Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

"Nếu như internet và cách mạng CN 4.0 kết nối vạn vật thì KHXH giúp kết nối con người, tâm hồn và trái tim"

Chủ nhật - 23/09/2018 04:41
Bài phát biểu của GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) tại lễ khai giảng năm học 2018-2019 diễn ra ngày 22/9/2018 vừa qua.
"Nếu như internet và cách mạng CN 4.0 kết nối vạn vật thì KHXH giúp kết nối con người, tâm hồn và trái tim"

GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu tại lễ khai giảng

Kính thưa các vị lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội

Kính thưa các vị khách quý quốc tế và Việt Nam

Các cô, các thầy, các cán bộ và nhân viên thân mến!

Các em sinh viên yêu quý!

Trước hết, cho phép tôi thay mặt Trường ĐHKHXHNV gửi tới đại diện lãnh đạo ĐHQGHN, các vị đại biểu, quý cô quý thầy và các em sinh viên những lời chúc mừng nhiệt liệt nhất nhân dịp Năm học mới 2018-2019!  Hôm nay, chúng ta tổ chức Lễ khai giảng để chào mừng năm học mới và chào đón 2.034 tân sinh viên K63 chính thức gia nhập mái nhà chung là Trường ĐHKHXHNV, ĐHQG Hà Nội. Trong lịch sử của Nhà trường chưa bao giờ chúng ta đón một số lượng sinh viên năm thứ nhất lớn như năm nay.

Năm học 2017-2018 qua đi với những dấu ấn khó phai mờ. Về tổ chức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, một mô hình mới hướng tới sự tự chủ và chất lượng cao lần đầu tiên được thành lập. 19 cán bộ được phong học hàm giáo sư và phó gíao nâng tổng số cán bộ có học hàm PGS và GS của Trường lên 114 người. Về đào tạo, hơn 2.000 sinh viên năm thứ nhất đã chính thức nhập học, trong đó lần đầu tiên có hơn 80 sinh viên chọn ngành Đông Nam Á học. Văn học là chương trình thứ 4 sau Ngôn ngữ học, Đông Phương học và Triết học đạt tiêu chuẩn chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Asean (AUN). Về khoa học, trong năm học qua, cán bộ của trường đã công bố 60 công bố quốc tế, trong đó có 10 bài viết được in trong các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao (ISI/SCOPUS) và hàng trăm công bố trong nước. Cũng trong năm qua, hàng nghìn lượt cán bộ, sinh viên của trường cũng như của các đối tác đã tham giao vào các chương trình giao lưu, trao đổi giữa các bên, làm cho xu hướng quốc tế hóa ngày càng đậm nét....Nhân dịp này cho phép tôi được cảm ơn sự lãnh đạo, hợp tác của ĐHQGHN, Bộ GD & ĐT, các ban ngành trung ương và địa phương, các cơ quan ngoại giao, các đối tác trong nước và quốc tế và sự cống hiến thầm lặng của các cán bộ công chức, viên chức, của nghiên cứu sinh, học viên cao học và các thế hệ sinh viên của Trường.

Thay mặt các cô các thầy, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các em sinh viên K63 và các bậc phụ huynh đã đặt niềm tin vào mái trường này. Trong bối cảnh thế giới đang diễn ra những thay đổi chóng mặt của quá trình toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, sự lựa chọn của các em càng cho thấy tầm quan trọng của các KHXH và nhân văn. Xã hội càng phát triển KHXH lại càng đóng vai trò quan trọng. KHXH giúp người ta có cái nhìn nhân văn, sâu sắc, toàn diện hơn về sự phát triển của loài người; Nếu như internet và cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối vạn vật thì KHXH giúp kết nối con người, tâm hồn và các trái tim.

Khác với sinh viên các khóa trước đây và sau này, các em sinh viên K63 sẽ là một thế hệ sinh viên đặc biệt bởi vì đó là những người được sinh ra vào năm 2000. Cách đây 18 năm cả thế giới đã lo ngại về sự cố máy tính năm 2000 (còn được gọi là sự cố Y2K, lỗi thiên niên kỷ) mà nguyên nhân chủ yếu là do các máy tính thế hệ cũ, các vi mạch đồng hồ điện tử cũ không thể nhận biết được sự khác biệt giữa các năm 2000 và 1900. Tôi tin rằng các sinh viên sinh ra trong năm 2000, những sinh viên thế hệ Y2K cũng sẽ chinh phục được những thách thức trên con đường của mình như thế giới đã nhanh chóng vượt qua lỗi thiên niên kỷ.

Thế giới những năm 2000, cũng là thế giới phẳng, thế giới của toàn cầu hóa, quốc tế hóa, đang làm xóa nhòa những ranh giới giữa các quốc gia, các nền văn hóa và giữa các cá nhân. Nhưng chính trong bối cảnh đó, xu hướng bản địa hóa, xu hướng cá nhân hóa và bản sắc hóa cũng trỗi dậy mạnh mẽ, nhằm khẳng định cái tôi, cái riêng, các khác biệt của mình. Thay vì chỉ là quá trình toàn cầu hóa, có một sự đan xen không hề nhẹ giữa các yếu tố quốc tế và địa phương mà người Nhật từ những năm 1980 đã gọi là “dochakuka” (tức địa phương hóa có tính toàn cầu). Thuật ngữ này năm 1997 đã được Roland Robertson (nhà xã hội học Scotland) gọi là “Glocalization” (có nghĩa là toàn cầu hóa địa phương). Muốn làm chủ thế giới này các bạn trước hết phải biết mình là ai, đang ở đâu; Nếu chỉ chú trọng đến quốc tế hóa không thôi, các bạn sẽ tự đánh mất mình, hòa tan vào dòng chảy của thế giới; Ngược lại nếu chỉ quan tâm đến địa phương hóa không thôi, các bạn sẽ mãi cô đơn trong dòng chảy mênh mông của nhân loại. Muốn hội nhập với thế giới, thì trước hết phải hội nhập được với chính những người cùng chung nguồn cội; muốn xóa đi khoảng cách với thế giới thì trước hết phải dỡ bỏ những rào cản giữa chính chúng ta; muốn dòng chảy của mình nhanh chóng hòa vào đại dương thì đừng có tự dựng lên các ghềnh thác. Nói ngắn gọn là muốn quốc tế hóa thế giới thì trước hết phải quốc tế hóa ngay chính ngôi nhà của mình.

Năm học 2018-2019 tới là năm bản lề cho chiến lược quốc tế hóa của Nhà trường. Chúng ta phải đối mặt với những thách thức to lớn như xây dựng mô hình và phương thức quản trị đại học nghiên cứu trong xu thế toàn cầu hóa, cạnh tranh, tự chủ, cách mạng công nghiệp 4.0. Để vượt qua những thách thức này không có cách nào khác là chúng ta phải tập trung đầu tư cho 2 nhiệm vụ chiến lược là: thu hút, tổ chức, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và tạo ra những sản phẩm khoa học chất lượng đỉnh cao, có tầm ảnh hưởng xã hội sâu rộng. Vị thế và uy tín của một đại học nghiên cứu hàng đầu chỉ có thể được đo bằng số lượng và chất lượng của các chương trình đào tạo sau đại học và các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Nếu chúng ta thực hiện được hai nhiệm vụ chiến lược này thì uy tín, vị thế và thứ hạng của trường sẽ được nâng lên rõ rệt.

Tất cả chúng ta, đặc biệt là hế hệ 2000 có làm được điều đó không? Tôi tin là được. Mái trường này với bề dày truyền thống hơn 70 năm, với đội ngũ cán bộ trình độ cao dày tâm huyết đã, đang và sẽ chắp cánh cho những ai đã đặt niềm tin vào họ. Kết thúc lời phát biểu với thế hệ Y2K và các cô giáo thầy giáo nhân dịp Lễ Khai giảng năm học 2018-2019, tôi muốn nhắc lại một vài câu trong lá thư nổi tiếng cách đây gần 200 năm của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi các thầy cô giáo của con trai mình: “Xin hãy giúp cho cháu nhìn thấy thế giới tuyệt vời của những cuốn sách. Nhưng xin cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: như đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở bên ngọn đồi xanh ngắt…Xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Kính chúc lãnh đạo ĐHQGHN, các vị đại biểu, các cô các thầy, các em sinh viên yêu quý sức khỏe, một năm học mới thành công và may mắn. Xin trân trọng cảm ơn.

English version

Tác giả: Ussh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây