PGS. Nguyễn Quốc Hùng sinh năm 1936 trong một gia đình tri thức tiểu tư sản tại Hà Nội. Sau khi xong học cấp I tại Hà Nội, ông theo học trường Trung học tại Tân Trào -Tuyên Quang (1949-1951), sau đó đi học tại Trường Trung cấp Sư phạm khối Xã hội của Khu học xá Trung ương (Nam Ninh - Trung Quốc).
Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm (cấp III), ông được cử về dạy cấp II tại trường cấp II thị xã Ninh Bình. Đến giữa năm 1957, ông chuyển về công tác tại Khu Giáo dục Liên khu III. Từ năm 1958-1960, ông chuyển về làm việc tại Ty Giáo dục Sơn Tây.
Đến năm 1961, ông được cử đi học tại Đại học Sư phạm Lê-nin ở Ma-xcơ-va chuyên ngành Lịch sử. Năm 1964, theo quyết định của Nhà nước, ông là một trong số các sinh viên theo học các ngành khoa học xã hội ở Liên Xô và Đông Âu về nước, tiếp tục theo học tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và là sinh viên khoá đầu tiên của chuyên ngành Lịch sử thế giới (1965-1966).
Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quốc Hùng
Năm 1966, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông được phân công giảng dạy phần Lịch sử thế giới hiện đại, và sau đó giảng dạy các chuyên đề về chủ nghĩa đế quốc... cho sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Lịch sử thế giới.
Với kinh nghiệm giảng dạy trước đây, PGS. Nguyễn Quốc Hùng ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc chuẩn bị nội dung lên lớp. Để giảng dạy các phần được phân công, ông đã đầu tư công sức tự học để trang bị thêm kiến thức về các lĩnh vực có liên quan như kinh tế, tài chính... của chủ nghĩa đế quốc. Có lẽ, ý thức tự học, tự lực, vượt khó hình thành trong môi trường Khu học xá Trung ương trước đây đã giúp ông hình thành nên khả năng tự học cao.
Đến năm 1986, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đường lối đổi mới, chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng đòi hỏi phải đẩy mạnh việc nghiên cứu sâu rộng về quan hệ quốc tế. PGS. Nguyễn Quốc Hùng với sự nhạy bén chuyên môn đã nhận thấy cần phải đưa việc nghiên cứu, giảng dạy về Quan hệ quốc tế tại bậc đại học và sau đại học nhằm góp phần phục vụ đường lối hội nhập quốc tế và ngoại giao đa phương của nước ta. Ông quan tâm đến các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN... Sau khi Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập năm 1993, ông được phân công làm trưởng nhóm về Quan hệ quốc tế thuộc chương trình Đại cương.
Năm 1993, ông cùng GS. Phan Huy Lê và PGS. Lê Quang Thiêm tham gia ban điều hành nhằm chuẩn bị xây dựng Khoa Đông Phương học. Sau khi Khoa Đông Phương học chính thức thành lập năm 1995, ông chuyển sang công tác tại Khoa Đông Phương học, đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Khoa kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Nhật Bản học, đóng góp công sức vào việc xây dựng ngành Nhật Bản học còn non trẻ tại Việt Nam.
Ngay từ khi còn rất trẻ, PGS.Nguyễn Quốc Hùng đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ở độ tuổi 19, thày đã được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng của trường cấp II thị xã Ninh Bình. Điều đó cho thấy ở thày không chỉ có khả năng chuyên môn, sư phạm tốt mà còn có cả năng lực quản lý.
Từ khi công tác tại Trường Đại học Tổng hợp, ông cũng được tín nhiệm giữ các chức vụ: Quyền Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1983-1984), Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1983-1990), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương (1990-1995), Phó Chủ nhiệm Khoa Đông Phương (1995-2000), Chủ nhiệm Bộ môn Nhật Bản (1995-2005). Dù ở cương vị nào, bên cạnh công tác chuyên môn, ông cũng đầu tư định hướng cơ bản về chuyên môn, đào tạo đội ngũ kế cận. Ông luôn yêu cầu các thế hệ sau phải không ngừng đọc, học, biến quá trình được đào tạo thành tự đào tạo, cập nhật nội dung bài giảng, nghiên cứu và bản thân thày luôn làm gương cho các thế hệ trẻ noi theo. Một đặc điểm nổi trội trong nguyên tắc làm việc của ông, đó là đòi hỏi sự cẩn trọng rất cao. Hơn nữa, ông cũng luôn chú ý đến việc đoàn kết trong bộ môn và bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ: lao động chăm chỉ và trung thực.
Ngoài công tác quản lý, ông còn dành thời gian công bố nhiều công trình có tính chất đặt nền móng cho nghiên cứu lịch sử thế giới hiện đại, lịch sử quan hệ quốc tế, lịch sử Liên Xô (Nga) và lịch sử Nhật Bản. Tiêu biểu như các giáo trình về Lịch sử thế giới hiện đại (1984 - 1998), Cách mạng tháng Mười và phong trào giải phóng dân tộc (1987), Liên hợp quốc (1992), Quan hệ quốc tế thế kỷ XX (2000), Lược sử Liên bang Nga 1917-1991 (Viết chung với Nguyễn Thị Thư, 2002), Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ quốc tế (2005), Quan hệ quốc tế - Những khía cạnh lý thuyết và vấn đề (viết chung với Hoàng Khắc Nam, 2006), Lịch sử Nhật Bản (2007), Liên Hợp Quốc và lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc (viết chung với Nguyễn Hoàng Quân, 2008)… Ông đã tham gia biên soạn sách giáo khoa lịch sử (phần lịch sử thế giới) cho học sinh phổ thông như Sách Giáo khoa Lịch sử lớp 9, Sách Giáo khoa Lịch sử lớp 12... Ngoài ra, ông tham gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (4 tập).
PGS. Nguyễn Quốc Hùng còn là người đã phát hiện, sưu tầm và dịch bản Tham luận của Nguyễn Ái Quốc tai Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ (1924) và đã được đưa vào Hồ Chí Minh toàn tập. Ông là người đầu tiên dịch và giới thiệu những văn kiện có ý nghĩa quan trọng quan hệ quốc tế như Tuyên bố của ba cường quốc tại Hội nghị Te-hê-ran 1943, Hiệp định của Ba Cường quốc Vĩ đại về các vấn đề Viễn Đông tại Hội nghị Yalta 2/1945, Văn kiện về đầu hàng quân sự của nước Đức quốc xã 8.5.1945, Tuyên ngôn về quyền của con người của Liên Hợp Quốc (1948).
Với tất cả những đóng góp cho sự nghiệp đào tạo giáo dục, ông được Nhà nước phong tặng học hàm Phó Giáo sư năm 1991, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1997, Nhà giáo Nhân dân năm 2008.
PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN NGUYỄN QUỐC HÙNG
+ Đơn vị công tác: Bộ môn Lịch sử thế giới, Khoa Lịch sử (1966-1995). Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông Phương học (1995-2005). + Chức vụ quản lý: Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1983-1990). Quyền Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1983-1984). Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương (1990-1995). Phó Chủ nhiệm Khoa Đông Phương học (1995-2000). Chủ nhiệm Bộ môn Nhật Bản học (Khoa Đông phương học) (1995-2005).
Các nước Nam Mĩ (viết chung)(tập 1). Nxb Sự thật, 1978. Những ngày kỉ niệm và lịch sử (viết chung). Nxb Phổ thông, 1978. Các nước Nam Mĩ (tập 2). Nxb Sự thật, 1979. Nước Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ. Nxb Sự thật, 1983. Lịch sử hiện đại thế giới (1917 – 1945) (viết chung). Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1984. 100 năm ngày Quốc tế Lao động 1-5 (1886-1986) (viết chung). Nxb Lao động, 1986. Cách mạng tháng Mười và phong trào giải phóng dân tộc (viết chung). Nxb Sự thật, 1987. Hồ Chí Minh - cuộc đời nhà cách mạng (viết chung). Dietz Verleg Berlin, 1990 (tiếng Đức). Những nền văn minh rực rỡ xưa (chủ biên). Nxb Quân đội Nhân dân, 1993. Lịch sử lớp 11 (Ban Khoa học Tự nhiên và Ban Khoa học Tự nhiên-Kĩ thuật) (viết chung). Nxb Giáo dục, 1995. Lịch sử lớp 12 (Ban Khoa học Xã hội) (tập 1) (viết chung). Nxb Giáo dục, 1995. Sách bồi dưỡng cho giáo viên lớp 12 (viết chung). Nxb Giáo dục, 1995. Từ điển Bách khoa Việt Nam (viết chung), 4 tập. Trung tâm Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, 1995. Văn minh thế giới thế kỉ XX. Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo dục, 1998. Lịch sử thế giới hiện đại 1917-1995 (viết chung I, II). Nxb Giáo dục, 1998. |
Tác giả: Võ Minh Vũ