Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Cột cờ Lũng Cú

Thứ hai - 17/07/2017 23:46
Xe chuyển bánh, Đoàn cựu chiến binh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chúng tôi lên đường. Không rõ đây là lần thứ bao nhiêu Hội cựu chiến binh trường tôi thăm lại những chiến khu cách mạng, những vùng chiến sự của một thời trai trẻ. Hai chiếc xe vừa rời cổng Trường, chuyển bánh là mọi người trong xe lập tức sống lại cái cái cảm xúc lên đường vào trận những năm xưa. Sau mấy mươi năm, tuổi đã cao, chúng tôi không còn cái cảm giác hừng hực khí thế “Chúng tôi lên đường, tuổi hai mươi, để lại trang thơ viết giở, và một tình yêu chớm nở…” như trong bài hát Mãi mãi tuổi hai mươi của Quý Lăng. Đây là chuyến lên đường “Hành trình về nguồn” của lớp U 60, 70, của các cựu chiến binh “tiền hưu trí”.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú

Hội cựu chiến binh Trường, nói như ai hôm nào, đang mỗi năm một “teo lại”. Danh sách Hội thưa thớt dần, những chuyến “về nguồn” mấy năm qua ngồi chưa đầy một xe, vậy mà hôm nay mùng 7 tháng 7 năm 2017, tự nhiên tăng đột biến: một đoàn 2 xe hoành tráng. Vì sao mọi người hưởng ứng, đông vui, ra đi hùng hậu vậy ? Thoạt đầu, tôi nghĩ có thể do GS.TS Nguyễn Văn Kim năm nay tham gia với Đoàn. Sự có mặt của đồng chí Bí thư Đảng ủy quý mến có thể làm tăng hưng phấn và niềm tin cho Hội. Có thầy trong Ban Giám hiệu đi cùng là một sự đảm bảo cho tính tổ chức, sự cảm thông của lãnh đạo nhà trường. Nguyên nhân thứ hai, có thể vì năm nay là chuyến “Bắc hành” nhằm chiếm lĩnh một đỉnh cao đang được huyền thoại hóa: Cột cờ Lũng Cú biên cương ? Sự đông vui, khí thế của Đoàn có thể được tổng hợp từ cả hai nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân sâu xa. Nguyên nhân thứ nhất như một kích thích trực tiếp.

Lên đường (ảnh Phạm Công Nhất)

Vượt đèo (ảnh Phạm Công Nhất)

Đoàn đi đã có một kế hoạch lên từ đầu tháng trước:  05h00 mùng 7 tháng 7: Xe khởi hành đi Hà Giang… ăn sáng trên đường. 10h00: Đến Nghĩa Trang Vị Xuyên - Hà Giang, dâng hương tưởng nhớ các Liệt sỹ  …tiếp tục hành trình đi Yên Minh; 07h00 mùng 8 đi Cao nguyên Đá Đồng Văn  qua bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc,. chụp ảnh trên những cánh đồng Hoa tam giác mạch…thăm dinh thự vua Mông Vương Chí Sình … Tiếp tục khởi hành đi Lũng Cú - Tham quan Cột Cờ Lũng Cú. Chiều: Về lại thị trấn Đồng Văn; 06h00 mùng 9 tháng 7 làm thủ tục trả phòng…trở về Hà Nội.

Ai cũng mong cho một chuyến đi thực sự “đúng quy trình”. Mà quy trình đầu tiên không thể bỏ qua, chắc chắn là vấn đề “xin phép vợ”. Có thể chỉ là động tác giả vờ mời vợ đi cùng rồi lại dọa nguy hiểm, đèo dốc cheo leo, để lại vợ ở nhà, nhanh chóng lên đường cùng đồng đội, ngõ hầu có được mấy ngày tư do tại ngoại. Cũng có thể lấy lý do nào đó, hứa hẹn mua quà gì đó để 4 h sáng, vợ chồng cựu chiến binh dễ dàng lâm thời vẫy tay chào nhau.

Kiểm điểm công đoạn một của quy trình, mọi người nhận ra trong đoàn có 2 bà vợ đi kèm. Đoàn kết luận, đó là hai cựu chiến binh “sợ vợ” nhất. Đó là PGS Vũ Ngọc Loãn, thủy thủ (không biết bơi) của những đoàn tầu không số quen thuộc, nổi tiếng thời chống Mỹ. Hai là Nhạc sỹ, nhà giáo Phạm Tuấn Khoa, khoa Tiếng Việt, ca sỹ của Đoàn văn công Quân giải phóng năm xưa… Chủ tịch hội Trần Văn Hải rỉ tai bảo mấy người: Thương cho hai ông, đi đâu cũng không thoát được cái gầm giời. Nhưng tiếng thì thào của ông chủ tịch Hội đã bị nghe lỏm, nên ngay lập tức đã có ý kiến phản bác: biết đâu hai vị đó đang làm một động tác nghi binh, đặt mục tiêu cho những mặt trận không tiếng súng khi khác, nơi khác ? Lên xe, mỗi người bình luận một kiểu, râm ran, vui vẻ trong không khí khai mạc, khởi hành…

Chúng tôi lên đường về nguồn.

Hai tiếng VỀ NGUỒN lâu nay được dùng thường xuyên trong các chuyến du lịch tập thể. Nguồn ở đây mỗi ngày được mở rộng, mở xa ý nghĩa. Đất nước có bao nhiêu “nguồn”, từ Đền Hùng, hang Pắc Pó, Chiến khu Việt Bắc tới cầu Hiền Lương…? Đến nay, từ “về nguồn” được sử dụng dễ dãi, linh động hơn. “Nguồn” dần dần mở rộng sang các địa danh cách mạng, các di tích văn hóa, lịch sử, lấp lánh đó đây trên bản đồ toàn quốc. Như trăm suối ngàn sông đều đổ về biển lớn. Nguồn của những người du lịch nội địa Việt Nam hôm nay không chỉ là đất tổ, cố đô, chiến khu, chiến trường … mà là tất cả những miền quê lịch sử, những nơi ta quý ta yêu.  Nguồn năm nay của đoàn Cựu chiến binh trường chúng tôi là Cột cờ Lũng Cú, điểm cực bắc tiền tiêu của Tổ quốc. Nguồn Lũng Cú được hiểu theo nghĩa: Tổ quốc bắt đầu từ đó.

Tổ Quốc và chúng tôi (ảnh Phạm Công Nhất)

Mới sau mấy tiếng vượt các đoạn đường cao tốc, chúng tôi đã gặp sông Lô. Đang những ngày mưa lũ, nước sông Lô đục ngầu, xoáy dữ. Khi viết Trường ca Sông Lô năm xưa, chắc nhạc sỹ Văn Cao không đoán được con sông không mấy hiền hòa này lại phải lần thứ hai làm chứng nhân cho cuộc chiến giữ nước. Từ năm 1984 đến 1989, miền đông sông Lô đã nhiều lần ngập xác quân thù.

Theo đúng lộ trình, điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên. Như đồng cảm với sự nghẹn ngào của Đoàn, trời tự nhiên đổ mưa. Chúng tôi khoác áo, đội ô, lướt thướt đi trong mưa, cắm hết chục bó hương cho từng ngôi mộ. Chúng tôi biết, chỉ vài giây sau hương sẽ tắt, vài phút sau nữa, chúng tôi đi, nghĩa trang sẽ trở lại lạnh lẽo, âm thầm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng 1700 chàng trai trẻ - chủ nhân vĩnh cửu của nghĩa trang này sẽ cảm nhận được mùi hương ấm và tiếng bước chân rón nhẹ của đoàn lính già chúng tôi. Đồng bào Vị Xuyên và bộ đội quân khu Việt Bắc lấy ngày 12 tháng 7 hằng năm làm ngày “Giỗ Trận”. Vì năm 1984, đó là ngày xảy ra cuộc huyết chiến của nhiều đơn vị bộ đội chúng ta trước cuộc tấn công “lấy thịt đè người” của quân Trung Quốc. Chỉ riêng mặt trận Vị Xuyên năm xưa đã có tới 4000 liệt sỹ. Nghĩa trang này chỉ mới quy tập được non nửa số hài cốt. Số còn lại, các anh nằm nơi đâu ? Trong các hàng mộ, chúng tôi nhận ra có nhiều liệt sỹ hy sinh ở tuổi 40, 50. Có lẽ đó là những sỹ quan, cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Các anh đã hy sinh cùng các chiến sỹ trẻ của mình. Nếu sau chiến tranh chống Mỹ, các anh xin phục viên, chuyển ngành như chúng tôi, chắc các anh cũng đã nhận sổ hưu và có mặt trong một đoàn nào đó, đi viếng hôm nay !!!  Bước khỏi nghĩa trang, lòng chúng tôi trĩu nặng. Chúng tôi như có lỗi với những người đã khuất. Sau chiến tranh chống Mỹ, cũng như nhiều người, chúng tôi đã rơi vào ngộ nhận. Ai cũng tin đánh Mỹ là cuộc chiến cuối cùng.

Nghĩa trang Liệt sỹ Đồng Văn (ảnh Nguyễn Văn Thủy)

Trong đoàn xe của Hội về nguồn năm nay vẫn còn đủ người đại diện cho mỗi chiến trường, mỗi quân binh chủng, mỗi giai đoạn của lịch sử chiến tranh. Bên các chiến sỹ mặt trận miền Đông Nam bộ như Vũ Thanh Tùng, Chiến trường Lào như Đinh Xuân Lý, Nguyễn Chí Hòa, Dương Xuân Sơn, Ngô Văn Hoán, mặt trận Quảng trị như Nguyễn Hữu Thụ, Bùi Duy Dân, Phạm Thành Hưng, chiến trường Căm Pu Chia như Bùi Xuân Quang, Nguyễn Long, Mặt trận biên giới phía Bắc như Nguyễn Thanh Bình, Phạm Công Nhất, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Xuân Hồng, Nguyễn Đình Thành, Phạm Đình Lân. Các cựu chiến binh “trẻ” của biên giới bắc đã cho chúng tôi biết và hiểu thêm về cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979. Hình ảnh quân cướp nước chết giãy dụa trên sông Ka Long (do công nhân tự vệ nhà máy điện Lạng Sơn bí mật cài điện cao thế xuống nước, chờ bộ đội chủ lực của ta từ phương Nam đến tiếp viện) gợi lại hình ảnh gò Đống Đa của Thăng Long đuổi giặc Thanh năm xưa. Câu chuyện của anh Trịnh Xuân Hồng về đạn pháo hóa học Make in America từ kho đạn Long Bình khiến quân cướp chết đứng, chết ngồi, im như tượng đá… cho chúng tôi hiểu những gian nan, khốc liệt của cuộc chiến cản quân thù. Ý đồ “cho Việt Nam một bài học”, “Lấy Hà Nội trong 5 ngày” đã hoàn toàn thất bại.

Các anh Đinh Xuân Lý, Trần Thúc Việt, Trung đội tưởng tự vệ Trường - Nguyễn Văn Thủy, người đã nhiều năm làm công tác văn hóa vùng cao, nhà thơ cựu chiến binh binh chủng tên lửa Mai Liễu đi cùng đoàn, đều nhớ câu chuyện giữ chốt của các chiến sỹ ta năm 1984- 1989. Chuyện rằng: đất Vị Xuyên có thời kỳ xuất hiện hàng trăm “người rừng” tóc tốt ngang vai, râu ria tua tủa. Ít tai biết được đó là những chiến sỹ đặc công của ta phải sống trên hang đá, rừng sâu, giữ chốt ba bốn năm liền. Chuyện rằng: Có những ngày lính Trung Quốc chiếm chốt ở hang trên cao, lính ta chốt giữ hang phía dưới. Bên nào thò cổ ra ngoài cửa hang đều bị bắn chết ngay tức khắc. Cầm cự chán rồi, đánh nhau chán rồi, lính Trung Quốc biết đối phương phía dưới bị cắt đường tiếp tế, đói ăn, thiếu đạm, bèn thả thịt hộp xuống hang dưới tặng lính Việt Nam. Không có gì tạ ơn, lính ta ngồi dũa nhẫn nhôm, buộc vào đầu que đưa lên tặng lại… Câu chuyện miên man gợi cho chúng tôi những nghịch lý của lịch sử, gợi cho chúng tôi nhớ tới những câu thơ Nguyễn Duy:

 Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan 

  Giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo

 AQ. túm tóc Chí Phèo

Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua 

…10 sáng ngày 8-7, chúng tôi đã tới gần “điểm hẹn”. Trong xe, nhiều người đứng nhỏm dậy, nhìn qua cửa sổ, chỉ trỏ. Từ xa, ngọn cờ Lũng Cú đã cháy lên trong mắt chúng tôi như một đốm lửa đỏ. Khi leo lên đỉnh đồi, tới chân cột cờ, Bí thư Nguyễn Văn Kim và các anh Dương Xuân Sơn, Phạm Đình Lân đều rưng rưng giọt lệ. Lá cờ may theo tỷ lệ 60x90 vừa vặn 54 mét vuông, biểu tượng rất tròn trĩnh cho con số 54 dân tộc của cả cộng đồng Đại Việt. Trên đỉnh cao 1700 mét tính từ mặt nước biển, lá cờ phần phật cháy trong gió biên cương. Lá cờ Hiền Lương năm xưa chúng ta may bằng vải sợi, nặng tới gần hai chục cân, mau rách, đã phải nhờ cậy tới bàn tay huyền thoại của bà mẹ Nguyễn Thị Diệm nhiều năm ở lại bên sông, tần tảo vá víu, treo lại. Những năm của thế kỷ 21 này, cờ Lũng Cú của chúng ta đã bền hơn, nhẹ hơn, vì được may bằng vải nilon, nhưng nghe tiếng cờ, ta vẫn thấy nặng nề vì hồn thiêng đất nước. Cột cờ Lũng Cú không đồng nhất với cột mốc địa giới. Cách xa chân cột cờ hơn một cây số, chúng ta vẫn còn gần trăm gia đình bản Lô lô Chải. Hình đất nước chữ S của chúng ta gợi trí tưởng tượng của nhiều nhà thơ nước ngoài về “một tổ quốc mảnh dẻ, thắt đáy lưng ong, đầu đội nón”. Chóp nón cực bắc chính là vùng đất Lũng Cú.

Giải nghĩa địa danh “Lũng Cú”, chúng ta đang có nhiều giả thuyết. Lũng Cú là cách gọi biến âm của từ Long Cổ, nghĩa là chiếc trống của nhà vua. Tương truyền, sau khi đuổi quân Thanh về nước, vua Quang Trung đã cho đặt ở trạm gác biên thùy này một chiếc trống đồng, thay cho chiếc trống chầu đã có từ thời vua Lý. Vua ra lệnh: mỗi canh giờ phải gõ trống đồng để báo sự bình an và chủ quyền biên giới. Cái tên Long Cổ từ đó mà thành. Cũng có thuyết cho rằng, Lũng Cú xuất phát từ gốc chữ Long Cư, nghĩa là nơi rồng ở. Còn cách giải thích giản dị nhất là bằng tiếng của đồng bào Lô Lô: Lũng Cú nghĩa là thung lũng trồng ngô. Hai cách giải nghĩa đầu chứa cảm hứng huyền thoại lịch sử. Chúng tôi yêu cách giải nghĩa thứ ba, một cách giải nghĩa mang khát vọng hòa bình, hòa hợp với thiên nhiên. Nhưng có thể vì các cuộc xung đột và chiến tranh biên giới mấy chục năm qua, cách cắt nghĩa thứ nhất đang nổi lên như một quan niệm chính thống, thể hiện ý thức thường trực về chủ quyền lãnh thổ. Chính vì vậy, chân cột cờ Lũng Cú hôm nay đã được gắn nhiều bức phù điêu trống đồng rất đường bệ.  

Chúng tôi rủ nhau trèo lên đỉnh cột cờ. Dưới chân cột cờ là những dãy đồi trọc trập trùng, xanh mát. Phía xa không đầy một cây số, sau chân núi xanh kia đã là địa phận Trung Quốc. Nơi ấy, liệu chúng ta có còn bao nhiêu hài cốt liệt sỹ chưa lấy được về ? Câu thơ Quang Dũng lại thầm vang lên trong lòng chúng tôi: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ / Hồn về Sầm Nứa, chẳng về xuôi”

Ngày 9 tháng 7, trên đường về Hà Nội đoàn xe chúng tôi bị tắc đường vì một cây thông đột ngột bật gốc, đổ xuống cản ngang đường, cắt đôi đoàn “Hành trình về nguồn”. Có lẽ chiếc xe 14 chỗ đi qua được vài chục mét thì cây đổ sau lưng. Người ngồi trong xe không biết. Chúng tôi  ngồi xe sau bị cây thông chặn lại, phải xuống xe, chờ các lái xe địa phương đi phía sau, gọi điện cấp cứu và tìm cách khắc phục. Các anh Phạm Công Nhất, Vũ Thanh Tùng xúm thêm một tay chặt cây, chuẩn bị móc tời, giật gốc…Con đường độc đạo mang tên “Hạnh phúc” chúng tôi đi như dài hơn. Biên giới như mở rộng, mênh mông, khiến chúng tôi nghĩ đến từ “phên dậu” biên cương.

Chúng ta gọi “vùng phên dậu” là gọi vùng biên giới phía bắc Tổ quốc với hàm ý: đây là vùng đất che chắn phía xa cho thủ đô và trung tâm lãnh thổ. Nhưng ngẫm lại, từ “phên dậu biên giới” còn mang ý nghĩa địa - chính trị sâu xa hơn nữa. Nhiều nước châu Âu và tổng thống Mỹ đã và đang chủ trương xây hàng rào cứng cho biên giới, phân chia dứt khoát lãnh thổ của mình. Việt Nam chúng ta không làm được. Biên giới của ta quá dài, mênh mang, hiểm trở. Hơn nữa, dân gian có câu “Yêu nhau rào dậu cho kín”. Ông cha ta chủ trương biên giới Việt Nam - Trung Quốc vẫn nên là dậu mùng tơi hàng xóm, láng giềng, biên giới tượng trưng phên dậu. Nhưng rồi phên dậu thì làm sao ngăn được kẻ cướp ? Cho nên biên giới tốt nhất trước “người láng giềng xấu bụng” là ta phải xây bằng ý chí, lòng dân.

Vua Lê Thánh Tông xưa đã có lần ra chỉ dụ, nhắc nhở các quan lại vùng biên ải và các sứ thần đi Trung Quốc: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ?... Nếu người nào dám đem một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di". (Đại Việt sử ký toàn thư).

… Chúng tôi lên đỉnh Mã Pí Lèng – một đỉnh đèo ở độ cao 1200 mét, lượn qua lại ngoằn ngèo dài tới 20 km, thành quả của 2 triệu ngày công lao động trong 6 năm dài, từ năm 1959 đến 1965, phải trả giá thêm bằng 15 liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh vì bị thổ phỉ tấn công và bị rơi khi phải treo mình cả ngày để đục từng mẩu đá. Mã Pí Lèng theo tiếng Quan Thoại nghĩa là sống mũi ngựa, gợi hình tượng con đèo dựng đứng. Một cựu chiến binh trong đoàn kể cho chúng tôi nghe chuyện: Một lần anh đi công tác, ban đêm, chiếc xe co-măng-ca (UW) của anh mất phanh đâm vào hốc đá ta-luy bên đường, một bánh xe văng ra, rơi xuống thung lũng. Ít lâu sau, cơ quan anh xuống tìm lại bánh xe. Tìm mãi, không thấy, các anh đến một xóm người Mông thăm dò. Bà con kể rằng, đúng là cách đó một tháng, ban đêm người già nghe thấy tiếng rú từ trên cao nhưng chờ mãi không nghe thấy tiếng nổ nào cả. Có thể đó là chiếc bánh xe bay… Thương cái xe chính phủ mất bánh, bà con chia nhau đi tìm nhưng tìm hai ngày không thấy. Tận sang mùa làm nương, bà con đốt rừng mới thấy cái bánh xe đang cháy xèo xèo trong khe đá…

Cổng dinh thự vua Mông Vương Chí Sình (ảnh Nguyễn Văn Thủy)

Chinh phục cổng trời Quảng Bạ (ảnh Nguyễn Văn Thủy)

Đỉnh đèo Mã Pí Lèng (ảnh Nguyễn Văn Thủy)

Từ đỉnh Mã Pí Lèng mây phủ, chúng tôi vẫn nhìn thấy dòng sông Nho Quế từ phương bắc đổ về xuôi, từ trên cao nhìn xuống như một vết nứt địa tầng. Vô tình, có ai đó cuối xe, nghe như giọng anh Nguyễn Văn Thủy: “Cứ mười giờ đồng hồ, trên thượng nguồn, ta lại phải kiểm tra độc tố trong dòng nước Nho Quế một lần. … Cách biên giới chỉ hơn hai chục cây số, Trung Quốc đang xây nhà máy điện hạt nhân…”

Xe vẫn chạy thận trọng, cần mẫn trong mây mù. Chúng tôi đang xa dần cột cờ Lũng Cú – Đồng Văn. Xa Đồng Văn nhưng lòng chúng tôi không bình an. Câu chuyện trên xe vẫn là câu chuyện đau đáu nỗi lo mất đất, mất rừng, mất nguồn nước sạch. Ngọn cờ Lũng Cú đang nhỏ dần sau lưng chúng tôi. Nhưng trong giấc ngủ chập chờn, gà gật trên xe, đoàn Cựu chiến binh trường Nhân văn chúng tôi vẫn thấy cháy mãi trong giấc mơ ngọn cờ Lũng Cú. Ngọn cờ giật trong gió như ngọn lửa, như giọt máu sôi.

Vậy là trên đường trở lại thủ đô, mỗi người chúng tôi đã tự xây riêng trong lòng một ngọn cờ Tổ quốc.

Tác giả: Bài Phạm Thành Hưng; ảnh Văn Thủy, Công Nhất

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây