Mỗi khi thiên tai, địch họa, sức sống mãnh liệt để Tổ quốc trường tồn chính là sức manh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chẳng biết từ bao giờ, tâm thức đoàn kết, đùm bọc nhau sống của dân ta đã chuyển thành ca dao tục ngữ, thành ngữ bao đời nay, như:
-Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
-Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Hay:
-Dân ta nhớ một chữ đồng.
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.
Hoặc:
-Chung lưng đấu cật; đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.
Hơn hai ngàn năm trước, huyền thoại Thánh Gióng của ta xuất thân chẳng giống ở Hy-La mà ra đời trong nhân quần, vẫn có mẹ và bà con làng mạc, không đứng trên, mà cũng chẳng đứng ngoài nhân dân, sống trong lòng dân nên được dân nuôi, dân giúp, vụt đứng dậy bằng sức mạnh nhân dân, diệt giặc Ân cứu nước, thắng lợi, trở về Trời, không màng danh lợi, quyền cao. Sao tâm thế của nhân dân ta hơn hai ngàn năm trước sáng trong thế. Huyền thoại Thánh Gióng vừa là một bài thơ mơ về hình mẫu nhân cách người Anh hùng cứu nước, vừa khẳng định chân lý chỉ có sức mạnh nhân dân mới chắp cánh được cho anh hùng vươn tới đỉnh cao giải phóng con người. Thật xúc động, ngay từ hơn hai ngàn năm trước, tâm thức đoàn kết toàn dân được đặt trong mối liên hệ tương tác chặt chẽ với nhân cách của người biết lấy vì dân, vì nước làm lẽ sống đã được khẳng định.
Đây chính là những bài học mà nhân dân ta đúc rút qua ngàn năm chống thiên tai, địch họa, chia ngọt sẻ bùi với nghĩa đồng bào để nuôi dưỡng, bảo tồn văn hóa dân tộc, là sức mạnh bảo đảm cho dân tộc trường tồn. Từ trong chiều sâu lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ khi đất nước lâm nguy. Ấy là lúc lòng tự tôn, tự hào dân tộc được mỗi người dân tự nhận thức và thể hiện ở mức độ cao nhất. Xưa thế, nay vẫn thế. Đó là sức mạnh truyền thống của dân tộc ta được hun đúc hàng ngàn năm mà có. Sức mạnh truyền thống ấy luôn được giữ gìn, luôn được phát huy trên con đường dựng nước và giữ nước.
Cách mạng tháng Tám thành công, đánh dấu sự biến đổi chính trị to lớn trong lịch sử nước nhà, vị thế của người dân đã thay đổi về chất, người dân từ thân phận bị áp bức, bóc lột đã bước lên vũ đài chính trị làm chủ vận mệnh đất nước, làm chủ bản thân. Một giá trị nhân quyền, dân quyền lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Quyền dân tộc và quyền con người ngày càng được khẳng định và bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật. Đảng Cộng sản Việt Nam, từ vai trò một tổ chức chính trị tuyên truyền, vận động, lãnh đạo phong trào cách mạng chuyển sang vị thế một Đảng cầm quyền và đã lãnh đạo nhà nước và xã hội trong 70 năm nay.
Thắng lợi to lớn ấy là kết quả của đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhận thức sâu sắc về vai trò làm nên lịch sử của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động tập hợp sức mạnh quần chúng nhân dân trong tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất. Đây là một tổ chức rộng rãi nhất của quần chúng nhân dân, trong đó hạt nhân là những người cộng sản. Họ đã thực sự gương mẫu, tiên phong chiến đấu, không sợ tù đày, xiềng gông, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những tấm gương ấy thực sự cuốn hút nhiều quần chúng noi gương, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Họ chiến đấu, hy sinh như những người cộng sản!
Tấm gương tiên phong phấn đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân là biểu hiện sinh động sự hóa thân của Đảng vào mặt trận để vừa lãnh đạo quần chúng nhân dân, vừa cùng nhân dân đấu tranh trong thời kỳ máu lửa. Bằng hành động cụ thể, Đảng ta vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận, lại vừa thực sự là tổ chức thành viên – một thành viên gương mẫu, tiên phong trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì thế, Đảng xứng đáng là lực lượng dẫn dắt xã hội Việt Nam và chính Đảng ta tạo ra sự gắn bó máu thịt, sắt son trong quan hệ Đảng-Dân.
Uy tín của Đảng từng bước thấm sâu, ngấm lâu vào tiềm thức của lớp người lao động. Đảng được dân tin, dân theo, dân che chở, ủng hộ, tạo thành một lực lượng to lớn với sức mạnh như nước vỡ bờ tạo nên thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là thu giang sơn về một mối và tiến hành công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, mang tầm vóc thời đại.
Thực tiễn cách mạng ở Việt Nam cho thấy, Đảng đã hoà mình cùng quần chúng lao động, tranh đấu cho lợi quyền của nhân dân, giành độc lập dân tộc, nên Đảng thực sự là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể nói rằng sứ mệnh trung tâm đại đoàn kết dân tộc thực sự vừa là lợi ích của nhân dân, đất nước, vừa là bổn phận và cũng là điều kiện tồn tại của Đảng cầm quyền trong tiến trình xây dựng, phát triển nội lực nước nhà.
Có thể nói rằng, trong đấu tranh khói lửa, Đảng ta đã thể hiện hình ảnh mẫu mực quan hệ sắt son, máu thịt gắn bó với nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, cho nên Mặt trận Việt Minh và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã ghi được dấu ấn của mình trong lịch sử giành độc lập dân tộc. Đồng thời, sự ra đời và vận động của các hình thức mặt trận ấy đã thiết thực đáp ứng yêu cầu cách mạng. Đó là nghệ thuật tổ chức quần chúng của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là một nhân tố cốt tử của dân tộc ta, nó chỉ được hình thành khi lòng dân đồng tình, đồng sức, đồng lòng chung tay mà có, nói cách khác, là lòng dân hợp lại mà thành, lòng dân vận nước. Đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển và cả những thách thức thời cuộc khó lường. Khi lòng dân qui tụ sẽ trở thành nguồn lực sinh ra nhiều nguồn lực khác sẽ tận dụng hiệu quả cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển.
Xưa, Đảng ta gương mẫu, tiên phong gắn kết cùng nhân dân, nay càng cần thể hiện gắn kết hơn để tiếp tục là linh hồn của Đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong ba mươi năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được, thì bản thân Đảng ta cũng đang trăn trở đẩy lùi “một bộ phận không nhỏ” để Đảng trong sạch, vững mạnh hơn.
Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ”. Hạn chế trong 30 năm đổi mới được Dự thảo nhấn mạnh: “Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như nguy cơ "diễn biến hoà bình"…, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút. Bên cạnh đó, chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đòan kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc…Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thể chế hóa đường lối, chủ trương, của Đảng về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa thực sự tôn trọng, lắng nghe, giải quyết nguyện vọng chính đáng của dân. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân có lúc có nơi mang tính hình thức, hành chính, không bám sát cơ sở (Dự thảo).
Khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, vị Chủ tịch nước đã thốt lên rằng: “Buồn, xấu hổ, nhục lắm. Tại sao nước mình anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm hàng nghìn năm, trăm năm oanh liệt thế mà vấn nạn tham nhũng bê bối quá, không chấp nhận được (theo Tuổi trẻ). Theo thiển nghĩ của người viết, thì “nạn tham nhũng bê bối quá” này, không nằm ở đâu xa, mà sống ngay trong lòng chế độ, trong hệ thống đảng, đang tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống ở những vị trí khác nhau. Hàng ngày vẫn chào nhau đồng chí thì địch ta lẫn lộn, kẻ thù trong trạng thái “sắc sắc, không không”. Cuộc chiến làm trong sạch hệ thống khó là phải! Nhưng không phải không thể hóa giải, nếu toàn Đảng quyết liệt.
Những nhận định ấy cho thấy, những hạn chế trên đã/đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy tới tạo dựng sức mạnh đại đoàn kết, đặc biệt là hạn chế để “Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút”. Nguyên nhân của những hạn chế mà dự thảo đã nêu, cần phải được nhận diện khẩn trương hơn để sớm khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi củng cố niềm tin tạo động lực cho thực hành đại đoàn kết dân tộc. Vấn đề đoàn kết trong Đảng, hôm nay đang được đặt ra như là hạt nhân của Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” và …từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(Di chúc).
Từ thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng, tổ chức đảng luôn phải là hạt nhân qui tụ đoàn kết trong, ngoài Đảng, đoàn kết toàn dân tộc. Muốn có đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết thì trước hết trong Đảng phải đoàn kết thực sự. Muốn có đoàn kết thực sự thì phải thực hành dân chủ thường xuyên, dân chủ để tự phê và phê bình trên tình thần xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng. Tự phê và phê bình của mỗi đảng viên, mỗi cấp ủy luôn là vũ khí xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, là phương tiện củng cố khối đoàn kết trong Đảng. Chỉ có môi trường dân chủ thực sự để tự phê và phê bình trên tình thương đồng chí, vì mục đích làm trong sạch Đảng thì mới có đoàn kết thực sự. Sự đoàn kết trong Đảng là tấm gương có sức lan tỏa trong xã hội, có sức quy tụ lòng dân để đi đến thành công, thành công, đại thành công. Có thể nói, Đảng không trong sạch sẽ không vững mạnh, thì dân mất niềm tin, không ủng hộ, không đi theo và khi đó Đảng cầm quyền khó mà qui tụ lòng dân, khó mà phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là lý thuyết, vấn đề hành đông mới thực sự cải tạo hiện thực. Ở đây, vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu sẽ mang tính dẫn dắt, quyết định.
Hôm nay, khi tình hình thời cuộc có nhiều biến đổi khó lường, khi nhu cầu bảo vệ chủ quyền cương vực quốc gia đặt trong mối quan hệ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, khi yêu cầu phải củng cố nội lực quốc gia vững mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, thì nhân tố tăng cường dân chủ, đoàn kết, thống nhất ý chí trong Đảng –hạt nhân của Đại đoàn kết toàn dân tộc, càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thêm vào đó, quá trình đổi mới cũng sinh ra không ít những trở lực cho phát triển đất nước và tạo hệ lụy làm mờ phai quan hệ Đảng – Dân, làm giảm lòng tin nơi đảng viên và nhân dân. Đảng đã chỉ ra và đang từng bước khắc phục, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, nhất là sự thoái hóa, biến chất của “Một bộ phận không nhỏ”. Bộ phận này vừa làm giảm thiểu năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, vừa làm mất uy tín của Đảng trước nhân dân. “Bộ phận không nhỏ” này nếu không được cấp bách đẩy lùi thì làm sao Đảng ta giữ được tư chất là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; còn đâu là “đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã từng tự hào. Khi đó, Đảng không thể nêu gương, dẫn dắt được xã hội.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, vì thế, trước hết là bổn phận tự thân của Đảng, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn thể nhân dân lao động đối với Đảng cầm quyền. Một thực tế đáng ngẫm suy là 70 năm trước chỉ có 5000 đảng viên được dân ủng hộ mà làm nên Cách mạng tháng Tám, mà nay Đảng đã có hơn 3 triệu đảng viên mà cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng, biến chất lại khó khăn đến thế? Bất luận thế nào, Đảng cần chỉnh đốn đội ngũ quyết liệt hơn bao giờ hết, vì Đảng có trong sạch, thì Đảng mới cầm quyền vững mạnh và ắt có nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, ấy là khi Đảng đạt tới trí, tâm và tầm của hạt nhân thúc đẩy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hy vọng và tin tưởng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có những đường lối, chủ trương và đội ngũ ngang tầm nhiệm vụ hạt nhân tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các đại biểu đại hội nêu cao trách nhiệm với dân, với Đảng, có trí tuệ, bản lĩnh và văn hóa lựa chọn những người có tâm, có tầm, có tài, kiên quyết không thể để những nhân sự không có uy tín ở cơ sở lọt vào Ban chấp hành khóa mới, dù họ là ai. Sự trong sạch, vững mạnh và đoàn kết thực chất của Đảng là cội nguồn qui tụ lòng dân, mà sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại là lòng dân hợp lại mà thành.
Bài đăng trên Báo Xuân HỒ SƠ VÀ SƯ KIỆN CỦA TCCS
Tác giả: PGS.TS Phạm Xuân Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn