Ngày 28 tháng 8 năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương (Trường ĐHKHXH&NV) đã tổ chức hội thảo khoa học Các cư dân Môn - Khmer ở Việt Nam và Đông Nam Á: Ngôn ngữ và Văn hoá. Hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á (Đại học Quốc gia Hà Nội) tài trợ. Hơn 50 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực Khảo cổ học, Sử học, Ngôn ngữ học, Nhân học Văn hoá và Xã hội trong và ngoài nước đã tham gia hội thảo.
Ngày 28 tháng 8 năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương (Trường ĐHKHXH&NV) đã tổ chức hội thảo khoa học Các cư dân Môn - Khmer ở Việt Nam và Đông Nam Á: Ngôn ngữ và Văn hoá. Hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á (Đại học Quốc gia Hà Nội) tài trợ. Hơn 50 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực Khảo cổ học, Sử học, Ngôn ngữ học, Nhân học Văn hoá và Xã hội trong và ngoài nước đã tham gia hội thảo.
Hội thảo họp hai phiên với hai chủ đề chính: Ngôn ngữ và Lịch sử; Văn hoá và Phát triển.
[img class="caption" src="images/stories/2008/8/29/img_5255.jpg" border="0" alt="GS. Lương Ninh (trái) và GS. Nguyễn Văn Lợi (phải)" title="GS. Lương Ninh (trái) và GS. Nguyễn Văn Lợi (phải)" width="220" height="147" align="left" ]Liên quan đến lịch sử của các cư dân Môn Khmer ở Việt Nam, Giáo sư Lương Ninh đã trình bày tham luận Người Việt, tộc Việt và tiếng Việt, trong đó nhấn mạnh luận điểm cho rằng tộc Việt và tiếng Việt được phát triển trên cơ sở của một lớp cư dân nói tiếng Môn cổ sinh sống ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Việt Nam từ thời văn hoá Hoà Bình. Các ý kiến phản biện cho rằng đây là một giả thiết khoa học cần được làm sáng tỏ cả về mặt lí luận và tư liệu. Vấn đề mấu chốt là có hay không mối liên hệ về mặt nhân chủng, văn hoá khảo cổ và ngôn ngữ với một tộc người nhất định và sự phát triển liên tục của chúng trong quá trình hình thành tộc người hiện đại.
[img class="caption" src="images/stories/2008/8/29/img_5239.jpg" border="0" alt="GS. Trần Trí Dõi" title="GS. Trần Trí Dõi" width="220" height="160" align="right" ]Cũng bàn về chủ đề lịch sử nhưng từ góc độ ngôn ngữ học, tham luận của GS. Trần Trí Dõi về mối quan hệ giữa các ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic) và Nam Đảo (Austronesian) đưa ra một luận điểm mới cho rằng hai ngôn ngữ này không có quan hệ thân thuộc mà chỉ là các quan hệ vay mượn (đặc biệt) không có hệ thống. Cơ sở của luận điểm này được phân tích từ các cứ liệu so sánh ngôn ngữ học lịch sử. Tuy nhiên các ý kiến phản biện cho rằng cứ liệu để phát triển luận điểm này chủ yếu mới dựa vào hai nhóm từ chỉ đất đá và tự nhiên. Cần thu thập thêm cứ liệu từ các nhóm loại từ khác để so sánh thì luận điểm khoa học này sẽ thuyết phục hơn.
Tham luận của GS. Nguyễn Văn Lợi và ông Đỗ Quang Sơn về ngôn ngữ của người Mảng và người Kháng được cho là công phu và có ý nghĩa tích cực trong việc tìm hiểu vai trò của các ngôn ngữ nói trên trong hệ thống các ngôn ngữ Môn Khmer ở Việt Nam và Đông Nam Á. Điều này còn có ý nghĩa ở chỗ cả hai tộc người Mảng và Kháng đều rất nhỏ về dân số, sống biệt lập ở vùng sâu núi cao và ngôn ngữ của họ có nguy cơ biến mất.
Về chủ đề văn hoá xã hội và phát triển của các cư dân Môn Khmer, có ba tham luận do các PGS. Vatthana Pholsena, Hoàng Lương và Nguyễn Văn Chính trình bày. Tham luận của PGS. Vatthana tập trung phân tích những năng động dân số học xuyên biên giới của các nhóm tộc người Bru-Vân Kiều, Ma Cong, Trĩ và Pakoh ở khu vực Sepon (Lào) và Quảng Trị (Việt Nam). Giải thích về tình hình trao đổi và dịch chuyển xuyên biên giới của các nhóm cư dân này, tác giả cho rằng ngoài yếu tố lịch sử, quan hệ tộc người và chính sách dân tộc ở hai quốc gia là những nhân tố tham gia trực tiếp vào dòng chảy của dân cư thuộc cùng một tộc người ở hai bên đường biên giới.
PGS. Hoàng Lương trình bày phát hiện mới của ông về quan hệ giữa hai nhóm Thái đen và Khmu ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Trên cơ sở phân tích các bản phả hệ kết hợp với tư liệu từ các nguồn sử thi của người Thái đen Tây Bắc, ông cho rằng thực ra hai nhóm này đã có quan hệ hỗn huyết thông qua hôn nhân từ xa xưa trong lịch sử. Việc quý tộc Thái sau này nhìn nhận người Khmu và các nhóm Môn Khmer khác với thân phận thấp hơn mình có lẽ xuất phát từ tư tưởng tự tôn vinh thường thấy ở tầng lớp thống trị. Các ý kiến nêu ra tại hội thảo cho rằng các bản phả hệ phải được phân tích so sánh kết hợp với các nguồn tài liệu khác. Hơn nữa, quan hệ hỗn huyết Khmu – Thái như các phả hệ đã chỉ ra không phản ánh quan hệ Thái – Khmu với tư cách là hai tộc người, mà chỉ là trường hợp của một nhóm Thái Đen Tây Bắc mà thôi.
[img class="caption" src="images/stories/2008/8/29/img_5211.jpg" border="0" alt="PGS. Nguyễn Văn Chính" title="PGS. Nguyễn Văn Chính" width="147" height="220" align="right" ]PGS. Nguyễn Văn Chính đã mang đến hội thảo một phân tích mới về tác động của chính sách định canh định cư đối với người Khmu ở vùng núi Bắc Việt Nam. Báo cáo được phát triển từ một nghiên cứu của ông trong ba năm qua ở 5 làng Khmu thuộc hai tỉnh Điện Biên và Nghệ An, kết hợp với các quan sát dân tộc học tại các cộng đồng Khmu ở Thái Lan, Lào và Meng La (Vân Nam - Trung Quốc). Phản bác lại luận điểm của các học giả nước ngoài như C. Keyes và O. Salemink cho rằng chính sách định canh đijnh cư của nhà nước Việt Nam chỉ là một hình thức đồng hoá tộc người, ông cho rằng các chương trình phát triển của nhà nước ở miền núi thường có tính nhân văn cao là nhằm cải thiện điều kiện sống của các cộng đồng cư dân có nền kinh tế tự cấp và chưa hội nhập. Tuy nhiên, có những tác động không mong muốn nảy sinh trong quá trình thực hiện do cách nhìn nhận phiến diện một chiều. Việc tập trung vào chiến lược phát triển cây lúa nước ở vùng núi trong những tộc người chỉ có kinh nghiệm sống với rừng và kinh tế nương rẫy cần phải được nhìn nhận thấu đáo hơn vì bên cạnh việc phải đầu tư lớn về vốn và nhân lực, nó đã bỏ qua việc phát huy nội lực của tộc người cũng như các kiến thức bản địa của họ được tích luỹ từ hàng ngàn năm qua. Trong khi đó, thích ứng với một hình thái kinh tế - kĩ thuật mới không phải là việc dễ dàng với những tộc người nhỏ quen sống biệt lập. Các ý kiến phản hồi từ người tham dự cho rằng nghiên cứu sẽ toàn diện hơn nếu phát triển các công cụ phân tích để tìm kiếm các giải pháp thực tiễn cho chuơng trình phát triển ở các tộc người có truyền thống du canh ở vùng núi Việt Nam.
Đánh giá chung của các nhà khoa học tham dự hội thảo đều cho rằng đây là một cuộc tranh luận khoa học rất thiết thực. Lần đầu tiên, các học giả quan tâm về các cư dân Môn Khmer đã tập hợp lại và thảo luận về các vấn đề vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn cao. Mặt khác, tính học thuật và phản biện được đề cao trong hội thảo cho thấy sự đổi mới trong công tác tổ chức hội thảo khoa học, trong đó tính nghi lễ và hình thức thường thấy trong nhiều hội thảo khoa học khác đã không có chỗ trong hội thảo này.
Các tham luận trong hội thảo sẽ lần lượt được đăng tải trong mục Không gian học thuật của website này.
• PGS.TS Nguyễn Văn Chính
Trung tâm NC Châu Á - Thái Bình Dương (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN)
Tác giả: i333
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn