Năm nay (1996), thầy tôi, GS. Nguyễn Tài Cẩn bảy mươi tuổi. Tôi muốn viết đôi dòng như lời tri ân ông của một người học trò. Nhưng cảm thấy khó quá!
Thầy tôi học rộng, tài cao mà trang giấy nhỏ thì chỉ nói được ít ý. Vả lại, tính ông rất khí khái, Nho giáo “thấm sâu vào xương tủy” (Lời GS Phan Ngọc), không muốn người khác nói về mình và tự mình cũng không muốn nói về chữ “Ngã”.
Thuở còn đi học phổ thông, một thầy tôi lúc đó - GS. Vũ Ngọc Khánh - trong một lần chê tôi không biết trình bày bảng đã nói: “Tôi có ông bạn là Nguyễn Tài Cẩn, bậc tài hoa, chữ viết rất đẹp, viết bảng khó ai bì. Anh mà được học ông ấy thì được nhiều điều lắm”. Một lần khác, thầy Đặng Văn Đại, dạy tôi ở cấp II, lại nói với cha tôi: “Anh Nguyễn Tài Cẩn vừa đỗ Phó bác sĩ ( về sau gọi là Phó tiến sỹ) ở Liên Xô cùng với anh Nguyễn Cảnh Toàn”.
Cha tôi vui và giải thích cho tôi: “Bác Cẩn là trưởng ban Tu thư cũ của ba ở Sở Giáo dục Liên khu 4 ngày trước, bác ấy là người giỏi lắm”.
Thế rồi sau đó ít năm tôi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cuối hè năm thứ hai (1962), dọc con đường trồng cây hoa phượng ở cư xá Khoa Ngữ - Văn tại làng Láng, tôi thấy có một người đội mũ phớt, đeo kính mát, mặc com-lê dắt xe máy vào khoa.
Cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tài Cẩn là một trong những chuyên gia đầu ngành của Ngôn ngữ học của đất nước. Ông có công lớn trong việc xây dựng chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội/Ảnh: Bùi Tuấn
Lớp sinh viên thì thầm bảo nhau: “Thầy Nguyễn Tài Cẩn đấy!”. Ký ức của tôi thức dậy, cộng với tính tò mò của tuổi trẻ, tôi lân la đến gần ông, nhưng không biết thêm được điều gì.
Mấy ngày sau, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy chính ông trong bộ đồ rất giản dị ngồi hút thuốc lào ở hàng nước cạnh cổng trường, tác phong rất thoải mái, còn học trò lớp trên thì xúm xít quanh ông cười nói cực kỳ vui vẻ với thầy…Thế rồi, sau đó cơ may đã cho tôi, trong suốt 35 năm qua, được sống, làm việc bên thầy, thầy đã dìu dắt nhiều thế hệ, trong đó có tôi, trưởng thành cùng với nền Ngữ học Việt Nam.
Con người khoa học của GS Nguyễn Tài Cẩn có thể tóm tắt trong 8 chữ: “Sâu sắc - Thông thái - Tài hoa - Nghiêm khắc”. Mỗi chữ chỉ cần nêu một ví dụ. Với việc mô tả thành công danh ngữ tiếng Việt, đi xa tới mức, có lúc coi “loại từ” là trung tâm, ông đã đặt lại cả hệ thống miêu tả cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt (1960). Với việc đặt đúng cương vị ngôn ngữ học của “tiếng một” trong tiếng ta, ông đã khẳng định ảnh hưởng bao quát của đặc trưng “đơn lập” này đối với tiếng Việt (1960). Những tư tưởng đó rất sâu sắc, ngày nay đã trở thành những nội dung cơ bản của các cuộc thảo luận khoa học về tiếng Việt.
Là người thông thái, ông am hiểu tường tận Ngôn ngữ học, Hán - Nôm, ngôn ngữ học lịch sử, các lĩnh vực của Việt ngữ học. Diện mạo của công trình của ông thật quảng đại mà lĩnh vực nào cũng rất sâu sắc. Ông hiểu cổ và hiểu kim, bắt rất nhanh những vấn đề của ngôn ngữ học hiện đại trong lúc có thể thảo luận và đề xuất những ý kiến rất độc đáo về cổ ngữ học.
Cố GS.TS.NGND Nguyễn Tài Cẩn và GS.TS.NGND Đinh Văn Đức
Thầy Cẩn cũng là một bậc tài hoa, ông dồi dào thi tứ, làm thơ rất nhanh và hay, đặc biệt là thơ chữ Hán. Tuyển thơ ông chắc chắn ông được coi là một trong những nhà thơ chữ Hán cuối cùng của thế kỷ này. Ở giảng đường Khoa Việt học ở Đại học Paris 7 (Cộng hòa Pháp) có đôi câu đối chữ Nôm trên giấy hồng điều đã ngả màu, chữ viết rất đẹp, khuyên học trò phải gắng học. Đó là câu đối của GS. Nguyễn Tài Cẩn tặng khoa, lần đầu nhìn thấy bất giác tôi nhớ một lời thơ xưa của Yến Lan:
“Thầy giáo tôi khi tới buổi đầu,
Một hòm sách cũ, tầm màn nâu
Đôi câu liễn giấy long hồ điệp
Nhán nhấm dài theo nét mực tàu”.
GS. Vũ Đức Nghiệu, ở khoa tôi, kể với tôi rằng ở khoa Đông Nam Á, Đại học Cornell bên Hoa Kỳ cũng có treo một câu đối Nôm khác của Thầy với nội dung khuyên bảo học trò mà thầy đã tặng khi qua đó thỉnh giảng.
Nói tài hoa của thầy còn phải nhắc đến một người thầy có phương pháp sư phạm cực giỏi. Ông truyền đạt những điều cực kỳ trừu tượng cho sinh viên bằng một lối nói hết sức cụ thể, sinh động nhiều lúc pha màu sắc dí dỏm, dân dã, học xong không bao giờ quên được.
Về tính nghiêm khắc trong khoa học của thầy thì có rất nhiều câu chuyện. Gần thầy, tôi bị thầy mắng mỏ rất nhiều và khuyên bảo chí tình. Một chuyện vui: có lần một sinh viên làm luận văn với thầy, vì không làm đúng lời thầy nên trốn biệt. Ít lâu sau, lo thi tốt nghiệp, sinh viên ấy đành phải đến gặp thầy. Anh này mang theo chè, thuốc đến tạ thầy. Thầy nhận ngay, nhưng sau đó bắt sinh viên ấy phải ở lại luôn nhà thầy nấu cơm ăn, viết cho đến lúc kỳ xong luận văn mới thôi.
Cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tài Cẩn tại Lễ mừng thọ tuổi 80 của thầy (2005)
Từ trái qua phải: GS.NGND Hoàng Trọng Phiến, PGS.TSKH Đỗ Văn Khang, cố GS.NGND Nguyễn Tài Cẩn, cố GS.NGƯT Nguyễn Cao Đàm
Các giai thoại về thầy thì nhiều nhưng vượt lên tất cả là cái tâm xây dựng ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Suốt đời thầy chỉ hướng vào một mục đích là đào tạo và xây dựng học thuật, xây dựng đội ngũ, xây dựng theo hướng chính quy, hiện đại nhưng không xa rời thực tế Việt Nam. Những công việc chuyên môn chưa làm được, thầy rất buồn. GS Hoàng Trọng Phiến đã nói rằng: “GS Nguyễn Tài Cẩn đã thổi một luồng không khí mới vào ngành ta, đã đào tạo bao nhiêu học trò cho ngữ học nước ta, ông xứng danh với những danh hiệu cao quý của khoa học”.
Thầy tôi suốt đời sống giản dị, giản dị tới mức đạm bạc, tuy ông không thiếu thốn gì. Khi ở nhà cũng như khi đi ra nước ngoài, ông luôn giữ một phong cách riêng mà ông vẫn thường nói là của “Người xứ Nghệ”.
Vào dịp ông 70 tuổi ta, ở xa quê, tôi nhớ tới thầy và trong một đêm đông tuyết lạnh tôi viết mấy vần thơ cổ vụng về, gửi đến thầy nơi quê nhà:
“Thấm thoát thầy ta đã bảy mươi,
Dặm dài năm tháng những buồn vui,
Một đời dạy dỗ tâm trong sáng
Ba bước phong trần dạ có nguôi.
Học trò lớp lớp bao tôn kính,
Bầu bạn gần xa những đón mời.
Trà rót minh niên buồn cố sự²
Bính Dần lòng đạo chẳng pha phôi”.
(Québec, 1995)
Từ ngày nghỉ hưu, thầy đã viết và cho xuất bản ba cuốn sách. Toàn những cuốn suy nghĩ cả một đời người, nghe tên đã thấy khó: Ngữ âm lịch sử tiếng Việt, Hán văn Lý - Trần,… Nay thầy lại đang viết sắp xong sách Cổ Hán - Việt, rồi còn định viết tiếp về Hán ngữ trong các nước khu vực, làm Từ điển từ nguyên tiếng Việt (đã xong đến vần C). Được bắt đầu từ một gợi ý văn chương của học giả Hoàng Xuân Hãn trước đó hơn mười năm là phải chăng có thể dựa vào các chữ kỵ húy trong văn bản truyện Kiều mà tìm hiểu lai lịch của bản Kiều gốc qua các diễn tiến. Thầy tôi đã trăn trở, lao tâm khổ tứ và quyết định đi vào một vấn đề đến nay chưa ai làm: đem phương pháp của Ngôn ngữ học lịch sử nghiên cứu văn bản. Thầy khởi đầu với bản Kiều Duy Minh Thị (1872). Một nghiên cứu tư liệu đồ sộ đã được công bố. Rồi sau đó là sách lớn nghiên cứu về các văn bản Kiều Nôm thế kỷ 19. Thầy, bằng cách tiếp tục nghiên cứu các chữ húy kỵ trong truyện, đã mạnh dạn là người thứ nhất đưa ra đề xuất mới về thời điểm Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều khi nhà thơ vừa ngoài ba mươi tuổi (1787 - 1790). Những bài viết gần đây của thầy mang tính khai phá đã gây xôn xao dư luận giới nghiên cứu cổ học về những ý tưởng mới, rất mạnh bạo mà có cơ sở khoa học.
Khi thầy 70 tuổi, tôi đã kính thầy mấy vần thơ viết từ nơi xa, nay thầy 80 (2006), lại cũng từ nơi xa, tôi xin gửi đến thầy mấy vần họa tiếp:
Mới đó thầy ta đã tám mươi,
Tháng ngày tâm lực có đâu ngơi.
Mười năm sáu sách nên danh phận,
Mấy chốc ngàn trang phải chuyện chơi.
Thầy nêu gương sáng cho đời trẻ,
Trò học đạo thầy đến bở hơi,
Thầy khỏe, thầy vui, thầy sướng thế,
Bạn bè, đồ đệ khắp nơi nơi.
Seoul, 5.2005
Viết ở Seoul xong, tôi gửi thầy vào dịp sinh nhật thầy. Mấy hôm sau tôi nhận được một bức thư rất cảm động của thầy, kèm theo là một bài thầy đáp lại:
“Tám mươi đâu đã chẵn là trăm,
Chúc thọ còn nhiều, năm lại năm.
Vẫn gắng Yoga: theo Đạo thuật,
Vẫn thường thư giãn: định Thiền tâm.
Vẫn như Trang Tử: vui đời bướm,
Vẫn học Ngu công:Rút ruột tằm
Sống ở , thác về nhờ phận phúc,
Ấy lời đáp tạ khách tri âm”
Maxcơva,6 2005
Thành công liên tục trong học thuật của thầy tôi chính là ở chỗ ông có một phương pháp tư duy rất hiện đại và đúng đắn. Thầy nắm rất vững các nguồn lý luận ngôn ngữ học ở các bối cảnh lịch sử khác nhau. Mạnh dạn nhưng cẩn trọng, thầy đã ứng dụng có kết quả các lý thuyết ngữ học vào tư liệu bản ngữ, cả hiện đại và lịch sử, mở ra những ý tưởng rất mới.
Nhân việc này tôi nhớ đến hai mẩu chuyện về thầy.
Ông GS. Keith Taylor là nhà Việt Nam học có tiếng ở Mỹ, chuyên gia về Ngữ văn và lịch sử Lý - Trần, xin theo học thầy một khóa chữ Nôm, ông kể lại sau khóa học là đã rất ngạc nhiên gặp một nhà học giả Việt Nam uyên bác, thân thiện nhưng rất nghiêm, có phương pháp giảng dạy rất lạ, rất ngôn ngữ học mà có tính thực hành cao, có hiệu quả rõ rệt. Ông đã học với thầy được gần 500 chữ Nôm phổ dụng nhất và còn biết cả cách dùng nó để đọc văn bản, chỉ sau một thời gian ngắn chăm chỉ học.
Một lần khác, có bà giáo sư ở Đại học Sư phạm Hà Nội dạy Văn học Việt Nam đã giới thiệu một anh sinh viên người Mỹ đến gặp thầy để học về ngôn ngữ ca dao Việt Nam. Anh này giỏi tiếng Việt, tưởng thầy cho nghe một số bài giảng và minh họa, ghi chép rồi mang về. Ai dè thầy không làm thế. Thầy kiểm tra tiếng Việt, nói qua về nguyên tắc ngôn ngữ của ca dao, giới thiệu một vài kỹ thuật làm ca dao rồi ra bài tập bắt anh này về nhà theo đó mà tập làm cho được ca dao, rồi sau một tuần mang đến để thầy chữa. Lúc đầu khó lắm, nhưng cứ phải gắng tập, sau đó cũng làm được. Thầy khen, chữa, đến khi hiểu được những điều cơ bản qua thực hành rồi thầy mới giảng giải lý thuyết. Thầy kể là có lần anh sinh viên ấy đã tập viết được mấy câu:
“Tôi đến Hà Nội đã lâu,
Biết hồ Hoàn Kiếm, biết cầu Chương Dương,
Tham quan băm sáu phố phường,
Tưởng như gặp lại quê hương thứ nhì.”
Thầy bảo tuy chưa hay, nhưng đúng luật, như thế là giỏi và đáng trân trọng lắm.
Cách đây không lâu, có một tin vui. Năm nay (2000) Nhà nước xét tặng giải thưởng khoa học Hồ Chí Minh đợt II cho các công trình khoa học xuất sắc của nước ta. Cụm công trình: Các vấn đề Ngữ pháp và Lịch sử tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn là một trong số rất ít các công trình khoa học của khối Ngữ - Văn vượt qua được bốn vòng bỏ phiếu nghiêm ngặt của giới khoa học nước nhà trước khi trình Nhà nước. Thầy đang ở nước ngoài, tôi gửi thư điện tử báo tin. Mấy hôm sau, nhận được thư thầy. Thầy vui vì đã được đồng nghiệp tín nhiệm, nhưng nói ngay với tôi là phải lo làm việc trước khi nghĩ đến được khen. Hai năm trước, thầy được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, lúc ấy thầy vắng nhà, khi về, thầy xúc động nói với anh em trong chi bộ: “Tôi theo Đảng hơn 50 năm, lúc nào cũng phải gắng làm người Cộng sản trung thực và nhất quán”.
Biết thầy là người nghiên cứu nghiêm túc và sâu sắc như vậy, năm 1985 khi GS. Nguyễn Đồng Chi - Phó Viện trưởng Viện Hán Nôm qua đời thì GS. Nguyễn Khánh Toàn đã có ý mời thầy ra làm Viện trưởng nhưng thầy đã cân nhắc và từ chối, đồng thời thầy đã giới thiệu một người học trò về tham gia vào ban lãnh đạo của Viện. Thầy tâm sự với tôi: “Mình không dám chê thiện ý của cấp trên nhưng mà tính đi tính lại, không nhận được Đức ạ. Kinh nghiệm cho thấy tính mình ham khoa học, ham chuyên nghiệp hóa các hoạt động, mình mà đã nhận việc gì trong quản lý khoa học thì cũng nghĩ ngay đến việc đề ra những ý tưởng mới, tìm cách tiếp xúc quốc tế để tìm các thông tin, cải tiến cách làm việc và chính quy hóa các hoạt động. Nhưng làm như thế ở ta thì không ổn vì sẽ đụng chạm đến nhân sự và lợi ích của người này người khác, rồi lại sinh sự ra. Anh em ta vốn cầu toàn theo kiểu an phận nên thường ngại thay đổi, nếu mình gắng đổi mới thì dễ gây xung đột và có khi mang vạ nữa, cho nên mình nghĩ là thôi, đành vậy hãy cố làm khoa học cho tốt theo sở trường của mình. Từ nay đến cuối đời, trời cho sống được bao nhiêu thì mình sẽ gắng theo cái hướng đó thế sẽ an lành hơn và cũng hợp lẽ hơn”. Đó là những lời gan ruột thầy bộc bạch ngay trước khi có Đổi mới.
Mùa xuân năm 2009. Sau tết, tôi và anh Lê Quang Thiêm đến thăm thầy và chia tay thầy để thầy qua bên Nga với gia đình. Thầy trò đàm đạo với nhau suốt buổi, uống nước chè và tán đủ chuyện. Thầy vui. Cuối buổi thầy giữ chúng tôi lại ăn cơm, nhưng anh Thiêm và tôi xin cáo lui để thầy nghỉ. Thầy tiễn chúng tôi ra sân. Mùa xuân đến, sân nhà thầy có cây đào đang nở hoa rất đẹp. Thầy trò đứng dưới bóng cây không biết là linh tính thế nào, lần đầu tiên, thầy bỗng ôm lấy từng đứa một và hôn rất thân thiết. Chúng tôi rất xúc động. Cũng không ngờ đó cũng là vòng tay cuối cùng thầy ôm chúng tôi để rồi đi xa mãi.
Năm nay giỗ đầu thầy, tôi mang chai rượu ngô từ Mộc Châu về thắp hương lễ thầy. Chúng tôi lại đứng dưới bóng cây đào năm trước. Đào lại đang độ nở. Giỗ thầy hăm ba tháng giêng âm lịch, cũng sau tết, tôi miên man đứng dưới gốc cây mà lòng bồi hồi nhớ thầy, tựa vào câu thơ của Vũ Đình Liên:
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa,
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Thầy tôi đã đi xa, nhưng tâm hồn thầy vẫn ở đây bây giờ, vẫn ở bên cạnh chúng tôi, những người học trò không giỏi giang cũng chả thông minh gì, nhưng nhờ thầy dìu dắt, chăm bẵm trong suốt nửa thế kỉ mà đã có được sự trưởng thành nào đó.
Quebec, 1995- Hà Nội 2012
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN NGUYỄN TÀI CẨN
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). + Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học (Khoa Ngữ văn) (1961-1971).
Từ loại Danh từ trong tiếng Việt hiện đại. Nxb Khoa học Xã hội, 1975. Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ. Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1975. Nxb Đại học Quốc gia (tái bản nhiều lần). Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb Khoa học Xã hội, 1979. Nxb Đại học Quốc gia (tái bản nhiều lần). Một số vấn đề về chữ Nôm. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1985. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Giáo dục, 1995. Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn. Nxb Giáo dục, 1998. Tìm hiểu kĩ xảo hồi văn liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thuỷ của Thiệu Trị. Nxb Thuận Hoá, 1998. Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá. Nxb Đại học Quốc gia, 2001. Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872. Nxb Đại học Quốc gia, 2002. Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Nxb Văn học, 2004.
+ Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2000 với cụm công trình về ngữ pháp và lịch sử tiếng Việt, gồm Ngữ pháp tiếng Việt; Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt; Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt. |
Tác giả: GS.TS.NGND Đinh Văn Đức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn