Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Nhà Nga học "lặng lẽ"

Thứ ba - 06/10/2015 23:36
“Cứ lặng lẽ làm việc, mọi việc rồi sẽ ổn” - đó là lời thầy dặn tôi ngay từ ngày đầu tiên tôi rụt rè bước vào phòng làm việc của thầy ở nhà E, Trường ĐHKHXH&NV để gặp thầy hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp của mình – PGS.TS Phạm Gia Lâm. Cũng từ đó (2005) đến bây giờ, tôi và nhiều cán bộ trẻ khác trong Khoa may mắn được làm việc với thầy, được thầy lặng lẽ dìu dắt, chia sẻ và giúp đỡ trong chuyên môn cũng như trong cuộc sống.
Nhà Nga học
Nhà Nga học "lặng lẽ"

Thầy luôn là người lặng lẽ làm việc, lặng lẽ chia sẻ với mọi người nhưng đằng sau sự lặng lẽ ấy là cả niềm đam mê nghiên cứu luôn cháy sáng và lan tỏa, là sự uyên bác sâu sắc, là nỗ lực tìm đến những nghiên cứu mới, là tấm lòng nhiệt thành, đôn hậu luôn đồng cảm với mọi người.

Với nhiều thế hệ học trò, thầy Phạm Gia Lâm luôn là tấm gương của sự nỗ lực vươn lên, của khát khao chiếm lĩnh tri thức, vượt qua những khó khăn tưởng như không thể vượt qua nổi. Thầy cũng như rất nhiều thầy cô khác cùng thế hệ đã đi qua những năm tháng chiến tranh, đã rời giảng đường để vào chiến trường, rồi lại quay về với sách vở, đã chật vật đối diện với những khó khăn của thời bao cấp, đối diện với những khó khăn của nghề dạy học,... Câu chuyện về những chặng đường đó có lẽ dài bất tận. Nhưng những câu chuyện thầy kể về những trải nghiệm học hành và cuộc sống của thầy thực sự giúp tôi hiểu thành ngữ tiếng Nga mà thầy thường động viên mỗi khi tôi đứng trước những khó khăn, mỗi lần tôi than thở về những vất vả nhọc nhằn: Все будет в порядке /Tất cả rồi sẽ ổn. Đó là câu chuyện về những khó khăn bất ngờ đến khi thầy chuẩn bị lên đường sang Nga học nghiên cứu sinh: bệnh tật, những khó khăn vướng phải sau thời gian chữa bệnh… Đó là câu chuyện về chặng đường gian nan từ Kharkov đến Matxcova để liên hệ hội đồng bảo vệ luận án TS khi giáo sư hướng dẫn ở Khakov vướng phải những vấn đề về nội bộ thời kỳ đầu Perestroika. Đó còn là câu chuyện kiếm sống bằng nghề dịch trong những ngày quá vất vả… Tôi hiểu thầy không chỉ qua những câu chuyện mà còn bằng chính quá trình làm việc trực tiếp với tư cách là sinh viên, nghiên cứu sinh do thầy hướng dẫn, là đồng  nghiệp cùng bộ môn với thầy. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Lâm

Năm 2005, khi lí thuyết trần thuật học đang còn xa lạ với giới nghiên cứu Việt Nam, thầy hướng dẫn tôi thực hiện khóa luận tốt nghiệp, dùng ánh sáng của trần thuật học để soi chiếu vào tác phẩm của một nhà văn cổ điển Nga thế kỉ XIX. Ngay từ những ngày đầu, thầy chuyển cho tôi tài liệu về Trần thuật học mới công bố của một học giả người Đức viết bằng tiếng Anh. Tôi đọc, dịch và đặt ra rất nhiều câu hỏi với người hướng dẫn của mình còn thầy luôn sẵn lòng giải đáp tất cả mọi thắc mắc đó. Hoàn thành khóa luận tốt nghiệp đồng thời tôi cũng hoàn thành bản dịch sang tiếng Việt công trình của M.Jahn. Thầy, giữa vô vàn công việc (lúc đó đang là Phó Hiệu trưởng thường trực của Trường) vẫn cần mẫn hiệu đính bản dịch đó. Những năm qua, thầy trò chúng tôi đã rất vui khi bản dịch này đã hỗ trợ được rất nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và các nhà nghiên cứu trong các công trình của họ. Sau bản dịch đó, hai thầy trò lại tiếp tục với những bản dịch khó hơn, “dài hơi” và nặng kí hơn, cả tiếng Anh và tiếng Nga. Thầy đã không ngần ngại hiệu đính cho tôi từng trang dịch. Tôi hiểu rằng hiệu đính bản dịch thực chất là thầy dạy tôi học dịch, học ngoại ngữ và học cách nghiên cứu. Và kí hợp đồng dịch tài liệu cũng là cách thầy giúp tôi có thêm một khoản kinh phí nhỏ để trang trải cuộc sống. Sau mỗi bản dịch được thầy hiệu đính, tôi học được nhiều điều từ cách dịch, cách sử dụng ngôn ngữ, cách kiên trì đối diện với cái khó. Và sau mỗi bản dịch, thầy truyền thêm cho tôi niềm đam mê khám phá những chân trời tri thức mới. Những ngày đang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng, những ngày là “thủ lĩnh” của đào tạo tín chỉ, dù liên tục họp hành, công việc quá bận rộn, thầy vẫn miệt mài và lặng lẽ dành thời gian cho công việc chuyên môn. Tôi liên tục nhận được từ thầy những tài liệu mới nhất, hấp dẫn bằng cả tiếng Anh và tiếng Nga hỗ trợ cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Thầy vẫn thường xuyên đưa ra những định hướng và gợi ý để tôi từng bước tháo gỡ những khó khăn, những băn khoăn của mình trong nghiên cứu.

PGS.TS Phạm Gia Lâm (ngoài cùng, bên trái) cùng các thầy cô trong Bộ môn Văn học phương Tây, Khoa Văn học

Nhiều thầy cô và các thế hệ học trò khi nhắc đến thầy Phạm Gia Lâm đều chia sẻ rằng thầy rất nghiêm túc (và nghiêm khắc), cẩn trọng trong công việc, trong chuyên môn. Nhưng bên cạnh đó còn có hình ảnh của một người thầy trong cuộc sống đời thường: nhân hậu, giản dị, bao dung và chuẩn mực. Tôi là học trò được thầy hướng dẫn từ thời sinh viên cho đến bậc tiến sĩ, và cũng là học trò đã và đang tiếp nối công việc nghiên cứu và giảng dạy của thầy nên tôi có nhiều cơ hội để tiếp xúc với thầy và gia đình thầy. Những lần tôi gặp khó khăn, thầy và cô đã và vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ, luôn là nơi bình an để tôi tìm đến. Tôi không thể quên được những chia sẻ của thầy khi thầy và cô trò chuyện với tôi trong quãng thời gian tôi gặp tai nạn, được thầy cô đón về nhà chăm sóc: “Bất kì cán bộ trẻ nào nếu trong hoàn cảnh như em, thầy cô cũng đều sẵn lòng giúp đỡ thôi. Thầy và cô cũng như em, đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ, giúp đỡ từ các thế hệ thầy cô đi trước”. Các cán bộ trẻ trong Khoa trong cả chuyên môn và cuộc sống khi có những băn khoăn, khó khăn cần sự hỗ trợ của thầy, thầy đều lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ tận tình. Trò chuyện với thầy, nghe giọng nói chậm rãi của thầy, nghe những câu chuyện thầy kể vừa hài hước, vừa hấp dẫn, vừa rất thâm thúy, mọi người đều cảm nhận được “chất Nga” nhân hậu, gần gũi và sự uyên bác, sâu sắc của một nhà nghiên cứu, một thầy giáo chuẩn mực.

 Nếu kể tên những nhà Nga học, những người kiên định với nghiên cứu Nga học dù thời thế có nhiều đổi thay không thể không nhắc đến PGS.TS Phạm Gia Lâm. Thầy là người đã từng được đào tạo bậc học tiến sĩ ở Nga, giảng dạy và nghiên cứu văn học Nga trong nhiều năm. Nhìn vào các công trình nghiên cứu của thầy, chắc chắn ta sẽ thấy một quá trình bền bỉ, không mệt mỏi và không ngừng tìm tòi, khám phá, tìm đến những cách tiếp cận mới với văn hóa và văn học Nga. Những bài báo của thầy, chẳng hạn như Motif Kyto giáo trong tiểu thuyết “Nghệ nhân” và “Margarita” của M.Bulgakov: Thử nghiệm tiếp cận liên văn bản, Những kí hiệu văn hóa trong vũ điệu của Natasha Rostova (“Chiến tranh và hòa bình” của L.Tolstoy), Tương tác văn hóa trong sáng tác của V.Nabokov”.... không chỉ là nguồn tham khảo quan trọng trong nghiên cứu, giảng dạy văn  học Nga mà còn là những bài báo có tính khơi mở những cách tiếp cận mới, ứng dụng những lí thuyết mới trong nghiên cứu văn học. Mấy năm vừa qua, thầy đứng ra chủ trì một đề tài trọng điểm về Văn học Nga hải ngoại. Đó cũng là cơ hội để nhóm nghiên cứu Nga-Slav chứng minh được sức làm việc và những đóng góp của mình trong nghiên cứu giảng dạy. Trong năm nay, cuốn sách khá đồ sộ và công phu Văn học Nga hải ngoại: Quá trình – Đặc điểm – Tiếp nhận, chuyển tải những kết quả nghiên cứu từ đề tài trọng điểm đó sẽ đến tay bạn đọc. Thời điểm này PGS.TS Phạm Gia Lâm đang cùng với một số nhà Nga học của Việt Nam tham dự hội thảo Quốc tế lớn kỉ niệm 120 năm ngày sinh của S.Esenin tại Nga. Thầy vừa là học giả Việt Nam được mời tham gia điều khiển tiểu ban, vừa là người tham gia trình bày một tham luận bằng tiếng Nga rất thú vị và hấp dẫn “Проблемы межкультурной коммуникации в переводе стихотворений Есенина на вьетнамских язык” (Những vấn đề giao tiếp liên văn hóa trong việc dịch thơ Esenin sang tiếng Việt). Có thể nói, vị “thủ lĩnh” của nhóm Nga học ấy, bằng chính những nghiên cứu, bằng chính sự giản dị, mực thước của mình đã truyền cảm hứng và niềm say mê nghiên cứu đến các thế hệ học trò – đồng nghiệp.

 

PGS.TS Phạm Gia Lâm trong một chuyến công tác tại Nga

Làm việc, trò chuyện với thầy, tôi luôn nhớ đến câu thành ngữ tiếng Nga mà thầy đã nói với tôi trong buổi tôi bảo vệ chính thức luận án tiến sĩ: Тише едешь, дальше будешь/Lặng lẽ sẽ tiến xa.

 

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ PHẠM GIA LÂM

  • Năm sinh: 1953.
  • Quê quán: Thái Bình.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Văn học, tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977.
  • Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Nga  tại  Đại học Tổng hợp Moskva (Liên Xô) năm 1988.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1996.
  • Thời gian công tác tại trường: 1977 - nay.

            + Đơn vị công tác:

            Khoa Ngữ văn.

Ban Giám hiệu.

            + Chức vụ quản lý:

            Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (2001-2009).

  • Những hướng nghiên cứu chính: Những vấn đề thi pháp và loại hình của tiểu thuyết Nga thế kỷ XX; Các lý thuyết tiếp cận hiện đại trong nghiên cứu văn học.
  • Những công trình khoa học tiêu biểu:

Một số vấn đề lí luận gần đây ở Liên Xô, Tạp chí Văn học (1982).

К проблеме влияния творчества М.А.Шолохова на вьетнамских писателей, Вісник Харківського університету (310'87), 1987.

Những truyền thống của L. Tolstoi trong các tác phẩm viết về chiến tranh vệ quốc vĩ đại của M. Sholokhov, Tạp chí Khoa học ĐHTH Hà Nội, 1988.

Tiểu thuyết Nga xô viết hiện đại: những vấn đề thi pháp của thể loại, Tạp chí Văn học, 1995.

Văn hóa Nga – Một hiện tượng tiêu biểu của sự tích hợp và khuyếch tán văn hóa, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu,1996.

Những chuyển biến của tư duy nghệ thuật trong văn xuôi Nga cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, Tạp chí Văn học, 1997.

Trong lòng và phía sau những kiệt tác văn chương, Một số vấn đề lý luận và lịch sử văn học (Kỉ yếu Hội thảo quốc gia Nghiên cứu và giảng dạy Văn học trong các trường Đại học), Nxb ĐHQGHN, 2002.

Motif Kyto giáo trong tiểu thuyết Nghệ Nhân và Margarita của M.Bulgakov: Thử nghiệm tiếp cận liên văn bản, Tạp chí nghiên cứu Văn học2007.

Những khuynh hướng mới trong nghiên cứu Gogol hiện nay ở Nga: Quan điểm, vấn đề, bài học kinh nghiệm, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, 2009.

Những kí hiệu văn hóa trong vũ điệu của Natasha Rostova (Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoy), Tạp chí nghiên cứu Văn học, 2010.

Sự tiếp nhận tiểu thuyết “Lolita” của V.Nabokov: những khía cạnh văn hóa, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, 2012.

Tương tác văn hóa trong sáng tác của V.Nabokov, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, 2013.

Проблемы межкультурной коммуникации в переводе стихотворений Есенина на вьетнамских язык ”, Сергей Есенин: Личность. Творчество. Эпоха: сборник научных трудов (вМеждународном научном симпозиу-ме, посвященном120-й годовщине со дня рождения С.А. Есенина и Году литературы в Российской Федера-ции). ИМЛИ РАН, 2015.

Văn học Nga hải ngoại: Quá trình – Đặc điểm – Tiếp nhận, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.

Giao tiếp liên văn hóa trong dịch văn học: Trường hợp dịch thơ S. Esenin ở Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu Văn học, 2015.

Tác giả: Nguyễn Như Trang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây