Hội đồng cấp Nhà nước gồm 23 thành viên do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, làm Chủ tịch Hội đồng.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN là ủy viên của Hội đồng này.
GS.TSKH Vũ Minh Giang (bìa trái, hàng ngồi) - Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5
Chia sẻ thông tin với Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết, trước khi diễn ra phiên họp Hội đồng cấp nhà nước, 19 Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước đã hoàn thành họp xét trên 100 công trình KH&CN thuộc các lĩnh vực do Hội đồng xét tặng Giải thưởng của 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 06 UBND tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5.
Các phiên họp này được tổ chức nhằm đánh giá chi tiết các công trình theo các tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng được Quy định tại Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ Quy định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KH&CN (Nghị định số 78/2014/NĐ-CP).
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, 19 Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước với 200 nhà khoa học đã làm việc nghiêm túc, tâm huyết, đánh giá khách quan và đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 17 công trình và 44 công trình/ cụm công trình xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
Với tinh thần làm việc công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu và quyết định theo tỷ lệ quy định, Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt 5 vừa qua đã đề nghị trao tặng Giải thưởng cao quí này cho 16 công trình và cụm công trình, trong đó có 9 công trình đặc biệt xuất sắc đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 7 công trình xuất sắc đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh, số lượng các công trình được đề nghị trao giải đợt này không nhiều song đây thực sự là công trình đỉnh cao, xứng đáng là diện mạo của khoa học và công nghệ Việt Nam thời gian qua.
Trong số này phải nhắc tới công trình “Lịch sử và Văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận” của Giáo sư Phan Huy Lê - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa, đơn vị tiền thân của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN vinh dự được đề nghị trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Công trình này có bước đột phá về mặt lý luận và phương pháp trong nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, được giới khoa học quốc tế đánh giá cao; là cơ sở khoa học cho việc làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa Thế giới; làm nền tảng cho việc thực hiện nhiều nghiên cứu có ý nghĩa khác.
Cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm – kim loại chuyển tiếp”do GS. Thân Đức Hiền cùng các cộng sự thực hiện được đề nghị trao tặng Giải thưởng Nhà nước. 2 trong số các đồng tác giả của công trình này là nhà khoa học của ĐHQGHN, gồm GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKH Tự nhiên và GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN.
Cụm công trình đã công bố hơn 80 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Các nghiên cứu cơ bản của cụm công trình đã góp phần vào sự hiểu biết cơ bản về tính chất từ của hợp kim liên kim loại, đất hiếm - kim loại chuyển tiếp. Việc công bố kết quả trên các tạp chí quốc tế và tham dự hội nghị khoa học quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam và hội nhập quốc tế về KH&CN.
Nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu chế tạo thành công các nam châm, đất hiếm chất lượng cao, có tích năng lượng (BH)max gấp 5 đến 10 lần tích năng lượng của các nam châm đang được sử dụng ở trong nước. Cụm công trình đã sử dụng đất hiếm do Việt Nam chế tạo (Mish metal) cũng đạt được tích năng lượng tương đối cao. Nam châm có tích năng lượng cao sẽ làm giảm thiểu các thiết bị dùng nam châm mà tính năng thiết bị lại tăng lên. Các nam châm đất hiếm do cụm công trình chế tạo đã được ứng dụng trong chế tạo các sản phẩm như đồng hồ đo nước, mô tơ bước, công tơ điện… cho kết quả khả quan.
Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 sẽ được tổ chức vào ngày 17/9 tới.
Chủ tịch Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đợt 5, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: “Trong những năm qua, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa hơn nữa cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu khoa học. Những công trình được Giải thưởng đều là những công trình có giá trị cao về khoa học, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao, có ảnh hưởng to lớn và lâu dài trong đời sống. Tuy nhiên, những công trình đặc biệt xuất sắc về góc độ khoa học nhưng chưa đạt đỉnh cao của Giải thưởng, trong suốt thời gian qua cũng đã âm thầm đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bộ KH&CN là cơ quan thường trực của Giải thưởng đã làm việc hết sức trách nhiệm, bám sát vào các Quyết định của Chính phủ để triển khai. Trong quá trình xét giải, Bộ KH&CN đã chuẩn bị chu đáo trong những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ Hội đồng hoàn thành nhiệm vụ. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ là Giải thưởng danh giá nhất đối với các nhà khoa học góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh sự tôn vinh các nhà khoa học, 2 Giải thưởng cao quý này còn mang đến giá trị nhân văn sâu sắc, đề cao giá trị tinh thần trong đời sống xã hội – trụ cột của sự phát triển bền vững. |
>>> Các thông tin liên quan:
- Các công trình KH&CN được tặng .
- Các công trình KH&CN được tặng .
Tác giả: Ngọc Diệp - (Tổng hợp)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn