Kính thưa: - GS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc ĐHQGHN
- PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Nhà trường
- Các vị khách quí quốc tế và Việt Nam
- Các thầy cô giáo, các cán bộ viên chức
- Các em sinh viên, học viên quí mến
Trước hết, cho phép tôi được chân thành gửi tới các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quí, các thầy cô giáo và anh chị em sinh viên của trường những lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới 2016. Đặc biệt, xin chúc mừng PGS.TS Phạm Quang Minh đã được tập thể tín nhiệm và được lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội tin cậy bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV nhiệm kỳ 2016-2020. Chúc đồng chí đồi dào sức khỏe, bản lĩnh và tự tin, vững vàng và sáng tạo để hoàn thành tốt trọng trách được giao.
GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh đã có hai nhiệm kỳ thành công trên cương vị Hiệu trưởng và Bí thư Đảng uỷ Nhà trường.
Thưa các vị lãnh đạo, các thầy cô giáo và toàn thể quí vị,
Năm 1995, tôi bắt đầu tham gia Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử. Từ đó đến nay, tôi đã có hơn 20 năm làm công tác quản lý, trong đó có 10 năm trên cương vị Hiệu trưởng, 12 năm giữ cương vị Bí thư Đảng ủy Trường; bên cạnh đó là 15 năm làm Đảng uỷ viên Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có 5 năm là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy. Trong khoảng thời gian đó, mỗi tháng trung bình tôi có khoảng từ 8 – 10 cuộc họp, bao gồm họp chi bộ, họp Thường vụ Đảng ủy, họp Đảng ủy trường; họp giao ban Hiệu bộ, họp giao ban toàn trường; họp Thường vụ Đảng Uỷ ĐHQGHN, họp giao ban ĐHQG HN,v.v…, chưa kể các cuộc họp làm việc với các đơn vị, họp triển khai công việc, họp với các đoàn thể, họp đột xuất, họp với các cơ quan ngoài trường. Như vậy, ước tính trung bình mỗi năm, tôi có khoảng 100 cuộc họp. Tổng cộng trong 10 năm qua, tôi đã có khoảng 1000 cuộc họp lớn nhỏ. Ở hầu hết những cuộc họp đó, tôi chủ yếu nói về trường hoặc về các công việc chung. Có một số cuộc họp, tôi có nói về bản thân nhưng đều là các cuộc họp để kiểm điểm cuối năm của chi bộ, của Thường vụ Đảng Uỷ - Ban Giám hiệu Trường hoặc Thường vụ Đảng Uỷ - BGĐ ĐHQGHN. Hôm nay, trong cuộc họp đặc biệt này của trường, cho phép tôi được nói đôi điều về mình, về những công việc quan trọng mà mình đã làm trong thời gian qua.
Kính thưa các thầy cô, anh chị và toàn thể quí vị, tôi là một người vốn không ham mê quyền lực nhưng khi được cấp trên giao phó và bản thân chấp nhận nhiệm vụ, tôi đã tự nguyện dấn thân, không ngừng học hỏi, cố gắng hết mình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Để lãnh đạo, phát triển Nhà trường trong hai nhiệm kỳ qua, tôi đã cùng Đảng ủy và Ban Giám hiệu từng bước xây dựng và thực hiện 5 trục chính sách lớn nhằm vào 5 lĩnh vực hoạt động cơ bản của Trường, cụ thể là:
1/ Tiến hành kiện toàn cơ cấu tổ chức các khoa, phòng, trung tâm; thí điểm xây dựng mô hình kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ với dưới hình thức Viện, hoặc công ty Dịch vụ và Du lịch; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề đào tạo nhằm hoàn thiện cơ cấu chuyên môn của trường, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Theo định hướng đó, từ năm 2005 đến nay, nhiều ngành và chuyên ngành mới đã được tuyển sinh đào tạo như Công tác xã hội, Nhân học, Việt Nam học, Quản trị Khách sạn, Tôn giáo học, Quản lý tổ chức và Doanh nghiệp, Tâm lý học phát triển, Quản trị Báo chí và truyền thông,v.v… Ngoài ra, Trường còn tích hợp, thành lập thêm nhiều đơn vị mới như Khoa Khoa học Chính trị, Khoa Nhân học, và một số trung tâm nghiên cứu ứng dụng.
Năm 2013, Nhà trường thành lập Viện Chính sách và Quản lý - mô hình viện nghiên cứu trong trường đại học đầu tiên tại Việt Nam
2/ Trong công tác nghiên cứu khoa học, tôi đã cùng BGH chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách nhằm khuyến khích cán bộ giảng viên chủ động tìm kiếm và đấu thầu thành công nhiều đề tài dự án. Nhờ đó, trong thời gian từ năm 2006 đến nay, cán bộ của trường đã chủ trì thực hiện 27 đề tài cấp Nhà nước, tăng gấp 10 lần so với những năm trước đó. Bên cạnh đó, Trường còn qui định chế độ thưởng đối với các cán bộ có bài báo công bố quốc tế. Những cán bộ có nhiều công trình công bố đạt chất lượng cao ở trong nước cũng được khen thưởng kịp thời… Đặc biệt, vào tháng 6/2015, sau hàng chục năm mong đợi, Trường đã mở được Tạp chí KHXH&NV - đây là diễn đàn học thuật chính thức của trường và giới KHXH&NV nước nhà.
GS.NGND Hà Minh Đức - một trong những nhà giáo tiêu biểu của Nhà trường - được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về KH-CN năm 2000 cho cụm công trình về Văn học Việt Nam hiện đại và lý luận văn học; Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-CN năm 2010 với cụm công trình sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hoá, văn nghệ Việt Nam.
3/ Trong hợp tác quốc tế, BGH Nhà trường rất quan tâm phát triển thêm các đối tác mới ở khắp các châu lục, nhất là với các trường đại học xếp thứ hạng cao trên thế giới để học hỏi và nâng cao uy tín, đồng thời tiếp tục duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học có tiềm năng và nhu cầu thực tế để hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế. Nhờ vậy, đến nay, số đối tác của trường đã tăng lên nhiều lần so với năm 2005. Số lượng lưu học sinh nước ngoài đến học tập tại trường cũng tăng nhanh và thường xuyên duy trì ở mức trên dưới 500 - 600 người/năm. Đây là số lượng lưu học sinh đông nhất so với tất cả các trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian qua không chỉ góp phần mở rộng và nâng cao uy tín quốc tế của Trường, mà còn mang lại nguồn thu bổ sung đáng kể vào nguồn thu chung của Nhà trường.
Trường ĐHKHXH&NV ngày càng khẳng định vị thế và uy tín trong khu vực và quốc tế, là điểm đến của nhiều nguyên thủ và nhà khoa học nổi tiếng
4/ Về cơ sở vật chất và tài chính, trong mấy năm gần đây, BGH tập trung đầu tư cơi nới mở rộng diện tích làm việc và học tập, tăng cường hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ việc dạy và học của cán bộ và sinh viên. Đặc biệt, với sự cố gắng của Trường và sự hỗ trợ của ĐHQGHN, trong thời gian tới, Trường sẽ mở rộng diện tích sử dụng ra toàn bộ nhà E sau khi chuyển nhà M cho Trung tâm TT-TVcủa ĐHQGHN. Các nguồn kinh phí của Trường được sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài mục đích đầu tư sửa sang mở rộng diện tích và mua sắm các trang thiết bị, máy móc làm việc, Trường còn tiết kiệm chi tiêu để tăng quĩ lương và quĩ thu nhập tăng thêm. Nhờ đó, thu nhập bình quân của cán bộ giảng viên không ngừng tăng lên. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của cán bộ viên chức Trường tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Đó là cố gắng rất lớn của một trường khoa học cơ bản trong việc đảm bảo đời sống cán bộ nhân viên, tạo điều kiện để cán bộ nhân viên tích cực công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
5/ Để nâng cáo chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế, Ban lãnh đạo Nhà trường đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ, coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ đạt chuẩn là khâu mấu chốt, quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công các yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, do nhận thức được đặc điểm của Trường là phần lớn cán bộ giảng viên (khoảng 60%) đều là cán bộ trẻ (dưới 40) và đang trong quá trình đào tạo. Bởi vậy, bên cạnh việc quan tâm trọng dụng các cán bộ giảng viên có trình độ cao là giáo sư và phó giáo sư, Ban Giám hiệu còn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với cán bộ trẻ như: gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ đi tham dự hội thảo khoa học ở trong và ngoài nước; đối với các cán bộ đi học cao học hoặc NCS trong nước được xét giảm 50% giờ nghĩa vụ, đồng thời được miễn 100% học phí, được điều chỉnh tăng thêm hệ số TNTT, được hưởng chế độ thâm niên giảng dạy cho dù dạy chưa đủ 5 năm theo qui định; ngoài ra, các NCS và HVCH còn được hỗ trợ thêm kinh phí để làm nghiên cứu và viết luận án, luận văn. Nếu tốt nghiệp trước hạn hoặc đúng hạn đạt loại xuất sắc, các cán bộ đều được khen thưởng, ưu tiên bình xét thi đua hoặc xét tăng lương trước hạn. Những chính sách đó đã góp phần rất quan trọng trong việc khuyến khích động viên và tạo điều kiện cho cán bộ trẻ tích cực học tập nâng cao trình độ, đạt chuẩn học vị. Nhờ vậy, đến nay, 52% cán bộ giảng viên của Trường đã đạt học vị tiến sĩ, 28% đã có chức danh GS và PGS, nhiều giảng viên đã được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư ở độ tuổi trên dưới 35.
Ghi nhận những thành tựu xuất của các thế hệ cán bộ sinh viên của Trường, trong khoảng 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã lần lượt trao tặng nhà trường những phần thưởng cao quí: danh hiệu Anh hùng lao động (năm 2005) và Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 2010, HCLĐ hạng Nhất lần thứ hai (2015).
Trường ĐHKHXH&NV vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai trong lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Đại học Văn khoa và 20 năm thành lập Trường (10/2015)
Có được những thành công trên đây trước hết là nhờ sự chỉ đạo sát sao của tổ chức Đảng và chính quyền các cấp; sự cố gắng làm việc và công tác của đội ngũ cán bộ giảng viên; sự khuyến khích, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, đối tác ở trong và ngoài nước.
Nhân dịp này, cho phép tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các cơ quan Đảng và Chính phủ, các bộ GD-ĐT, KH-CN, Ngoại giao, Công an và các ban ngành TW, cảm ơn Thành ủy Hà Nội, nhất là Ban lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Trường ĐHKHXH&NV phát triển, và giúp tôi cùng Ban Giám hiệu hoàn thành tốt trách nhiệm được giao.
Xin cảm ơn các tập thể và cá nhân, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cảm ơn các trường đại học, các viện nghiên cứu, các quĩ học bổng, các đối tác và bạn bè gần gũi ở cả trong nước và nước ngoài đã thường xuyên quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cá nhân tôi và nhà trường trong các hoạt động đào tạo, giao lưu học thuật, góp phần tạo nên những thành công của Trường hôm nay và để lại những dấu ấn tình cảm anh em chân thành và sâu đậm trên bước đường mở rộng quan hệ quốc tế, đẩy mạnh hội nhập và phát triển của nhà trường.
Xin cảm ơn đội ngũ cán bộ quản lý các phòng, ban, khoa, trung tâm; lãnh đạo các đoàn thể, các đơn vị trực thuộc trường; nhất là các đồng chí trong Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường từ các anh Phạm Gia Lâm, Lâm Bá Nam, Vũ Đức Nghiệu đến các phó hiệu trưởng khóa sau như các anh Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Văn Kim, Phạm Quang Minh, chị Trần Thị Minh Hòa đã xem nhau như anh em một nhà, luôn kề vai sát cánh cùng tôi, chia sẻ khó khăn với tôi, tận tâm tận lực làm việc, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt các yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, xin cảm ơn các thầy nguyên là Hiệu trưởng nhà trường như GS. Phùng Hữu Phú, PGS. Phạm Xuân Hằng, PGS. Phạm Quang Long, mặc dù không còn đảm nhiệm chức vụ quản lý Nhà trường nhưng vì tình cảm và trách nhiệm đối với Trường và cá nhân tôi nên vẫn thường xuyên quan tâm tìm hiểu tình hình của Trường và đã có nhiều ý kiến đóng góp quí báu, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Nhà trường trong các nhiệm kỳ qua.
GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh nhận nhiều giải thưởng cho những đóng góp tiêu biểu của thầy trong lĩnh vực khoa học, đào tạo, quản lý và hoạt động xã hội
Nhưng cao hơn hết, cá nhân tôi dù có cố gắng đến mấy cũng không thể hoàn thành được trọng trách được giao trong mười mấy năm qua nếu không có sự đồng thuận, tin cậy, ủng hộ và giúp đỡ của tất cả các cán bộ, giảng viên, nhân viên toàn trường. Nhân dịp buổi lễ hôm nay, cho phép tôi được bày tỏ những tình cảm biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đến tất cả các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ viên chức; các anh chị, bạn bè đồng nghiệp, các cán bộ, giảng viên; các chuyên viên; các nhân viên phục vụ, lái xe, bảo vệ, cùng các khóa sinh viên, học viên đã từng công tác và học tập tại trường về những tình cảm gắn bó thân thiết, nhất là đã cùng tôi chia sẻ khó khăn, đồng cam cộng khổ, đã hết lòng ủng hộ, động viên và giúp đỡ tôi công tác và làm tròn trọng trách của mình trong suốt những năm qua.
Kính thưa toàn thể quí vị,
Kể từ khi lần đầu tiên được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng vào năm 1999 đến cuối năm vừa qua, tôi đã có hơn 16 năm tham gia Ban Giám hiệu. Trong quãng thời gian đó, tôi đã không ngừng cố gắng, làm việc hết sức mình, luôn cầu thị, chân thành lắng nghe ý kiến của mọi người; xử lý và giải quyết công việc với tinh thần trách nhiệm, khách quan, công tâm và nhân ái, tất cả vì quyền lợi của cán bộ, sinh viên và sự phát triển chung của nhà trường. Những gì có thể làm được, tôi đã gắng sức làm. Những gì tôi làm chưa được, chủ yếu là do năng lực của cá nhân tôi có hạn. Nếu có điều gì nói chưa phải hoặc làm không được như ý muốn, tôi rất mong được các thầy cô, anh chị và các bạn hết sức thông cảm và lượng thứ!
Kính thưa các vị khách quí, các thầy cô giáo, các cán bộ viên chức, anh chị em sinh viên thân mến,
20 năm qua, trải qua 4 nhiệm kỳ hiệu trưởng, Trường ĐHKHXH&NV đã có những bước tiến dài ấn tượng. Trong chặng đường sắp tới mà trước mắt là trong nhiệm kỳ Hiệu trưởng 2016-2020, Trường chúng ta đang đứng trước nhiều thuận lợi, nhưng cũng sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức, nhất là xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt của giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhưng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, kế thừa được thành tựu của 70 năm truyền thống và 20 năm xây dựng, phát huy tốt truyền thống đoàn kết và sức mạnh của toàn trường, tranh thủ và thu hút sự ủng hộ, giúp đỡ của các tập thể và cá nhân ở trong và ngoài trường, của Việt Nam và bạn bè quốc tế, Trường ĐHKHXH&NV nhất định sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ để giữ vững vị trí đứng đầu đất nước trong đào tạo và nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn và sớm tiến lên sánh vai với các trường đại học hàng đầu trong khu vưc và trên thế giới. Từ đáy lòng mình, tôi thành tâm cầu chúc cho Trường của chúng ta, ngôi trường do Bác Hồ quyết định thành lập, mãi mãi an lành và không ngừng phát triển.
Một lần nữa, xin kính chúc các vị khách quí, các thầy cô giáo và toàn thể quí vị bước sang năm mới và Tết Bính Thân 2016 dồi dào sức khỏe, thật nhiều niềm vui và tràn đầy hạnh phúc!
Xin trân trọng cảm ơn!
Tác giả: GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn