Bài thuyết trình đã trình bày kết quả từ một khảo sát mà tác giả thực hiện trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10/2019 với các lãnh đạo các trường đại học ở Việt Nam. Bằng phương pháp phỏng vấn chuyên gia, tác giả đã thu thập và tổng kết ý kiến từ các lãnh đạo, nhà quản lý thuộc 15 trường đại học ở Việt Nam về các vấn đề xoay quanh câu chuyện tự chủ đại học ở Việt Nam: sự cần thiết và đánh giá chung về các cải cách, những khía cạnh chính của sự tự chủ đại học, những thay đổi cần thực hiện theo định hướng cải cách, những chiến lược và tầm nhìn mà các trường đặt ra để cải thiện năng lực tự chủ. Cuối cùng là những hệ lụy của tiến trình cải cách theo hướng tự chủ đối với sự hợp tác giáo dục đại học Đức-Việt.
Theo kết quả khảo sát, hầu hết lãnh đạo của các trường đại học được khảo sát đều khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của cải cách đại học. Trong tương lai, các trường đều mong muốn có được sự tự chủ không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn trong nghiên cứu, giảng dạy và quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, đó cũng chính là những lĩnh vực đem lại nhiều thách thức cho họ, đặc biệt là tài chính. Trong bối cảnh tự chủ, trợ cấp nhà nước sẽ bị cắt giảm dần, do đó các trường đại học sẽ phải tìm các nguồn thu khác để bù đắp ngân sách. Trong trung hạn, việc tăng học phí sẽ là giải pháp tạm thời; nhưng về dài hạn, họ phải tìm tới các nguồn quỹ khác như các quỹ tài trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ… Điều này đòi hỏi sự cải cách, đổi mới đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Để ứng phó với những thách thức trong quá trình cải cách, các trường đại học được khảo sát có những chiến lược riêng như: đẩy mạnh công tác nghiên cứu song song với giảng dạy, hướng tới phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu; tăng cường tính liên ngành trong nội dung các môn học và chương trình đào tạo; đẩy mạnh sự liên kết giữa các trường đại học cụm với các trường thành viên; thúc đẩy hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác đa phương để tìm kiếm các nguồn tài trợ mới.
Đối với hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và các đối tác Đức cũng như Châu Âu, GS. Detlef Briesen khẳng định, sự cải cách theo hướng tự chủ sẽ không ảnh hưởng xấu, mà trái lại sẽ tăng cường những khả năng hợp tác giữa các bên. Những tổ chức giáo dục như Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức luôn sẵn sàng hỗ trợ, tài trợ cho các dự án nghiên cứu của Trường ĐHKHXH&NV cũng như các trường đại học Việt Nam. GS. Detlef Briesen cũng đề xuất một số ý tưởng tăng cường hợp tác giáo dục đại học Việt-Đức như thành lập các nhóm nghiên cứu cựu sinh viên (DAAD); xây dựng các nhóm nghiên cứu, giảng dạy chung; xây dựng các hiệp hội nghiên cứu; đồng bộ hóa các quy trình xin tài trợ nghiên cứu, chẳng hạn qua việc thiết lập một quỹ tài trợ liên kết Việt-Đức với cơ chế thẩm định chung.
Bài thuyết trình đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm của đông đảo người nghe với nhiều ý kiến trao đổi về các vấn đề như tình hình tự chủ hiện nay của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; kinh nghiệm xây dựng sự tự chủ của các trường đại học Đức; luật giáo dục đại học sửa đổi và tính pháp lý của cải cách đại học ở Việt Nam; sự khác biệt giữa nhận thức của các trường đại học công và tư với vấn đề tự chủ… Sự đón nhận rộng rãi của các cán bộ, giảng viên Nhà trường sẽ là động lực để GS. Detlef Briesen mở rộng khảo sát của mình vào năm tới.
Tác giả: Trần Minh, Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn