Giáo sư Đào Duy Anh (1904-1988) là một trong những giáo sư có công xây dựng nền văn khoa, tức nền khoa học xã hội - nhân văn, hiện đại của đất nước.
Giáo sư Đào Duy Anh sinh ngày 25.4.1904 tại Thanh Hóa và mất ngày 1.4.1988 tại Hà Nội. Họ Đào vốn gốc ở làng Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội), từ đời ông nội chuyển cư vào Thanh Hóa (xã Trung Chính, huyện Nông Cống). Sau khi tốt nghiệp Thành chung tại Trường Quốc học Huế (1923), ông không muốn làm công chức dưới chính quyền thực dân mà đã chọn nghề dạy học thanh cao, ra dạy ở Trường Tiểu học Đồng Hới (Quảng Bình). Giữa lúc đó, phong trào yêu nước đang dấy lên sôi động với tiếng bom Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc) của Phạm Hồng Thái năm 1924, phong trào đấu tranh đòi "ân xá" cho Phan Bội Châu năm 1925, đám tang Phan Chu Trinh năm 1926, những hoạt động báo chí, xuất bản tiến bộ tại các thành phố lớn, đã cuốn hút tâm trí của người thanh niên trí thức Đào Duy Anh. Cuối năm 1925, ông có mặt trong buổi Hội Quảng Tri Đồng Hới đón tiếp Phan Bội Châu trên đường từ Hà Nội vào Huế. Năm 1926, ông từ chức giáo học, vào Đà Nẵng và có ý định vào Sài Gòn sống tại những trung tâm văn hóa, chính trị để "thoát chốn ao tù", "tìm nơi trời cao biển rộng" có điều kiện "mở mang tri thức" và tiếp xúc với những hoạt động yêu nước. Từ đó, ông dấn thân vào các hoạt động chính trị, văn hóa.
Trên đường vào Đà Nẵng, ông ghé qua Huế thăm cụ Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở chùa Phổ Quang (sau này mới chuyển đến nhà trên dốc Bến Ngự), vào Quảng Nam gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng đang làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông giúp cụ Huỳnh sáng lập báo Tiếng dân, giữ chức Thư ký tòa soạn. Cuối mùa hè năm 1926, ông tham gia Việt Nam Cách mạng Đảng, sau đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng (7.1928) và ông trở thành Tổng Bí thư của đảng. Cũng trong năm 1928, ông sáng lập Quan hải tùng thư, với sự cộng tác của những trí thức cấp tiến như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu... xuất bản những tập sách phổ cập để người đọc làm quen với tư tưởng khoa học và tư tưởng duy vật lịch sử. Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi cho đến 7.1927, Nhà xuất bản này đã cho ra đời 13 ấn phẩm, trong đó có những trước tác đầu tay của Đào Duy Anh. Tháng 7.1929, Đào Duy Anh bị chính quyền thực dân bắt, cho đến đầu năm 1930 mới ra khỏi nhà tù.
Từ đó, ông bắt đầu chuyên tâm vào con đường hoạt động văn hóa và khoa học. Ông đã hoàn thành và xuất bản hai bộ từ điển: "Hán - Việt từ điển" (1932), "Pháp - Việt từ điển" (1936). Đây không những là những sách công cụ rất cần thiết cho sự tra cứu, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, khoa học lúc bấy giờ mà còn qua các từ, các khái niệm chính trị, tác giả có dụng ý đưa vào đó cách giải thích tiến bộ và khoa học theo quan điểm mác xít và trào lưu tư tưởng hiện đại. Đào Duy Anh là một nhà từ điển học đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại Việt Nam.
Trong lĩnh vực văn hóa, văn học, ông xuất bản nhiều công trình: "Việt Nam văn hóa sử cương" (1938), "Khổng giáo phê bình tiểu luật" (1938), "Trung Hoa sử cương" (1942), "Khảo luận về Kim Vân Kiều" (1943). Tác phẩm "Việt Nam văn hóa sử cương" của Đào Duy Anh cùng tác phẩm "Văn minh An Nam" (La Civilization Annamite, 1944) của Nguyễn Văn Huyên là những công trình khoa học đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam trên tinh thần khoa học và dân tộc.
Giáo sư Đào Duy Anh bên các học trò
Tuy nhiên, lĩnh vực khoa học mà Đào Duy Anh dốc nhiều tâm lực nhất là Sử học. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, GS. Đào Duy Anh được mời giảng dạy môn Lịch sử tại Đại học Văn khoa Hà Nội, cùng với các trường đại học và cao đẳng khác khai giảng ngày 15.11.1945. Ông là Uỷ viên Ban vận động Đại hội văn hóa toàn quốc (1946). Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động trong Chi hội văn nghệ Liên khu IV. Năm 1950, ông được mời ra Việt Bắc làm Trưởng Ban Sử - Địa thuộc Vụ Văn học Nghệ thuật, Bộ Giáo dục. Năm 1952, ông về Thanh Hóa giảng dạy tại Trường Dự bị Đại học. Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ông trở về Hà Nội giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, ông được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Cổ sử Việt Nam, chăm lo công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thời gian công tác ở Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến năm 1958, chỉ có hơn 2 năm. Nhưng đây là thời gian GS. Đào Duy Anh tập trung tất cả tâm sức vào lĩnh vực Sử học và đạt nhiều hiệu quả cao nhất.
Với những tư liệu đã tích lũy từ nhiều năm cùng những suy ngẫm và một số bản thảo đã chuẩn bị trong những năm kháng chiến, nay có điều kiện để bổ sung, cập nhật thông tin và tham khảo những công trình khoa học liên quan của nước ngoài, ông đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu rất cơ bản về lịch sử Việt Nam, nhất là về lịch sử cổ đại và trung đại như vấn đề phân kỳ lịch sử, nguồn gốc dân tộc, vấn đề chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, sự hình thành dân tộc Việt Nam... GS. Đào Duy Anh đã hoàn chỉnh bản soạn thảo cũ và cho xuất bản hai bộ giáo trình: "Lịch sử Việt Nam" (1956) và "Cổ sử Việt Nam" (1956). Ngay sau đó, ông bổ sung và viết lại thành "Lịch sử cổ đại Việt Nam" (1957) gồm 4 tập. Trong những năm 1957 - 1958, ông cho xuất bản tiếp "Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam" (1957) và viết lại "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX" (2 tập, 1958). Thật hiếm thấy một chuyên gia trong thời gian hai năm đã hoàn thành và công bố dồn dập nhiều công trình khoa học đến như thế. Trong thời gian hai năm này, GS. Đào Duy Anh còn ra sức xây dựng một sơ sở tư liệu lâu dài cho Khoa Lịch sử và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông tìm mua những thư tịch quý của Trung Quốc, thuê người sao chép những bộ sử và tư liệu Hán Nôm của Việt Nam, thu thập những nguồn tư liệu nước ngoài viết về Việt Nam, có kế hoạch dịch những tư liệu cần thiết cho sinh viên tham khảo. Bên cạnh Bộ môn Lịch sử cổ trung đại Việt Nam có một tổ phiên dịch gồm những nhà Hán học cao tuổi và một tổ Đồ bản. Cũng trong hai năm này, GS. Đào Duy Anh đã tham gia đào tạo được 3 khóa sinh viên của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội (1954 - 1958), những thế hệ sử gia đầu tiên của nền đại học Việt Nam độc lập, trong đó nhiều người trở thành giáo sư, phó giáo sư và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền Sử học hiện đại của đất nước.
Năm 1958, GS. Đào Duy Anh chuyển sang Bộ Giáo dục, rồi năm 1960 chuyển sang Viện Sử học. Từ đây, ông thôi công tác giảng dạy đại học và chuyên tâm vào một lĩnh vực phù hợp với điều kiện công tác mới mà vẫn không ngừng cống hiến cho nền học thuật của đất nước. Theo sự phân công của Viện Sử học, ông đã hiệu đính và chú giải nhiều bộ sách quý đã dịch ra tiếng Việt như "Lịch triều hiến chương loại chí", "Đại Nam thực lục", "Phủ biên tạp lục", "Đại Việt sử ký toàn thư", "Đại Nam nhất thống chí", "Binh thư yếu lược và Hổ trướng khu cơ", "Gia Định thành thông chí", "Nguyễn Trãi toàn tập". Cũng trong thời gian này và sau khi nghỉ hưu (1965), ông biên soạn một số công trình như "Đất nước Việt Nam qua các đời" (1964), "Từ điển truyện Kiều" (viết xong 1965, xuất bản 1974), "Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến" (1975), dịch và chú giải "Khóa hư lục" (1974), "Sở từ" (1974), "Truyện Hoa Tiên" (1978), "Thơ chữ Hán Nguyễn Du" (1988), "Kinh Thi" (chưa xuất bản), "Đạo Đức Kinh và học thuyết của Lão Tử" (chưa xuất bản). Cuối đời, ông viết tập hồi ký "Nhớ nghĩ chiều hôm"(viết xong 1974, xuất bản 1989).
Trên chặng đường dài từ năm 1928 cho đến lúc đi vào cõi vĩnh hằng, GS. Đào Duy Anh đã để lại một di sản đồ sộ với nhiều trước tác trên nhiều lĩnh vực từ Từ điển, Ngôn ngữ, Văn hóa, Văn học đến Sử học, Khảo cổ học, Văn bản học, Dân tộc học, Địa lý học lịch sử. Ông là một học giả uyên bác với vốn tri thức mang tính bách khoa về khoa học xã hội - nhân văn, với tinh thần lao động khoa học không biết mệt mỏi biểu thị một niềm đam mê, một hoài bão lớn và một nghị lực phi thường. Bao trùm lên tất cả, ông là một nhà sử học lớn, một nhà văn hóa lớn với những công trình nghiên cứu mang tính khai phá đặt nền tảng cho sự hình thành nền sử học và nền văn hóa học hiện đại Việt Nam. Năm 2000, GS. Đào Duy Anh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về 2 công trình "Lịch sử cổ đại Việt Nam" và "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX".
GS. Đào Duy Anh có mặt tại Trường Đại học Văn khoa từ khi thành lập (năm 1945), rồi sau đó, tại Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hóa (từ năm 1952) và Trường Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ năm 1954 đến 1958). Ông là một trong những giáo sư có công xây dựng nền văn khoa tức nền khoa học xã hội - nhân văn, hiện đại của Nhà trường, của đất nước.
GIÁO SƯ ĐÀO DUY ANH
+ Đơn vị công tác: Tổ cổ sử Việt Nam, sau là Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại (Khoa Lịch sử). + Chức vụ quản lý: Nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại (Khoa Lịch sử).
Hán - Việt từ điển, Hà Nội, 1932. Pháp - Việt từ điển, Hà Nội, 1936. Việt Nam văn hóa sử cương, 1938. Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX, Hà Nội, 1956. Lịch sử cổ đại Việt Nam, Hà Nội, 1957. Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 1957. Đất nước Việt Nam qua các đời, Hà Nội, 1964.
+ Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2000 cho cụm công trình lịch sử và văn hoá Việt Nam, gồm 4 cuốn: Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX; Lịch sử cổ đại Việt Nam; Việt Nam văn hoá sử cương; Đất nước Việt Nam qua các đời. |
Tác giả: GS.NGND Phan Huy Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn