Tham dự hội thảo có bà Thiệu Thị Hương - Vụ Trưởng Vụ Tin Lành, Ban Tôn giáo Chính phủ; GS. TS Nguyễn Văn Kim – Bí thư Đảng Ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV; cùng đại diện Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ các tỉnh và một số thành viên có uy tín trong đồng bào Mông truyền thống.
Là một dân tộc có truyền thống lịch sử và văn hóa, người Mông đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học, thơ ca, nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa riêng. Người Mông hiện cũng là một trong những dân tộc gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Bên cạnh đó, trong khoảng 2 thập niên trở lại đây, sự gia tăng của một bộ phận đồng bào Mông theo đạo Tin lành đã dẫn đến nhiều thay đổi trong đời sống, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa và xã hội. Trong không ít gia đình, họ tộc, làng bản đã có sự xuất hiện của những nhóm người chủ trương duy tồn tôn giáo, tĩn ngưỡng truyền thống với những người anh em trở thành tín đồ của đạo Tin lành. Sở dĩ như vậy vì trong vũ trụ quan của người Mông truyền thống có nhiều nét tương đồng với vũ trụ quan Kitô giáo; ngoài ra, tôn giáo, tín ngưỡng Mông truyền thống đang suy yếu, thậm chí lâm vào khủng hoảng.
Toàn cảnh hội thảo
Trước thực tế đó, từ năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01 về các công tác liên quan tới đạo Tin lành và mới đây đã có những chương trình tổng kết, đánh giá nhân dịp 10 năm ban hành Chỉ thị này. Tuy nhiên, việc công nhận tư cách pháp nhân của các điểm nhóm Tin lành ở một số tỉnh miền núi phía Bắc vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhằm tạo điều kiện cho sự trao đổi, bàn luân về vấn đề này, Hội thảo “Nghiên cứu đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng Mông và việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở Tây Bắc hiện nay”. Hội thảo được hy vọng sẽ giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, các vị chức sắc tôn giáo suy nghĩ, thảo luận để không những trình bày thực trạng, xu thế vận động mà còn đề xuất những giải pháp khoa học, giàu tính thực tiễn để đồng bào Mông truyền thống và cộng đồng Mông theo Công giáo và Tin Lành yên tâm, sống tốt đời đẹp đạo, tuân thủ pháp luật của Nhà nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) nhấn mạnh: “Đồng bào Mông là một dân tộc có nhiều nét đặc thù về lịch sử và văn hóa. Từ nhiều thế kỷ qua, đồng bào Mông đã sống định cư ở Việt Nam, nhiều nước Đông Nam Á và là một trong những dân tộc anh em, đoàn kết, gắn bó trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam”
GS. TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng Ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu khai mạc hội thảo
Do đó, Phó Hiệu trưởng cho rằng “Tuy đây chỉ là Hội thảo trong phạm vi của một Đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển bền vững ở Tây Bắc, nhưng những vấn đề mà Hội thảo đặt ra có ý nghĩa rộng lớn hơn, bởi lẽ những vấn đề của cộng đồng Mông trong nhiều trường hợp là những vấn đề quan tâm chung của đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới.”
PGS. TS Nguyễn Quang Hưng (Phó Trưởng Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV) trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo
Sau phần khai mạc, Hội thảo đã lắng nghe báo cáo “Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào Mông ở Việt Nam: Hiện trạng và giải pháp” do PGS. TS Nguyễn Quang Hưng (Phó Trưởng Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV) trình bày. Báo cáo đã giới thiệu một số nét chung về cộng đồng Mông trên thế giới và ở Việt Nam, trình bày tổng quan về cộng đồng Mông theo Tin Lành ở Việt Nam, giải thích lý do một bộ phận đồng bào Mông cải đạo sang Tin Lành, và đề xuất một số giải pháp (dự kiến) đối với đồng bào Mông truyền thống và đồng bào Mông theo Tin Lành. Báo cáo nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, thảo luận của đại diện Ban Tôn giáo, Sở nội vụ các tỉnh, một số đại diện có uy tín trong đồng bào Mông truyền thống, các nhà khoa học, một số chức sắc, tín đồ Tin Lành.
Tác giả: Bài và ảnh: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn