Tọa đàm rất vinh dự được PGS.TS Vũ Cao Đàm (nguyên là Viện trưởng sáng lập của Viện quản Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN), cũng nguyên là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách (tiền thân của Viện Chính sách và Quản lý, Trường ĐHKHXH&NV) đến tham dự và chia sẻ một số điểm khác biệt giữa luận văn tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ dưới góc độ phương pháp nghiên cứu khoa học.
Trong phần chia sẻ của mình, Thầy Vũ Cao Đàm đã nhấn mạnh: rất hoan nghênh sáng kiến của Bộ môn QL KH, CN và ĐM của Khoa KHQL đã tổ chức tọa đàm khoa học này. Bởi trên thực tế có rất nhiều NCS khi tiến hành nghiên cứu của mình vẫn không thể phân biệt được vậy một luận án tiến sĩ thì cần phải có điểm gì khác, đòi hỏi gì cao hơn so với một luận văn thạc sĩ từ góc độ phương pháp. Chính vì vậy mà đôi khi gặp rất nhiều lúng túng và chất lượng luận án không được tốt. Mỗi ngành khoa học có những phương pháp nghiên cứu riêng, nhưng cấu trúc logic thì giống nhau bao gồm: đặt câu hỏi nghiên cứu, luận điểm khoa học, các luận cứ nhằm chứng minh luận điểm và các phương pháp để tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên mức độ đòi hỏi ở khóa luận, luận văn, luận án sẽ khác nhau và Luận án tiến sỹ hoàn thiện nhất về phương pháp luận. Theo quan điểm của Thầy, một luận án tiến sĩ ngoài việc xác định ra được các câu hỏi nghiên cứu đúng, có giá trị, cần phải đặt ra các giả thuyết để đi tìm luận cứ chứng minh (điều này lại không bắt buộc ở khóa luận tốt nghiệp hay luận văn thạc sĩ).
Sau phần chia sẻ của Thầy Vũ Cao Đàm, có nhiều cán bộ hiện đang giảng dạy về Phương pháp nghiên cứu khoa học ở trường ĐHKHXH&NV và một số trường đại học khác, cũng như các học viên cao học, NCS đã đặt các câu hỏi, bình luận, trao đổi rất sôi nổi, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế giảng dạy của mình xung quanh chủ đề buổi Tọa đàm. Nhiều câu hỏi, băn khoăn về việc có cần đặt ra giả thuyết đối với một luận văn, luận án khi đã có các câu hỏi nghiên cứu?, hay cách xử lí nhưng thế nào trong trường hợp sau khi chứng minh thì giả thuyết đặt ra ban đầu là sai? đã được trao đổi và đưa ra những gợi ý rất cụ thể.
Kết luận buổi Tọa đàm, PGS.TS Đào Thanh Trường trân trọng cảm ơn sự đồng hành của PGS.TS Vũ Cao Đàm trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa KHQL nói riêng và trường ĐHKHXH&NV nói chung. Những chia sẻ của Thầy thực sự rất hữu ích cho học viên cao học, NCS đang học tập tại trường cũng như cán bộ đang giảng dạy về phương pháp nghiên cứu khoa học. PGS.TS Đào Thanh Trường cũng cho biết: việc tổ chức các Tọa đàm, sinh hoạt khoa học trong thời gian tới sẽ được Bộ môn cũng như Khoa KHQL quan tâm, đẩy mạnh, tạo điều kiện để sinh viên, học viên, NCS tham gia nhiều hơn vào các sinh hoạt học thuật của Khoa, nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Kết thúc buổi Tọa đàm, thay mặt cán bộ, giảng viên, sinh viên của Khoa KHQL và bộ môn QLKH,CN và ĐM, PGS.TS Đào Thanh Trường tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng PGS.TS Vũ Cao Đàm.
Tác giả: Hạnh Quỳnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn