Thay mặt Ban Giám hiệu trường ĐHKHXH&NV, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng) chúc mừng và đánh giá rất cao thành công của nhóm tác giả trong việc hoàn thành Báo cáo quốc gia: Việt Nam – Một xã hội số; đồng thời cũng cảm ơn sự hợp tác, đồng hành của Tổ chức Hanns Seidel Foundation, Trường Đại học Justus Liebig Giessen (CHLB Đức) trong quá trình nghiên cứu và xuất bản Báo cáo này cũng như các số tiếp theo.
Dự án Báo cáo quốc gia thường niên về Việt Nam được thực hiện nhằm đưa ra những nhận định chuyên sâu về xã hội Việt Nam hiện đại. Việc nghiên cứu do Trường ĐHKHXH&NV, Trường Đại học Justus Liebig Giessen (CHLB Đức) thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation. Báo cáo “Việt Nam – Một xã hội số” là ấn phẩm thứ ba trong chuỗi các ấn phẩm của Dự án, trước đó là 2 ấn phẩm: “Việt Nam với tư cách một xã hội đang già hóa”, “Chính sách môi trường ở Việt Nam” đã được xuất bản trong năm 2021. Năm 2022 sẽ có một Báo cáo số đặc biệt – một ấn phẩm chuyên sâu – với chủ đề “Khắc phục di sản chiến tranh ở Việt Nam” (dự kiến được xuất bản và công bố vào tháng 6 năm 2022).
Tham dự buổi Tọa đàm trực tiếp có GS. TS. Phạm Quang Minh (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV); TS. Detlef Briesen (Đại học Justus-Liebig Universität Gießen); Ông Trương Quốc Hưng (Phó Vụ Trưởng – Phó Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Bà Thảo Griffiths (Giám đốc Chính sách Công, Thị trường Việt Nam, Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta). Ngoài ra còn một số diễn giả tham dự trực tuyến: Ông Phạm Giang Linh (Tổng giám đốc Galaxy Education, kiêm Giám đốc điều hành HOCMAI); TS. Sarada Prasanna Das (Viện Quản trị, Chính sách và Chính trị (IGPP), Vivek Manthana Foundation, New Delhi, Ấn Độ),...
Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng được phát trực tiếp trên 2 kênh: Kênh tiếng Việt và kênh tiếng Anh: thu hút nhiều học giả trong và ngoài nước theo dõi và tương tác.
Trong phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Phạm Quang Minh (Đồng chủ biên Báo cáo) đã nhấn mạnh: Số hóa đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống thường nhật của chúng ta và không thể tưởng tượng nổi một cuộc sống thiếu vắng công nghệ trong thời đại hiện nay sẽ như thế nào. Vì vậy, mục tiêu của Báo cáo số này là cung cấp thông tin tổng quan về những vấn đề xuất hiện trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, nhìn từ góc độ khoa học xã hội.
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam phát biểu: “Bên cạnh nhiều lợi ích và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại cho hàng triệu người dân Việt Nam, cũng đã xuất hiện mối quan tâm ngày càng lớn về mức độ sẵn sàng của Việt Nam, về mặt thể chế, chính sách, kỹ năng, và nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Cuốn Báo cáo quốc gia này đề cập tới những lợi ích tiềm năng và cả những thách thức của công cuộc số hóa ở Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau”.
Thay mặt nhóm tác giả, TS. Detlef Briesen đã trình bày các kết quả nghiên cứu chính trong Báo cáo: “Việt Nam – Một xã hội số”. Qua 14 nghiên cứu với những số liệu cập nhật, phân tích chuyên sâu đã cho thấy: Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong cuộc cách mạng số. Nhất là 2 năm qua khi Đại dịch COVID 19 với những hậu quả hết sức nặng nề, nhưng ở một khía cạnh khác cũng đã góp phần đẩy quá trình chuyển đổi số ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng đối mặt với rất nhiều hệ lụy: an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân, tội phạm mạng, văn hóa ứng xử trên môi trường mạng,…
Phát biểu thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất đánh giá rất cao chất lượng khoa học của các báo cáo, ý nghĩa của những khuyến nghị mà các chuyên gia, tác giả của các nghiên cứu đưa ra. “Báo cáo Quốc gia: Việt Nam – Một xã hội số” là báo cáo đầu tiên cung cấp bức tranh khái quát toàn cảnh về xã hội số thực sự hiện hữu và ngày một phát triển lớn mạnh ở Việt Nam đặc biệt là trong những năm vừa qua trong tất cả các hoạt động xã hội như giáo dục, y tế, việc làm, giao tiếp, giải trí, văn hóa… Kết quả cũng như phân tích chuyên sâu trong các bài viết cung cấp thông tin rất hữu ích cho các cơ quan quản lí của nhà nước trong hoạch định chính sách.
Nhiều đại biểu cũng chia sẻ nhiều thông tin về thực tiễn phát triển cách mạng số tại quốc gia đến từ các nước khác trên thế giới và khẳng định: những thách thức (hay là mặt trái) đặt ra trong quá trình chuyển đổi số không chỉ của riêng Việt Nam mà của chung các quốc gia, vì vậy cần có nhiều chính sách, biện pháp, cơ chế đặt ra để một mặt tạo điều kiện đẩy nhanh cuộc cách mạng số nhưng cũng hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực.
Kết luận buổi Tọa đàm, GS.TS Phạm Quang Minh khẳng định: một cuộc cách mạng kĩ thuật số đã và đang diễn ra với một tốc độ vô cùng nhanh chóng trên thế giới, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội. Chủ đề “Việt Nam – Một xã hội số” trong khuôn khổ của Dự án Báo cáo quốc gia Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và ghi nhận của các học giả, các nhà quản lí, doanh nghiệp trong và ngoài nước; hi vọng trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hợp tác quý báu đó trong việc nghiên cứu và xuất bản những số tiếp theo. Từ kết quả của những nghiên cứu được trình bày trong Báo cáo, cùng với sự tham góp nhiều ý kiến quý báu tại Tạo đàm hôm nay, cho phép chúng ta tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của Chính phủ bằng những quyết sách cụ thể, sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác, với tiềm năng nhân lực dồi dào, Việt Nam sẽ tiến nhanh, mạnh hơn nữa trong kỉ nguyên số.
Các độc giả quan tâm có thể tham khảo thêm nội dung của Báo cáo tại đây.
Một số hình ảnh từ buổi Tọa đàm
Tác giả: Hạnh Quỳnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn