Chiến tranh biên giới Tây Nam đã lùi xa gần 40 năm, nhưng cuộc chiến ấy vẫn để lại cho tôi nhiều dấu ấn không thể phai mờ về tình quân dân, tình đồng đội và tinh thần quả cảm sẵn sàng hy sinh thân mình vì đồng đội của cán bộ, chiến sĩ ta.
Tôi nhập ngũ ngày 26/10/1977, tại Xã Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội. Ban đầu tôi về Trung đoàn 252, Sư đoàn 520, công binh.
Những ngày huấn luyện ở Đại Từ, Thái Nguyên, với cánh lính Hà Nội như tôi quả là gian nan vất vả vô cùng. Ngoài làm quen súng đạn, thứ 7, Chủ nhật chúng tôi lại lên rừng bẻ măng, kiếm củi, chặt nứa làm lán trại.
Lần đầu tiên xa nhà cũng là lần đầu phải ăn sắn thay cơm mấy tháng liền, thức ăn chủ yếu là canh sắn, canh măng, măng xào, muối hạt, hiếm khi có thịt cá. Cũng vì ăn sắn nhiều, nhớ cơm, một hôm San béo cùng tiểu đội rủ tôi đi ăn cải thiện, cứ nghĩ là được chén một bữa thịt gà, chí ít là thịt lợn. Đến lúc dọn ra, tôi không tin nổi bữa cải thiện hôm đó chỉ là một nồi cơm gạo mới và một đĩa muối trắng.
Ăn uống đã kham khổ nhưng bị ghẻ lở, hắc lào thì còn khổ hơn nhiều. Hầu hết tân binh chúng tôi, có lẽ do lạ nước, lạ cái, nên ai cũng bị ghẻ, lở lây lan. Rất may, chúng tôi được dân địa phương chỉ dẫn bẻ cành cây ba chạc đun sôi, tắm 1-2 lần là khỏi, với bệnh hắc lào thì dùng nhựa quả chuối tiêu xanh, nhưng không phải ai cũng khỏi.
Ban ngày chúng tôi lăn lê, bò toài và học bắn các loại súng AK, CKC. Đêm xuống bất kể giờ giấc, có báo động là chúng tôi phải chồm dậy vận động dã ngoại, băng qua các loại địa hình đồi núi, rừng rậm, ruộng sâu.
Cũng chính nhờ có những buổi vận động dã ngoại bất chợt này mà Sỉnh người dân tộc, tỉnh Vĩnh Phúc, bị cảm lạnh đã được chúng tôi cứu sống. Đêm ấy, có báo động, chúng tôi phát hiện ra Sỉnh vẫn nằm im bất động. Bằng tất cả kinh nghiệm học lỏm có được, cả tiểu đội lao vào dùng dầu gió xoa bóp thái dương, chà sát 2 bàn chân, tay, thổi hô hấp. Chẳng biết biện pháp xoa bóp nào hiệu quả, nhưng ít phút sau, Sỉnh đã tỉnh lại. Ngày 27/9/78, trên chuyến bay ra Bắc điều trị vết thương, tôi đã gặp lại Sỉnh, nghe anh nói lại, trận đánh đầu tiên khoảng đầu tháng 6/78, Sỉnh đã bị thương cụt bàn tay phải và một số vết thương nữa. Kinh nghiệm trận mạc rất quan trọng, sau này tôi mới biết lính mới đánh trận đầu bị thương vong nhiều.
Đến ngày 3/5/78, đổi tiền, lúc này chúng tôi đang khai thác nứa trên đỉnh đèo Khế, Tuyên Quang. Biết tin, tiểu đội cử người xuống đổi tiền, nhưng tới nơi thì quá 12 giờ, không đổi được. Sau đó, suốt cả tuần, chúng tôi chỉ ăn rau tàu bay với muối. Thời gian này, rừng ở đèo Khế cây cối rậm rạp, lan xuống cả chân đèo, rau tàu bay mọc nhiều, non mơn mởn như người ta gieo rau cải vậy. Mọi người vẫn thường xuyên nhìn thấy từng bầy gà rừng hàng chục con bay lên, bay xuống. Hằng đêm dân địa phương vẫn còn rủ nhau săn bắn hoẵng và nai rừng.
Tôi chơi thân với hai anh bạn người Vĩnh Phúc, một anh tên Minh, anh kia tên Thắng.
Một hôm cả 3 đi rừng, khi Thắng đang bẻ măng dưới chân đồi, Minh nói nhỏ với tôi là: “Mày nhìn mắt Thắng xem, nó đoản thọ”. Nghe nó nói thế tôi rất ngạc nhiên và cũng không tin. Có điều, nghe nó nói, nhìn kỹ Thắng tôi thấy mắt trái nó hơi lác và con mắt cũng hơi khác người. Thắng hy sinh vào tháng 7 năm 1978, như một trường hợp không may mắn. Hình như nhờ rèn luyện, mắt có lác, Thắng vẫn trở thành tay súng thiện xạ nên được chọn vào đơn vị bắn tỉa. Hôm đó, vào buổi chiều, tiểu đội bắn tỉa hành quân lên chốt cao. Tiểu đội đang đi, bất ngờ có một loạt đạn bay chíu chíu, Thắng dính một viên đạn vào bụng, máu trào ra.Ở điều kiện bình thường, cấp cứu kịp thời, nếu bị thương như Thắng, nằm viện vài tháng là khỏe re. Đen cho Thắng, hằng ngày vẫn có máy bay lên thẳng từ trong nước bay sang đón thương binh nặng, nhưng cả ngày hôm đó không có chiếc máy bay nào hạ cánh. Anh em và đội vận tải khiêng Thắng suốt đêm, đến gần 6 giờ sáng mới về tới trạm phẫu của Trung đoàn. Đặt cáng xuống mới biết Thắng đã lịm đi từ lúc nào, do mất máu nhiều.
Tôi vẫn nhớ mãi hồi còn huấn luyện, Chính trị viên của đại đội tôi, quê Nghệ An, người thấp nhỏ, dáng điệu khắc khổ, chất giọng đầy uy lực, nhưng trình độ có hạn nên mỗi lần thông báo trên bảng nhà ăn, chúng tôi lại được chiêm ngưỡng nét chữ loằng ngoằng, đầy lỗi chính tả. Trong đơn vị, lính học hết phổ thông như tôi không nhiều, nên tôi thường được giao nhiệm vụ sửa lỗi chính tả các thông báo của chỉ huy và đầu tuần đứng trước hàng quân đọc 10 lời thề, 12 điều kỷ luật.
Giữa tháng 5 năm 1978, đa số tân binh được về phép trước khi vào Nam, một số tân binh trong đó có tôi, được chuyển về sân bay Nội Bài làm nhiệm vụ đổ bê tông, kéo dài đường băng cho máy bay vận tải quân sự cỡ lớn chở bom và xe tăng đáp xuống. Chế độ ăn của chúng tôi, mỗi bữa thường là 2, 3 miếng bột mỳ bằng lòng bàn tay và thức ăn là rau muống già luộc, đôi khi còn lá vàng và nguyên gốc rễ, nước chấm luôn là cơm cháy pha nước muối. Nhưng dù sao với cánh lính chúng tôi, đây cũng là giai đoạn sung sướng nhất, vì chiều chiều được đá bóng thỏa thích, hoặc đi nhặt nấm cỏ tròn bằng đầu ngón tay trỏ, nấu canh ăn rất ngọt. Sân bay Nội Bài rộng mênh mông, cỏ cao, ruộng lại sâu và cách rất xa nhà dân. Khoảng giữa đường băng sân bay là một toà nhà 2 tầng, có ăng ten cao. Tôi đoán, đó là trung tâm điều phối máy bay lên, xuống. Có tối mưa rào, Thắng người Vĩnh Phúc đội mưa ra ngoài, khoảng một tiếng sau anh đã mang về một bao tải ếch. Đói, chúng tôi lột da, chỉ lấy hai đùi ếch rang muối, nhưng không thể ăn được vì không có gia vị, tanh quá.
Cuối tháng 5/78, bất ngờ chúng tôi được về phép 3 ngày để chuẩn bị vào Nam. Mùa hè năm đó hoa phượng đỏ nở rộ, tiếng ve kêu râm ran khắp phố phường như đồng điệu với bài hát thiếu nhi của Đài tiếng nói Việt Nam phát vào buổi trưa hè “Ve ve, hè về”. Mấy ngày phép, tôi tranh thủ đi thăm anh em, bè bạn và chia tay cô bạn thân cùng học những năm phổ thông. Chia tay bịn rịn, nỗi nhớ không nguôi. Nhớ mãi nụ cười xinh, ánh mắt biết nói và nhớ cả hương vị chén chè hoa nhài thơm dịu của người ấy. Thuở đó, lính trẻ như đám chúng tôi chủ yếu là yêu bằng mắt, không dám dũng cảm thổ lộ hay cầm tay bạn gái, dù vẫn biết cổ nhân đã nói “Có yêu thì nói rằng yêu / Không yêu thì nói một điều cho xong, Đừng mà dở đục dở trong / Lờ lờ nước hến cho lòng tương tư”.
Ngày 23/5/78, xe Gát của Sư đoàn chở tất cả tân binh chúng tôi từ sân bay Nội Bài về ga Giáp Bát. Tối đó, khoảng 20 giờ, chúng tôi lên tàu vào Nam.
Ngày 26/5/78, chúng tôi vào tới căn cứ Long Bình, căn cứ của Sư đoàn 341. Đây là một căn cứ rộng lớn, đường nhựa trải dài vòng quanh, nghe nói xe ô tô đi cả ngày mới có thể hết đường. Ngoài đường nhựa, cỏ mọc cao đến thắt lưng người, muốn đi đâu, chỉ dám đi vào những đường mòn vì đi chệch có thể vướng mìn.
Đơn vị chúng tôi lưu lại lại đó khoảng 3 ngày, sau đó được đưa về ở nhờ nhà dân Ấp Cao Xá, Trảng Bàng, Tây Ninh, để huấn luyện thêm khoảng 2 tuần. Thời gian ở đây, ban ngày chúng tôi được trang bị các kỹ năng chiến đấu như gỡ mìn, bắn các loại súng, kể cả súng bắn tỉa có kính ngắm quang học, súng phóng lựu, súng M72.
Buổi tối, thời gian rảnh rỗi, chúng tôi rủ nhau đi uống nước mía và làm quen với các cô gái. Dân ở đây chủ yếu là người theo đạo Công giáo, một số gốc làng Kim Liên, Hà Nội di cư vào Nam năm 1954. Cạnh nhà tôi ở là nhà ông Ấp trưởng Ấp Cao Xá cũng là dân Hà Nội di cư.Vợ ông, tuổi chừng trên 40, đi chân cao, chân thấp nhưng khuôn mặt đôn hậu và vẫn còn nhiều nét quyến rũ của một thời còn son. Mười cô con gái của ông bà đều xinh đẹp, nhưng nét mặt phảng phất chút buồn như Đức mẹ đồng trinh. Ba cô chị tuổi 18 đôi mươi, xinh như hoa hậu, nói năng nhỏ nhẹ, dễ thương. Các cô đều quý cánh lính Hà Nội vì cùng là đồng hương, hơn nữa lính Hà Nội da trắng, chăm chỉ, ăn nói “dễ nghe”. Thương chúng tôi luyện tập vất vả lại sắp vào chiến trường mà vẫn ăn sáng bằng hạt bo bo, các nhà ở gần luân phiên nấu cơm đổi lấy bo bo của chúng tôi về chăn nuôi. Đó cũng là cách họ, giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn thường nhật. Cô thứ 3, Kiều Trinh, tinh nghịch và dễ gần, thích nghe kể về cuộc sống, sinh hoạt của người dân miền Bắc và về anh em bè bạn của tôi. Biết phụ cấp binh nhì của tôi chỉ có 5 đồng/tháng, không đủ tiền tiêu vặt, Kiều Trinh đã từng dúi tiền, bắt tôi phải nhận. Trước ngày sang Campuchia, tiểu đội tôi được ông bà Ấp trưởng thết đãi cơm, rượu đế lai rai với xách bò và lòng lợn. Cuối bữa còn được giải rượu bằng nước dừa và nước mía.
Sáng hôm sau, sắp đến giờ xe chạy, em đến. Gặp nhau, bàn tay mềm mại, nồng ấm của em nắm chặt bàn tay thô ráp của tôi. Mắt em đỏ hoe, nhòe lệ, lảng tránh ánh mắt của tôi. Dúi vào tay tôi gói quà, em nghiêng người nói nhỏ vào tai tôi: “Anh đi mạnh giỏi, chừng nào rảnh anh về thăm em”. Tôi muốn níu giữ em lại thật lâu và nói với em vài lời an ủi nhưng chưa kịp thì em lại ào đi, nhanh như gió thoảng, để lại cho tôi vui, buồn hụt hẫng, mắt dõi theo bóng hình em khuất dần sau lùm cây.
Cuối tháng 6/78 chúng tôi hành quân vượt Bến Sỏi, bổ sung về các đơn vị của Sư đoàn, riêng tôi về tiểu đội cối 82, thuộc đại đội 4 hỏa lực, thuộc tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư đoàn 341, đang đóng chốt trên đất Campuchia, cách biên giới Việt Nam khoảng 20 cây số.
Từ khi sang đất Campuchia, qua ngã ba Nhà Thương, chúng tôi đã nghe thấy tiếng đạn pháo nổ đì đùng khắp nơi. Càng gần chiến tuyến, tiếng đạn pháo càng gầm rít to hơn, tiếng nổ chói tai, bụi bay mù mịt. Trên đường xe qua, có đoạn bên đường hàng đống mìn các loại đã được gỡ xếp cao, chủ yếu là mìn chống tăng các cỡ, nhỏ hơn chiếc mâm, dưới các thửa ruộng cắm chi chít cọc cảnh báo có mìn.
Trên xe, chúng tôi không ai nói câu gì nhưng đều biết mình sắp bước vào một giai đoạn ác liệt mới, đối đầu với sự sống và cái chết.
Về đơn vị mới, bắt đầu từ đây hầu như liên tục là những đêm ngủ trong hầm, mỗi hầm thường là 2 đến 3 người. Nếu là ở điểm chốt, có thời gian nhiều thì chúng tôi làm hầm chữ A, còn bình thường đánh vận động thì chúng tôi đào hầm nửa chìm nửa nổi. Hầm đào sâu xuống khoảng hai gang tay, không thể đào thêm, vì đào sâu hơn là nước đùn lên. Thế mà, đôi khi đang ngủ say, chợt lạnh lưng tỉnh giấc thì nước đã dâng lên ướt người. Nằm hầm này, có hôm ngủ dậy chân tôi tê dại, cả ngày hôm đó, tôi không điều khiển được đôi chân theo ý muốn.
Cũng từ đây, quần áo của chúng tôi phải thêu họ tên, năm sinh, tên đơn vị. Tất cả quần áo, tư trang cho hết vào bao tải ni lông (gọi là bao xác rắn), loại bao đựng được 10kg gạo, trong đó gồm có một tăng, một võng dù, một bộ quần áo dài, một bộ quần áo lót, khăn mặt và thuốc đánh răng. Ba lô của lính chiến chúng tôi, dùng một sợi dây dù, hai đầu dây buộc túm 2 góc bao, gấp đôi rồi thắt vào cổ bao, tạo thành ba lô. Những ai không tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam thì khó có thể hình dung được loại ba lô tiện dụng này của lính.
Đêm đầu tiên ở chốt. Đang ngủ chập chờn vì luôn có tiếng súng, không được báo trước, tôi được Tiểu đội trưởng lay dậy gác thay cho một anh cùng tiểu đội. Lúc này là 3 giờ sáng, đang mưa, trời tối đen như mực. Tôi khoác vội lên mình mảnh ni lông xanh, bước nhanh ra ngoài. Chốt gác là một hố đào sâu khoảng 60 cm, đường kính khoảng 1m, xung quanh đắp cao khoảng 20-30cm. Tôi nhận bàn giao khẩu AK và khoảng 10 quả lựu đạn gồm lưu đạn mỏ vịt Mỹ, lựu đạn chày của Hung ga ri và 01 quả mình định hướng Clâymo đã gài sẵn phía trước. Tiếp nhận xong số vũ khí và những chỉ dẫn của anh lính cũ, còn lại một mình, tôi căng mắt, căng tai, quan sát, nghe ngóng, nhưng trời tối quá không nhìn xa được, chỉ nghe thấy tiếng súng đì đùng, tạch tạch và tiếng mưa rơi lộp bộp, tiếng xào sạc của cỏ cây chạm vào nhau, tiếng vo ve của muỗi. Muỗi nhiều vô kể, chúng bám lấy mặt và đôi tay của tôi. Không dám đập mạnh vì sợ để lộ vị trí của mình, thỉnh thoảng tôi lại phải xoa nhẹ lên mặt và tay để diệt muỗi. Chỉ đến khi có loạt đạn lửa bắn lên từ đâu đó, tôi mới quan sát được phía trước là khoảng rộng, ruộng sâu, cây cỏ mọc lúp xúp ngang đầu gối. Xa hơn là một bờ mương cao, địch chốt chặn ở đó. Bên phải tôi, gần hơn là chòm thốt nốt cao, có địch ở đó.Thời gian gác trôi qua chậm chạp, nhưng tôi cũng như đồng đội, vẫn gắng gác thêm một chút thời gian để anh em được ngủ thêm. Gần 5 giờ, trời sáng dần, lúc này tôi có thể nhìn thấy thấp thoáng bóng lính Pôl Pốt phía trước. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì từ lúc này, có ánh sáng, tôi có thể chủ động tác chiến.
Hai ngày chốt tại đây, tôi được các anh trong tiểu đội, đa số quê Nghệ An, Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 74, kèm cặp, hướng dẫn sử dụng thành thạo cối 82 và giao cho tôi làm nhiệm vụ ngắm, chỉnh tầm, chỉnh hướng và cách tăng thêm liều phóng, gắn vào đuôi quả đạn, biết khi đói có thể nhâm nhi ăn liều phóng đạn 82 có vị hơi ngọt và biết thêm cách chữa ghẻ rất hiệu quả bằng thuốc đạn cối 82 trộn với dầu nhớt lau súng.
Tiểu đội cối 82 của tôi có 9 người, tôi là em út. Tiểu đội trưởng, người Thái Bình, có khuôn mặt tròn, người thấp, đậm. Tiểu đội phó quê Nghệ An, khuôn mặt đen sạm điểm thêm vài nốt rỗ, râu ria lởm chởm nhưng là người tài hoa, hiền lành, thích đọc truyện, sống tình cảm, thích chia sẻ. Tôi đã được anh cho xem vài lá thư trước khi gửi cho người yêu. Những lá thư tình anh viết rất hợp với tâm trạng người và cảnh. Trong thư anh, khi vui thì lòng anh như ca hát, hoa nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, khi anh buồn vì yêu trắc trở thì trời đất như có giông bão, đường sá lầy lội…
Đại đội trưởng quê Nghệ An, Chính trị viên đại đội là anh Viên, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Thú thực, trong tiểu đội, tôi không thể phân biệt được anh nào là lính Nghệ An, anh nào là Hà Tĩnh vì giọng nói khó nghe và na ná như nhau. Mọi người cứ hỏi tôi rằng: “Chú ở Hà Nội, nội thành hay ngoại thành?” Tôi nói rằng: em ở Khu Đống Đa, Hà Nội, từ khi 1 tuổi. Trước nhà tôi là Gò Đống Đa, mồ chôn của quan quân xâm lược nhà Thanh cuối thế kỷ 18. Hà Nội những năm 60-70, nhìn như một thị trấn nhỏ, rất nhiều nhà tranh, vách nứa. Có thể nói, lúc đó Hà Nội là thành phố của những ao hồ, hồ nối hồ, cua, cá nhiều và mưa không bao giờ thành phố bị ngập. Khi ấy, khu Đống Đa dân cư còn thưa thớt. Vào tuổi đi học, thiếu trường, chúng tôi phải học nhờ trong nhà thờ Nam Đồng. Ít rạp, chúng tôi thường phải xem phim ở các bãi Khương Thượng, Long Biên. Ấn tượng khó quên của tôi về Hà Nội thời đó là hàng cây gạo cổ thụ cao vút, chạy dài theo đường xe điện, suốt từ Bờ Hồ đến Hà Đông, hè về hoa gạo đỏ rơi đầy đường.
Bảy giờ tối ngày 01/7/78, chúng tôi nhận lệnh mỗi người nhận 02 gói gạo sấy và mang theo 40-50kg vũ khí, đạn dược lên đường. Đến khoảng tám giờ, mưa rả rích, trời không trăng, sao, rất tối. Có trinh sát dẫn đường, đơn vị nặng nề, thầm lặng luồn sâu vào căn cứ địch. Đội hình đơn vị đi theo hàng dọc, người đi sau thấy thấp thoáng bóng người đi trước, tuân thủ nghiêm ngặt lần lượt một trong 3 khẩu lệnh của chỉ huy từ đầu hàng quân truyền xuống: “Đi nhanh ! Dừng lại! Nằm xuống !”
Để hành tiến tới vị trí tập kết, chúng tôi phải băng qua nhiều cánh đồng, lúc trên bờ, khi dưới ruộng, quần áo ướt sũng và bám đầy bùn đất. 5 giờ sáng, đơn vị dừng lại, tất cả chúng tôi lặng lẽ đào công sự. Ước đoán, chúng tôi đã đi vòng vèo khoảng chừng 20- 25 cây số.
5 giờ 30, pháo 105 ly của ta bắn cấp tập vào vị trí của địch. Đạn nổ tứ tung. Trận địa của địch chìm trong khói lửa, mùi thuốc đạn khét lẹt.
Sau loạt đạn pháo, bộ binh ta từng tốp lao lên. Đến lượt đại đội hỏa lực của chúng tôi tìm các vị trí hỏa lực của địch để khai hỏa, yểm trợ cho bộ binh. Đầu tiên là tiếng đại liên, 12ly7, tiếp đến là ĐK75. Tôi nhanh chóng chỉnh hướng, chỉnh tầm khẩu cối theo chỉ dẫn của Tiểu đội trưởng. Khi có tiếng đề pa tong-tong đều đều của khẩu cối, tôi lao lên áp sát ụ mối, quan sát vị trí của hỏa lực địch. Ít phút sau, khi hoàn hồn, các loại súng của địch bắn xối xả vào đội hình chúng tôi. Ầm, một quả B41 đã bắn trúng ụ mối tôi đang núp, đất chùm lên người tôi, nhờ có chiếc mũ sắt che đỡ, tôi không hề hấn gì, nhưng tôi đã kịp nhìn thấy vị trí khẩu 12ly7 của địch và làn khói xanh của thằng bắn B41. Ước lượng khoảng cách và bằng trí nhớ góc bắn, tôi căn chỉnh khẩu cối một lần nữa. Tiếng đề pa tong-tong lại vang lên, đạn nổ chát chúa, chùm lên lưng địch. Phải nói rằng, bọn này rất thiện chiến vì sau mỗi lần bắn, chúng di chuyển vị trí rất nhanh. Bỗng xoẹt xoẹt-ầm, tôi vừa kịp nằm xuống thì quả đạn ĐK đã trùm lên tiểu đội chúng tôi, lửa bỏng rát, đất bay rào rào. Quả ĐK này làm 2 đồng chí trong tiểu đội bị thương, trong đó có anh Hoàng, người thường nằm chung hầm với tôi. Trận đánh sau đó vào thế giằng co, ăn miếng trả miếng. Thậm chí, ta bắn 1 quả ĐK, chúng phản lại 2-3 quả. Đường tiến công của đơn vị tôi rất khó khăn vì chưa tiêu diệt được khẩu ĐK 75 và khẩu 12ly7 của địch.
Đến 8 giờ, được 2 xe tăng lên tiếp sức, một số chiến sĩ trèo lên xe, số còn lại chúng tôi bám theo xe tăng, đánh thốc lên, địch hoảng sợ bỏ chạy. Chúng tôi tràn lên đuổi theo. Tôi nhìn thấy một thằng mặc quần đen, áo đen cộc tay dùng dây kéo theo cái xác đồng bọn chạy mất hút vào lùm cây. Vào bếp ăn của chúng, chúng tôi phát hiện nhiều giỏ hình hộp chữ nhật, đan bằng lá cây thốt nốt, bên trong mỗi giỏ đựng chừng 3 bát cơm vẫn còn ấm, trên cùng là 2 con cá khô, mỗi con bằng 2 ngón tay.
Sau trận đánh, tập hợp lại, đại đội tôi, hy sinh 1, bị thương 4.Tiểu đội tôi được Ban chỉ huy biểu dương là bắn trúng, đạn tập trung, đã yểm trợ đắc lực cho bộ binh. Trận này, nghe nói cánh lính mới như tôi bổ sung về trung đoàn hy sinh và bị thương rất nhiều.
Sáng ngày hôm sau, Đại đội trưởng gọi tôi lên trao nhiệm vụ đi bắt lính đảo ngũ của Đại đội. Gặp anh, câu đầu tiên anh hỏi tôi: “Chú có biết bơi không?”.Tôi đáp “có ạ”. Anh mở rộng tấm bản đồ tỉnh Svay riêng, chỉ cho tôi con đường tắt vượt sông về biên giới Việt Nam (tôi không biết là sông gì) và lấy chòm cây cao xanh rì trên bản đồ làm đích tới. Tôi khoác khẩu AK lên vai, gài thêm quả lựu đạn mỏ vịt Mỹ vào đai thắt lưng, cắt hướng vừa đi vừa chạy. Khoảng hơn nửa tiếng, tới bờ sông, tôi cởi bớt quần áo dài bọc vào chiếc Tăng ni lông mang theo, giúi vào bụi rậm.
Lao xuống sông, cậy sức và cũng thiếu kinh nghiệm, tôi bơi bằng tay phải, tay trái giơ súng lên cao trên mặt nước. Bơi như thế được một quãng ngắn, mỏi tay quá, khẩu súng chìm dần, tôi uống vài ngụm nước, đành bỏ rơi súng. Quay lên bờ, tôi rất lo lắng, vì chưa làm tròn nhiệm vụ, lại để mất súng, kỷ luật chiến trường sẽ rất nặng. Xác định lại vị trí súng rơi, tôi bơi ra, lấy một hơi dài lặn xuống, hai tay mò tìm. Nước đục, nhưng độ sâu khoảng 2m là cùng. Lần lặn thứ nhất không tìm được. Tôi phải lặn tới lần thứ 3 mới tìm thấy súng, ôm chặt và bơi đứng vào bờ.Thật là bài học nhớ đời, hú vía.
Để bù lại thời gian đã mất, tôi chạy hết khả năng của cầu thủ bóng đá nghiệp dư, tới gần ngã ba Nhà Thương thì bắt gặp anh lính cũ của đại đội tôi cùng một số tân binh mới bị chặn bắt tại đây. Tôi gặp anh và đề nghị anh trở lại đơn vị. Anh cho biết anh là lính 74, mới về phép cưới vợ, vợ anh đang mang thai. Anh cũng cho biết thêm, đại đội có 3 người về quê cưới vợ như anh thì 2 người đã hy sinh. Anh từ chối trở lại đơn vị, mà chấp nhận bị áp tải lên núi Bà Đen, nhập vào đội quân thu dung của Sư đoàn.
Tôi về tới đơn vị khoảng 4 giờ chiều, báo cáo lại kết quả chuyến đi cho Đại đội trưởng và Chính trị viên đại đội. Các anh động viên tôi mặc dù, không bắt được lính đào ngũ nhưng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và tư tưởng không bị dao động.
Mấy ngày chốt ở đây, ngoài việc củng cố hầm hào, chúng tôi lang thang tìm chặt ngọn dừa ăn thay rau và bắt cá. Ở đây, cá rất nhiều, nhiều nhất là cá rô và cá quả. Đồng ruộng Campuchia tương đối bằng phẳng, có nhiều kênh mương dẫn nước, thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp. Còn lại là những chòm đất đất cao hơn, trong đó và dọc theo các con đường là những hàng cây thốt nốt cao, xen kẽ là những bụi tre gai.
Tất cả những vùng đã đi qua, tôi thấy nhà cửa bị phá dỡ, các cây dừa đều bị chặt ngọn. Đặc biệt là không nhìn thấy nấm mộ nào, chỉ thi thoảng nhìn thấy miếu thờ trong đó có những lọ tro đựng hài cốt.
Sáu giờ, ngày 6/7/78, đánh cấp Sư đoàn. Trung đoàn tôi có xe tăng và xe thiết giáp M113 phối thuộc. 9 giờ, lại được máy bay ta hỗ trợ thả bom vào trận địa địch.
Hướng tấn công của đơn vị tương đối thuận lợi. Đến trưa chúng tôi đã chiếm được một số phum của địch. Đơn vị tôi một số bị thương, chủ yếu do vướng phải mìn cóc. Ai giẫm phải loại mìn này, đều mất hai bàn chân và bị bóc cả hai bắp chân, trơ xương.
Buổi trưa, cả tiểu đội đang tập trung ăn cơm gạo sấy, thức ăn là nồi nước bỏ thêm một lon thịt gà, rau là ngọn dừa thái mỏng xào thịt mỡ. Giữa bữa ăn, bỗng xoẹt ầm, xoẹt ầm. Loạt pháo hàng chục quả bắn vào trận địa của đại đội tôi.Mọi người nhanh chóng tản ra chui vào hầm trú ẩn, không ai bị thương. Ngay lúc đó, chúng tôi đã biết bị đạn lạc của pháo ta đang chỉnh tầm. Mấy hôm sau chúng tôi còn biết, đại đội pháo 105 ly đóng gần chỗ chúng tôi cũng bị trúng mấy quả bom của ta, 3 chiến sĩ bị thương. Chiến tranh, bom rơi đạn lạc là điều khó tránh khỏi, nhưng dù sao chúng tôi vẫn buồn, vẫn nghĩ giá như...
Sáng đó, hướng Trung đoàn chúng tôi đánh lên, nhìn chung là thuận lợi, còn các Trung đoàn khác gặp rất nhiều khó khăn. Có Tiểu đoàn gần như bị xóa sổ, chỉ còn lại 3 đồng chí. Cũng ở hướng này, 2 xe tăng T54 của ta bị địch bắn cháy. Sau này, nhìn kỹ xe tăng T54 bị bắn cháy, chỉ thấy một lỗ thép bị nóng chảy nhỏ như ngón tay, nhưng bên trong các chiến sĩ đều bị cháy đen.
Trưa ngày 7/7/78, Tiểu đội trưởng chỉ định tôi và một đồng chí trong tiểu đội lên tăng cường cho chốt tiền tiêu. Bò ra khỏi lùm cây thốt nốt, các loại súng của địch trên bờ đê cao bắn như mưa, nước bắn tung tóe xung quanh chúng tôi. Đôi lúc, địch bắn rát quá, chúng tôi thu người lại, nằm im giả vờ chết. Lúc này 2 chúng tôi cảm thấy như bất lực và sự sống của mình mong manh như ngàn cân treo sợi tóc, tất cả trông chờ vào vị cứu tinh che chở là chiếc mũ sắt đội trên đầu. Mỗi khi tiếng súng ngớt, chúng tôi lại tiếp tục bò toài. Gần tới lùm cây, đã nhìn thấy loang lổ các vết máu, tay phải tôi quờ phải sợi dây gài mìn bằng dây điện màu xanh, người tôi như có luồng điện giật, tôi lùi lại, chuẩn bị tư thế nằm xuống thật nhanh nếu nghe tiếng kíp mìn nổ.
Chuyển hướng khác, chúng tôi chạy nhanh vào lùm cây. Trận địa ở đây rất im ắng, chẳng ai đón chúng tôi. Sục sạo vài phút, chúng tôi phát hiện ra 3 chiến sĩ đã hy sinh do trúng đạn bắn tỉa. Kiểm tra rìa ngoài kỹ hơn, chúng tôi lại thấy một chiến sĩ bị thương, máu ra nhiều, đang mê sảng. Anh bị một viên đạn vào ngực, lỗ đạn vào chỉ bằng lỗ ngón tay, nhưng sau lưng vết thương phá to bằng đáy bát. Sau khi băng bó xong vết thương cho anh, chúng tôi khiêng anh ra ngoài.
So với lúc vào, đường ra còn gian nan ác liệt hơn rất nhiều vì chúng tôi phải khiêng cáng chạy trên con đường độc đạo hai bên là ruộng nước, các loại súng của địch lại nhằm bắn vào chúng tôi. Đạn địch găm phầm phập, nước bắn tung tóe xung quanh chúng tôi. Khi đạn bắn rát quá, chúng tôi lại bảo nhau đặt nhanh cáng xuống đường và lăn xuống bờ ruộng. Cũng có thể do bị xóc mạnh quá, anh thương binh lúc tỉnh lúc mê. Qua anh, tôi biết anh là người Nghệ An và người yêu của anh đang học ở nước ngoài.
Cũng may, đang lúc hiểm nguy, tiếng đề pa tong tong, tùng tùng của cối và 12ly7 ta chi viện, bắn dồn dập vào vị trí địch, ghìm đầu chúng xuống. Tranh thủ lúc này, hai chúng tôi lại hò nhau khiêng cáng chạy, mặc cho chúng bắn đuổi theo.
Cho tới giờ, tôi vẫn chưa biết người lính Nghệ An ấy vết thương có nặng lắm không và anh có duyên kết đôi với người con gái mà anh nhắc tới lúc gần đất xa trời hay không, nhưng tôi vẫn tin rằng anh còn sống. Tôi hy vọng rằng quả đất xoay tròn, rồi sẽ có ngày chúng tôi gặp lại nhau.
Sau ngày 7/7/78, tôi được Ban chỉ huy đại đội biết đến nhiều hơn, đặc biệt anh Viên Chính trị viên, anh rất quý tôi. Đại đội tôi chỉ có một khẩu súng ngắn K54, do anh nắm giữ. Mỗi khi cử tôi đi công việc anh thường đưa thêm cho tôi khẩu súng ấy, phòng xa bị địch phục kích. Nhờ đó, tôi đã được bắn mấy phát từ khẩu súng này, nhưng mục tiêu bắn không phải là lính Pôn Pốt mà là bắn cá và chim. Qua đó, tôi mới biết không được học bài bản, bắn K54 rất khó trúng đích.
Cả tháng 7/78, Sư đoàn 341 của tôi phối thuộc với các Sư đoàn 2, 7, 9 thuộc Quân đoàn 4 và 2 trung đoàn quân địa phương của thành phố Hồ Chí Minh đánh địch triền miên không một ngày ngưng nghỉ dọc theo biên giới hướng từ Tây Ninh tới Kiên Giang, Đồng Tháp.
Vào thời gian này, chế độ ăn của lính đã khá hơn. Ăn sáng của chúng tôi, thường là một chiếc bành mỳ ăn với sữa hộp. Bánh mỳ chở từ Tây Ninh sang. Cơm trưa và chiều vẫn là gạo sấy, nhưng đã được nấu chín (Với gạo sấy, bình thường chúng tôi chỉ đổ nước ruộng vào, chờ một lúc cho nó nở ra là ăn). Tranh thủ những lúc trận địa bình lặng, chúng tôi chia nhau đánh bắt cá bằng nhiều cách, đôi khi còn dùng cả lựu đạn. Cá ăn không hết thì chúng tôi phơi khô để ăn dần.
Tuy nhiên, ta và địch vẫn ở thế cài răng lược. Ranh giới giữa đơn vị chúng tôi và địch khoảng vài ba trăm mét. Hai bên vẫn có thể nhìn thấy nhau, trận địa chưa bao giờ im tiếng súng và cái chết vẫn luôn rình rập từ đạn pháo, đạn bắn tỉa và mìn cài.
Trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi đã từng chứng kiến, tiểu đội trưởng của tôi, lính 74, đánh địch từ những ngày đầu chiến dịch, bị thương nhẹ 2 lần là người cẩn trọng đến mức phì cười. Ở chiến tuyến của chúng tôi, đạn vẫn bắn qua lại kể cả chủ đích cũng như bắn vu vơ. Trong khi chúng tôi vẫn đi lại bình thường từ gốc cây này sang gốc cây kia, thì anh lại khom người chạy “vù” từ cây này sang cây khác.
Ở đại đội tôi từ cấp chỉ huy cho đến các chiến sĩ là một tập thể sống gắn kết, không phân biệt tuổi tác, chức vụ, thương nhau hết mực, sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi với nhau, sống chết vì nhau. Điều đó, chỉ có được trong điều kiện chiến đấu ác liệt khi mà buổi sáng ăn cùng mâm, đến bữa tối đã vắng đi vài người và có thể vĩnh viễn không còn gặp lại nhau nữa. Để vượt qua chính mình và sự khốc liệt của chiến tranh, chúng tôi vẫn tâm niệm, đạn tránh người; hơn nữa, địch có bắn chưa chắc đã trúng và nếu trúng chưa chắc đã chết, nói văn hoa hơn là chết xanh cỏ, sống đỏ ngực.
Trưa, ngày 10 tháng 7, anh Mật, người to khỏe nhất đại đội bị viên đạn vu vơ bắn trúng tim khi đang tắm trong bụi rậm. Cái chết đến quá bất ngờ, anh chẳng kịp trăng trối lời nào.
Mấy ngày sau, tiểu đội trưởng tiểu đội 12ly7, thuộc đại đội tôi, bị địch bắt sống.Tờ mờ sáng hôm ấy, tiểu đội anh được phân công lên chốt cao yểm trợ cho tiểu đội bắn tỉa. Tiểu đội trưởng đi đầu, vai khoác khẩu AK. Anh em đi sau, người vác nòng, người vác đế, gánh đạn. Bất ngờ, bọn Pôn Pốt từ trong bụi xông ra quật ngã tiểu đội trưởng, bọn khác xả đạn vung vãi về phía tiểu đội. Anh em tản ra, dùng lựu đạn chống trả, nhưng do bị động, không có súng tiểu liên, trong tay chỉ có vài quả lựu đạn nên đã không cứu được tiểu đội trưởng. Tối hôm đó, anh bị chúng treo lên cây, tưới xăng thiêu sống.Chiến tranh Campuchia, lính Pôl Pốt không bao giờ lưu giữ tù binh. Lính ta bị bắt, trước sau cũng bị chúng giết chết trong đau đớn. Cũng vì thế mà ở chiến tuyến, chúng tôi đi đâu, làm gì, bao giờ cũng mang theo quả lựu đạn mỏ vịt là vật bất ly thân và xem nó như là ân huệ cuối cùng dành cho mình, quyết không để sa vào tay địch.
Sang tháng 8/78, đại đội được bổ sung thêm hơn chục chiến sĩ mới, lính 78. Tiểu đội của tôi nhận hai em Hùng và Mạnh quê Nghệ An, người đều nhỏ nhắn, nhẹ cân, dáng thư sinh. Tôi được giao kèm cặp, hướng dẫn các em.Từ đó trở đi, tôi đi đâu đều có các em đi cùng như hình với bóng. Cho đến giữa tháng 8, tôi và các em đã đánh vài trận. Nếu trận nhỏ thì chúng tôi đi luồn sâu từ 8, 9 giờ tối, sáng hôm sau 5, 6 giờ chúng tôi bắt đầu đánh. Nếu đánh lớn cấp Sư đoàn, Quân đoàn vào những ngày đẹp trời, đánh cùng đơn vị chúng tôi ngoài xe tăng và xe bọc thép đánh phối hợp, còn có máy bay của ta thả bom vào các vị trí của địch.
Ngày 5/8/78, cũng là ngày may mắn với cả tôi, Hùng và Mạnh. Hôm đó, khoảng hơn 5h chiều, trời đã bắt đầu tối. Đơn vị tôi được lệnh chuyển quân áp sát vào vị trí địch để sáng hôm sau đánh lên. Khi 3 anh em đang đi trên lối mòn xuyên qua cánh đồng cạn, cỏ mọc dày, tôi đi trước gánh hơn chục quả đạn cối. Theo sau tôi Hùng, Mạnh cũng gánh số đạn cối như tôi. Có lẽ do gánh chưa quen, vai các em sưng tấy lên. Vì thế tôi phải đi chậm lại chờ 2 em. Bất ngờ, hai anh nuôi khiêng cái nồi quân dụng to chạy vượt qua sát người tôi.Mới qua tôi khoảng năm sáu bước chân, bỗng “Ầm”, mìn nổ. Nhìn lên, tôi thấy 2 anh ngã văng ra mỗi người một nơi, máu me bê bết. Anh đi trước còn bị dính một mảnh vào cổ, máu tuôn ra xối xả. Vô tình, hai anh và chiếc nồi quân dụng đã che đỡ cho 3 chúng tôi.
Đến cuối tháng 8/78, hướng đơn vị tôi, địch đã bị đẩy lùi, co cụm về chân cầu Playxớt, bên kia là thị xã Svayriêng, nhưng chúng chống trả rất quyết liệt và tổ chức nhiều đợt phản công hòng giành lại đất. Phía chúng tôi, quân số cũng hao hụt nhiều.
Chiều muộn, ngày 25/8/78 là ngày khó quên đối với chúng tôi. Ban chỉ huy đại đội giao cho tôi cùng với Hùng và Mạnh chuyển 6 hòm đạn cho tiểu đội 12ly7 đang chốt chặn ở ngã ba đường. Với kinh nghiệm từng trải, tôi nhắc Hùng và Mạnh mỗi người gài vào lưng quần một quả lựu đạn mỏ vịt Mỹ. Trước khi đi, anh Viên, Chính trị viên đại đội cẩn thận nhắc tôi mang theo khẩu AK, nhưng tôi nghĩ vướng víu; vả lại lên chốt của mình, có gì mà lo nên tôi không mang. Sau này, tôi thấy ân hận quá. Sau đó 3 chúng tôi lên chốt. Ra khỏi Phum vài trăm mét, chúng tôi đã bắt gặp vài chiếc xe tăng T54 cùng mấy khẩu pháo 37ly đang dàn hàng ngang hai bên đường, chúc nòng nhả đạn về hướng địch. Đinh ninh là địch còn ở xa, nên chúng tôi lững thững đi vượt qua họ, đi tiếp khoảng 2-3 trăm mét, chúng tôi nhìn thấy bên phải tôi có 2 chiến sĩ trinh sát người trát đầy bùn đất. Sau này chúng tôi mới biết đó là chốt tiền tiêu của ta. Vượt qua họ khoảng 100 mét nữa thì trời đã nhá nhem tối. Đang đi tiếp và đã nhìn thấy điểm chốt ở giữa đường như chỉ dẫn của Ban chỉ huy đại đội, cách chúng tôi khoảng 30-40 mét, bỗng Mạnh giọng run run nói với tôi: “Anh ơi, Miên !”. Chột dạ, tôi dừng lại lắng nghe, đúng là tiếng lính Khme. Tôi hô chạy. Chúng tôi chạy ngược lại được vài mét, thì đạn 12ly8 bắn đuổi theo, tiếng đạn nổ toác, toác… kèm tiếng gió quật phần phật quanh chúng tôi. Nhớ rõ, lúc ấy tôi lao nhanh xuống rãnh nước bên trái đường, Hùng và Mạnh cũng lao theo sau. Tiếng đạn đạn cắm phầm phập vào hàng thốt nốt bên đường. Điều lo sợ nhất của chúng tôi lúc này là chúng chạy đuổi theo, chúng tôi sẽ khó thoát, vì không có súng lại chỉ có 3 quả lựu đạn, 2 em thì kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều. Nấp vội vào gốc cây thốt nốt, tôi bình tĩnh quan sát và bẻ chốt quả lựu đạn mỏ vịt, đồng thời nói như ra lệnh: “Chuyển hết lựu đạn cho anh” Sau đó, tôi để hai em rút trước, tôi đi sau làm nhiệm vụ cảnh giới và đánh chặn. Ba anh em kéo lê 3 gánh đạn dưới con mương bùn đặc quánh, trong khi địch vẫn xả súng đuổi theo. Mới lết được khoảng hơn trăm mét, tôi đã thấm mệt, 2 em có lẽ vẫn còn run và mệt hơn nhiều. Nhận thấy tốc độ rút của chúng tôi quá chậm và 2 em như không còn đủ sức nữa; thêm vào đó vẫn là mối lo chúng đuổi theo, tôi quyết định vùi 3 hòm đạn xuống bùn. Còn mỗi người một hòm đạn, chúng tôi vác lên vai, chạy men theo hàng cây thốt nốt. Hùng nhanh chân chạy trước, còn Mạnh thỉnh thoảng lại chạy chậm lại như có ý chờ tôi. May mắn cho chúng tôi là có hàng cây ven đường che chắn và chúng cũng không dám đuổi theo. Về đến đơn vị thì trời tối hẳn. Tôi lên báo cáo ban chỉ huy đại đội rằng: Khẩu 12ly7 của ta đã bị địch chiếm, thay vào đó là khẩu 12ly8 của địch, cũng may là 3 anh em không bị chúng bắt sống và kể lại sự cố vừa qua. Nghe xong, xót lính, anh Viên, Chính trị viên nổi nóng, anh gọi ngay bộ đàm cho chỉ huy tiểu đoàn, giọng tức giận: “Các anh làm ăn như thế à, xuýt nữa thì các anh nướng mất 3 thằng lính của tôi”
Gần đến ngày Quốc khánh, chúng tôi được cấp thêm sữa hộp, bia và 5 bao thuốc lá Rubi của Mỹ. Không được báo trước, đêm 28/8/78, đơn vị tôi được lệnh bàn giao lại chốt cho đơn vị bạn, sau đó lên xe Reo (xe vận tải cỡ lớn của Mỹ) về thị xã Tây Ninh nghỉ nhân dịp 02/9/78. Chiều hôm sau, chúng tôi rủ nhau đá bóng với thanh niên địa phương. Đã lâu không đá bóng và thể lực hao mòn, chúng tôi đá thua mà không gỡ được bàn nào.
Sáng ngày 30/8/78, tôi tranh thủ về thăm mấy gia đình ở Ấp Cao Xá, nơi đã cưu mang chúng tôi thời gian huấn luyện. Đầu tiên tôi vào nhà Kiều Trinh. Tôi chào to: “Cháu chào hai bác”. Bố Kiều Trinh nhìn tôi nghi ngờ, hỏi lại: “Quang đấy à”. Ông sửng sốt trước sự xuất hiện đột ngột của tôi.Sau vài giây, ông bước tới ôm chầm lấy tôi, sờ nắn khắp người tôi. Lúc này, tôi đã nghe thấy tiếng khóc ngày càng to hơn. Sau bước chào hỏi cả nhà, tôi lại gần em, em vẫn khóc, nước mắt giàn giụa. Qua em, tôi được biết đây là lần thứ 2 em đã khóc vì sự xuất hiện bằng xương, bằng thịt của tôi. Em kể, cách đây khoảng một tháng, có đơn vị từ bên Campuchia về, em đã hỏi thăm về tôi thì được biết tôi đã hy sinh. Nghe tin ấy không riêng gì em, nhiều người cũng đã khóc thương tôi. Gia đình em và các gia đình tôi đến thăm đều mời tôi ở lại ăn cơm. Để đáp lại tấm lòng của mọi người, mỗi gia đình tôi ăn một ít và uống nửa ly rượu, sau đó trở về đơn vị để kịp giờ điểm danh.
Bình thường, chúng tôi được nghỉ 2/9/78 ở thị xã Tây Ninh vài ngày, nhưng do Trung đoàn tiếp nhận vị trí của chúng tôi hôm trước đã để mất chốt, nên đêm ngày 30/8/78, khoảng 22 giờ, chúng tôi lại được xe Reo “hốt” đưa sang Campuchia.
Sau ngày 2/9/78, đánh lớn cấp Quân đoàn. Vài ngày sau, chúng tôi đã giành lại phần đất bị quân Pôl Pốt chiếm cuối tháng 8, và thu gom được hàng chục tử sĩ. Chúng tôi cũng đau xót vì trong số tử sĩ ấy, có một số thương binh bị địch bắt, sau bị chúng chặt tay, chân cho chết dần.
Khoảng 14, 15/9/78, tôi được ban chỉ huy đại đội gọi lên thông báo lệnh điều động tôi về làm Quản trị trưởng, chức đại đội phó phụ trách hậu cần và công tác thương binh tử sĩ của đơn vị, thay cho một Thiếu úy - Quản trị trưởng sẽ được điều xuống làm Đại đội trưởng một đại đội khác.
Được tin ấy, tôi nửa mừng nửa lo. Mừng vì tôi được thăng chức quá nhanh, ngoài trí tưởng tượng của tôi. Mừng là từ nay về sau tôi sẽ không phải đương đầu với khói lửa của chiến trường. Nhưng tôi cũng lo nhiều vì không biết công việc tới đây, cũng là lần đầu tiên phải chăm lo cho mấy chục con người, sẽ phải làm như thế nào. Ngoài ra, tôi cũng băn khoăn và thoáng buồn vì sẽ phải xa những đồng đội đã gắn bó, sống chết cùng tôi.
Theo lệnh của Ban chỉ huy đại đội, tôi đến gặp anh Quản trị trưởng được vài chục phút. Tôi mới nắm qua tình hình lương thực, vũ khí, đạn dược và số lượng thương binh, tử sĩ của đơn vị. Trong cuộc gặp này, tôi được biết số thương binh, liệt sĩ của đơn vị đã là trên 60 người, nhiều hơn quân số ban đầu cũng như quân số hiện tại của đơn vị. Biết tin tôi làm Quản trị trưởng, vài anh tiểu đội trưởng đã gặp tôi làm quen và nhã ý nhờ tôi cất giữ cho vài thứ đồ. Tôi cũng không biết các anh sẽ gửi gì, nhưng tôi đoán chắc mấy bác này sẽ gửi tôi những đồ quý thu nhặt được.
Mấy ngày sau đó, do chưa thu xếp xong công việc của đơn vị, nên anh Quản trị trưởng cũ vẫn chưa về đơn vị mới, tôi lại trở về chốt của tiểu đội.
Tối ngày 25/9/78, 20 giờ, chúng tôi lại được lệnh luồn sâu bọc lót địch. Địch ở phía trước trong Phum, bao quanh là các hàng cây thốt nốt. Thời điểm này đi đêm đã có trăng nên chúng tôi dễ đi hơn. Tuy nhiên, cũng vì trời sáng nên có đoạn bị địch phát hiện, chúng bắn như vãi đạn, chúng tôi phải bò toài vòng tránh.
Khoảng 5giờ30, ngày 26/9/78, khi trời đã bắt đầu sáng, chúng tôi đã nhìn thấy bóng địch thấp thoáng trong Phum. Sau tiếng đạn pháo 105 ly và pháo Tăng của ta bắn mở màn vào vị trí địch, chúng tôi tràn lên qua cánh đồng nước ngập gần tới đầu gối, vừa tiến vừa bắn vào vị trí của địch. Tiếp sức cho chúng tôi còn xe thiết giáp M113. Tiếng nổ liên thanh như gõ thùng của khẩu 12ly7 trên xe bắn xối xả, cày xới vào vị trí địch. Sau vài phút định thần, pháo 105 ly và ĐK 75, cối của địch bắn dữ dội vào chúng tôi. Đạn pháo của địch xoẹt - ầm, xoẹt - ầm nổ lung bung xung quanh chúng tôi.Từng cột đất, nước và khói bụi đen kịt bốc lên cao, nhiều khi chúng tôi chẳng biết đường nào mà tránh. Chỉ biết, nghe tiếng xoẹt, xoẹt trên đầu là chúng tôi lại nằm xuống hoặc lao nhanh vào hố đạn pháo vừa nổ. Khi tôi đang băng qua ruộng nước, bỗng nghe tiếng xoẹt, xoẹt trên đầu, tôi lao nhanh xuống, nhưng người chưa chạm mặt nước thì “ầm”, đạn đã nổ. Bùn đất chùm lên người tôi, tay phải và chân phải tôi tê dại. Bàn tay phải của tôi máu phun xối xả thành các tia. Sau tiếng nổ, tôi chồm dậy, nhưng lại ngã xuống. Hùng và Mạnh lao lên xốc tôi dậy, dìu đi. Đứng dậy, tôi cũng kịp quan sát thấy hố đạn pháo 105ly nổ bên phải chỉ cách tôi khoảng chừng hơn 3 mét. Quả đạn pháo này đã làm bốn người trong tiểu đội tôi bị thương gồm anh tiểu đội phó, tôi, Hùng và Mạnh. Khi đạn nổ, tiểu đội phó đang ở cách xa tôi chừng chục mét, nhưng anh bị thương nặng nhất, cụt hai chân. Sau này nghe nói anh hy sinh. So với tôi, Hùng và Mạnh bị thương nhẹ hơn, mỗi người em bị vài mảnh. Vết thương lớn nhất của Hùng là ở bả vai phải, còn Mạnh bị mảnh cắm vào núm vú phải. Biết tin chúng tôi bị thương, các anh trong tiểu đội lao tới băng bó. Nhìn các vết thương của tôi, có anh còn nói: “Chúc mừng chú, chú đã sống và sẽ được trở về nhà”.
Sau khi băng tạm các vết thương, chúng tôi được đưa về trạm phẫu dã chiến của Trung đoàn. Đến trưa, số thương binh ở trạm đã lên tới vài chục người, nằm la liệt. Ở đây, tôi được các bác sĩ kiểm tra, băng lại các vết thương.
Ba giờ chiều hôm đó, có máy bay lên thẳng chở chúng tôi về sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó xe ô tô đưa chúng tôi về bệnh viện 175, Thành phố Hồ Chí Minh. Đi cùng chuyến bay này, ngoài tôi, Hùng và Mạnh, tôi còn nhìn thấy ở giữa treo 3 chiếc cáng, trên đó là 3 thương binh nặng.
Từ lúc đó, tôi đã bước ra khỏi khói lửa của chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, nhưng tôi vẫn không quên những gương mặt đồng đội và những liệt sĩ đã ngã xuống trên mặt trận Tây Nam. Chính nhờ sự hy sinh và che chở của họ mà tôi đã được sống đến ngày hôm nay và có cơ hội được kể lại những mẩu chuyện này.
Hà Nội, Thu Đông năm 2015
Tác giả: Bùi Xuân Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn