PGS.TS Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Thành Long)
Cùng với các thành tựu hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thì lĩnh vực văn hóa - xã hội trong đó bao gồm khoa học - giáo dục, cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thông qua hợp tác giáo dục, Việt Nam mong muốn góp phần đạt được mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra là phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Trả lời phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về tình hình hợp tác quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua, những thành tựu đạt được trên lĩnh vực hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo, PGS.TS. Phạm Quang Minh cho biết, năm 2014, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, đồng thời vấn đề hợp tác quốc tế được triển khai một cách toàn diện, phục vụ cho chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, làm bạn với tất cả các nước, đảm bảo mục tiêu cơ bản của Việt Nam là giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột bằng con đường hòa bình và bằng luật pháp quốc tế.
PGS.TS. Phạm Quang Minh cho hay trong năm qua, chúng ta đã cử được nhiều cán bộ đi giảng dạy, nghiên cứu, nâng cao trình độ ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, qua đó chúng ta đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao…Số sinh viên đi du học ngày một tăng, trong đó ở Mỹ có đến 16.000 học viên và sinh viên Việt Nam theo học, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nhiều sinh viên du học nhất tại Mỹ. Số sinh viên Việt Nam theo học ở các quốc gia khác cũng tăng mạnh như ở Úc, New Zeland, các nước truyền thống ở châu Âu và trong khu vực ASEAN. Với tư cách là thành viên trong Mạng lưới các trường Đại học ASEAN (AUN), Việt Nam đang tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực trao đổi sinh viên, hướng sinh viên học tập tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ các nước, nhằm xây dựng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN.
Trong năm 2014, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, sự án cụ thể về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã tiếp tục được triển khai, điển hình là “Chương trình 911” tiếp nối “Chương trình 322” trước đây, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở trình độ thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài… Ngoài ra, một điểm sáng nữa trong năm 2014, Quỹ NAFOSTED tiếp tục có nhiều đóng góp cho khoa học nước nhà, trở thành địa chỉ tin cậy, có uy tín đối với các nhà khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế, ký kết nhiều văn bản hợp tác với các quỹ quốc tế, tài trợ cho các đề tài nghị định thư hợp tác với Bỉ, Úc, Mỹ…
Chia sẻ riêng một số kết quả nổi bật trong hợp tác quốc tế về khoa học và đào tạo của Trường Đại họcKhoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia Hà Nội trong năm qua và một số giải pháp khắc phục những tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà trường, PGS.TS. Phạm Quang Minh nói, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo của Trường Đại học KHXH&NV nói riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung trong năm 2014, cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cho đến nay, Nhà trường đã ký tổng cộng 200 văn bản hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó có nhiều đại học có uy tín trên thế giới và khu vực. Thông qua hợp tác, Nhà trường thu hút thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu. Trong năm 2014, các cán bộ trường đã công bố tổng cộng 42 công trình quốc tế, gấp đôi con số năm 2013, trong đó có 5 công trình được đăng trên các tạp chí ISI và Scopus. Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức thành công 30 cuộc hội thảo, trong đó gần 50% là hội thảo quốc tế có uy tín, được xã hội đánh giá cao, tiêu biểu như hai cuộc hội thảo được tổ chức tại Paris (Pháp), Hội thảo “Tranh chấp ở Biển Đông: Tác động và các hướng tiếp cận hòa bình, hợp tác”; “Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Việt trong các trường đại học”, “ Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) và các ngành khoa học xã hội nhân văn Việt Nam”...
Trong năm qua, Trường Đại học KHXH&NV cũng đã xây dựng, phê duyệt và ban hành “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2015, tầm nhìn 2020”, với mục tiêu cơ bản là xây dựng Trường Đại học KHXH&NV trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, phù hợp với xu thế chung của các trường đại học hàng đầu khu vực và thế giới, trong đó đẩy mạnh xu thế quốc tế hóa công tác đào tạo; thu hút nhiều hơn nữa giáo viên, sinh viên nước ngoài đến trường học tập, nghiên cứu, giảng dạy, thiết kế nhiều hơn nữa các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.
Thay mặt Ban Giám hiệu Trường Đại học KHXH&NV, PGS.TS Phạm Quang Minh mong muốn Nhà nước tiếp tục có chính sách đặc biệt với đội ngũ khoa học đầu ngành để họ đóng góp được nhiều hơn nữa công sức và trí tuệ vào tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế; thu hút nhiều hơn nữa nguồn lực quốc tế, trong đó có các chuyên gia và trí thức Việt Kiều; đào tạo đội ngũ kế cận tiếp bước thế hệ cha ông... Làm được như vậy sẽ góp phần xây dựng nền giáo dục, khoa học Việt Nam phát triển bền vững./.
Tác giả: Đặng Hải
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn