Ta đã qua hàng ngàn khoảnh khắc giao thừa, có những giao thừa chỉ mong thoát cảnh đời nô lệ, khổ đau; có những giao thừa hừng hực lòng căm thù xông lên diệt giặc ngoại xâm, tự giải phóng cho mình; lại có những giao thừa ngậm ngùi, vấn vương nhớ thương những người thân ra đi theo tiếng gọi non sông, không trở lại; có những giao thừa từng phơi phới niềm tin vào tương lai và có những giao thừa trăn trở đợi chờ. Một câu hỏi đặt ra: Sao sự thành công lại không đủ lực cuốn trôi những lực cản? Cội nguồn vấn đề là gì vậy?
Nhìn vào quá khứ, thấy xưa cha ông ngắm xét người để dụng nhân như dụng mộc rất đơn giản mà trúng cốt lõi nhân cách. Ngoài trình độ học thức ra thì cái tư chất hiếu nghĩa với cha mẹ, với con người, với tổ tiên, toàn là những tố chất tử tế, được đánh giá cao. Xưa học hành, đỗ đạt xong thì được triều đình bổ làm quan, đỗ cao thì bổ về cấp phủ, tỉnh, thấp chút về cấp huyện, đỗ đạt hàng đầu bổ về cấp bộ trong triều làm lang trung, thị lang, thượng thư. Cơ bản là điều động về cơ sở, rồi khi “hữu xạ tự nhiên hương”, lại được “luân chuyển” lên cao.
Nay, Ta luân chuyển cán bộ về cơ sở để trải nghiệm thực tiễn. Gần đây, để qui hoạch cán bộ từ cấp chiến lược xuống địa phương, đã xuất hiện các lớp nguồn lãnh đạo, quản lý để chủ động tạo nguồn. Bài bản thế, chu đáo thế nhưng vẫn còn nhiều trường hợp do bầu bán được thành quan, rồi mới cho đi học để tích lũy kiến thức chuyên môn ở các trình độ khác nhau. Nhưng, công việc của cán bộ nhiều lại “hấp dẫn” nên thời gian dành cho học tập không được là bao, sẵn tiền chùa, tiền bôi trơn lại sinh ra hệ lụy mới thời đổi mới là thị trường bằng cấp, điểm rả…Rồi thì mỗi dịp có “bước ngoặt”, những người được nhắm vào danh sách quy hoạch được tập trung vài tháng để được bồi dưỡng nâng cao trình độ tri thức và lý luận. Thế nhưng, không biết qua các lớp bồi dưỡng ấy, họ có “tẩy rửa” được những khuyết tật do thực tiễn “cống hiến” đã ăn sâu vào máu thịt thành thâm căn cố đế hay không?
Nhìn ra nước ngoài có nhiều cái ta chưa bằng họ. Tỷ như quan chức nước người có lòng tự trọng rất cao. Trong hoạt động chính trị, họ có văn hoá chính trị đáng nể. Khi những người lãnh đạo thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm, không còn xứng đáng với nhiệm vụ được giao thì sẽ từ chức. Khi làm thiệt hại về vật chất, tinh thần của dân, của đất nước mà không từ chức thì búa rìu dư luận xã hội qua áp lực truyền thông hay nhiều áp lực tổ chức khác, cuối cùng vẫn phải từ chức. Người ta nói, văn hóa từ chức chỉ có khi quan chức hiểu biết về bổn phận, trách nhiệm của mình bằng lòng tự trọng.
Việt Nam ta được xem là có nền văn hoá truyền thống trọng đạo đức, trọng danh dự mà sao việc từ chức trở nên khó khăn đến thế? Quan chức nước ta nhìn nhận việc từ chức hết sức nặng nề. Từ chức rồi về sẽ làm gì? Nhiều cán bộ chỉ có mỗi nghề lãnh đạo và quản lý thôi, đó là cái khó. Thêm vào đó, tâm lý mặc cảm rất lớn, vốn “đường đường một đấng anh hào” xin từ chức để đi xin việc mới ư? Không dễ vì vừa mặc cảm, vừa không có việc làm thích hợp. Trong khi quan chức nước người, từ chức không hề gây hệ lụy cho cuộc sống hậu từ chức.
Từ chức khó khăn còn vì chức tước lại được coi là cái danh “vĩ đại”, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, làng quê. Trên thực tế chức tước chỉ là phương thức cống hiến làm trọn bổn phận làm người trên cõi đời, không hơn, không kém. Còn một thực tế rất đời làm cho không ai muốn từ chức, vì chức tước luôn đi đôi với quyền, quyền sinh ra lợi. Ngay chỉ việc điều động, luân chuyển thôi, nếu về nơi có danh mà không lợi là tìm mọi cách né tránh với muôn vàn lý do nghe chừng hợp lý; không kén cá, chọn canh được thì tâm trạng nào có vui đâu.
Thế nên, ở ta cán bộ mắc khuyết điểm nghiêm trọng, không tự giác từ chức. Trong cơ chế tập thể lãnh đạo, căng lắm thì tổ chức điều động lên trên (chứ không phải hạ phóng xuống cơ sở). Có khi chỉ nghiêm túc rút kinh nghiệm. Có người than rằng, cái “dây kinh nghiệm” không biết dài tới đâu, khi mắc sai lầm, các cấp, các ngành, các tổ chức, các quan chức nghiêm túc rút mãi, vẫn chưa hết. Xin đừng rút nữa mà cần xác định trách nhiệm cá nhân theo việc được giao. Sai đâu xử đấy cho nghiêm. Thiên hạ chỉ biết trách nhiệm cá nhân trước pháp luật, ta lại có trách nhiệm tập thể, trách nhiệm pháp luật, trách nhiệm chính trị. Thật phong phú về thể loại, nhưng thấp yếu về hiệu quả. Trách nhiệm tập thể cũng dễ dẫn đến hòa cả làng, trách nhiệm chính trị thì không cụ thể, chung chung, nên trách nhiệm người đứng đầu không dễ quy kết. Trong phạm trù lãnh đạo, quản lý, chỉ có trách nhiệm cá nhân trước pháp luật là thiết thực và hiệu quả cho lợi ích nhân dân.
Môi trường chính trị-xã hội cũng đang làm cho cánh cửa từ chức luôn cửa đóng then cài, không ai mở được và không chịu mở. Xã hội nên coi từ chức là chuyện bình thường, là văn hóa, là nhân cách lòng tự trọng, không nên kỳ thị, khinh miệt. Môi trường xã hội cần tiếp nhận văn hóa từ chức là một yếu tố tích cực, coi trọng nhân cách và sống có tự trọng, thúc đẩy tiến bộ, công bằng và văn minh xã hội. Văn hóa từ chức là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết thực nhất về một nền văn hóa chính trị dựa trên nhân phẩm, lòng tự trọng, trí tuệ và bản lĩnh của những nhà lãnh đạo thực sự vừa thấu hiểu bổn phận, trách nhiệm, vừa có đầy đủ dũng khí. Văn hóa chính trị này đối nghịch với văn hóa chính trị chụp giật với những con người vô cảm với bổn phận của bản thân, sẵn sàng cố thủ địa vị bằng mọi giá, chà đạp lên dư luận xã hội và cả lương tâm của chính mình. Khi đã thiếu văn hóa thì làm sao có ánh sáng soi đường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhưng người lãnh đạo phải thể hiện bản thân có văn hóa thì mới góp phần làm cho văn hóa soi đường được cho dân đi, hiểu rộng ra là thế.
Ta phát triển bằng văn hóa nhưng nền tảng tinh thần xã hội lại đang có vấn đề, nhất là một bộ phận con người có điều kiện chi phối phát triển xã hội lại bị suy thoái nhân phẩm. Cái khuyết tật này kìm hãm việc đưa giáo dục, khoa học, công nghệ trở thành phương tiện quốc sách hàng đầu phát triển đất nước. Thế nên, năng suất lao động của ta quá thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và chính sách của ta mong muốn.
Chặng đường 30 năm đổi mới đã qua, thành tựu giành được ở trong nước và trên trường quốc tế thật đáng tự hào, song những khuyết tật sinh ra trên chặng này ẩn chưa những nguy cơ khôn lường cho vận mệnh đất nước. Ta nhận ra điều đó và đang triển khai khắc phục, nhưng kết quả chưa chuyển biến rõ rệt, thực tế có phần phức tạp hơn. Ta biết những khuyết tật là những vấn đề cấp bách, mà vẫn chưa cấp bách khắc phục được. Phải chăng Ta chưa nhận ra cái gốc rễ vấn đề, cái xu thế thời đại và lòng dân.
Tròn 70 năm trước, Người khai sinh ra chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân trên đất nước ta, từng chỉ dẫn: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam..., có tinh thần thuần túy Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ” (báo Cứu Quốc, 1946). Chính kiến này chỉ đạo Người chắt lọc những gì tinh hoa nhất của thiên hạ để học tập, tiếp thu làm giàu cho tư tưởng của mình, làm lợi cho dân tộc. Ngay chủ nghĩa Mác vốn là học thuyết cách mạng sinh ra trong thời đại của ông với thực tiễn châu Âu, nó chỉ là một học thuyết khoa học và có cống hiến vĩ đại là phép biện chứng, một chìa khóa khám phá thế giới tự nhiên, khám phá xã hội, còn những luận điểm khác đâu phải ứng dụng trong mọi thời đại, trong mọi quốc gia. Mỗi dân tộc có đặc điểm khác nhau về lịch sử, văn hóa. Văn hóa dân tộc thế nào, thì đường đi thế nấy.
Khi tiếp xúc học thuyết cách mạng của Mác, Ăng-ghen, Lênin và dựa trên lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã bổ sung quan điểm về khả năng cách mạng xã hội ở nước thuộc địa. Thực tiễn cách mạng giải phóng nước nhà đã chứng minh điều sáng tạo của Người. Đó là Hồ Chí Minh, con người không giống với các học trò khác của các vị tiền bối, một học trò không đánh mất bản sắc dân tộc, không dập khuôn, giáo điều, chỉ cái gì lợi cho dân thì mới làm, vì dân là gốc của dân tộc. Người nói tôi là người yêu nước có nghĩa Người xuất phát từ lợi ích dân tộc để tư duy và hành động cho dân tộc.
Ta phải biết, phải dám nhận ra trong Ta còn khuyết tật gì để Ta khắc phục. Đó mới là điều cần thiết trong cuộc đời. Nếu không, Ta cứ ngỡ mình mạnh khỏe mà hững hờ bỏ qua. Cái nguy hiểm nhất trong cuộc đời là cố tình coi mình không có khuyết tật, cái gì cũng hoàn hảo. Trong thời khắc giao thừa thiêng liêng này, Ta đã trung thực với chính ta nên Ta thanh thản vô cùng, hứng khởi vô biên bước vào Xuân mới với sứ mệnh mới.
Nay trên nền những thành công đổi mới, phải chăng, Ta cần nghĩ cách thay đổi (change) hơn nữa để thật sự trở về với tư tưởng và phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, trong đó cái đích là dân tộc. Thực tiễn đất nước và thời đại đã thay đổi nhiều, đã đến lúc cần giải phóng trí tuệ để quy tụ tư duy sáng tạo, hoàn thiện con đường trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh. Trở về với tư tưởng và phương pháp cách mạng của Người là trở về với sức sống dân tộc. Ta ơi! Xuân mới đang về quyện hòa, phới phới niềm tin, hy vọng của lòng người. Cầu mong Đất nước sẽ thêm Xuân với mùa xuân nhân loại!
--------
Bài đăng trên báo Hà Nội mới số xuân
Tác giả: PGS. TS Phạm Xuân Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn