GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc
Từ tháng 1/2018, Bộ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thực thi ở Việt Nam, thông qua việc thực hiện Nghị định 162/2017/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định này đã được trao đổi và xây dựng giữa nhiều cơ quan khoa học và quản lý, có những nội dung pháp lý liên quan đến 07 điều khoản của bộ luật nói trên. Trên thực tế, Nghị định này đã bắt đầu đi vào đời sống xã hội và tôn giáo của đất nước ta.
Trong bối cảnh đó, Nhóm nghiên cứu mạnh về Tôn giáo và Pháp quyền của Khoa Khoa học Chính trị, Trường ĐHKHXH&NV đề xuất tổ chức hội thảo nhằm nghiên cứu những kinh nghiệm thực thi luật pháp, tôn giáo, tín ngưỡng ở các nước Đông Nam Á và Việt Nam, qua đó góp phần phát huy mặt tích cực của luật mới, đồng thời chỉ ra những vấn đề phát sinh xảy ra khi thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đại diện Ban Giám hiệu - GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) đánh giá cao sáng kiến và vai trò của Nhóm Nghiên cứu mạnh về tôn giáo và pháp quyền do GS.TS Đỗ Quang Hưng làm trưởng nhóm đã có hoạt động tích cực đóng góp vào quá trình hoàn thiện chính sách tôn giáo của Nhà nước; đồng thời tiến hành nghiên cứu, đánh giá quá trình thực thi Luật Tín ngưỡng tôn giáo trên thực tế.
Sau một thời gian thực hiện, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có tác động tích cực đến đời sống tôn giáo. Đến nay Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 26 triệu tín đồ, gần 56 nghìn chức sắc, hơn 145 nghìn chức việc và hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự. Các cơ quan Nhà nước cho phép tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng thần học, giáo lý, giáo luật cho hơn 18 nghìn lượt người.
Luật Tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực góp phần thúc đẩy hoạt động tôn giáo diễn ra theo quy định của pháp luật; các giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo được phát huy trong đời sống xã hội. Các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo được đẩy mạnh, góp phần quy tụ kiều bào có tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ngoài hướng về xây dựng đất nước. Người dân có tôn giáo hay không có tôn giáo đều được thụ hưởng những mặt tích cực của Luật tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ cùa pháp luật.
Hội thảo có hai hướng tiếp cận: Một là phương pháp và kinh nghiệm thực thi các văn bản luật pháp liên quan đến đời sống tôn giáo ở các nước trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á; Hai là phân tích, đánh giá nội dung và khả năng thực thi cũng như hiệu quả thực tiễn của các Nghị định này trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay ở Việt Nam, những kết quả thực tiễn đầu tiên cũng như những vấn đề đặt ra của Luật Tín ngưỡng tôn giáo.
Hội thảo đi sâu vào những nội dung chính: Phân tích ý nghĩa của sự hợp tác nghiên cứu về tôn giáo; Làm rõ những giá trị lý luận, thực tiễn của các hoạt động nghiên cứu tôn giáo; Nêu rõ vấn đề đặt ra hiện nay trong nghiên cứu tôn giáo và triển vọng hợp tác nghiên cứu tôn giáo và các vấn đề liên quan như tôn giáo pháp quyền, luật tín ngưỡng tôn giáo; Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức giữa các cơ quan nghiên cứu và quản lý Nhà nước về tôn giáo, tiếp tục phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp đổi mới đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn