự trân trọng những đóng góp và tình cảm gắn bó với Việt Nam của gia đình TS. Nishimura Masanari. Nhà trường sẽ luôn nhớ đến ông và gia đình như những người thân của mình và sẵn sàng ở bên để chia sẻ, giúp đỡ trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà gia đình TS. Nishimura Masanari cần đến.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn