Bộ môn Nghiên cứu Phát triển Quốc tế thuộc Khoa Quốc tế học thành lập ngày 22/12/2014. Để hỗ trợ việc xây dựng chương trình đào tạo bậc cử nhân, quỹ Irish Aid (Ireland) đã cấp tài trợ trong hai năm 2016-2017 cho dự án “Hợp tác xây dựng năng lực trong các lĩnh vực chính của Nghiên cứu Quốc tế tại Trường ĐHKHXH&NV” do Khoa Quốc tế học và Khoa Kinh doanh Thực phẩm và Phát triển của Đại học Cork (University College Cork, Ireland) phối hợp thực hiện trên cơ sở văn bản hợp tác chính thức giữa hai trường.
GS.TS Phạm Quang Minh cảm ơn bà Đại sứ vì những hoạt động hỗ trợ của ĐSQ Ireland cho sự phát triển của Bộ môn Nghiên cứu Phát triển Quốc tế
Cho đến nay, dự án đã triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng các môn học, hệ thống tài liệu giáo trình, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên cho bộ môn thông qua chuỗi các hoạt động: hội thảo quốc tế “Hợp tác quốc tế vì phát triển nông thôn ở Việt Nam: sự kết nối chính sách và thực tiễn” (11/2016), “Đô thị hóa và phát triển: thách thức và cơ hội của Việt Nam trong thế kỷ XXI’; dịch thuật và biên soạn một số tài liệu chuyên ngành; trao đổi học giả hai trường; triển khai các chuyến nghiên cứu thực địa của các giảng viên hai trường tại một số tỉnh thành của Việt Nam…
Bà Cáit Moran cho rằng các tân sinh viên của chuyên ban Nghiên cứu Phát triển Quốc tế nên tự hào và lạc quan về ngành học của mình và cơ hội nghề nghiệp sau này
Năm học 2018-2019, chuyên ban Nghiên cứu Phát triển Quốc tế đón nhận khóa sinh viên đầu tiên theo học. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của Khoa Quốc tế học. Do đó, Khoa Quốc tế học tổ chức buổi gặp mặt đầu năm học để chào đón các tân sinh viên và tri ân sự hỗ trợ giúp đỡ của ĐSQ Ireland trong việc xây dựng và phát triển ngành học này.
GS.TS Phạm Quang Minh gửi lời chúc mừng tới Khoa Quốc tế học, các giáo sư, giảng viên, đặc biệt là các sinh viên đầu tiên của Bộ môn Nghiên cứu Phát triển Quốc tế. Khoa Quốc tế học, Trường ĐHKHXH&NV tự hào là địa chỉ đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ngành học này. GS Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn tới Đại sứ Ireland tại Việt Nam - bà Cáit Moran đã hỗ trợ Nhà trường thành lập Bộ môn này; cảm ơn các giảng viên và sinh viên Đại học Cork (Ireland) - UCC đã tới công tác, thực tập tại Việt Nam.
Trước đây, Khoa Quốc tế học chỉ có ba bộ môn là Quan hệ quốc tế, Châu Âu học, Châu Mỹ học. Với sự ra đời của Bộ môn Nghiên cứu Phát triển Quốc tế, Khoa đã có sự thay đổi lớn về nhận thức khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu quốc tế. Điều này cũng phản ánh xu hướng chung của cộng đồng học thuật thế giới. Lĩnh vực Nghiên cứu Phát triển Quốc tế khá phát triển trên thế giới với hệ thống sách, giáo trình, công trình nghiên cứu phong phú. Nhiều trường đại học của thế giới đang đào tạo ngành học này ở nhiều bậc học. Đây là những điều kiện thuận lợi cho sinh viên ngành học này tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đối với ngành Nghiên cứu Phát triển Quốc tế, việc đào tạo cần có sự liên kết giữa lý thuyết và thực hành. Các sinh viên không chỉ học tập trên lớp và thư viện, mà còn phải tiếp xúc với thực tiễn; tìm ra sự tương đồng, khác biệt giữa sự phát triển của Việt Nam với các nước khác và giải pháp để thúc đẩy sự phát triển đó.
Các tân sinh viên của Khoa Quốc tế học gây ấn tượng cho quan khách với khả năng nói tiếng Anh lưu loát
Giáo sư Hiệu trưởng nhắc lại, vào năm 2016, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Ireland đã nói về quan hệ hợp tác này trong bài diễn văn của lãnh đạo hai nước. Và hợp tác giữa Trường và các đối tác Ireland sẽ đóng góp vào sự phát triển của quan hệ song phương Việt Nam - Ireland. Trong thời gian sắp tới, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về khả năng xây dựng chương trình thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển Quốc tế, cũng như tiến tới mở ngành độc lập ở bậc cử nhân; tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chung giữa ĐHKHXH&NV và UCC trong nghiên cứu, đào tạo.
Cách đây hơn 20 năm, những nhà khoa học đầu ngành của Trường ĐHKHXH&NV đã tâm huyết đặt nền móng cho ngành Quốc tế học vốn vô cùng mới mẻ tại Việt Nam. Cho đến nay, ngành học này tại Trường đã trở thành tiên phong và mẫu mực cho nhiều cơ sở đào tạo khác học tập và đào tạo. GS.TS Phạm Quang Minh mong rằng tập thể giảng viên và sinh viên của Bộ môn Nghiên cứu Phát triển Quốc tế sẽ nỗ lực chứng minh cho xã hội thấy tính đúng đắn và vị trí quan trọng của ngành học này trong hiện tại và tương lai tại Việt Nam.
Đại sứ Ireland, bà Cáit Moran phát biểu cảm ơn GS.TS Phạm Quang Minh cùng các đồng nghiệp Việt Nam đã đồng hành với dự án trong ba năm qua. Dự án được khởi động từ năm 2015 nhằm kết nối các trường đại học Việt Nam và Ireland để thúc đẩy Nghiên cứu Phát triển Quốc tế. Đó là thời điểm bắt đầu mối quan hệ đối tác đặc biệt giữa hai bên.
“NCPTQT là một ngành, một chủ đề rất gần gũi với đất nước chúng tôi cũng như Đại sứ quán Ireland nói riêng. Phát triển quốc tế là một phần trọng tâm của chính sách đối ngoại Ireland ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu” - bà Cáit Moran nói.
Kể từ khi Ireland thành lập Đại sứ quán tại Việt Nam 13 năm trước, Việt Nam đã và đang là một đối tác then chốt và ưu tiên của Ireland. Mối quan hệ mật thiết giữa hai nước được phản ánh trong những mối quan tâm chung của chính phủ Việt Nam và Ireland về xóa đói giảm nghèo và giảm bất bình đẳng. Các tổ chức chính phủ, phi chính phủ của Ireland đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu xóa nghèo ngay cả ở các vùng sâu vùng xa, vùng núi. Một trong những bước đầu tiên nhằm xóa nghèo và giảm bất bình đẳng là phải đưa ra những chính sách phù hợp. Các trường đại học sẽ là nơi lý tưởng để cung cấp các nghiên cứu dựa trên dữ liệu thực nghiệm nhằm làm rõ bối cảnh và xây dựng chính sách. Ở góc độ giáo dục, các trường đại học cần thiết lập quan hệ xuyên biên giới, như ĐHKHXH&NV đã làm với Đại học Cork. Trong quá trình làm việc, nhiều thỏa thuận được ký kết mà nổi bật nhất là văn bản thỏa thuận được ký giữa Giám đốc ĐHQGHN và Giám đốc ĐH Cork năm 2016 trước sự chứng kiến của Tổng thống Michael Daniel Higgins và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
GS.TS Phạm Quang Minh tặng hoa bà Đại sứ
Nói về tương lai nghề nghiệp rộng mở của ngành học Nghiên cứu Phát triển Quốc tế này, bà Đại sứ Cáit Moran cho rằng: các bạn sinh viên nên cảm thấy tự hào và lạc quan về khóa học trước mắt cũng như sự nghiệp sau này. Các bạn có thể làm việc tại một tổ chức phi chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Liên hợp quốc… Năm 2015, Liên hợp quốc đã hoàn thành khuôn khổ Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, tiến tới chuyển đổi sang các Mục tiêu Phát triển Bền vững cho tới năm 2030. Vào lúc các bạn tốt nghiệp, phát triển bền vững đã trở thành một vấn đề vô cùng quan trọng trên thế giới. Các bạn cần suy nghĩ về vấn đề này ở hai cấp độ: thứ nhất là góc độ toàn cầu, nơi các chính sách, hiệp định được triển khai, thứ hai là góc độ địa phương. Trong đó, góc độ địa phương là trọng tâm của sự phát triển, bởi nó liên quan tới việc tạo dựng, quản lý sự phát triển bền vững ở các cộng đồng địa phương, để không ai bị gạt ra ngoài lề, để tất cả cùng hưởng thành quả của sự phát triển kinh tế.
Từ trái sang: TS. Lê Thế Quế, GS. Vũ Dương Ninh, GS. Phạm Quang Minh và bà Cáit Moran
Hy vọng với sự nỗ lực của Khoa Quốc tế học, hướng nghiên cứu phát triển quốc tế sẽ trở thành một ngành học độc lập và có một vị trí xứng đáng trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn của Việt Nam.
Các tân sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng các vị đại biểu
Tác giả: Thanh Hà. Ảnh: Đạt Nguyễn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn