Trong khuôn khổ chương trình khoá tập huấn, gần 60 giảng viên kiều bào đã đến Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt để trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cùng các thầy cô trong Khoa.
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt giới thiệu về Khoa cho các đại biểu
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - Trưởng Khoa - đã giới thiệu một số thông tin về Khoa: Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt có tiền thân là tổ Việt ngữ thuộc Khoa Văn Sử, dạy tiếng Việt cho một số sinh viên quốc tế. Đến năm 1959, tổ Việt ngữ được tách khỏi Khoa Ngữ văn và chính thức được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra quyết định thành lập Khoa vào năm 1968. Khoa hiện có 2 chương trình đào tạo cử nhân Việt Nam học cho sinh viên Việt Nam và cho sinh viên quốc tế. Khoa cũng vừa mở chương trình đào tạo thạc sỹ ngành Việt Nam học với số lượng học viên quốc tế chiếm gần một nửa. Khoa thường xuyên có khoảng 250 sinh viên Việt Nam và 250 sinh viên quốc tế theo học các loại hình đào tạo tại đây. Có 13 cựu sinh viên đã trở thành đại sứ các nước tại Việt Nam. Với đặc thù như vậy, Khoa là điểm sáng về môi trường đa văn hoá, có tính quốc tế cao trong Trường ĐHKHXH&NV cũng như ĐHQGHN.
Là một cơ sở giàu truyền thống đào tạo tiếng Việt nhất cả nước, trong quá khứ, Khoa đã từng cử cán bộ đi làm nghĩa vụ quốc tế, với trách nhiệm đào tạo tiếng Việt tại nhiều nước như Campuchia, Lào…. Rất nhiều giáo viên của Khoa được cử, được mời đi làm chuyên gia giảng dạy tại nhiều quốc gia trên thế giới. Khoa cũng góp phần giúp xây dựng nhiều trung tâm nghiên cứu Việt Nam học tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu ở nước ngoài.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, các thầy cô trong Khoa luôn tâm niệm, giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài chính là góp phần làm lan toả văn hoá, bản sắc Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Suy nghĩ ấy giúp các thầy cô thêm trân trọng, yêu cái nghề mình đã chọn, đồng thời luôn cố gắng tìm tòi đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo.
Các thầy cô chia sẻ họ có cảm giác như được về nhà, về với nguồn cội trong chuyến đi này
Trong khí thân mật của buổi gặp mặt, các học viên đã chia sẻ cảm nghĩ trong chuyến trở về quê hương để học hỏi, tìm hiểu thêm về vẻ đẹp của tiếng Việt. Nhiều người trong số đó đã xa Việt Nam hàng chục năm và với họ, việc được đến thăm một trong những cái nôi giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam tại quê hương đem lại rất nhiều cảm xúc.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, 66 tuổi, đến từ Thuỵ Sỹ chia sẻ: Đây là lần thứ hai cô tham gia lớp tập huấn này. Cô thấy rất cảm động khi đến thăm Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, được trò chuyện với các thầy cô ở đây. Đó là cảm giác như được trở về nhà, về với nguồn cội của mình. Cô Dung ra nước ngoài từ năm 1970, học trường Pháp từ nhỏ nên tiếng Việt với cô lúc đó lại là một ngoại ngữ tự chọn. Cô tự nhận tiếng Việt mình không giỏi, đặc biệt vốn tiếng Việt trong văn chương còn hạn chế. Sau 45 năm ở nước ngoài, khi trở về Việt Nam, cô thấy thêm gần gũi và yêu thương tiếng mẹ đẻ. Các thầy cô giáo Việt Nam đã giúp cô không chỉ phát âm đúng hơn, nói tiếng Việt trau chuốt hơn mà còn cảm nhận thêm những gì là tinh túy nhất của tiếng mẹ đẻ.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung (đến từ Thuỵ Sỹ) bày tỏ niềm vui khi cầm trên tay quà kỷ niệm của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt
Ở Thuỵ Sỹ, số lượng Việt kiều khoảng 10 ngàn người. Số lượng người Việt ở nước ngoài ngày càng đông, nhưng khoảng cách thế hệ khiến nhiều con em sinh ra sau này gặp khó khăn với tiếng Việt, dẫn đến khó giao tiếp với họ hàng, người thân ở quê hương. Cô Dung cho rằng việc giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện giờ rất cần thiết để giúp các thế hệ sau hiểu và giữ được bản sắc văn hoá dân tộc trong suy nghĩ và lối sống của mình. Đó là lý do cô tự nguyện chọn việc dạy tiếng Việt miễn phí cho trẻ em người Việt trong cộng đồng người Việt ở Thuỵ Sỹ.
Chị Lê Thị Bích Hường (đến từ Ý) trao đổi cùng PGS.TS Nguyễn Thiện Nam
Chị Lê Thị Bích Hường, 33 tuổi, đến từ Ý cho biết: Chị dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam tại Ý, Pháp và một số người nước ngoài quan tâm tới Việt Nam. Có khá nhiều khó khăn trong việc dạy tiếng Việt ở đây như: nhà các gia đình xa nhau nên đi lại khó, bận bịu trong cuộc sống để hoà nhập với văn hoá ở nước sở tại … nên chị thường dạy cho các cháu qua mạng internet hoặc dạy theo từng nhóm nhỏ. Rồi đôi khi để lôi kéo các cháu đi học, các thầy cô còn phải hỗ trợ tiền xăng dầu cho phụ huynh. Giáo trình học, khi sách tiếng Việt ít và khó mua. Đến tháng 9 này, sau nhiều cố gắng, chị sẽ tổ chức một lớp học tiếng Việt chính thức tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa của Ủy ban Thành phố Bologna (Ý). Chị cũng tham gia thành lập Hiệp hội Ý-Việt Nam - Nhịp cầu văn hóa nhằm góp phần đưa tiếng Việt và văn hoá Việt lan toả sâu rộng hơn trong cộng đồng, cũng như thúc đầy tiếng nói của cộng đồng người Việt ở đây.
Bên cạnh dạy tiếng Việt, chị Hường và nhiều đồng nghiệp còn tổ chức những lễ hội giới thiệu ẩm thực và vẻ đẹp của văn hóa dân gian Việt Nam; biên soạn từ điển tiếng Việt để phục vụ kiều bào.
Trong thành phần đoàn đại biểu giáo viên người Việt ở nước ngoài có khá nhiều bạn còn rất trẻ
Gửi lời cảm ơn đến các thầy cô của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, chị Hường nhận xét: khoá học vô cùng bổ ích với công việc hiện nay của mình. Không chỉ được các thầy cô giúp ôn lại và cung cấp thêm nhiều kiến thức một cách hệ thống hơn mà chị còn tự tin hơn vì từ đây, sau lưng mình đã có cả một cộng đồng những giáo viên dạy tiếng Việt tại Việt Nam và ở nhiều nước khác làm chỗ dựa, chỗ chia sẻ về nghề nghiệp và tình yêu đối với quê hương đất nước.
Buổi gặp gỡ còn thêm phần gần gũi khi các thành viên trong đoàn và các thầy cô, sinh viên của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã có những tiết mục văn nghệ giao lưu sôi nổi trước khi đoàn chính thức dự giờ các tiết dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Khoa.
Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt là một điểm sáng về giao lưu văn hoá quốc tế tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Tác giả: Thanh Hà, Thành Long
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn