Ca Lê Hiến đã sống 10 năm trên một nửa nước độc lập tự do, trong khi quê hương Miền Nam ruột thịt, nơi chôn nhau cắt rốn của em vẫn bị chia cắt và đang ngập chìm trong máu lửa. Sống và làm việc trên đất Bắc, gắn bó thương yêu Miền Bắc bao nhiêu thì Ca Lê Hiến cũng thương nhớ và xót xa với những nỗi khổ đau của đồng bào Miền Nam bấy nhiêu, tình cảm và ý thức trách nhiệm đối với quê hương luôn thôi thúc, vẫy gọi em về:
“Quê hương đang nước sôi lửa bỏng
Lẽ nào ta lại sống bình yên
Ôi ta thèm được tay cầm khẩu súng
Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè
Nằm chờ giặc trên quê hương anh dũng
Ta say nồng mùi lá rụng bờ tre”.
Cuộc sống ngày Bắc đêm Nam đã được giải tỏa khi theo lời kêu gọi của Đảng, Ca Lê Hiến đã đi đến một quyết định có thể nói là trọng đại trong cuộc đời: em từ chối việc được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài và làm đơn đề đạt với tổ chức xin được lên đường về Nam. Với quyết định này, em chấp nhận chia tay với tất thảy những gì thân thiết nhất: cha mẹ, anh em bạn bè, thầy cô, kể cả người vợ chưa cưới thân yêu của em, người mà bóng hình được em giữ mãi trong tim suốt các năm dài.
Nhà thơ Lê Anh Xuân, tên thật là Ca Lê Hiến (1940-1968). Ông là sinh viên, rồi là cán bộ giảng dạy tại Khoa LỊch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Đây là đoạn ghi nguyện vọng mà Hiến đã gửi lên đề đạt với tổ chức, kiên quyết và thiết tha được trở về Miền Nam tham gia chiến đấu: “Nguyện vọng và quyết tâm của tôi là được về Nam bộ tham gia kháng chiến cùng bà con quê hương trong ấy. Hiện nay chuyên môn của tôi là giảng dạy môn Lịch sử thế giới cổ đại ở Trường Đại học Tổng hợp, nhưng về miền Nam tôi có thể giảng dạy các môn khoa học xã hội cả Văn, Sử... Ngoài chuyên môn ra tôi có khả năng tham gia công tác báo chí hoặc sáng tác thơ. Ngoài công tác giáo dục tôi rất muốn được tham gia công tác về văn học nghệ thuật ở miền Nam. Tôi có thể đi đến bất cứ nơi nào Đảng cần đến. Nguyện vọng và quyết tâm của tôi là được về miền Nam, về lại quê hương tôi”. (Tờ 25-Hồ sơ 1429-Uỷ ban Thống nhất Chính phủ-Trung tâm lưu trữ Quốc gia III).
Trong lý lịch cán bộ, phần kê khai về gia đình, Ca Lê Hiến còn ghi rõ: “Tôi có vợ chưa cưới tên là Bùi Xuân Lan hiện đang học năm thứ ba Học viện Kinh tài Thượng Hải (Trung Quốc)”.
Với tất cả sự nổ lực và quyết tâm ấy, đề nghị của em đã được tổ chức chấp thuận. Sau một thời gian khổ luyện hành quân trên đất Phú Thọ, ngày 22/12/1964, Hiến lên đường đi “B” với cái tên mới là Lê Lan Xuân, ghép chữ Lê Hiến và Xuân lan - đảo ngược thành Lan Xuân; sau này vào chiến trường em lấy bút danh là Lê Anh Xuân. Riêng bút danh này tôi đoán có lẽ là chữ lót của tên 3 người: Lê của Lê Hiến, Anh của nhà văn Anh Đức - là anh ruột của Xuân Lan và là người đã nâng bước em trên con đường văn học nghệ thuật từ những ngày đầu và được em hết sức quí trọng, còn Xuân thì chắc chắn là của Xuân Lan rồi.
Đường hành quân vào Nam là thử thách đầu tiên đối với Ca Lê Hiến. Nếu như ngày nay, đi Hà Nội – TP.HCM bằng đường hàng không ta chỉ mất có 1 giờ 45 phút, còn đi bằng xe hơi thì cũng chỉ mất 2 ngày 2 đêm, thì hồi ấy cuộc vượt Trường Sơn phải kéo dài trong 3 tháng, hành quân vác nặng, trèo đèo lội suối, cơm vắt lá rừng, hiểm nguy chết chóc luôn cận kề. Với vóc dáng thư sinh, chân lại bị tê thấp, lòng bàn chân nứt nẻ, nhưng Ca Lê Hiến quyết chí đi đến cùng vì miền Nam ruột thịt, đi với “tinh thần anh Trỗi” như Ca Lê Hiến sau này từng kể lại với chị Quyên:
“...Ngay từ lúc còn ở trên Miền Bắc tôi đã đắm đuối nhìn tấm ảnh của anh Trổi in trên báo với tất cả lòng thương yêu và kính phục, tấm gương anh Trỗi làm tôi hết sức xúc động. Một tháng sau tôi làm một cuộc hành quân dài 3 tháng trường đi suốt từ Bắc vào Nam. Chính tôi đã đi với sức mạnh của anh Trỗi. Những lúc mệt quá, leo núi cao, hình ảnh của anh Trỗi đã tăng thêm sức mạnh cho tôi và tôi đã đi đến nơi!” (Văn nghệ một thời để nhớ - Bảo Định Giang).
Vừa đặt chân đến Nam bộ, Ca Lê Hiến đã hứng chịu một trận bom và càn quét kinh hoàng. Em đã kể lại chuyện này trong bức thư gửi nhà thơ Chế Lan Viên: “Lần đầu tiên vào Nam bộ, em chịu ngay một trận bom và phải chạy càn suốt bốn năm ngày liền. Có những giếng bom sâu bằng cái ao con, chính em trông thấy những đàn trực thăng rà sát trên đầu mà lúc ở ngoài ấy em cứ phải tưởng tượng”.
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh ( thứ 2 từ trái sang) chúc mừng Ca Lê Hiến (thứ 4 từ trái sang) trong Lễ trao giải cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ, 1961 (Ảnh: TL)
Nhưng Ca Lê Hiến đã hòa nhập rất nhanh vào không khí sôi sục chiến đấu và bắt tay ngay vào công việc. Đó là việc tham dự và viết về Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Miền Nam lần thứ nhất, với kết quả là sự ra đời của tập văn xuôi “Giữ đất” nói về người Anh hùng quân đội Miền Nam – liệt sĩ Nguyễn Văn Tư. “Giữ đất” là một trong hai tập văn xuôi hay nhất viết về Đại hội này, đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1966.
Cũng chính lần dự Đại hội này mà em đã ghi chép được biết bao câu chuyện về các anh hùng, chiến sĩ thi đua của lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam, làm tư liệu sống cho những bài thơ sáng tác sau này như: “Gặp những anh hùng”, “Không đâu như ở Miền Nam”, “Chào các anh, những người chiến thắng”,“Ánh đuốc”, “Anh đứng giữa Tháp Mười”, “ Qua Ấp Bắc” ... Em cũng đã đúc kết được những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ giải phóng quân trong đó có một điểm sáng chói là ý chí tiến công tuyệt vời mà em đã ghi lại trong nhật ký: “Chủ lực: Liên tục tấn công với tinh thần cách mạng, đạp lên sắt thép, đạp lên đầu thù, đạp lên đầu địch tấn công, hy sinh còn tấn công, hy sinh với tư thế tấn công” (Nhật ký Lê Anh Xuân- ngày 14/9/1967).
Hồ sơ của nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) số 1429 - Hồ sơ cán bộ đi B, Phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Và phải chăng cũng từ cảm nhận đó mà sau này, khi bắt gặp hình ảnh người chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Mao đã anh dũng hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất vẫn với tư thế đang đứng bắn, em đã cảm xúc viết nên bài thơ bất tử “Dáng đứng Việt Nam”, ca ngợi lòng dũng cảm tuyệt vời của người chiến sĩ Giải phóng quân:
“...Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.”
Những tháng ngày về thâm nhập thực tế chiến trường tại quê hương Bến Tre, em đã ngày đêm lặn lội đi khắp các xóm ấp để tìm hiều từng người thật, việc thật, cần mẫn ghi chép vào nhật ký hầu như không sót một điều gì mà em bắt gặp hoặc nghe thấy để chuẩn bị tư liệu cho các sáng tác của mình. Có thể kể một số bài: “Gửi anh Tư” (tức anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Tư), gởi lòng thương nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng chân đất; Cô gái đưa đò” ca ngợi gương dũng cảm và mưu trí của cô giao liên trên sông An Hóa, bất chấp hiểm nguy và mưu trí thay nhiều màu áo để kẻ địch không nhận biết được bóng dáng con người cô; “Lão du kích”, một điển hình về lão du kích nông dân miền Nam anh dũng và mưu trí dánh giặc; “Người mẹ trồng bông” sớm chiều yêu thương và âm thầm chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ; “Qua cầu” tặng 12 cô gái Bến Tre đã lấy vai làm cầu đỡ cho bộ đội đi qua; “Cây chông tre” với hình ảnh cỏ cây cũng tham gia giết giặc; “Đuốc lá dừa” nói về một cô giáo dũng cảm, dám lao vào lửa bom na-pan cứu các em bé và hy sinh; “Cô xã đội” (Út Tiết), nghe ca nông còn bịt tai, nhưng đã tay không lấy bót giặc; “Bông trang đỏ” kể về một bà mẹ kiên trì anh dũng, mưu trí, nuôi giấu cán bộ, bị địch bắt đánh mù cả hai mắt vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu và đã hy sinh anh dũng; “Ánh lửa trên sông” nói về em giao liên tên Trì, đã anh dũng nhảy qua tàu địch, tự cho nổ bộc phá, làm cháy tàu và cháy cả thân mình... Đó đều là những con người bình dị nhưng rất đỗi anh hùng.
Lê Anh Xuân (bên trái) và Anh Đức. Ảnh tư liệu
Trong thời gian gần 4 năm về tham gia chiến đấu ở miền Nam, Ca Lê Hiến đã sáng tác 37 bài thơ được in trong tập “Hoa Dừa” dày khoảng 100 trang, một bài “Trường ca Nguyễn Văn Trổi” với khoảng 1500 câu thơ và tập văn xuôi “Giữ đất” nói về người anh hùng Nguyễn Văn Tư ở Bến Tre. Chính những sáng tác thơ, văn đã đưa em vào hàng ngũ những văn nghệ sĩ tên tuổi đương đại và đất nước cũng đã ghi công em bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Các bài thơ của em, càng đọc càng thấy thích đọc, người đọc không có cảm giác như đọc một bài thơ đã được làm sẵn, mà như nghe em đang tâm tình, khơi gợi, với giọng mê say trong trẻo, nhỏ nhẹ chân tình, rót sâu vào tâm tư tình cảm. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần những bài thơ Lê Anh Xuân viết khi trở về chiến đấu ở Miền Nam, nhất là trong thời gian ở Bến Tre, có những bài hầu như tôi đã thuộc lòng. Rất tiếc vì trang in có hạn không thể ghi lại tất cả để mọi người cùng đọc, cùng thưởng thức. Thôi thì cứ lấy ra mấy bài, tuy không phải là đặc sắc nhất, nhưng mỗi bài là một câu chuyện chứa chan tình cảm yêu thương:
Bông trang đỏ Dừa Bến Tre bốn mùa xanh mát Sông Hàm Luông ca hát sớm chiều Hát rằng: Hỡi mẹ kính yêu Cuộc đời mẹ đẹp như màu bông trang.
Nhà mẹ đó một gian nhà nhỏ Mẹ cắm bông trang nhỏ mà thờ Phải chăng mẹ nhớ bóng cờ Các con tập kết bao giờ về đây?
Trên bàn thờ khói bay hương tỏa Dưới bàn thờ ai có biết chăng? Mẹ nuôi cán bộ dưới hầm Mẹ nuôi hy vọng, mẹ mong có ngày...
Ôi quê hương đêm dài tang tóc Lũ chó săn rình rập bên hè Mà lòng bà mẹ Bến Tre Là nơi cán bộ đi về sớm hôm.
Một tay mẹ nấu cơm, kho cá Nuôi các con, nuôi cả phong trào Có lần quân giặc ập vào Mâm cơm vừa dọn, giấu đâu bây giờ?
Mẹ bình tỉnh giả đò thổi lửa Rồi bưng mâm đặt giữa bàn thờ Lâm râm mẹ khấn nhỏ to Hương nhang thơm cả bàn thờ tổ tiên.
Lời mẹ khấn: nhắn tin con biết Vừa cầu mong con được bình an Lắng nghe lũ giặc xa dần Bưng mâm nhìn các con ăn, mẹ cười.
Đêm không ngủ, mẹ ngồi mẹ gác Nghe tàu dừa xào xạc ngoài hiên Giật mình đau nhói trong tim Tưởng đâu quân giặc nửa đêm ập vào.
Đêm ấy...mưa đổ rào như thác Chồng vừa đi công tác ghé về Mẹ mừng mẹ khép cửa tre Bỗng đâu súng giặc bốn bể nổ ran. Ôi lòng mẹ ngổn ngang trăm mối! Mười năm sau mẹ lại mất con Xác con mẹ vớt bên cồn Nửa đêm bó chiếu lén chôn sau nhà.
“Chồng tao chết oán thù chưa hết Nay con tao cũng chết, vì ai? Thù xưa lại đến thù nay Tây đi, Mỹ đến một bầy sói lang”.
Mẹ ngồi gác mịt mùng đêm tối Vết thương xưa đau nhói từng cơn Nhìn bông trang đỏ như son Nhớ con đã khuất, thương con bây giờ.
Có các con mẹ như trẻ lại Nuôi các con – nuôi mãi niềm tin Mẹ ngồi gác giữa đêm đen Nghe gà gáy sáng, bốn bên rạng dần.
Ôi mùa xuân, mùa xuân đồng khởi Tiếng mõ vang, lửa nổi xa, gần Mẹ ơi! Mẹ có thấy chăng? Rừng dừa lộng gió, Hàm Luông sóng gầm.
Chúng con bật nắp hầm đứng dậy Bọn ác ôn run rẩy đầu hàng Mẹ ơi! Mẹ có thấy chăng? Thù xưa đã trả cho chồng, cho con.
Nhưng mắt mẹ chẳng còn nhìn thấy Một bữa kia mẹ tới Mỏ Cày Tại thằng phản bội cung khai Quân thù bắt mẹ, mấy ngày khảo tra.
Giặc đánh mẹ, mẹ la, mẹ chửi Phun bã trầu vào bọn ác ôn Không khai, mẹ cố chịu đòn Mắt già giặc đánh mấy hôm đã mù.
Đêm Đồng khởi lòng già mừng quá Đánh mõ tre, đánh cả vào tay Mắt mù lòng mẹ vẫn say Tay đau chẳng nhớ, đêm dài chẳng quên.
Con thương mẹ mắt nhìn đêm tối Khi bình minh mẹ đã mù rồi Mẹ ơi! Ánh mắt mặt trời Mặt sân dừa rụng biết bao oán hờn.
Mẹ khuất rồi cỏ non xanh mộ Nước hố bom gợn sóng rừng dừa Mẹ nằm năm tháng gió mưa Mà bông trang đỏ vẫn chưa phai màu.” 12-1965 |
Người mẹ trồng bông Tôi gặp mẹ ở nghĩa trang An Thới Tay nhẹ nhàng mẹ xới, mẹ vun Mẹ ngồi giữa những hàng cúc trắng Tóc mẹ và bông gió thổi rung.
Chỗ mẹ ngồi xưa là nền bót Giặc bắn, giặc đâm xác chất thành cồn Đêm đêm cùng bà con trong ấp Mẹ vượt rào khiêng xác đem chôn.
Những nấm mộ chôn thầm, chôn lén Không có bia, không một cành bông Nghĩa trang chính là lòng của mẹ Nơi anh hùng yên nghỉ có mùi hương.
Hôm nay đồn giặc không còn nữa Trời thênh thang, đồng lúa chín vàng Mẹ ngồi giữa hàng bông rực rỡ Cỏ mùa xuân xanh mướt nghĩa trang.
Mẹ nhớ rõ tên từng ngôi mộ Mộ Giải phóng quân cạnh Vệ quốc đoàn Ôi các anh đã khuất rồi nằm đó Mà vẫn thẳng hàng như một đoàn quân.
Mẹ kể, đã mấy lần phản lực Mang đạn bom trút xuống nghĩa trang Mẹ cùng với bà con trong ấp Đã mấy lần dập lửa na-pan.
Và hôm nay chiều nghĩa trang rất đẹp Mộ anh hùng nắng dát vàng tươi Bông mẹ trồng không sợ gì sắt thép Đã vươn cao thơm mát cả da trời.
Bông mẹ trồng là lòng mẹ, mẹ ơi! 11-1965 Ánh lửa trên sông Hoàng hôn thuyền đậu bến sông Chờ khi đêm xuống vượt dòng Cổ Chiên
Em Trì, em nhỏ giao liên Dáng trai nhanh nhẹn, mắt đen hay cười Em đang té nước nghịch chơi Giật mình cá nhảy thơm mùi phù sa Sáng chiều như có khói nhòa Một vùng man mác bao la nước trời Bần như rặng liễu xanh tươi Bóng soi nước biếc, sóng dồi thiết tha Hỏi em, em đã mất cha Cha ra đánh Pháp thường qua sông này Bây giờ đánh Mỹ con thay Lại làm liên lạc ra tay chống chèo Mịn màng đêm xuống trong veo Từng chùm đom đóm vàng treo trên cành Ấy là lúc sóng réo quanh Hiên ngang thuyền nhỏ băng mình trong đêm Ấy là lúc trước mũi thuyền Bóng em khắc đậm giữa nền trời sao Vai em ướt đẵm sóng trào Lặng im em vẫn dõi vào đêm khuya Mắt em ngắm, tai em nghe Từng cơn sóng cuộn, từng bè lá trôi Ở đây tàu Mỹ ngược xuôi Máu người còn đấy, xác người còn đây Thù xưa cùng với thù nay Nén trong thủ pháo hai tay em cầm Thuyền đi máy vẫn rì rầm Dịu dàng lòng trẻ vẫn thầm ước mong: “Bình yên thuyền cập bến sông Thì em mừng lắm, còn mừng nào hơn Qua sông nguy hiểm chẳng sờn Đạn bom em vượt, sóng cồn em qua” Bỗng đâu một ánh đèn pha Như thanh kiếm vụt chói lòa mắt em Đạn tàu vây đỏ quanh thuyền Tay cầm thủ pháo ngực em phập phồng -“Dẫu em có chết giữa dòng Mấy anh còn sống thì lòng em vui” Tàu thù vừa ập đến nơi Em Trì tôi đã ngang trời đứng lên Giọng em vút ngọn sóng rền Thanh thanh như tiếng chim chuyền cành xanh: -“Bác Hồ ơi, cháu hy sinh!” Nói rồi em vụt lao nhanh qua tàu Sông bừng lửa đỏ, thuyền chao Cổ Chiên dồn dã sóng gào không nguôi Em trì hỡi! Em có vui? Đáy sông xác giặc chìm rồi em nghe Thôi em ở lại anh đi Giết xong giặc Mỹ anh về thăm em Thôi em ở lại Cổ Chiên Quê hương, sóng vỗ ru em bốn mùa Bình yên thuyền đã đến bờ Xa còn thấy bóng em thơ giữa dòng Sáng ngời anh lửa trên sông. 10-1967 |
Nói thật là khi đọc và chép lại các bài thơ về Bến Tre của Hiến bao nhiêu lần mắt tôi bị nhòe vì xúc cảm, mỗi bài thơ là một câu chuyện lay động lòng người, là một tấm gương anh hùng người thật việc thật, không hề hư cấu. Cũng nghĩ rằng đây đâu phải là những câu chuyện chỉ riêng có ở Bến Tre thuở quê hương Miền Nam đang còn ngập chìm trong máu lửa.
Tôi vẫn cứ chép tiếp:
Em gái đưa đò Em mười tám tuổi giao liên Trên sông An Hóa ngày đêm đưa đò Khi trưa nắng, lúc chiều mưa Đò em vẫn nối hai bờ dừa xanh.
Một lần trời mới bình minh Em đưa lực lượng biểu tình qua sông Vì sao giặc bắn, giặc ngăn Qua sông em chẳng ngại ngần vì sao?
Em nghe đạn rít qua đầu Mà em vẫn đứng bóng cao giữa trời Mái chèo giặc bắn gãy đôi Buông chèo thoăn thoắt em bơi bằng dầm
Qua sông, đò vẫn qua sông Tìm em, quân giặc đừng hòng tìm em Áo em như có phép tiên Đò qua mấy chuyến áo em mấy màu Lúa vàng, vàng rực như sao Lúa xanh, xanh biếc như màu tóc em Lửa hồng như máu trong tim Trái tim dũng cảm vượt trên đầu thù Lúc đen, màu áo chiến khu Lúc em trắng áo học trò thương yêu Lúc như hoa tím trời chiều Thủy chung màu áo, trong veo tâm hồn.
Trên sông súng vẫn nổ giòn Đò em vẫn lướt sóng dồn hai bên Trùng trùng người chật như nêm Đội quân “đầu tóc” xông lên ào ào Đò xong, em vội cắm sào Bóng em thoắt đã nhập vào đoàn quân Hỡi em – cánh én mùa xuân Hòa trong muôn vạn anh hùng Miền Nam Vẫy vùng một chiếc đò ngang. 10-1965 |
Qua cầu
Sao anh lại bước ngập ngừng Vai em dù nặng đâu bằng vai anh Một đêm dưới nước ngâm mình Tụi em lạnh ít, mấy anh lạnh nhiều Hỡi anh giải phóng thân yêu Thương anh khi sớm, khi chiều hành quân Vai anh khiêng súng tím bầm Đường xa mưa ướt mấy lần, anh ơi! Gốc tràm chân bật máu tươi Thương anh lội nước Tháp Mười mênh mông Đi đi, anh cứ qua sông Đừng lo cầu nổi bềnh bồng, anh nghe! Vai em đỡ, tay em ghì Em kềm thật chắc, anh đi yên lòng Đi đi, anh cứ qua sông Kịp giờ nổ súng, em mừng, em vui Dưới sông ngực đập bồi hồi Mười hai cô gái, mười hai nhịp cầu Mặt sông ánh một trời sao Mắt em lấp lánh, sao nào đẹp hơn?
Hành quân lòng bỗng bồn chồn Qua cầu lại nhớ vai tròn của em. 10-1966 |
Lão du kích
Tuổi lão ngoài sáu mươi Vóc người còn khỏe lắm
Lão nói chuyện rất vui Giọng lão cười sang sảng.
Cả ngày lão ở trần Ngang lưng lận bao thuốc
Đầu bịt chiếc khăn rằn Tay lão cầm mác vót.
Cuộc đời lão thuở xưa Kể hoài không hết khổ
Lão như chiếc lá khô Hận thù cao hơn núi.
Năm ba mươi, bốn mươi Lão có treo cờ đỏ
Trống đình thúc liên hồi Chính một tay lão đó.
Dạo đánh Pháp chín năm Lão vô chân “ tự vệ”
Sau mỗi trận thắng càn Lão hoa tay hát bộ.
Bây giờ lão ngồi đây Vót mũi chông bén ngọt
Mỗi lần nghe máy bay Lão vung cây mác vót:
-“Mặc phản lực lộn nhào Lão đây đâu có sợ
Chỉ gãy vài cây cau Lão vót làm chong đó”.
Rồi lão kể tôi nghe Chuyện đánh ong vò vẽ
Mặt thằng Mỹ sưng vù Giọng lão cười rất khỏe.
Nào chuyện đắp pháo đài Lão đòi lên pháo kích
Lũ trẻ nhìn lão cười -“Ngắm súng phải mang kiếng”
Chuyện lão cùng thằng con Căng dây chì trên lộ
Chờ lũ xe ác ôn Vướng dây rơi xuống hố.
Nghe chuyện tôi hình dung Tay lão cầm mác vót
Vỗ đùi nhảy lên đường Bắt bảo an sát bót.
Lão nói lão già rồi Mỗi lần đi đánh giặc
Lão chỉ cần ít thôi: Rượu trắng xin vài hớp.
Thấy tôi nhìn ngôi nhà Cột kèo trây đất sét
Lão khoái chí gật gù Rồi ôn tồn giải thích:
“Mỹ dội bom na-pan Lão trị bằng cách ấy
Đưng, lá cháy mấy lần Nhưng cột kèo không cháy”.
Tôi bỗng thấy lạ lùng Một ngôi nhà lá nhỏ
Ôi bùn đất Việt Nam Mạnh hơn bom đạn Mỹ.
Tôi nhìn kỹ ngôi nhà Rồi nhìn lão ngồi đó:
Lưỡi mác lóe trời xa Râu dài rung trắng xóa.
1-1966
Và còn rất nhiều bài nữa, mà mỗi bài là một gương chiến đấu anh dũng của những người con của mảnh đất Miền Nam anh hùng. Trong đó không thể không nhắc đến bài thơ bất hủ “Dáng đứng Việt Nam” tạc hình người chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam bình dị mà anh hùng, tạc hình đất nước Việt Nam là đất nước anh hùng của thế kỷ; một bài thơ đã đưa tên tuổi em vào những trang sử sáng chói của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Dáng đứng Việt Nam
“Anh ngả xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và anh chết trong tư thế đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vòng.
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân anh tránh đạn
Bởi anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.
Anh tên gì hỡi anh yêu quý
Anh đứng lặng im như bức tường đồng
Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong.
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.
Tên anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.
5-1968
Nhưng Ca Lê Hiến vẫn chưa mãn nguyện với những trang thơ đã viết, em vẫn cảm thấy cần phảỉ có mặt ngay giữa cuộc chiến đấu đang rất ác liệt để có thể nói lên nhiều hơn nữa những điều kỳ diệu về con người Việt Nam, về đất nước Việt Nam. Đây là bức thư ngắn của em gởi cho Viễn Phương, với lời lẽ hết sức tha thiết xin được ra mặt trận:
“Chúng em đã xuống đây rồi, không thể nào trở về không cho được. Xin các anh cho chúng em đi một chuyến ngắn, một chuyến rất ngắn, chỉ vài ngày thôi để biết hơi thở của chiến trường rồi chúng em sẽ trở về căn cứ. Không đi xuống vùng sâu thì không thể nào chúng em có được tác phẩm tốt về cuộc tổng công kích lịch sử này. Chúng em vẫn bám trụ ở đây, và chờ các anh cho người qua đón”.
Nguyện vọng được chấp thuận, em hăng hái quảy ba lô lên đường. Nhưng đâu có ai ngờ rằng đây lại là chuyến đi định mệnh, em đã hy sinh vài ngày sau đó, và hành trình thơ của em cũng phải dừng lại với bao dự định sáng tác đang còn ấp ủ. Đó là lần xuống chiến trường tham gia đợt II cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, trong ba lô còn nguyên vẹn quyển nhật ký được em ghi chép đều đặn từ khi bước chân ra đi trên đất Bắc cho đến 24-5-1968 là ngày hy sinh của em, vào độ tuổi 28 xuân xanh.
Được tin em hy sinh, người vợ chưa cưới của em - Xuân Lan, khi đó đang ở Hà Nội đã nói lên lòng mình bằng những dòng thơ sau đây:
Một cuộc đời
Mười chín tuổi, tôi gặp lại anh
Không kịp nghĩ gì mà như không còn gì để nghĩ
Ngoài một cảm xúc rộn ràng bỡ ngỡ
Muốn nhìn anh, muốn đến bên anh
Không, cũng không hẵn là như thế
Bởi ánh mắt anh sao như mời gọi:
“Đến với anh đi. Hãy đến bên anh”
Hai chúng tôi đã cùng đến.
Rất ngắn và cũng rất dài
Mọi vật như ngưng lại
Đất trời như chưa tồn tại bao giờ
Chúng tôi đã đến bên nhau như thế
Giản dị, thiêng liêng, tràn dâng như sóng bể
Vui sướng, yêu thương, hạnh phúc ngập tràn
Cả hai rạng rỡ như chưa bao giờ rạng rỡ
Như thế...và cũng chỉ là thế
Bởi chúng tôi quá trẻ, quá khát khao
Cuộc sống hôm nay, cho cả mai sau
Không một lời, mà ánh mắt đã trao:
Hảy chờ nhau!
Hai ngày sau
Tôi và anh, mỗi người một phương xa lắc
Tôi bay lên bắc, anh vượt về nam
Đường tôi đi thênh thang rộng mở
Trong bình yên, tôi được nuôi dưỡng nên người
Từng tháng năm đằng đẵng trôi
Cũng từng tháng năm đong đầy thương nhớ!
Trong khắc khoải, tôi mong ước đợi chờ
Tôi vẫn sống, đã sống như triệu người đang sống
Mà tim vẫn vang vọng gọi người:
“Anh đang ở đâu? Anh ở đâu?”
Bởi đường vô Nam, anh đi trong lửa đạn
Đói rét, ốm đau, bệnh tật
Chết sống cận kề trong gang tấc
Anh cứ đi và vẫn sống những ngày như thế
Vẫn cùng đồng đội súng trong tay
Cùng vẽ lên những trang sử hùng oai
Cùng viết lên những vần thơ cháy bỏng
Ca ngợi con người, ca ngợi cuộc sống.
Anh vẫn đi tiếp bước về phía trước
Mãi đi như thế, anh cứ đi
Cho đến khi tim anh ngừng đập
Một cuộc đời chỉ hăm tám năm thôi
Mà sao đáng sống như người đã sống
Và anh đã nằm sâu trong lòng đất
Đã hiến dâng cho Tổ quốc bình yên:
Cả cuộc đời
Một khối óc
Một trái tim.
Xuân Lan (Hà Nội tháng 12-1968, được tin anh hy sinh ngày 24-5-1968).
Và cũng suốt mấy mươi năm từ ngày đất nước được giải phóng, năm nào cũng như năm nào, cứ đến Tết và ngày giổ của Ca Lê Hiến, cho dù đã có gia đình riêng nhưng Xuân Lan luôn có những bó hoa đẹp nhất đem đặt trước mộ Hiến với những giọt nước mắt âm thầm, lặng lẽ...
Tác giả: Nguyễn Long Trảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn