Báo in từ góc độ kinh tế báo chí trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, cuốn sách tập trung vào xác lập một cách cơ bản, hệ thống các học thuyết về kinh tế truyền thông đang phổ cập trên thế giới hiện nay. Khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng các hoạt động kinh tế chủ yếu của báo in Việt Nam những năm vừa qua, đồng thời hệ thống hóa bước đầu các hoạt động đó từ góc nhìn kinh tế báo chí. Hệ thống hóa quan điểm, định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta về hoạt động kinh tế báo chí truyền thông thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Tìm hiểu những kinh nghiệm chủ yếu của kính tế báo chí truyền thông thế giới nhằm tham khảo, vận dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể của báo chí truyền thông Việt Nam, trong đó có báo in. Đề xuất các giải pháp, kiến nghị để báo in nước ta hoạt động kinh tế năng động, hiệu quả trong bối cảnh mới.
Các dữ liệu nghiên cứu và phân tích được cập nhật từ tờ báo in tiêu biểu, có tính đại diện như Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, Lao động, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Sinh viên Việt Nam, Công an Nhân dân...
Cuốn sách chuyên khảo là tài liệu quan trọng cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học ngành báo chí và truyền thông và những ai quan tâm lĩnh vực này. Sách gồm 5 chương với 275 trang:
Chương I: Khái quát về lý luận kinh tế báo chí truyền thông. Trong chương này nhóm tác giả tập trung vào khái quát các lý luận kinh tế báo chí truyền thông; phân tích các dạng cấu trúc thị trường báo chí truyền thông, các mối liên hệ, chi phí và quy trình sản xuất; chỉ ra và phân tích đối tượng tiêu thụ của thị trường báo chí truyền thông, công chúng, đối tượng tiêu thụ, các yếu tố văn hóa xã hội ảnh hưởng; sự cạnh tranh trên thị trường báo chí truyền thông.
Chương II: Tổng quan về ngành công nghiệp kinh tế báo chí truyền thông. Chương này cung cấp một vài nét về sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp kinh tế báo chí truyền thông trên thế giới. Khảo cứu hoạt động kinh tế báo in ở một số quốc gia tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn độ, Trung Quốc.
Chương III: Đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về hoạt động kinh tế báo chí truyền thông. Trong chương này nhóm tác giả đưa ra những quan điểm của Đảng về kinh tế báo chí truyền thông trước bối cảnh và yêu cầu mới; pháp luật của Nhà nước và cơ chế chính sách cho hoạt động kinh tế báo chí truyền thông ở nước ta; mối quan hệ giữa quan điểm, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về kinh tế báo chí truyền thông.
Chương IV: Các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực báo in. Đây là chương cung cấp những hình thức hoạt động kinh tế cụ thể của báo in như: quảng cáo, phát hành, mô hình công ty, tổ chức sự kiện, kinh doanh, liên doanh, dịch vụ...Đánh giá chung về hoạt động kinh tế của báo in.
Chương V: Nâng cao hiệu quả kinh tế của báo in Việt Nam. Chương này đưa ra một số kinh nghiệm của kinh tế báo chí truyền thông nước ngoài để tham khảo và vận dụng cho báo in Việt Nam. Một số đề xuất và kiến nghị khoa học và một số giải pháp phát triển thị trường báo in.
Sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản quý I năm 2015.
Tác giả: Hoài An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn