Các nhà nghiên cứu trẻ đã nghe 3 diễn giả thuyết trình về chủ đề trên gồm: PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh (Phó trưởng Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV) và hai giáo sư nước ngoài là GS. Norifumi Namatame (ĐH Tohoku Fukushi, Nhật Bản) và GS. Michael DiGregorio
Mở đầu, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ nội dung tổng quan về quy trình và các phương pháp NCKH; vai trò của dữ liệu và các cách phân tích dữ liệu trong NCKH.
PGS.TS Trần Thị Minh Hoà (Phó Hiệu trường Nhà trường) phát biểu tại buổi tập huấn
Theo ông, khi nói đến khoa học và NCKH là chúng ta nói đến một hình thức của sự thật nhưng phải dựa trên bằng chứng. Do đó, muốn làm NCKH nhất thiết phải dựa trên dữ liệu. Có rất nhiều phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu nhưng nhìn một cách tổng quát có các phương pháp quan trọng sau: đọc tài liệu, quan sát, phỏng vấn và điều tra khảo sát.
Khi bắt đầu một NCKH, các nhà nghiên cứu phải xác định được rõ chủ đề và vấn đề nghiên cứu. “Khi nhận ra khoảng cách giữa cái mình đã biết và cái mình mong muốn biết trong tương lai, thì chúng ta có thể nhận diện ra một vấn đề xã hội nào đó và từ đó có thể xây dựng một đề tài nghiên cứu” - PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh nói.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu cần phải làm tổng quan nghiên cứu để xem những người đi trước họ đã nghiên cứu gì trong lĩnh vực mà mình quan tâm và để tìm ra cái mới, không bị lặp lại những điều người khác đã làm. Từ đó, tác giả xác định câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu; thiết kế các nội dung nghiên cứu và triển khai kế hoạch nghiên cứu trong thực tiễn. Khi nghiên cứu, các tác giả cần phối hợp đa dạng các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Trong số đó, phỏng vấn sâu và điều tra khảo sát là hai phương pháp rất phổ biến và cơ bản trong NCKH.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh trình bày về quy trình NCKH và đi sâu vào hai phương pháp thu thập dữ liệu quan trọng là phỏng vấn sâu và điều tra khảo sát
Chia sẻ về phỏng vấn sâu, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh cho biết có hai quan niệm về phỏng vấn. Một là quan niệm cho rằng phỏng vấn là quá trình khai thác dữ liệu mà nhà nghiên cứu cần và người được phỏng vấn sẵn có. Quan niệm thứ hai thì cho rằng dữ liệu không chỉ có sẵn ở người được phỏng vấn mà chính thông qua quá trình trao đổi, tương tác trực tiếp, các thông tin và dữ liệu mới sẽ nảy sinh. Dữ liệu được tạo dựng trong quá trình phỏng vấn. Đôi khi chính trong quá trình hỏi, đào sâu tư duy, tác giả thậm chí còn phát hiện ra những hướng đi mới, nắm bắt được nhiều thông tin có giá trị hơn cả dự định ban đầu.
Phỏng vấn sâu vừa mang tính cấu trúc vừa mang tính linh hoạt. Để thực hiện một cuộc phỏng vấn sâu, nhà nghiên cứu phải hình dung ra đa dạng các chiều cạnh của vấn đề để thiết kế các câu hỏi cho chuẩn xác. Bên cạnh đó, để có một cuộc phỏng vấn hiệu quả và tác giả khai thác được nhiều dữ liệu phong phú thì phải để cuộc trò chuyện diễn ra một cách tự nhiên nhất có thể.
GS. Norifumi Namatame (Nhật Bản)
Bài thuyết trình cũng chia sẻ nhiều kỹ năng để thực hiện thành công phỏng vấn sâu như cách đặt câu hỏi logic, cách xây dựng mối quan hệ tin cậy với người được phỏng vấn, cách tiếp cận và theo đuổi thông tin một cách sáng tạo, cách giữ quan điểm trung tính trong khi hỏi, cách trích dẫn và sử dụng các dữ liệu phỏng vấn trong công trình nghiên cứu…
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc điều tra khảo sát trong nghiên cứu Xã hội học nói riêng và trong KHXH&NV nói chung, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ các yêu cầu để thiết lập một bảng hỏi đảm bảo thu được những dữ liệu khoa học và phù hợp với nội dung nghiên cứu. Đó là các kỹ năng xây dựng câu hỏi đóng, mở…; cách chọn mẫu ngẫu nhiên đại diện cho một nhóm đối tượng cụ thể; cách thiết lập bảng hỏi trên máy tính; cách phân tích dữ liệu của bảng hỏi để thấy được mối liên hệ tương quan và nhân quả giữa các biến số…
GS. Michael DiGregorio
Tiếp đó, GS. Norifumi Namatame (Nhật Bản) và GS. Michael DiGregorio đã chia sẻ với các cán bộ trẻ kinh nghiệm thực tiễn của việc áp dụng phương pháp phỏng vấn sâu và điều tra khảo sát vào hai dự án nghiên cứu cụ thể tại Việt Nam. Đó là hai dự án về: ảnh hưởng của lũ lụt đến đời sống của người nông dân tại một số vùng nông thôn Việt Nam và những tác động về mặt kinh tế xã hội tại các địa phương có nạn nhân chất độc màu da cam trong chiến tranh.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn