Tham dự Hội nghị có Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn và Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN Vũ Minh Giang cùng các giáo sư, phó giáo sư và cán bộ quản lý chủ chốt của Trường ĐHKHXH&NV.
Hội nghị đã thông qua báo cáo đánh giá về những kết quả đạt được của Trường trong năm học 2016 - 2017 do GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường) trình bày. Theo đó, Nhà trường đã cơ bản hoàn thành những chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, bảo đảm chất lượng các hoạt động và theo đúng định hướng phát triển chung của Nhà trường và ĐHQGHN.
Về đào tạo, Trường hoàn thành tốt công tác tuyển sinh đại học và sau đại học năm 2016. Quy trình quản lý đào tạo được đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên hoàn thành các học phần, không để thời gian “chết”. Chất lượng đào tạo được nâng cao thể hiện qua số lượng sinh viên giỏi và xuất sắc cao hơn năm trước. Trường cũng hoàn thành việc mở một số CTĐT mới như CTĐT cử nhân Đông Nam Á học, Thạc sĩ Chính sách công, Tiến sĩ Du lịch… Trường đã cấp bằng Thạc sĩ cho 820 học viên và bằng Tiến sĩ cho 81 NCS hoàn thành chương trình học.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Về NCKH, Trường đang triển khai 17 đề tài cấp Nhà nước, 03 đề tài Quỹ Nafosted, 25 đề tài cấp ĐHQGHN và hàng chục đề tài cấp cơ sở. Trường có 05 công trình đạt giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu ĐHQGHN và 01 công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN. Các chỉ số khác trong hoạt động khoa học cũng rất ấn tượng như: tổ chức 33 hội thảo, trong đó có 20 hội thảo quốc tế; xuất bản 15 giáo trình, sách chuyên khảo, trong đó có 02 công trình bằng tiếng Anh; công bố 603 bài báo khoa học, trong đó có 42 công bố quốc tế. Có 06 công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus.
Để thúc đẩy hơn nữa năng lực nghiên cứu và đào tạo, Trường thành lập Bộ môn Tôn giáo học trực thuộc Trường, Bộ môn Chính sách Công thuộc Khoa Khoa học Quản lý, Trung tâm Nghiên cứu Biển và Hải đảo thuộc Trường, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Phát triển Công tác Xã hội thuộc Khoa Xã hội học.
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu đề dẫn Hội nghị
Công tác cán bộ cũng có những kết quả tốt với việc bổ nhiệm chức danh GS cho 3 nhà giáo, chức danh PGS cho 7 nhà giáo. Hiện Trường có 102 GS và PGS, chiếm tỷ lệ 27,49% đội ngũ giảng viên, tiệm cận chỉ tiêu 28% mà ĐHQGHN giao cho Trường ĐHKHXH&NV tính đến năm 2020. Với thêm 24 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hiện Trường có 232 tiến sĩ, trong đó có 224 giảng viên, chiếm tỷ lệ 60,3% đội ngũ giảng viên.
Hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng với 273 đối tác nước ngoài, tiếp 850 lượt sinh viên và các nhà khoa học quốc tế đến nghiên cứu và giảng dạy tại Trường.
Trong năm học 2017 - 2018 tới đây, một trong những nhiệm vụ chính của Trường là sắp xếp, tái cấu trúc ngành và chuyên ngành đào tạo, điều chỉnh CTĐT theo hướng tăng cường liên thông, liên kết; xây dựng một số CTĐT chất lượng cao và các chương trình liên kết đào tạo quốc tế theo hướng xã hội hóa; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống quản lý đào tạo.
GS.TS Nguyễn Văn Kim - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV trình bày báo cáo sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017
Bên cạnh đó, Trường sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành; tham gia sâu rộng vào các chương trình khoa học trọng điểm của Nhà nước, địa phương; đa dạng hóa hợp tác quốc tế trong hoạt động KH&CN; tăng cường công bố quốc tế trên hệ thống tạp chí quốc tế có chỉ số ảnh hưởng cao.
Chia sẻ về những thách thức và khó khăn mà Trường gặp phải trong bối cảnh hiện nay, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu: Trong vòng 20 năm qua, chưa bao giờ mà giáo dục đại học nói chung, ĐHQGHN và các trường đại học về khoa học cơ bản nói riêng lại đứng trước nhiều thách thức có tính chất bước ngoặt như hiện nay. Những thách thức và yêu cầu đổi mới này có nguồn gốc từ chiều sâu của một loạt các chính sách cũng như xu thế đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó thì KHXH&NV cần phải được nhìn nhận đúng vị trí, vai trò trên cả phương diện đầu tư và khai thác.
PGS.TS Trần Thị Minh Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV trình bày báo cáo tài chính năm 2016
Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ, ông ấn tượng với những nỗ lực đạt được trong lĩnh vực công bố quốc tế của Nhà trường, nhưng càng ấn tượng hơn với con số hơn 600 công bố trong nước mỗi năm. Vấn đề cần quan tâm là chiều sâu của các công bố ấy và cách Nhà trường kết nối các sản phẩm đó để tạo nên tiếng nói học thuật mang đặc trưng riêng của mình.
Lãnh đạo ĐHQGHN cũng đề cập đến vấn đề tự chủ đại học như là một xu thế tất yếu mà Nhà trường cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong một vài năm tới đây. Đây không chỉ là thách thức mà còn là thời cơ để Trường ĐHKHXH&NV và ĐHQGHN thay đổi, thậm chí “lột xác” để có diện mạo mới. Điều này sẽ có hỗ trợ từ bối cảnh là thương hiệu ĐHQGHN đang ngày càng thu hút sự quan tâm và đánh giá tốt từ dư luận xã hội. Bên cạnh đó, tinh thần chia sẻ và hợp tác như một nhu cầu tự thân giữa các thành viên của ĐHQGHN ngày càng cao.
Chủ tịch đoàn làm việc tại Hội nghị
Để thực hiện được tự chủ đại học, Trường ĐHKHXH&NV cần tái cơ cấu lại tổ chức sao cho tinh giản, hiệu quả. Các ngành nghề đào tạo cần được rà soát và cơ cấu lại để tạo nên sức mạnh mới trong một sách lược và ý chí chung của cả tập thể. Nhà trường cũng có thể thiết kế thêm các chương trình liên kết đào tạo với các đơn vị khác trong ĐHQGHN để tận dụng lợi thế đa ngành đa lĩnh vực và đáp ứng yêu cầu đa dạng của người học. Về đào tạo sau đại học, Nhà trường cũng cần chủ động trong khâu tạo nguồn đầu vào, đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong tình hình mới.
Một yếu tố quan trọng khác để thực hiện tự chủ đại học là áp dụng quản trị đại học tiên tiến. Nếu quản trị đại học hiệu quả thì sẽ tăng cường được sức mạnh của tổ chức, từ việc có thể mở các CTĐT mới nhanh gọn cho đến xây dựng được môi trường học thuật tự do, cởi mở, chấp nhận sự khác biệt. Quản trị là nền tảng cho những cuộc điều chỉnh mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực khác.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của mạng lưới các trường đại học ở Đông Nam Á cho chương trình đào tạo cử nhân ngành Triết học
Về NCKH, Giám đốc ĐHQGHN đề nghị Nhà trường phải luôn khẳng định được vị thế học thuật ở tầm quốc gia với những công trình khoa học có chất lượng và có tầm vóc quốc gia như tham gia xây dựng chương trình Quốc sử, bộ địa chí quốc gia… mang dấu ấn thời đại. Không chỉ hướng tới tạo lập những “cuộc chơi lớn” trong khoa học mà hoạt động khoa học cũng cần đi vào chiều sâu với những hoạt động thường xuyên và hiệu quả ngay từ cấp bộ môn, cấp khoa.
Cuối cùng, lãnh đạo ĐHQGHN khẳng định, ông tin tưởng vào truyền thống và tiềm lực của Trường ĐHKHKXH&NV, vốn càng trong hoàn cảnh thách thức và khó khăn thì càng phát huy được sức mạnh nội lực của mình. Khó khăn hiện tại cũng chính là cơ hội để Nhà trường vươn lên một tầm cao mới.
Đại diện lãnh đạo ĐHQGHN chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám hiệu Trường ĐHKHXH&NV
Các nhiệm vụ trọng tâm của Trường ĐHKHXH&NV trong năm học 2017-2018:
|
Ba báo cáo chuyên đề được trình bày tại Hội nghị cán bộ chủ chốt Trường ĐHKHXH&NV năm 2017:
|
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn