PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông)
- Xin chúc mừng cô khi những nỗ lực trong công việc và nghề nghiệp của cô đã được Nhà nước công nhận bằng chức danh Phó Giáo sư trong năm qua. Cô có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về sự kiện này ?
Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được gắn bó và theo đuổi ngành học mà mình yêu thích (ngành Báo chí và Truyền thông) và được nhận chức danh Phó Giáo sư (PGS) như một sự công nhận của Nhà nước và xã hội về những đóng góp của mình với ngành học này. Kết quả này có được không chỉ là nhờ nỗ lực của cá nhân tôi, mà quan trọng hơn là sự động viên, tạo điều kiện giúp đỡ của lãnh đạo Khoa, Nhà trường và những đồng nghiệp tuyệt vời của tôi. Dường như nhiệm vụ cũng nặng nề hơn đối với tôi. Tôi luôn suy nghĩ là phải làm gì để đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của Khoa Báo chí & Truyền thông (BC&TT) và của Nhà trường.
- Quan hệ công chúng là một ngành học còn non trẻ trong hệ thống đào tạo ở đại học Việt Nam, vậy những khó khăn nào trong việc xây dựng và phát triển ngành học này khiến cô trăn trở nhất?
Năm 2015 là một năm nhiều thách thức của ngành Quan hệ Công chúng (QHCC), với tôi và Khoa BC&TT. Trăn trở lớn nhất của những người làm công tác giảng dạy là đầu tư như thế nào cho các thế hệ tương lai, làm thế nào để để các em sau khi ra trường thích ứng được với thực tiễn sôi động và phức tạp của ngành nghề này.
Nhớ lại những ngày đầu xây dựng ngành QHCC ở Trường ĐHKHXHNV, thiếu thốn khó khăn rất nhiều, phải đi “chiêu hiền đãi sĩ” về giúp xây dựng và phát triển Bộ môn. Đó là cả một chặng đường chông gai. Ngành QHCC của Trường ĐHKHXHNV còn non trẻ, vì vậy điều tôi quan tâm nhất là làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo. Và để giải quyết những vấn đề này cần xây dựng hai điều kiện căn bản: học liệu và giảng viên. Giáo trình, học liệu về QHCC còn rất hạn chế, cần được xây dựng từ căn bản để phục vụ giảng dạy. Trong khi đó, mạng lưới cán bộ đào tạo về QHCC còn mỏng, cũng cần được quan tâm xây dựng và bồi dưỡng. Họ chính là những người sẽ “truyền lửa” cho sinh viên, “đánh thức” khát vọng học tập và lòng yêu nghề của các em.
Khó khăn là vậy nhưng tôi tin rằng mình và các đồng nghiệp sẽ làm được, vì chúng tôi yêu công việc này và khát khao làm được một điều gì đó cho ngành Quan hệ công chúng, cho Khoa và Nhà trường. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi trong khó khăn vẫn luôn được người thân, bạn bè, đồng nghiệp, những sinh viên thân yêu đồng lòng chia sẻ và giúp đỡ.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền nhận chứng nhận chức danh Phó Giáo sư/Ảnh: Thành Long
- Khoa Báo chí & Truyền thông vừa có một bước đi mới trong việc phát triển ngành Quan hệ công chúng, qua việc lần đầu tiên triển khai chương trình liên kết đào tạo Thạc sỹ Quản trị truyền thông với Đại học Stirling (Vương quốc Anh). Đây phải chăng là một tín hiệu đáng mừng ?
Đúng vậy. Đây là lần đầu tiên có CT đào tạo liên kết quốc tế về “Quản trị Truyền thông” được triển khai ở miền Bắc, đó là một thành công trong hợp tác quốc tế của Khoa BC&TT và rộng hơn là của Trường ĐHKHXHNV. Chương trình sẽ tuyển sinh khoá đầu tiên vào tháng 5/2015. Trong thời kì hội nhập, đào tạo liên kết quốc tế là một hướng đi đúng đắn và đem lại nhiều lợi ích cho các trường đại học Việt Nam. Thứ nhất, giảng viên của trường có cơ hội làm việc với giảng viên người nước ngoài, đây là cơ hội rất tốt để trao đổi kinh nghiệm giáo dục, nâng cao trình độ học thuật. Thứ hai, học viên Việt Nam là người hưởng lợi trực tiếp khi được các chuyên gia hàng đầu của nước ngoài giảng dạy với chất lượng quốc tế. Thứ ba, uy tín của trường nói chung và Khoa BC&TT nói riêng cũng sẽ được nâng lên vì các bảng xếp hạng các trường đại học đều tính đến tiêu chí quốc tế hóa.
- Ngành Quan hệ công chúng tại Trường năm nay bước vào mùa tuyển sinh thứ 3. Quá trình đào tạo hai khóa sinh viên đầu tiên đem đến cho cô suy nghĩ gì ?
Khóa sinh viên đầu tiên của ngành QHCC, Khoa BC&TT để lại cho tôi những ấn tượng sâu đậm. Kết quả đầu vào của các em rất tốt, điểm thi đại học cao so với mặt bằng chung toàn trường. Nhưng quan trọng hơn cả là các sinh viên hai khóa đầu tiên này có định hướng rõ ràng về ngành nghề mà các em đang theo đuổi. Nhưng thế hệ trẻ bây giờ có nhiều điểm khác với thế hệ chúng tôi ngày xưa. Các em cởi mở hơn nhiều trong các hoạt động, ý thức rõ về quyền của người học và khao khát những tri thức mới, vì thế không ngừng đòi hỏi ở những người giảng dạy phải luôn làm mới từng tiết giảng, chính xác và cập nhật liên tục về kiến thức. Đây cũng là xu thế tất yếu của thế kỉ 21, cần phải tạo ra một môi trường dân chủ, tôn trọng nhau hơn giữa người dạy và người học. Có sự nỗ lực và phối hợp của thầy và trò thì mới nâng cao được chất lượng giảng dạy.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền giản dị trong đời thường/Ảnh: Thành Long
- Đã từng là sinh viên của Khoa Báo chí và Truyền thông, rồi được giữ lại làm giảng viên của Khoa, của Trường, đó là một quá trình dài gắn bó với mái trường này. Ký ức nào là sâu đậm nhất với cô?
Năm 2015 là năm kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống của Trường ĐHKHXHNV và 25 năm ngày thành lập Khoa Báo chí và Truyền thông. Tôi lại nhớ đến thế hệ thầy trò đầu tiên của Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp. Tôi nhớ những lần thầy Hà Minh Đức (GS.NGND Hà Minh Đức - nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa), thầy Dương Xuân Sơn (PGS.TS Dương Xuân Sơn - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa), thầy Phạm Đình Lân (nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa) từng dắt sinh viên vào các làng xin một bữa ăn, đến các đại đội quân đội để giao lưu. Sự gắn bó và gần gũi giữa thầy và trò thật là mộc mạc nhưng cảm động. Những ngày đầu Khoa Báo chí và Truyền thông được thành lập, thầy Hà Minh Đức còn đến từng lò luyện thi để giới thiệu về Khoa. Ấn tượng về thầy lúc đó trong tâm trí một học sinh lớp 10 như tôi rất sâu đậm. Các thầy cô giáo của chúng tôi quả là những người thầy tận tụy, tận hiến nhất mà tôi từng biết. Chúng tôi đã học được rất nhiều từ thầy cô của mình, đặc biệt là học và hiểu sâu sắc về nghiệp làm thầy. Nghề giáo là một nghề khó và trách nhiệm quả là nặng nề. Người làm nghề giáo nếu dạy tốt thì sẽ giúp cả một thế hệ học trò tìm được tương lai tươi sáng của họ. Ngược lại, nếu dạy sai thì sẽ góp phần “làm hỏng” cả một thế hệ đó. Tôi vô cùng biết ơn và trân trọng những thế hệ giảng viên đi trước. Chính cái tâm và cái tình của các thầy cô là động lực quan trọng thúc đẩy tôi cống hiến nhiều hơn cho Khoa BC&TT, trường và cho các em học sinh thân yêu.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của cô, và xin chúc cô sẽ thực hiện được những tâm nguyện của mình trong năm mới.
Tác giả: Trung Hiếu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn