Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Người trọn đời vì sự nghiệp giáo dục và phát triển ngành Nhân học

Thứ hai - 10/08/2015 08:54
Trên nửa thế kỷ qua, với tư cách là nhà giáo, nhà khoa học, GS.TS.NGND Phan Hữu Dật đã dành toàn bộ tâm huyết với ngành Nhân học. Đồng nghiệp và học trò tìm thấy ở ông trí tuệ mẫn tiệp, sự lao động miệt mài sáng tạo và cái tâm sáng của một nhà khoa học, nhà giáo chân chính.
Người trọn đời vì sự nghiệp giáo dục và phát triển ngành Nhân học
Người trọn đời vì sự nghiệp giáo dục và phát triển ngành Nhân học

Năm 1954, ông được cử đi học tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Chính GS. Trần Văn Giàu đã khuyên ông theo học nghề Dân tộc học, Dân tộc học đã trở thành nghiệp đời của ông từ đó. Sau khi tốt nghiệp đại học loại ưu, ông được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh với đề tài: “Các dân tộc nói tiếng Môn-Khơ me ở miền Bắc Việt Nam”. Luận án đã được bảo vệ năm 1963 tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Đây là luận án tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học đầu tiên của một nghiên cứu sinh Việt Nam được bảo vệ ở nước ngoài dưới chế độ dân chủ cộng hòa. 

Trên hành trình Dân tộc học, dấu chân của ông đã có mặt trên nhiều vùng đất của tổ quốc, từ địa đầu Lũng Cú (Hà Giang) cho đến Xóm Mũi (Cà Mau). Là học trò của ông cách đây trên 30 năm, tôi có may mắn được nghe ông kể không ít kỷ niệm điền dã về nhiều tộc người với nhiều hương vị và kỷ niệm không thể nào quên, từ món thắng cố, mèn mén của người Hmông ở cao nguyên Đồng Văn đến âm vang trống đồng của người Lô Lô trên đỉnh Lũng Cú, từ hương vị măng chua nấu với nhái, đặc sản xứ Mường vùng Tây Bắc đến món cơm pồi của người Dục vùng Trường Sơn, về nồi cháo gà thơm ở bản Chòm Lòm vùng miền Tây Quảng Bình vẫn còn nguyên bộ lòng chưa kịp làm... Ông kể về lần gặp Bác Hồ và câu hỏi của Người về Xá lá Vàng là kỷ niệm không bao giờ phai mờ, đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trên bước đường nghiên cứu.

GS.TS.NGND Phan Hữu Dật - nhà khoa học đầu ngành về Nhân học,

 Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1970-1975), Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985-1988)/Ảnh: Thành Long

Trên nửa thế kỷ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Phan Hữu dật đã trở thành một trong những giáo sư đầu ngành về Nhân học. Những công trình nghiên cứu của ông tập trung vào những nội dung như: Các vấn đề lý luận về tộc người, về cộng đồng quốc gia dân tộc và lý thuyết Nhân học; Văn hóa các dân tộc ở Việt Nam, Văn hóa và phát triển; Quá trình tộc người và mối quan hệ dân tộc ở Việt Nam, Đông Nam Á và trên thế giới; Dân tộc học và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử hôn nhân và gia đình.

Trên 100 công trình nghiên cứu đã được công bố của GS. Phan Hữu Dật đề cập đến các vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu Dân tộc học, từ các vấn đề lý thuyết trong nghiên cứu đến việc tổng kết các vấn đề nghiên cứu trong Dân tộc học ở nước ta; từ Dân tộc học Việt Nam đến các vấn đề dân tộc học trên thế giới; từ văn hóa và phát triển đến yêu cầu đào tạo và nghiên cứu Dân tộc học phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; từ mối quan hệ dân tộc và những vấn đề cấp bách ở nước ta và trên thế giới đến vấn đề dân tộc trong toàn cầu hóa; từ việc đẩy mạnh nghiên cứu các ngành khoa học xã hội nhân văn đến nghiên cứu ứng dụng... Các công trình nghiên cứu của ông, dù trong lĩnh vực nào, cũng đảm bảo sâu sắc về mặt lý luận, tính nguyên tắc về tư tưởng, ý nghĩa thực tiễn về mặt áp dụng.

Với tư cách là một trong những nhà Dân tộc học đầu ngành, những vấn đề nghiên cứu của ông đã đặt nền tảng cho sự phát triển của nền Dân tộc học Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên soạn giáo trình Cơ sở Dân tộc học (1973) phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu của ông đã tiếp tục đề cập đến những yêu cầu nghiên cứu Dân tộc học theo hướng Nhân học trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu và nhận thức mới trước yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.

GS.TS.NGND Phan Hữu Dật tại Lễ mừng thọ 80 tuổi của thầy năm 2008

Trên nền tảng nghiên cứu cơ bản, những công trình nghiên cứu khoa học của GS. Phan Hữu Dật đã đặc biệt chú trọng nghiên cứu cũng như tổng kết về lý luận và chính sách dân tộc ở nước ta trong lịch sử và hiện tại. Từ rất sớm, ông đã đề nghị bổ sung nguyên tắc giúp nhau cùng phát triển trong các nguyên tắc cơ bản về chính sách dân tộc và nguyên tắc này đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuyên suốt trong các công trình nghiên cứu của ông là vấn đề xem xét mối quan hệ dân tộc, từ lý luận đến thực tiễn. Ông đã dày công nghiên cứu những bài học kinh nghiệm trên thế giới và chỉ ra những đặc điểm trong mối quan hệ dân tộc ở nước ta, đồng thời đưa ra những đề xuất có tính thuyết phục nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ dân tộc hiện nay.

Một trong những đóng góp rất quan trọng của GS. Phan Hữu Dật là nghiên cứu về cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, văn hóa và phát triển. Trên 30 công trình nghiên cứu của ông đã bao quát khá nhiều vấn đề trên lĩnh vực này. Có có thể coi công trình Sự phát triển của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong thế kỷ XX là công trình mang tính tổng kết, có tính lý luận và thực tiễn cao. GS. Phan Hữu Dật cũng là người đầu tiên khái quát một cách đầy đủ nhất về những đặc điểm chủ yếu của cộng đồng các dân tộc ở nước ta. Ông cũng đã cùng giới thiệu nghiên cứu tham gia xây dựng các tiêu chí xác định thành phần các dân tộc ở Việt Nam. Những tiêu chí đó đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, ông đã cùng góp sức cùng các nhà sử học và các khoa học xã hội nghiên cứu về thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam: thời đại Hùng Vương. Những kết quả nghiên cứu của ông dưới góc độ Dân tộc học đã góp phần soi sáng về tính chất và thiết chế xã hội ở nước ta lúc bấy giờ cũng như vai trò của Văn hóa Lạc Việt trong nền văn hóa Đông Nam Á.

Trong các công trình nghiên cứu của GS. Phan Hữu Dật, lịch sử và văn hóa của nhiều tộc người, từ các tộc người thuộc ngôn ngữ Thái đến các cư dân Môn-Khơme, từ các tộc người nói ngôn ngữ Hmông-Dao đến các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng, từ các cư dân Việt-Mường đến các cư dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo...đã được thể hiện khá sinh động và có tính thuyết phục. Khi xem xét văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ông đã có những phân tích khá thuyết phục khi đặt văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong mối liên hệ văn hóa trong khu vực và thế giới. Những kết quả nghiên cứu này đã được trình bày tại nhiều trường đại học và các hội thảo quốc tế.

Ông đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc ở nước ta trong mối liên hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại. Khi xem xét văn hóa truyền thống các dân tộc, ông đã phân tích sâu sắc và chỉ ra các yếu tố văn hóa không gây trở ngại, cũng như những giá trị cũ đã lỗi thời, có thể gây trở ngại cho sự phát triển cần cải biến. Đồng thời, ông cũng chỉ ra những giá trị văn hóa của các tộc người có tính vĩnh cửu hay tương đối vĩnh cửu cần được bảo tồn để làm giàu cho văn hóa dân tộc và nhân loại.

GS.TS.NGND Phan Hữu Dật phát biểu tại hội thảo quốc tế về nghiên cứu và đào tạo Nhân học ở Việt Nam tổ chức tại Trường ĐHKHXH&NV năm 2010/Ảnh: Thành Long

Với tư cách là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về hôn nhân và gia đình, từ những năm 60 của thế kỷ XX, ông đã nghiên cứu về các hình thái hôn nhân của người Vân Kiều, tìm ra dấu vết liên minh ba thị tộc. Ông cũng đã đi sâu nghiên cứu dấu vết hệ thống bốn hôn đẳng ở Tây Nguyên; các quy tắc cư trú trong hôn nhân cũng như chế độ song hệ; dấu vết bào tộc ở người Êđê với những phát hiện khoa học, mở ra hướng nghiên cứu mới trong việc nghiên cứu quá khứ của loài người, đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện Luật Hôn nhân gia đình các dân tộc Việt Nam, xây dựng đời sống văn hóa mới, phù hợp với quy luật phát triển.

Với cương vị là nhà giáo, ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân Dân tộc học và Sử học, hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Ông còn trực tiếp giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng cán bộ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng như các trường đại học... đồng thời tham gia giảng dạy các vấn đề dân tộc ở Việt Nam tại một số trường đại học trên thế giới như: Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô), Đại học Humbolt (Đức) và nhiều hội thảo khoa học quốc tế.

Ông đã công bố trên 100 công trình nghiên cứu, trong đó có 9 sách chuyên khảo, đáng chú ý như: Văn hóa lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á (Chủ biên, 1992); Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam Chủ biên, 1994); Văn hóa Thái Việt Nam (viết chung với Cầm Trọng, 1995); Phương sách dùng người của cha ông ta trong lịch sử (Chủ biên, 1998); Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam (1998); Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam (2003)... Nhiều luận văn nghiên cứu của ông đã được công bố trong các chuyên san và tạp chí khoa học quốc tế có uy tín như: Dân tộc học Xô-viết (1961); ASEMI (1978), các kỷ yếu hội thảo quốc tế... bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga.

Ông đã được cử làm chủ nhiệm hai đề tài khoa học cấp Nhà nước: Văn hóa Việt Nam trong sự phát triển sắc thái văn hóa vùng và tộc người (1990-1995); Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc và sắc tộc trên thế giới và ở nước ta hiện nay. Chính sách dân tộc của Đảng (1995-2000).

Nhà giáo, nhà khoa học Phan Hữu Dật là hình ảnh tiêu biểu của người trí thức cách mạng trưởng thành dưới nền dân chủ mới. Ông là một trong những người đã góp phần làm rạng danh cho nền đại học và khoa học nước nhà nói chung và Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng. 

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN PHAN HỮU DẬT

  • Năm sinh: 1928.
  • Quê quán: Thừa Thiên - Huế.
  • Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Dân tộc học, tại Khoa Lịch sử (Trường Đại học Quốc gia Mạc Tư Khoa Lômôlôxốp, Liên Xô) năm 1961.
  • Nhận bằng Phó Tiến sĩ Sử học (Tiến sĩ) tại Khoa Lịch sử (Đại học Quốc gia Mạc Tư Khoa Lômôlôxốp, Liên Xô) năm 1963.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1980.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1996.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1992.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.
  • Thời gian công tác tại trường: 1964-2000.

+ Đơn vị công tác: Khoa Lịch sử.

+ Chức vụ quản lý:

Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970 - 1975).

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1977 - 1981).

Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1981 - 1985).

Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985 - 1988).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Chính sách dân tộc của Đảng cộng sản Việt Nam; Mối quan hệ giữa các dân tộc ở Việt Nam; Xã hội Nguyên thủy; Hôn nhân và gia đình ở các dân tộc Việt Nam; Văn hóa và Phát triển ở Việt Nam.
  • Các công trình nghiên cứu tiêu biểu:

Cơ sở Dân tộc học, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, năm 1973.

Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 1998.

Sắc thái văn hóa địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước (Viết chung), NXB Khoa học Xã hội (1998).

Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, 2001.

Chính sách dân tộc của các chính quyền nhà nước phong kiến Việt Nam (X – XIX) (Viết chung), NXB Chính trị Quốc gia, 2001.

Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, 2004.

  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:

+ Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005 với công trình Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam (1998).

+ Giải thưởng của Hội Dân tộc học Việt Nam.

+ Giải thưởng Báo chí của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Tác giả: PGS.TS.NGƯT Lâm Bá Nam

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây