Kể từ khi ra đời vào nửa sau thập niên 80 của thế kỷ XX, phát triển bền vững trở thành một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu, với ba trụ cột được các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới vạch ra: Phát triển kinh tế, công bằng xã hội và cân bằng môi trường. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XXI trở đi, thế giới còn tiếp tục đối mặt với những thách thức trong sự sáng tạo, nhận thức, thẩm mỹ, gìn giữ các giá trị văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa. Do đó, UNESCO đã đề xuất xem xét văn hóa như cột trụ thứ tư của phát triển bền vững, bởi văn hóa là một nguồn nội sinh quan trọng của phát triển, gắn bó chặt chẽ với mọi phương diện của đời sống và hoạt động xã hội.
Với ý nghĩa đó, Hội thảo “Văn hóa trong phát triển bền vững” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi về các vấn đề lý thuyết và thực tiễn của văn hóa đặt trong mối liên hệ với phát triển bền vững. Cụ thể, Hội thảo tập trung làm rõ các nội dung: Những vấn đề lý thuyết, mô hình và thực tiễn được cập nhật về phát triển bền vững với văn hóa như là một trụ cột; lý thuyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về văn hóa và phát triển bền vững; những vấn đề của phát triển bền vững được tiếp cận từ góc nhìn văn hóa dưới các chiều cạnh: lịch sử, kiến trúc, lễ hội, di sản, cộng đồng…
Phát biểu khai mạc, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) bày tỏ sự kỳ vọng các tham luận tại Hội thảo sẽ cung cấp những nhận thức khoa học cập nhật về sự phát triển của văn hóa và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay. Hội thảo cũng là dịp để Nhà trường đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu cho sự phát triển của ngành Văn hóa học, một ngành học mới được thành lập và triển khai trong những năm gần đây.
Sau khai mạc, Hội thảo diễn ra với một Phiên toàn thể và một Phiên tiểu ban với 2 chủ đề: Di sản văn hóa trong phát triển bền vững; Văn hóa truyền thống và đương đại trong phát triển bền vững.
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn