Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Tổ chức chi viện tiền tuyến theo Cung-Trạm, ý nghĩa và kinh nghiệm của một sáng tạo Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Thứ năm - 02/05/2019 05:33
Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953- 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Nam đã có một sáng tạo độc đáo là thành lập và sử dụng Hội đồng cung cấp mặt trận (HĐCCMT) để huy động và vận chuyển nhân tài vật lực của hậu phương cho tiền tuyến theo Cung - Trạm, bảo đàm các nhu cầu cần thiết cho quân đội chiến thắng. Những tuyến du lịch lịch sử và danh thắng theo các cung trạm trên những tuyến vận tải chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa là rất cần được khai mở, phát triển để đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế phục vụ công cuộc phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.
Tổ chức chi viện tiền tuyến theo Cung-Trạm, ý nghĩa và kinh nghiệm của một sáng tạo Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954
Tổ chức chi viện tiền tuyến theo Cung-Trạm, ý nghĩa và kinh nghiệm của một sáng tạo Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

1. SỰ RA ĐỜI VÀ TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG CUNG CẤP MẶT TRẬN

Trước Đông Xuân 1953-1954, công tác bảo đảm nhân tài vật lực chi viện tiền tuyến thường được chính quyền các địa phương huy động và đưa thẳng từ địa phương ra mặt trận theo kế hoạch của quân đội. Qua thực tiễn việc tổ chức chi viện tiền tuyến, cơ quan hậu cần của quân đội và các địa phương liên quan đã có nhận thức chung là sự phối hợp của hai bên trong bảo đảm các yêu cầu của tiền tuyến, tuy có nhiều thành công lớn, cũng đã xảy ra những thiếu sót, hạn chế, gây lãnh phí, căng thẳng cho hậu phương và có lúc chưa kịp thời cho bộ đội,… 

Từ những tổng kết sau mỗi chiến dịch về nguyên nhân của các ưu điểm và hạn chế trong công tác chi viện tiền tuyến, lãnh đạo Tổng cục cung cấp quân đội đã có tờ trình gửi Hội đồng Chính phủ cho nghiên cứu, thành lập một tổ chức độc lập, trực thuộc Chính phủ, có chức năng, nhiệm vụ phối hợp hoạt động của hậu phương với tiền tuyến, kết nối bộ máy chính quyền địa các phương với lực lượng bảo đảm hậu cần của quân đội trong việc huy động sức người, sức của của hậu phương và vận chuyền theo các cung, trạm ra mặt trận phục vụ quân đội chiến đấu, cơ quan ấy có tên là Hội đồng cung cấp mặt trận (HĐCCMT).

Ban Thường vụ Trung ương Đảng bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954

Sau khi được Ban Thường trực của Quốc hội thỏa thuận, ngày 27- 7- 1953, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết nghị thành lập HĐCCMT. Quyết nghị ghi rõ:

“1. Thành lập ở Trung ương và các khu, tỉnh cần thiết các Hội đồng  cung cấp mặt trận để bảo đảm việc cung cấp nhân lực và vật lực cho tiền tuyến.

2. Thành phần Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương gồm có: Ông Phó Thủ tướng Chính phủ: Chủ tịch (tức đồng chí Phạm Văn Đồng); Ông Nguyễn Văn Trân, Tổng Thanh tra Chính phủ: Phó Chủ tịch và các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Khu và cán bộ cao cấp ở Trung ương mà công tác có liên quan mật thiết đến việc cung cấp của mặt trận.

3. Hội đồng cung cấp Trung ương có nhiệm vụ: Nghiên cứu khả năng cung cấp của các địa phương; Đặt kế hoạch và thống nhất việc huy động nhân lực, vật lực phục vụ tiền tuyến, điều tra nhu cầu của tiền tuyến và của hậu phương; Nghiên cứu, đệ trình Chính phủ duyệt chính sách và thể lệ huy động nhân lực và vật lực; Chỉ đạo các Hội đồng cung cấp mặt trận và bảo đảm giao thông vận tải; Quản lý ngân sách cung cấp trong phạm vi Hội đồng phụ trách.

4. Việc thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận ở những khu và tỉnh cần thiết do Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương đề nghị và Hội đồng Chính phủ quyết định”([1]).

Hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ

Cùng với Nghị quyết này, Hội đồng Chính phủ còn có các văn bản chỉ định các ủy viên của HĐCCMT Trung ương. Đó là: ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Tạo: Bộ trưởng Bộ Lao động; ông Trần Quốc Hoàn: Bộ trưởng Bộ Công an; ông Lê Dung: Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính; ông Đặng Việt Châu: Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Tô Quang Đẩu: Thanh tra Chính phủ; ông Tố Hữu: Giám đốc nha Tuyên truyền, Văn nghệ; ông Lê Lộc: Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV. Trong đó, các ông Nguyễn Văn Trân, Tô Quang Đẩu và Lê Lộc giữ chức vụ Ủy viên thường trực([2]).

Tiếp theo sự thành lập  HĐCCMT Trung ương, một số HĐCCMT liên  khu, tỉnh cũng lần lượt được tổ chức, như HĐCCMT Liên khu Việt Bắc, Liên khu IV, Liên khu III, HĐCCMT tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Phú Thọ,…

Về tổ chức cụ thể, HĐCCMT được xây dựng theo nguyên tắc: Một là, HĐCCMT chỉ thành lập ở cấp Trung ương và ở một số địa phương cần thiết, có điều kiện, thuộc các vùng tự do; vùng địch hậu khi có chiến sự sẽ có những hình thức  tổ chức lâm thời, nhẹ nhàng. Hai là, việc tổ chức HĐCCMT tuy dựa trên cơ sở các địa phương, nhưng không cố định, bó hẹp trong phạm vi đơn vị hành chính. Thông thường, căn cứ vào tính chất cơ động, phạm vi chiến dịch mà HĐCCMT các cấp địa phương sẽ bao gồm thành phần của một hay nhiều Liên khu, của một hay nhiều tỉnh, một hay nhều huyện. Ba là, giữa nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của HĐCCMT và của cơ quan cung cấp quân đội tuy có những ranh giới, phạm vi nhất định, song không hoàn toàn độc lập với nhau, mà là  phối hợp chặt chẽ với nhau([3]).

Về hệ thống tổ chức, theo các nguyên tắc kể trên, ở Trung ương, Hội đồng có Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch là Tổng Thanh tra của Chính phủ. Các thành viên đề là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Giám đốc Nha vào một Ủy viên UBKCHC Liên khu IV, nơi có vùng tự do, hậu phương chiến lược Thanh - Nghệ - Tĩnh, có nguồn nhân tài vật lực lớn nhất của cả nước, vừa là hậu phương  của chiến trường Bình - Trị - Thiên, của chiến trường Trung và Thượng Lào, vừa cho chiến trường chính Bắc Bộ.

Ở cấp Liên khu, bộ máy gồm có Chủ tịch hay Phó Chủ tịch hoặc Bí thư hay Phó Bí thư Liên khu làm Chủ trịch. Ủy viên là đại diện các ngành và một số cán bộ có năng lực cấp khu. Khi tham gia Hội đồng, các ủy viên đại diện cho các ngành sẽ điều động theo mình một số cán bộ của ngành để lập thành một bộ phận, một cơ quan giúp việc của Hội đồng. Hội đồng cung cấp cấp Khu cũng có một văn phòng gồm các bộ phận như của Trung ương. Nhiệm vụ của HĐCCMT Liên khu là tìm hiểu và nắm vững khả năng của địa phương, đặt kế hoạch huy động, điều hòa và hướng dẫn các tỉnh trực thuộc; trực tiếp tổ chức vận chuyển  trên các tuyến, các cung trạm trong các chiến dịch; thực hiện các kế hoạch công tác và thi hành các chế độ, các chính sách huy động của cấp trên, báo đảm giao thông trên địa bàn,…

Ở cấp tỉnh, thành phần HĐCC cũng như ở cấp Liên khu, còn nhiệm vụ thì ngoài các nhiệm vụ giống như ở cấp Khu, có thêm nhiệm vụ là phải trực tiếp thanh toán với nhân dân trong việc huy động sau mỗi chiến dịch. Ở cấp huyện và xã, chưa có chủ trương thành lập các HĐCCMT, nhưng công việc huy động nhân, tài, vật lực cho  tiền tuyến cũng được điều hành bởi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các cơ quan đoàn thể, trong đó các Ủy ban kháng chiến hành chính huyện và xã đóng vai trò quyết định chính.

2. HOẠT ĐỘNG CHI VIỆN TIẾN TUYẾN VÀ CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ CỦA HỘI ĐỒNG CUNG CẤP MẶT TRẬN

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, HĐCCMT các cấp đã phải xử lý rất nhiều tình huống phức tạp khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Đó là các vấn đề về biên chế tổ chức, về điều động nhân sự, về chế độ bồi dưỡng, thù lao cho dân công, về ngân sách ứng trước cho các chiến dịch, về giá cả thu mua, về cung trạm giao thông, về sinh hoạt đoàn thể trên đường phục vụ,…

 Theo quy định, việc huy động nhân tài vật lực của hậu phương cho tiền tuyến là do chính quyền các cấp ra lệnh, theo nhiệm vụ của cấp trên giao cho và theo kế hoạch của HĐCCMT cấp đó soạn thảo. Gặp trường hợp khản cấp, HĐCCMT cấp trên có thể ra lệnh cho các ngành chuyên môn của cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, nhưng cũng phải báo cáo cho cơ quan ngành ấy và chính quyền cấp tương đương với cấp mình biết. Các mệnh lệnh huy động phục vụ tiền tuyến của chính quyền được coi là mệnh lệnh ưu tiên. Các ngành chuyên môn của chính quyền đều cử một số cán bộ sang tham gia và giúp việc cho Hội đồng. Các đoàn thể chính trị đều có nhiệm vụ phối hợp thực hiện kế hoạch huy động cả Hội đồng, vận động và giáo dục nhân dân hiểu rõ các chính sách phục vụ, giúp đỡ Hội đồng hiểu rõ khả năng và phản ánh cho Hội đồng đặt kế hoạch huy động sát hợp.

Lề lối làm việc của HĐCCMT theo ngành dọc là Hội đồng cấp trên trực tiếp lãnh đạo Hội đồng cấp dưới. Việc liên hệ giữa HĐCCMT với các cơ quan dân, chính, đảng địa phương là do HĐCC cấp tương đương đảm nhiệm. Các kế hoạch phục vụ, huy động được phổ biến từng phần cho các ngành cùng cấp, các Hội đồng theo thời gian và nhiệm vụ của từng bộ phận để bảo đảm bí mật. Khi có huy động lớn, HĐCCMT có quyền triệu tập và chủ trì hội nghị cán bộ các ngành chuyên môn, các đoàn thể chính trị cấp mình để phổ biến và thực hiện nhiệm vụ.

Hoạt động của HĐCCMT gồm tất cả các mặt công tác thuộc các lĩnh vực của mình  và theo phạm vi trách nhiệm, song  chủ yếu và quan trọng nhất là hoạt động huy động và vận chuyển nguồn lực của hậu phương  ra tiền tuyến. Trong đó việc huy động được phối hợp chặt chẽ và dựa vào chính quyền, đoàn thể địa phương ở hậu phương, còn việc vận chuyển lại chú ý phối hợp với các đơn vị quân đội ở mặt trận, với các ngành giao thông, vận tải,… Nhiệm vụ chính của HĐCCMT là cùng địa phương huy động và tiếp nhận nguồn lực của hậu phương rồi tổ chức chuyển nguồn lực đó ra trung tuyến, hỏa tuyến giao cho cơ quan hậu cần của quân đội để các cơ quan ấy chuyển tiếp ra tiền tuyến, phân bổ, cấp phát cho bộ đội.  Riêng việc vận chuyển vật chất cho tiền tuyến, HĐCCMT đã phải huy động hàng vạn dân công ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, dân công phục vụ tại chỗ và dân công phục vụ trung tuyến, hỏa tuyến, dân công phổ thông và dân công chuyên môn, nghiệp vụ cho nhiều chiến dịch lớn trong cùng một thời gian.

Trên thực tế, trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, do có nhiều hướng tiến công, nhiều chiến dịch cùng diễn ra nên HĐCCMT đã phải đảm đương một khối lượng công việc hết sức to lớn, nặng nề, khẩn trương. Vùng tự do Nam – Ngãi – Bình - Phú (Liên khu V) được tập trung phục vụ chiến trường Tây Nguyên và Hạ Lào; vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh (Liên khu IV) chi viện cho 5 hưóng chiến trường là Bình – Tri - Thiên, Trung Lào, Thượng Lào, Đồng bằng Bắc bộ và Điện Biên Phủ; vùng tự do Việt Bắc chi viện chiến trường Tây Bắc, Điện Biên Phủ,… 

Mặc dù thời gian xây dựng và hoạt động không dài, lai gặp phải nhiều khó khăn phức tạp, song HĐCCMT Trung ương và các cấp đã nổ lực hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình đối với cuộc kháng chiến nói chung, với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng.

Đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, tính chung, trong 210 ngày (từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954) số dân công mà HĐCCMT đã huy động được để phục vụ chiến dịch là 261.453 người với 3 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 ngựa thồ. Ngoài ra còn có lực lượng hậu cần của quân đội là 3.168 người, phân bố trong 7 đội điều trị, 1 đội vận tải ô tô 446 xe, binh trạm 18 và trạm điều chỉnh giao thông, kho quân nhu, quân khí. Sau đó dược tăng cường 4 tiểu đoàn công binh sửa đường, 2 đại đội thông tin, 2 tiểu đoàn pháo phòng không 37mm (24 khẩu) và các đại đội 12,7mm.

Số lương thực, thực phẩm đã cung cấp được cho chiến dịch là 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn các loại thực phẩm khác, 1.860 lít dầu ăn và 280 kg mỡ, 71 tấn quân trang, 1.783 tấn xăng dầu, 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y. Điều trị cho 10.130 thương binh và bệnh binh (chưa kể số thương binh của địch), hơn 3 triệu viên đạn các loại, 96.480 quả lựu đạn, 27,5 tấn thuốc nổ, 4.950 chiếc cuốc, 8.700 chiếc xẻng, 2.920 con dao. Tổng khối lượng vật chất cung cấp cho chiến dịch là 30.759 tấn, trong đó tiêu thụ hết 19.989 tấn. Khối lượng vận chuyển trong chiến dịch Điện Biên Phủ là 4.450.000 tấn/km, gấp 36 lần khối lượng vận chuyển trong chiến dịch Biên Giới (1950), làm mới 89 km và sửa chữa, củng cố 500 km đường,...

Ngoài ra, Hội đồng còn bảo đảm hàng vạn dân công, với hàng triệu ngày công và một khối lượng vật chất to lớn khác phí tổn cho các nhiệm vụ khác nhau trước và sau chiến dịch([4]). Trên tuyến vận tải 80 của HĐCCMT tỉnh Thanh Hóa, cũng như trên các tuyến đường khác, dân công ta, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả đề chiến thắng” đã không ngừng thi đua thồ hàng bằng xe đạp từ 165 kg lên 215 kg rồi 250 kg, sau đó lên 320 kg và đỉnh cao là 352 kg (của Cao Văn Ty và Ma Văn Thắng)”([5]).

Huy động và vận chuyển được khối lượng lương thực, vũ khí to lớn đó từ hậu phương ra tiền tuyến (nơi xa nhất như Hà Tĩnh, Lạng Sơn, cách Điện Biên Phủ khoảng 500-700 km) giao cho ngành hậu cần quân đội là nhiệm vụ nặng nề và cũng là thành tích vè vang của HĐCCMT các cấp, góp phần có ý nghĩa quyết định đưa tới  chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, nhân dân ta đã đóng góp công sức nhiều như trong Đông Xuân 1953- 1954, để chi viện cho quân đội giết giặc (…). Chưa bao giờ người dân Việt Nam đi ra  mặt trận nhiều như vậy (…), hậu phương  đã chuyển cả một quyết tâm giết giặc, một tinh thần phấn khởi cách mạng do cải cách ruộng dất đưa lại đến tận người chiến sĩ đang chiến đấu ngoại mặt trận”([6]).

Đối với kẻ địch, thất bại ở Điện Biên Phủ có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự sai lầm trong vấn đề tổ chức tiếp tế cho mặt trận. Trong cuốn Tấn thảm kịch Đông Dương, do E.Kriegơ (E.Krieg) chủ biên, các học giả Pháp đã viết ở tập III: Cái cạm bẫy Điện Biên Phủ (Le Priège Dienbienphu) về vấn đề này như sau: “Người ta đã khẳng định với Nava và Nava cũng tin rằng Việt Minh không tiếp tế được tới Điện Biên Phủ; rằng bọn cu ly muốn tới được đó thì sẽ ăn hết 4/5 những gánh thực phẩm của họ; rằng việc cung cấp đạn dược sẽ không cho phép địch lợi dụng số lượng quân nhiều hơn quân Pháp mà chúng có thể tập hợp được. Và cũng bởi vì, mặc dù đã có sự chứng minh hàng ngày, Nava vẫn còn tin rằng không quân của ông ta, với những phương tiện đã rất thiếu thốn rồi,  còn có thể phá hủy những đường tiếp tế của Việt Minh.

Tướng Nava không nghĩ rằng Giáp (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NĐTri chú thích)  đang động viên hàng vạn đàn ông và đàn bà, 50.000 hay 80.000?. Không ai biết được đúng số lượng. Đoàn người đó đã bắt đầu thành một đàn kiến rất lớn đi tiếp tế quân đội, đang kéo lên vùng dân Thái (…) Khi tạo nên con nhím Điện Biên Phủ, Nava tưởng kéo được Việt Minh đến đó. Ông ta tưởng nắm được thế chủ động, mà ông ta thường vẫn than phiền rằng quân đội viễn chinh đã bỏ mất từ năm 1950. Trong khi ông ta thản nhiên tưởng tượng mình đang nhử được Việt Minh thì ông ta không biết rằng ông ta đang để cho Võ Nguyên Giáp vận quân xiềng ông lại (…). Chính ông ta (Võ Nguyên Giáp ) chứ không phải Nava đang đánh bẫy ở vùng dân Thái, ở cái vùng rất thân thương đối với chỉ huy địch. Và đến ngày 20-11-1953, con nhím mang tên Nava đã sa vào bẫy đó”([7]).

Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 -1954

Bécna Phôn (Bernard Fall), học giả Mỹ, trong cuốn Việt Minh 1945- 1960 (Le Việt Minh 1945-1960) đã nói về thắng lợi của Việt Minh ở Điện Biên Phủ rằng: “Trước hết và trên hết là những chiến thắng về tổ chức tiếp tế”([8]). Ivon Panhinét, học giả Pháp, trong cuốn: “Mắt thấy ở Việt Nam” đã ghi lại lời than thở của một viên sĩ quan Pháp chua chát thừa nhận sự thất bại của họ và thắng lợi của Việt Nam trong lĩnh vực tiếp tế cho trận đánh Điện Biên Phủ là: “Than ôi! Máy bay của ta lại thua đôi bồ dân công của Việt Minh”([9]).

Điều đáng lưu ý là cũng trên các tuyến vận tài của HĐCCMT, sau khi cuộc chiến kết thúc, đã có hàng ngàn tù binh Pháp từ Điện Biên Phù được ta đưa về các vùng hậu phương nuôi dưỡng và trao trả cho đối phương, ở Việt Trì, Phù Lỗ (theo đường bộ) và ở Sầm Sơn, Thanh Hóa (theo đường biển), sau khi có Hiệp  định Giơnevơ (21-7- 1954),…

3. KINH NGHIỆM LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ

Xung quanh việc tổ chức và hoạt động của HĐCCMT trong việc chi viện cuộc  tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ nổi lên một số kinh nghiệm lớn là:

Thứ nhất, cần và có thể tổ chức một cơ quan chuyên trách công tác chi viện chiến trường là HĐCCMT. HĐCCMT là một cơ quan của hậu phương, được xây dựng trên cơ sở tách ra từ các ngành chuyên môn của hậu phương, có tính chất quần chúng, song phải được nhấn mạnh đúng mức cần thiết tính chất tập trung, tính chất quân sự. Do các tính chất đó mà HĐCCMT không nhất thiết phải báo cáo tất cả mọi vấn đề cho chính quyền cùng cấp.  Và khi ở trên tuyến vận chuyển, mọi lực ượng tham gia: dân công, cầu đường, phòng không, các trạm, các barie,… đều phải đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Hội đồng. Nghĩa là HĐCCMT vừa là cơ quan của hậu phương, vừa có tính độc lập tương đối với hậu phương, có quan hệ chặt chẽ với lực lượng hậu cần quân đội nhưng cũng không phải là một bộ phận của quân đội. HĐĐCCMT chính là cơ quan đặc trách, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước chính quyền, trước quân đội về mọi hoạt động huy động và đưa nguồn nhân tài vật lực  của hậu phương  ra tiền tuyến bảo đảm cho quân đội chiến đấu.

Thứ hai, để xây dựng được tổ chức hợp lý và chỉ đạo được các hoạt động hiệu quả của HĐCCMT, vấn đề quan trọng là phải nắm vững  những đặc điểm của công tác chi viện tiền tuyến, nhất là  ở những thời điểm mà khẩu hiệu “tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng” không chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động mà còn là khẩu hiệu hành động trực tiếp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc. Nhu cầu chi viện tiền tuyến lúc này là vô cùng to lớn, khẩn trương, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, đến mọi giai cấp, dân tộc, tôn giáo. Tuy tập trung vào hai nội dung và công đoạn chính là huy động và vận chuyển, song hai vấn đề đó có quan hệ mật thiết với nhau, kéo theo hàng loạt vấn đề khác phục vụ cho hai việc đó. Trong đó, việc huy động phải chú ý hai vấn đề quan trọng là nắm vững khả năng và huy động công bằng, hợp lý. Trong vận chuyển có ba vấn đề cần giải quyết là tổ chức vận chuyển, bảo đảm giao thông và công tác chính trị.

Thứ ba, trong tổ chức và hoạt động vận chuyển nguồn lực của hậu phương  cho tiền tuyến, HĐCCMT phải tổ chức được các cung, trạm trên tuyến vận chuyển. Trạm chính là cơ sở để thực hiện kế hoạch vận chuyển và thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ đối với dân công và các lực lượng tham gia vận chuyển. Trạm cũng chính là cơ sở để HĐCCMT tổ chức ngành dọc của mình; đồng thời là cơ quan đại diện cho Hội đồng ở từng cung đoạn vận chuyển ở các địa phương tuyến vận chuyển đi qua, là những mắt xích liên kết, nối liền hậu phương  với tiền tuyến và ngược lại. Do đó Trạm là một cơ quan thống nhất, có đủ các thành phần, đủ tính chất và quyền hành như một Hội đồng khu vực. Khoảng cách giữa các cung, trạm được tính toán, bố trí hợp lý tùy theo đường dốc núi hay bằng phẳng, nơi có dân cư hay vùng hẻo lánh thường bị địch đánh phá. Lại có cung đường dân công đi và về trong một vài ngày, có cung đường dân công đi suốt nhiều ngày, nhiều tháng, hoặc có trạm chỉ dừng chân qua đêm, có trạm là nơi đặt tổng kho, có sự xuát nhập, giao nhận hàng hóa giữa các địa phương,... Lúc cần thiết, lực lượng hậu cần quân đội có thể trực tiếp tiếp nhận nguồn lực tại hậu phương, hoặc hậu phương đưa thẳng nguồn lực ra tận tiền tuyến giao cho bộ đội, song thông thường HĐCCMT có trách nhiệm huy động và chuyển nguồn lực từ hậu phương ra trung tuyến, còn từ trung tuyến đến hỏa tuyến do lực lượng hậu cần quân đội đảm nhiệm.

Thứ tư, do sự khó khăn, gian khổ, ác liệt của việc chi viện tiền tuyến và có đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng tham gia, nên HĐCCMT phải tổ chức tốt công tác chính trị tư tưởng. Trong suốt cả cuộc tiến công chiến lược và trong một chiến dịch cụ thể, nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ, có  tới hàng ngàn đảng viên, hàng vạn quần chúng  tạm thời tách khỏi hậu phương  ra tiền tuyến  làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, nên công tác chính trị tư tưởng là hết sức quan trọng. Để tập hợp đảng viên, giữ vững sinh hoạt Đảng và sự lãnh đạo của Đảng trên tuyến vận tải, tập hợp và giáo dục, động viên quần chúng thực hiện nhiệm vụ, vượt qua khó khăn, cần phải có một hệ thống tổ chức Đảng và đoàn thể thống nhất, chặt chẽ. Tuy trên tuyến vận chuyển có nhiều hệ thống tổ chức Đảng khác nhau của các ngành, các địa phương khác nhau, nhưng do tính chất công tác trên tuyến lại có chung đặc điểm là thống nhất, tập trung, nên khi đã lên đến tuyến, các tổ chức Đảng sẵn có phải dược thống nhất lại dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy HĐCCMT (nếu là tuyến của Trung ương và của Liên khu) hoặc của Ban Cán sự (nếu là tuyến của tỉnh). Các cấp ủy này có nhiệm vụ vừa làm công tác chính trị, công tác xây dựng Đảng, vừa phải chú trọng thực hiện kế hoạch chi viện. Vốn là các chi bộ của các đảng bộ địa phương, tuy trên tuyến hoàn toàn do do cấp ủy cấp trên của Tuyến lãnh đạo, nhưng họ vẫn phải tiếp tục giữ mối liên hệ với cơ sở cũ để khi về địa phương, việc sinh hoạt được trở lại bình thường.

Thứ năm, nhu cầu cán bộ phụ vụ công tác chi viện mặt trận là hết sức to lớn, nên HĐCCMT phải huy động, xây dựng được đội ngũ cán bộ có số lượng và chất lượng cần thiết cho mình. Để có được đội ngũ cán bộ đó, HĐCCMT các cấp phải dựa vào các ngành chuyên môn các cấp tương đương ở hậu phương để không phình thêm biên chế, bộ máy tinh gọn mà vẫn bảo đảm  được công việc chạy đều và kịp thới. Cán bộ làm công tác chi viện tiền tuyến nói chung, làm việc trên các tuyến vận tải nói riêng là rất vất vả, cần có sức khỏe tốt và sự năng động cao. Họ phải thường xuyên đi lại, sâu sát công việc đẻ đôn đốc công việc trên những quãng đường thường khó đi, ít dân, hay bị địch đánh phá,… do đó, Hội đồng cần phải có chế độ, ính sách bồi dưỡng sức khỏe thích đáng để họ có điều kiện làm việc lâu dài. Đồng thời, cũng lại phải luôn luôn chú ý nâng cao phẩm chất và năng lực công tác, nếu không, một sự sa sút, non kém trong ý thức trách nhiệm, trong chỉ đạo, điều hành công việc của họ sẽ dẫn đến những thiệt hại, những lãng phí rất lớn về sức người, sức của, gây khó khăn và làm giảm kết quả của  trận chiến đấu, của các chiến dịch…

Chiến dịch Đông-Xuân thắng lợi

Việc thành lập và sử dụng HĐCCMT để huy động nguồn lực của hậu phương  và  tổ chức chi viện tiến tuyền theo tuyến và cung trạm trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953- 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ là một sáng tạo độc đáo của Việt Nam có ý nghĩa lịch sử quan trọng.

Một là, đây là lần đầu tiên HĐCCMT đã đứng ra  phụ trách việc chi viện tiền tuyến như là một cơ quan độc lập, trung gian kết nối hậu phương  với quân đội.  Riêng việc vận chuyển, HĐCCMT đã phụ trách các tuyến cung cấp kéo dài hàng trăm cây số với hàng chục vạn dân công, hàng chục ngàn tấn vật chất, hàng trăm chủng loại phương tiện, qua hàng chục cung trạm chuyển tiếp, xuyên huyện, xuyên tỉnh, xuyên liên khu, xuyên quốc gia. Thành công đó, ngoài sự giác ngộ cao của nhân dân các vùng tự do-hậu phương, vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, ngoài sự phối hợp chặt chẽ của các cấp hậu cần quân đội, sự chỉ đạo và tổ chức tích cực, năng động, sâu sát có hiệu quả của đội ngũ  cán bộ, nhân viên của HĐCCMT các cấp, các địa phương có ý nghĩa quyết định nhất.

Hai là, sự ra đời của HĐCCMT trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và các nguyên tắc tổ chức, cơ cấu bộ máy, lề lối làm việc và hoạt đông chi viện tiền tuyến của Hội đồng là một sáng tạo độc đáo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội Việt Nam trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nói chung, trong công tác chi viện cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng. Tổ chức và hoạt động của HĐCCMT đã có sự dóng góp to lớn vào thắng lợi của Việt Nam trên các chiến trường, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháo đi tới thắng lợi vẻ vang.

Ba là, điều có ý nghĩa lâu dài là tổ chức và hoạt động của HĐCCMT đã để lại những kinh nghiệm hết sức bổ ích cho các giai đoạn lịch sử tiếp theo, nhất là việc xây dựng, tổ chức huy động và vận chuyển nhân tài vât lực của hậu phương miền Bắc chi viện tiền tuyến miền Nam qua tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954- 1975). Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, một lần nữa, một loại tổ chức chi viện tiền tuyến tương tự đã được thành lập: Hội đồng chi viện chiến trường, trực thuộc Chính phủ. Hội đồng chi viện chiến trường cũng đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của Việt Nam ngày 30-4-1975. Phải chăng HĐCCMT, từ một sáng tạo độc đáo trong chi viện cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành một vấn đề có tính quy luật của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.                

Bốn là, từ thực tiễn việc tổ chức chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ, càng củng cố và làm phong phú thêm hệ luận lịch sử về vai trò của hậu phương trong chiến tranh cách mạng. Đó là khi nói hậu phương là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh, vấn đề không chỉ là nói việc hậu phương được xây dựng, lớn mạnh về mọi mặt, được bảo vệ vững chắc, luôn hướng về mặt trận, mà còn là nói tới vấn đề tổ chức chi viện tiền tuyến có hiệu quả cao của nó. Vì rằng trong chiến tranh, nhiều lúc quân đội phải rút lui, phải hủy bỏ kế hoạch tác chiến, hoàn toàn không phải do thiếu tinh thần chiến đấu, hay do hậu phương  không đủ sức chi viện mặt trận, mà là do không tổ chức đưa được những thứ hậu phương  có, bộ đội cần đến tiền tuyến đúng lúc. Tổ chức chi viện tiền tuyến, do vậy là vấn đề  cực kỳ quan trọng liên quan đến thắng bại trong chiến tranh.         

Năm là, cuộc chiến tuy đã lùi xa hơn 65 năm, song ký ức về những năm tháng không thể nào quên của những người trong cuộc, của hàng vạn bộ đội, dân công Việt Nam và hàng ngàn cựu tù binh Pháp đã từng ngược, xuôi trên các tuyến, các cung trạm vận tải của HĐCCMT và sự mong muốn tìm hiếu lịch sử của các thế hệ kế tiếp cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mà chúng ta cần lưu tâm đáp ứng. Nên chăng, cần và có thể hoạch định những tuyến du lịch “Đường lên Điện Biên” theo các con đường tiếp viện năm xưa, từ Việt Bắc sang Tây Bắc, từ Thanh-Nghệ-Tĩnh lên Sơn La, Lai Châu,  Điện Biên Phủ, qua những địa danh vang tiếng một thời, như ngã ba Cò Nòi, dốc Pa Đin, đèo Lũng Lô,… Trên các tour du lịch lịch sử, danh thắng ấy, các đoàn du khách trong nước và quốc tế có thể đi bộ, đi xe đạp, hay bằng ô tô, qua các cung, trạm dã chiến, các bản làng dân tộc thiểu số, các trọng điểm giao thông, được phục dựng tương tự như xưa, để họ vừa nhớ lại khung cảnh của một thời chiến tranh khốc liệt, vừa thưởng ngoạn phong cảnh hùng vĩ, nên thơ và có thêm sự hiểu biết về văn hóa đa dạng của con người vùng Tây Bắc Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, trong đó có việc làm cho mối quan hệ Việt Nam-Pháp, Pháp-Việt Nam càng thêm tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững./.

                                                                                              N – Đ – T

Ghi chú: Địa chỉ tác giả: PGS,TS Ngô Đăng Tri, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội. Email: [email protected] - Dđ 0913593354


[1] -Trích Nghị quyết số 284-TTg, ngày 27-7-1953, chủ Hội  đồng Chính phủ về việc thành lập các Hội đồng cung cấp mặt trận. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương, Hà Nội, Phông PTT, hồ sơ số 750, tờ số 10.

[2] -Công văn số 3302/PL về việc thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận, ngay 5-9-1953. Hồ sơ đã dẫn, tờ số 11.

[3] . Ngô Đăng Tri, Hội đồng cung cáp mặt trận trong kháng chiến chống Pháp, Tạp chí Lịch sử Quân sự,  5(29)- 1988, trang 19.

[4] . Tổng cục Hậu cần. Lịch sư hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944- 1954). Tổng cục Hậu cần xuất bản, Hà Nội, 1985, trang 327.

[5] . Ngô Đăng Tri. Vùng tự do Thanh- Nghẹ- Tĩnh trong kháng chiến chống Pháp (1946- 1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, trang 220.

[6] .Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, trang 158- 160.

[7] .Krieg.E: Le Prieg Dienbienphu. Saint Clair Paris, 1966.

[8] . Fall Bernard: Le Việt minh 1945- 1960, Paris, 1960.

[9] .Báo Nhân dân, ngày 7-5- 1964

Tác giả:   PGS.TS Ngô Đăng Tri

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây