Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

GS Ngô Bảo Châu: “Làm khoa học cần phải liêm chính”

Chủ nhật - 22/12/2013 06:48

Ngày 16/12/2013, GS Ngô Bảo Châu (Giám đốc Viện Toán cao cấp Việt Nam) thuyết trình trước các sinh viên, học viên sau đại học và các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN về chủ đề “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học”. Bên cạnh những chỉ dẫn cho các nhà khoa học trẻ về những quy trình và phẩm chất cần có trong hoạt động nghiên cứu, bài phát biểu còn đề cập đến nhiều vấn đề khác trong khoa học như tính phản biện, tính chuyên nghiệp, sự hội nhập trong khoa học, mối quan hệ giữa nghiên cứu và giảng dạy…

GS Ngô Bảo Châu: “Làm khoa học cần phải liêm chính”
GS Ngô Bảo Châu: “Làm khoa học cần phải liêm chính”

Chuyên nghiệp bắt đầu từ quy trình

Theo GS Ngô Bảo Châu, tính chuyên nghiệp trong hoạt động khoa học phải thể hiện trước tiên ở quy trình nghiên cứu, điều này đặc biệt quan trọng đối với những nhà khoa học trẻ. Chủ nhân giải thưởng Field cũng chia sẻ, mình đã rất may mắn khi được học tập và trưởng thành tại những ngôi trường có truyền thống học tập và nghiên cứu, sớm được được những người thầy giỏi tận tình dẫn dắt trong nghiên cứu khoa học nên có điều kiện “sai đâu sửa đấy”. Các kĩ năng ấy dần “ngấm” và trở nên ngày càng thuần thục. Đối với những nước có nền khoa học tiên tiến, việc tuân thủ các quy trình nghiên cứu là điều tất yếu và là kĩ năng cơ bản nhưng ở Việt Nam, có những người làm nghiên cứu đã bỏ quên hoặc chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc tuân thủ những quy trình này.

Theo kinh nghiệm cá nhân, GS Ngô Bảo Châu chia quy trình nghiên cứu thành 10 công đoạn, gồm: xác định phạm vi nghiên cứu – tìm ra vấn đề nghiên cứu – cập nhật thông tin về tình hình nghiên cứu – tìm hướng giải quyết vấn đề – lập kế hoạch nghiên cứu – tổng kết những gì đã làm – viết bài báo – chia sẻ và lấy ý kiến góp ý – chỉnh sửa bài báo – gửi đăng.

Ông cũng thừa nhận thực tế là việc tìm ra vấn đề nghiên cứu sao cho đáp ứng tính mới, tính thời sự, lại phù hợp lĩnh vực và năng lực nghiên cứu của bản thân đôi khi không phải là điều dễ dàng. Kinh nghiệm mà ông chia sẻ cho các nhà khoa học trẻ, đó là hãy thường xuyên tham dự các hội thảo khoa học, các buổi thuyết trình của các chuyên gia về nhiều lĩnh vực khoa học liên quan để cập nhật những hướng nghiên cứu mới nhất, để lắng nghe giới khoa học đang nghiên cứu và luận bàn về vấn đề gì. “Đôi khi những cuộc trao đổi trực tiếp bên lề hội thảo với các diễn giả lại đem đến cho bạn những thông tin và ý tưởng mới – khi sự chia sẻ trở nên gần gũi và dễ dàng hơn ” – GS Châu nói.

Một khâu không thể bỏ qua trong việc triển khai đề tài nghiên cứu là việc tập hợp, tìm kiếm các thông tin, bài báo, công trình khoa học đã được thực hiện có liên quan đến đề tài. “Bạn cần đọc tất cả các công trình nghiên cứu ấy để xem những người đi trước đã giải quyết vấn đề đến đâu ? Hãy bắt đầu từ những công trình nghiên cứu có tính chất kinh điển để nắm trọn vẹn tinh thần cơ bản của vấn đề, tiếp đó là đến những nghiên cứu mới nhất để tìm hiểu những góc nhìn và phương pháp nghiên cứu mới … ” – nhà toán học chia sẻ.

GS Ngô Bảo Châu: “Sai lầm khá phổ biến đối với người mới nghiên cứu là sau khi viết xong bài báo khoa học là gửi luôn đến tạp chí mà mình muốn đăng”. (Ảnh: NA/USSH)
/USSH
GS Ngô Bảo Châu: “Sai lầm khá phổ biến đối với người mới nghiên cứu là sau khi viết xong bài báo khoa học là gửi luôn đến tạp chí mà mình muốn đăng”.

Bắt tay vào viết bài báo khoa học là khâu đơn giản nhất trong cả quy trình – GS Ngô Bảo Châu nhận định. Kể về kinh nghiệm cá nhân mình khi còn là một nhà nghiên cứu trẻ đang tập viết những bài báo khoa học đầu tiên, ông cho biết, mình đã tỉ mỉ, cận thận chép tay một số bài báo khoa học của các tác giả đi trước với tâm thức học hỏi xem cách họ trình bày vấn đề ra sao. Bên cạnh đó, ông cũng dịch một số bài báo nước ngoài ra tiếng Việt. Công việc này đã giúp nhà khoa học sớm học cách trình bày bài báo khoa học đúng thể thức và đảm bảo những tiêu chí cần có.

“Sai lầm khá phổ biến đối với người mới nghiên cứu là sau khi viết xong bài báo khoa học là gửi luôn đến tạp chí mà mình muốn đăng” – nhà toán học nổi tiếng phát biểu. Bản chất của khoa học là phải trao đổi. Trên thực tế, sản phẩm ban đầu này cần được “tương tác” với đồng nghiệp, được giới thiệu tại các hội thảo, toạ đàm để nhận thêm được những phản hồi và góp ý hữu ích giúp tác giả sáng rõ thêm nhận thức của mình.

“Đôi khi các tác giả trẻ luôn muốn gửi bài báo của mình đến những tạp chí nổi tiếng nhất, nhưng đó không phải là cách hiệu quả” – GS Ngô Bảo Châu nói – “Ranking của một tạp chí không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng là sự phù hợp!”. Và lời khuyên của ông với các nhà khoa học trẻ, đó là hãy gửi bài báo của mình đến những tạp chí và những chuyên gia – những người hiểu và chấp nhận vấn đề mà mình đưa ra, đồng thời họ cũng phải là những chuyên gia có sự nghiêm túc và cẩn trọng trong khâu thẩm định bài viết.

Sự không tôn trọng quy trình đôi khi gây ra những kết quả đáng tiếc cho các nhà khoa học không có nhiều kinh nghiệm. Một câu chuyện mà nhà toán học chia sẻ đó là một trường hợp bài báo của một nhà khoa học Việt Nam khi gửi đến một tạp chí khoa học nước ngoài, đứng tên bài báo cùng 2 sinh viên của mình. Sau khi trải qua vòng thẩm định, tác giả nhận bài về chỉnh sửa theo yêu cầu của ban biên tập. Khi gửi lại bài cho tạp chí, tác giả này đã rút tên của hai đồng tác giả kia ra khỏi bài viết. Toà soạn sau đó đã loại bài báo không phải vì lí do chất lượng bài viết mà do nghi ngờ về tính trung thực của tác giả. Nhà khoa học này có thể vì nhiều lí do mà có hành động trên, nhưng rõ ràng anh ta đã không tôn trọng quy trình và đã ứng xử không chuyên nghiệp – GS Châu nhận định.

GS Ngô Bảo Châu (phải) và GS Nguyễn Hữu Đức (Phó Giám đốc ĐHQGHN) trả lời câu hỏi của cử toạ. (Ảnh: NA/USSH)
/USSH
GS Ngô Bảo Châu (phải) và GS Nguyễn Hữu Đức (Phó Giám đốc ĐHQGHN) trả lời câu hỏi của cử toạ.

Khoa học đề cao tính phản biện

Bàn về những đặc tính cần có trong nghiên cứu khoa học, GS Ngô Bảo Châu đặc biệt nhấn mạnh đến tính trung thực trong khoa học. Bởi với thông tin mở như hiện nay, hầu như không có ai có thể che dấu sự gian dối, đặc biệt là gian dối trong khoa học. “Làm khoa học cần nhất là phải liêm chính” – GS Châu nói. Bởi khi đã không trung thực dù chỉ một lần thôi, nhà khoa học đã đánh mất đi uy tín của bản thân mình và mọi cố gắng, nỗ lực trước đó sẽ “đổ sông đổ biển”.

Trước câu hỏi về sự khác biệt trong NCKH ở Việt Nam và nước ngoài, GS Châu thẳng thắn chia sẻ: “Khoa học dù ở đâu vẫn cần tôn trọng các đặc tính: tính đúng, trung thực, tính mới và tính hay”. Trong quan niệm thông thường, nghiên cứu khoa học gắn với sự say mê của cá nhân ấy với công việc mình làm. Nhưng ở các nước có nền khoa học và giáo dục tiên tiến, công việc nghiên cứu được quan niệm là một loại lao động sáng tạo, được chuyên nghiệp hoá rất cao và nghiên cứu trở thành môt nghề nghiệp, vừa thoả mãn sự say mê cá nhân, vừa có thể kiếm sống. Giảng dạy là sự cam kết của người giảng viên đối với sinh viên, với nhà trường thì nghiên cứu có tính chất cá nhân, độc lập hơn. Nhưng nếu để đánh giá thứ hạng của các trường đại học và uy tín của các giáo sư thì yếu tố nghiên cứu khoa học lại được đề cao hàng đầu.

GS Ngô Bảo Châu cũng đặc biệt đề cao tính phản biện trong khoa học vì “chỉ có xung đột, phản biện thì mới tìm ra cái đúng”. Nhà khoa học cần sẵn sàng phản biện các công trình nghiên cứu một cách nghiêm khắc, không có chuyện vì nể nang bạn bè, thân tình mà không tôn trọng quy trình làm việc khách quan đối với khoa học. Những va chạm, xung đột mà công việc đòi hỏi không ảnh hưởng đến tình cảm trong đời thường – làm được điều đó thì nhà khoa học ấy mới thật sự chuyên nghiệp, tôn trọng công việc nghiên cứu, tôn trọng chính bản thân mình và đồng nghiệp.

Trước câu hỏi đánh giá về ý nghĩa số lượng các công bố, tỉ lệ trích dẫn công trình đối với uy tín học thuật của một nhà khoa học, GS Châu chia sẻ quan điểm: nếu chỉ chạy theo số lượng bài báo nghiên cứu, số lượng công trình mà bỏ qua các yếu tố khác thì đó là một cách làm máy móc. Thực tế, sự đánh giá của đồng nghiệp và giới nghiên cứu đối với một nhà khoa học không nằm ở số lượng công trình mà họ viết ra mà ở chất lượng và tầm ảnh hưởng của công trình của tác giả ấy.

Bàn về xu thế hội nhập và quốc tế hoá trong nghiên cứu khoa học, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, dù là lĩnh vực khoa học nào thì vẫn cần bắt kịp những vấn đề nóng, thời sự của khoa học đương đại, hoà nhập và đối thoại được với các đồng nghiệp quốc tế, tuân thủ những quy tắc chung trong nghiên cứu chứ không thể “một mình một kiểu”.

Tác giả: Thanh Hà

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây