Tham dự hội thảo có các nhà khoa học tên tuổi thuộc nhiều lĩnh vực KHXH&NV như: GS.TS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam), GS.TS Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển), GS.TS Nguyễn Hữu Khiển (nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia), PGS.TS Nguyễn Minh Phương (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội), PGS.TS Trần Thị Thanh Thuỷ (Phó Viện trưởng Viện lãnh đạo học và Chính sách công), Đại tá Lê Đức Cường (Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng), PGS.TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia), PGS.TS Trần Thị Minh Ngọc (Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Chính trị Khu vực 1)...
GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trường Trường ĐHKHXH&NV, Chủ nhiệm Đề tài) phát biểu đề dẫn tại Hội thảo
Hội thảo nhận được gần 20 tham luận góp ý cho định hướng xây dựng chính sách QLPTXH ở Việt Nam dưới nhiều góc nhìn: an sinh xã hội và an toàn con người, những yếu tố tác động đến quá trình QLPTXH, vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong QLPTXH, về quản lý bất thường xã hội, tác động của cải cách hành chính đến QLPTXH, đổi mới chính sách trợ giúp xã hội, QLPTXH trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vai trò của các tổ chức xã hội trong QLPTXH, khắc phục bất bình đẳng xã hội và phân hoá giàu nghèo từ chính sách QLPTXH, QLPTXH trong lĩnh vực bảo hiểm y tế…
Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực về khoa học xã hội và nhân văn
Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh (Chủ nhiệm đề tài) đề cập đến tầm quan trọng của nghiên cứu về QLPTXH trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, QLPTXH đúng hướng, hiệu quả là vấn đề cơ bản nhất nhằm thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. QLPTXH quyết định đến duy trì xã hội trrong trật tự, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh hội nhập và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhiều vấn đề cấp bách về QLPTXH tại Việt Nam đang được đặt ra, đòi hỏi cần được giải quyết bằng một tư duy mới, với một hệ thống chính sách và thực tiễn QLPTXH mới.
GS.TS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam) nhấn mạnh đến an sinh xã hội cần hướng đến nâng cao năng lực an sinh của mỗi cá nhân và cộng đồng
Trình bày về “An sinh xã hội và an toàn con người”, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng các chính sách về an sinh xã hội cần được tập trung vào nâng cao năng lực an sinh của mỗi cá nhân, của từng cộng đồng và chú trọng dựa vào tri thức địa phương. Đặc biệt, các giải pháp hỗ trợ người dân cần hướng tới việc nâng cao tri thức, kiến thức, mở rộng sự hiểu biết và kỹ năng tìm kiếm việc làm cho người dân thì mới tạo hiệu quả bền vững.
GS. Đặng Cảnh Khanh đến từ Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển lại đưa ra gợi ý về việc cần nghiên cứu, xem xét và đánh giá lại một cách khách quan những di sản văn hoá của cha ông ta trong việc điều hành và QLXH theo hướng khắc phục những tàn dư tiêu cực, bảo thủ nhưng cũng vừa phát huy những nhân tố tích cực tiến bộ từ truyền thống dân tộc.
GS. Đặng Cảnh Khanh (Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) đề cao tư tưởng "văn trị" của Nguyễn Trãi trong trị nước
Với tham luận “Một số suy nghĩ về vấn đề quản lý phát triển xã hội theo quan điểm “văn trị” của Nguyễn Trãi trong bối cảnh nước ta hiện nay”, Giáo sư nhận định: nhà văn hoá và tư tưởng lỗi lạc Nguyễn Trãi đã có những suy nghĩ sâu sắc về đức trị, pháp trị và sáng tạo ra một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lý đất nước của người Việt - nguyên tắc “văn trị”, nghĩa là lấy tri thức và văn hiến mà cai quản đất nước. Theo đó, một xã hội được duy trì và phát triển không thể không có pháp luật và đạo đức. Nhưng pháp luật và đạo đức cần phải được xây dựng trên cơ sở một nền văn hiến ngày càng cao của dân tộc. Tư tưởng ấy của Nguyễn Trãi vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh ngày nay vì không thể quản lý tốt xã hội nếu không có được một nền tảng chung về tri thức và những con người có tri thức.
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh (Trường ĐHKHXH&NV) cho rằng QLXH ở Việt Nam chưa có sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng và người dân
Với tham luận “Một số nhân tố tác động đến quá trình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra”, GS. Hoàng Bá Thịnh và TS. Đoàn Thị Thanh Huyền đưa ra những thách thức mà QLPTXH ở Việt Nam đang gặp phải. Đó là hệ thống bộ máy cồng kềnh chồng chéo, chất lượng bộ máy lãnh đạo quản lý chưa đáp ứng, tiền lương và chế độ đãi ngộ thấp nên chưa tạo được động lực cho người làm trrong khu vực nhà nước… QLXH ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là theo mô hình quản lý từ trên xuống mà chưa quan tâm đúng mức đến mô hình quản lý với sự tham gia của người dân, của cộng đồng. Vai trò của cộng đồng tham gia QLXH, từ dưới lên và tham gia một cách chủ động chưa được quan tâm đúng mức.
GS.NGND Vũ Dương Ninh (Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu: đội ngũ trí thức tinh hoa của đất nước trong giai đoạn lịch sử nào cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quản lý phát triển xã hội
Đề cao vai trò dẫn dắt xã hội của đội ngũ trí thức tinh hoa, GS. Vũ Dương Ninh (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu: Một thời gian chúng ta hạ thấp vai trò của trí thức, không nghe quan điểm của trí thức nên dẫn đến cách quản lý và xử lý các vấn đề xã hội sai. Do đó, không được e ngại trí thức mà phải lắng nghe và tận dụng họ, coi trọng ý tưởng của họ kể cả khi đi ngược lại với số đông.
Từ góc độ nghiên cứu vai trò của hệ thống chính trị cơ sở ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Nguyễn Minh Phương cho rằng xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở khu vực nông thôn - một địa bàn rộng lớn chiếm đa số trong tổng số đơn vị cơ sở nước ta. Đó là nơi lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư. Do đó, hệ thống chính trị cấp cơ sở này có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng dân cư, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, phát triển các giá trị văn hoá - xã hội. Do đó, yêu cầu đặt ra là hệ thống chính trị cấp cơ sở phải bắt đúng mạch, khơi dậy và phát huy được tính cộng đồng này.
PGS.TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) bàn về cải cách hành chính để thúc đẩy quản lý phát triển xã hội
Bàn về yêu cầu cấp thiết phải cải cách hệ thống hành chính để thúc đẩy QLPTXH ở Việt Nam, PGS.TS Ngô Thành Can nói: “Không có quốc gia nghèo, chỉ có quốc gia quản lý kém”. Ông đề xuất các nội dung cải cách hành chính cụ thể: Cải cách hành chính hướng tới hoạt động mang tính dẫn dắt, định hướng tập trung vào xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo sự phát triển cho doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế.; khắc phục sự chồng chéo về chức năng giữa các cơ quan nhà nước; tạo lập môi trường cho sự phát triển công bằng và bình đẳng; đẩy mạnh phân cấp quản lý hành chính Nhà nước giữa trung ương và địa phương hướng tới phục vụ người dân và tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực…
TS. Nguyễn Ngọc Toản (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng được trợ giúp xã hội là quyền của người dân
Đề cập đến việc thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm dân cư yếu thế, TS. Nguyễn Ngọc Toản (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đưa đến cách tiếp cận mới mẻ khi coi các hoạt động này là trách nhiệm của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi - quyền được bình đẳng của người dân. Trước hết là cần thay đổi tư duy nhận thức coi đây là quyền của người dân chứ không phải là hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Các mô hình công tác xã hội phải tính đến cung và cầu. Hoạt động trợ giúp xã hội cần được chuyển dần trách nhiệm từ Nhà nước sang xã hội hoá.
PGS.TS Trần Thị Thanh Thuỷ (Viện Lãnh đạo học và Chính sách công) đề cập đến 5 đặc điểm nổi bật của PTXH Việt Nam hiện nay mà các nhà hoạch định chính sách cần tính đến. Đó là xã hội có tính thay đổi nhanh chóng, đôi khi bất thường và khó lường. Internet và công nghệ đang là tác nhân ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng đến các lĩnh vực phát triển xã hội. Xã hội đang ngày càng “mở” và ranh giới giữa các khu vực ngày càng “mờ”. Nguy cơ xung đột ngày càng tăng, đặc biệt là xung đột các giá trị. Tính cá thể hoá về nhu cầu và cách đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội trở thành xu hướng … Do đó, bà đề nghị cần có sự tiếp cận lịch sử và văn hoá, cộng với khảo sát về thực trạng XH mới có cái nhìn toàn diện để định hướng xây dựng các chính sách và giải pháp cho QLPTXH.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn