Công việc đầu tiên ông tôi làm là lấy từ trong chiếc hộp gỗ đã ngả màu quá khứ một bộ ấm trà và sáu cái chén bằng sứ với những đường hoa văn uốn lượn tinh xảo. Chẳng biết bộ ấm trà này có tự bao giờ ông tôi cũng không biết được, vì theo ông nói khi ông bằng tuổi tôi nó đã hiện diện trên bàn thờ trong những ngày rằm tháng tết. Chiều sâu năm tháng lắng đọng trong không gian nhỏ hẹp của lòng ấm, đáy chén và vương vất qua những vết rạn chân chim, do ảnh hưởng của thời tiết nóng lạnh, hanh khô, ẩm ướt thổi vào.
Ảnh minh họa
Ông tôi cẩn thận dùng nước ấm rửa từng cái một rồi dùng khăn bông lau khô. Bàn tay thô ráp in hằn những tháng năm khó nhọc quen với đào đất phát rẫy, lội ruộng, vậy mà giờ đây thật nhẹ nhàng, mềm mại. Ông nói với tôi đây là một trong những bảo vật ít ỏi còn sót lại của dòng họ, cho nên phải có trách nhiệm giữ gìn. Biết bao thế hệ tổ tiên, ông bà đã nối tiếp nhau gây dựng, trải qua binh đao chiến tranh, hiểm họa thiên nhiên biến cố qua đời này đến đời khác để trường tồn. Ông vừa làm vừa kể chuyện, mái tóc cước trắng, chòm râu rung rung trong gió se lạnh. Ông nhẹ tâm cả trong chuyện kể và trong từng động tác của mình.
Khi đồng hồ điểm chín giờ sáng, ông từ từ đứng dậy đi đến chiếc tủ chè, mang ra một lọ độc bình độ chừng hai lít nước, rồi từ từ nghiêng bình cho nước chảy vào lòng ấm. Tiếp theo ông lại từ từ chiên nước ra từng chén một. Chọn thời điểm chín giờ sáng, cũng chỉ là quy ước của dòng họ từ trước tới nay. Cũng có người cho rằng thời điểm này là lúc con người thoáng đạt và thanh tịnh nhất, nên làm những việc có giá trị tâm linh. Ông tôi bảo, đây là nước cúng tổ tiên trong những ngày tết. Nước cúng là nước mưa được ông tích trữ từ lâu. Để có được chừng ấy nước mưa cho những ngày cúng tết là cả một kì công. Ông chọn những ngày bầu trời xanh trong , gió nhẹ, thoáng đạt mà vẫn có mưa mới tốt. Chờ mưa một lúc, gột sạch những bụi bẩn trên mái hiên, trong không gian, để hạt mưa như những hạt ngọc, rơi lâm râm đều hạt. Trước lúc hứng nước ông tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo, thắp một nén nhang trước hiên nhà xin trời đất. Công việc này ông tôi thực hiện một cách tỷ mỷ thuần thục hết tết này qua tết khác. Tôi lon ton theo ông cả một thời thơ ấu và cùng với thời gian lớn lên tôi mới lờ mờ nhận ra những giá trị tâm linh, sự thành kính của ông tôi cứ nhiều lên, dày thêm, tự thuở nào mà nên mà thành.
Ảnh minh họa
Mấy ngày tết đối với ông tôi thật có ý nghĩa. Sáng ba mươi tết, mồng một đầu xuân và ngày mồng hai chuẩn bị tắt nến nhà thờ là những lúc ông tôi thay nước. Vẫn dáng vóc ấy, vẫn những động tác thuần thục nhẹ nhàng ấy, tưởng đơn giản, nhưng là cả tấm lòng đã trải bao năm ông tôi làm, ông tôi neo giữ.
Bây giờ ông tôi đã trở thành người thiên cổ. Công việc này cha tôi tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, cuộc sống hiện tại bộn bề lo toan, dòng chảy thời gian theo đà biến thái nhanh hơn, nên cha tôi chẳng thể tỉ mản như ông tôi ngày trước được. Tôi nhón người vượt khỏi lũy tre làng ra chốn thị thành học tập và mưu sinh, nhưng những kí ức về ông tôi vẫn còn nguyên vẹn. Những bài học đầu tiên về xã hội nhân văn, về văn hóa tộc Việt, tôi chợt hiểu ra rằng, việc làm của ông tôi, dù chỉ là quy ước của dòng họ, dù chỉ là một thói quen nhưng là một bài học không lời thật cao cả trước tổ tiên mà con cháu như tôi cần níu giữ.
Dẫu bước đi thời gian ta không thể nào níu giữ được, nhưng những gì để lại phía sau, cái gì mang theo lại do chính ta, tự con người quyết định
Tác giả: Phạm Đình Lân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn