Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Việt Nam học: Cần sự phát triển bền vững

Thứ hai - 04/11/2013 05:34
Trong những năm gần đây, Việt Nam học là một từ khoá “hot” đối với giới nghiên cứu khoa học nói riêng và xã hội nói chung. Ngành Việt Nam học liên tục được đưa vào danh mục đào tạo tại nhiều trường cao đẳng và đại học ở nước ta. Nhưng việc “ào ạt” đào tạo Việt Nam học đã đặt ra nhiều vấn đề thực tiễn cần phải được xem xét.
Việt Nam học: Cần sự phát triển bền vững
Việt Nam học: Cần sự phát triển bền vững

Việt Nam học: cần sự phát triển bền vững
/USSH

Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học và Tiếng Việt: những vấn đề lí luận và thực tiễn" do Khoa VNH&TV tổ chức ngày 19/10/2013.

“Trăm hoa đua nở”

Theo thống kê, trong năm học 2013-2014 có 85 trường cao đẳng và đại học trên cả nước tuyển sinh Việt Nam học với hơn 6000 chỉ tiêu, trong đó có 3000 chỉ tiêu đại học và 3000 chỉ tiêu cao đẳng. Tỉ lệ phân bố về số lượng trường và chỉ tiêu cũng trải đều ở cả hai miền, khu vực phía Bắc có 43 trường (với 3000 chỉ tiêu), khu vực phía Nam có 42 trường (với 3000 chỉ tiêu). Về số lượng, trường có chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất ở khu vực phía Bắc là Đại học Công nghiệp Hà Nội với 330 chỉ tiêu, trường có chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất ở khu vực phía Nam là Trường Đại học Văn hoá TP HCM với 330 chỉ tiêu. Số các trường còn lại, khoảng một nửa có mức chỉ tiêu tuyển sinh 80-150 sinh viên/năm; một nửa còn lại có mức tuyển sinh từ 30-60 sinh viên/năm. Trường có chỉ tiêu tuyển sinh thấp nhất là Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Du lịch Yên Bái với 25 sinh viên/năm.

Về thâm niên đào tạo, trường đại học đầu tiên đào tạo Việt Nam học là Đại học Đà Lạt, đào tạo 19 khoá từ năm 1994 tới nay, đã có hàng ngàn sinh viên ra trường. Mới nhất, từ năm 2009, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) bắt đầu tham gia đào tạo Việt Nam học ở bậc cử nhân với 2 chuyên ngành, chuyên ngành A dành cho người Việt Nam và chuyên ngành B dành cho người nước ngoài. Đây cũng là một trong số ít các cơ sở đào tạo hiện nay đào tạo Việt Nam học cho cả sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế.

Tuy nhiên, việc đào tạo Việt Nam học hiện nay có nhiều vấn đề nảy sinh như: cơ sở đào tạo chưa nhận diện đúng đối tượng nghiên cứu và yêu cầu đào tạo của ngành Việt Nam học, không có kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đào tạo, đào tạo không thật sự xuất phát từ nhu cầu phát triển thực tiễn của ngành học, nhiều trường chưa có mục tiêu đào tạo rõ ràng, chưa đủ điều kiện về nguồn lực giảng viên, không có nghiên cứu phục vụ đào tạo, hạn chế về giao lưu quốc tế…

GS.TS Đinh Văn Đức.
/USSH

GS.TS Đinh Văn Đức.

Theo GS.TS Đinh Văn Đức (nguyên Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt, nay là Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN), việc mở ngành đào tạo Việt Nam học ở nước ta bắt đầu một cách ngẫu hứng và khá tự phát, khiến “Việt Nam học nội địa” manh mún và gặp nhiều khó khăn theo hiểu “ai hiểu kiểu gì thì làm kiểu ấy” dù cũng có chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi cơ sở đào tạo đã tự định vị chương trình theo chủ quan của mình, nhiều khi rất duy ý chí. Về mục tiêu đào tạo, hầu hết các trường tuy ngoài mặt là đào tạo Việt Nam học nhưng thực chất là đào tạo theo hướng các chuyên ngành: Hướng dẫn viên du lịch, Văn hoá – Du lịch hay chuyên ngành Du lịch học, Văn hoá dân tộc.

Cũng chia sẻ quan điểm trên, PGS.TS Lê Quang Hưng (Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, chương trình đào tạo Việt Nam học ở các trường đại học và cao đẳng hiện đang “lệch” nhau không ít. Thực tế ấy có nguyên nhân là xuất phát điểm xây dựng ngành đào tạo này rất khác nhau ở các trường. Phần lớn cơ sở đào tạo Việt Nam học xây dựng chương trình đào tạo từ một ngành gốc nào đó của mình và dựa vào lực lượng cán bộ chuyên môn vốn có. Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình học thường được dựa trên nhu cầu việc làm, tức “đầu ra” ở từng địa phương.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN) thì nhấn mạnh rằng, nhiều cơ sở đào tạo không hề có nghiên cứu, đào tạo gì về KHXH&NV cả mà vẫn đào tạo Việt Nam học. Ông cho rằng con số hơn 80 trường cao đẳng và đại học đang đào tạo Việt Nam học là đáng … báo động, vì nó không phản ánh sự phát triển của ngành học này mà phản ánh sự “biến dạng” ngành Việt Nam học. Có những cơ sở đào tạo ghi trên văn bằng tốt nghiệp là cử nhân Việt Nam học nhưng thực chất là đào tạo người làm du lịch phục vụ nhu cầu địa phương và xã hội do ngành Du lịch học hiện chưa có mã ngành đào tạo chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bắt đầu từ hiểu đúng khái niệm

Theo PGS.TS Trần Lê Bảo (Khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), hiện tượng trên xuất phát từ sự phát triển “nóng” của Việt Nam học đã dẫn đến cái nhìn chưa đúng về khoa học này. Trong thực tiễn, nhận thức về Việt Nam học có sự đa dạng và phức tạp. Về phía chủ quan phải kể đến những nhận thức khác nhau, quan niệm khác nhau của người soạn thảo đề án mở mã ngành Việt Nam học tại cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hơn nữa, những người mở mã ngành lại không “sinh ra” từ ngành Việt Nam học mà thường từ các chuyên ngành hẹp khác chuyển sang nghiên cứu Việt Nam học nên quan niệm về Việt Nam học khác nhau và có những hạn chế.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc.
/USSH

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc.

Để giải quyết tình trạng trên, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học về Khoa học Phát triển. ĐHQGHN) cho rằng nhất thiết phải bắt đầu từ việc hiểu đúng về khái niệm Việt Nam học và quá trình vận động phát triển của bản thân ngành khoa học này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trên thực tế, tất cả các ngành khoa học nghiên cứu về đất nước, con người, văn hoá Việt Nam để tìm ra các giá trị đặc trưng của Việt Nam đều thuộc địa hạt Việt Nam học. Việt Nam học theo quy luật phát triển của nó đều bắt đầu từ các chuyên ngành cụ thể như: lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, kinh tế, xã hội… Các khoa học chuyên ngành ngày càng phát triển tạo ra những thế mạnh trong nhận thức nhưng cũng làm xuất hiện những hạn chế, vì khi nghiên cứu quá sâu, quá kỹ thì cái nhìn tổng thế lại yếu. Trên cái nền tảng về khoa học chuyên ngành đó, dần dần do nhu cầu của nhận thức một cách đầy đủ và tổng thể nên các khoa học chuyên ngành có xu hướng liên kết trở lại. Các nghiên cứu tổng thể và liên ngành đã trở thành nhu cầu bức thiết, vì thế Việt Nam học chuyển dần từ Việt Nam học chuyên ngành sang Việt Nam học liên ngành. Do đó, Việt Nam học hiện nay phải được coi là khoa học liên ngành, trên cơ sở tích hợp, liên kết các khoa học chuyên ngành lại để tìm ra những giá trị nhận thức chung, những giá trị đặc trưng chung của văn hoá, xã hội.

Với việc hiểu đúng khái niệm, Việt Nam học sẽ được nhận diện đúng đối tượng và phương pháp nghiên cứu của riêng mình. Các trường sẽ đề ra đúng hướng mục tiêu đào tạo của ngành học trên cơ sở tính đến đặc thù, bản sắc của từng cơ sở đào tạo. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý như Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những “căn chỉnh” cần thiết để tiến tới loại bỏ những cơ sở đào tạo không đủ năng lực đào tạo ngành học này.

Cũng nhấn mạnh tính “liên ngành” như một đặc thù rõ nét của Việt Nam học, PGS.TS Lê Quang Hưng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng liên ngành không đơn giản là dạy về nhiều lĩnh vực của đất nước, con người Việt Nam. Bản chất đích thực của liên ngành chính là mỗi vấn đề cụ thể cần được phân tích, giải thích, cần được đánh giá từ nhiều chiều và bằng tri thức của nhiều bộ môn. Và để phát triển bền vững ngành Việt Nam học thì nhất thiết phải đặt vấn đề xây dựng chương trình chuẩn của ngành học này, trong đó xác định rõ mục tiêu đào tạo là đào tạo các cử nhân Việt Nam học có kiến thức tương đối toàn diện, hệ thống về đất nước, con người Việt Nam, đồng thời phải có kỹ năng hoạt động ở một số lĩnh vực cụ thể trong xã hội.

Tác giả: Thanh Hà

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây