GS. Đặng Cảnh Khanh (Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và phát triển) đang chia sẻ về chủ đề "Định hướng giá trị của sinh viên trong giai đoạn hiện nay"
Cần nhìn nhận và có những đánh giá đúng về người học
Trong phần thuyết giảng của mình về chủ đề "Định hướng giá trị của sinh viên trong giai đoạn hiện nay", GS. Đặng Cảnh Khanh (Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và phát triển) đã nhấn mạnh đến sự biến đổi của thanh niên ngày nay. Theo ông, nói đến thanh niên ngày nay là nhắc đến những từ khóa như những người sáng tạo, mới mẻ, khác biệt, ham muốn phấn đấu vươn lên, phá bỏ khuôn phép cũ...
Với GS. Đặng Cảnh Khanh, giáo dục cho thanh niên là không nên nhồi nhét tri thức vào đầu họ quá nhiều, hãy luôn để tri thức của các em thừa khoảng trống để các em có thể dễ dàng liên kết các tri thức đã biết và tiếp nạp thêm những tri thức mới cần thiết.
Dưới góc nhìn tâm lý học, GS.TS Trần Thị Minh Đức (Chủ nhiệm Bộ môn Tâm lý học tham vấn, Khoa Tâm lý học) lại đưa ra những gợi mở quan trọng về vấn đề tiếp cận hành vi đạo đức của sinh viên theo các giai đoạn. Theo GS, khi xem xét hành vi của sinh viên cần có những đánh giá cụ thể về mức độ phát triển của hành vi, đạo đức của sinh viên.
GS. TS Trần Thị Minh Đức đưa ra nhiều gợi mở quan điểm về tâm ý học tập của sinh viên hiện nay như: Sinh viên là những người trưởng thành, chúng ta nên khuyến khích việc họ tự triển khai học tập và nghiên cứu. Hơn nữa, sinh viên có khả năng nhận thức tốt, nên chúng ta có thể mở rộng tri thức, hãy mở các tri thức lý thuyết nền tảng gắn với ứng dụng vào thực tế.
Hãy gộp kinh nghiệm khác nhau của sinh viên để đưa ra những định nghĩa của sinh viên, điều này sẽ giúp sinh viên nhớ lâu vấn đề. Luôn khuyến khích sinh viên phát biểu, việc sinh viên nói là quan trọng hơn việc họ nói đúng hay là sai. Khi tham gia cùng giảng viên, tâm lý chắc chắn sự tự tin sẽ bị rối, hãy tìm ra và thúc đẩy sinh viên tự tin vượt qua điều đó. Việc thúc đẩy này có thể dựa trên các phương pháp phù hợp, đảm bảo tính tổ chức phù hợp với tâm lý của nhóm đối tượng đó, GS.TS Trần Thị Minh Đức chia sẻ.
Phương pháp nào là phù hợp, theo TS. Tôn Quang Cường, (Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục) chia sẻ, phương pháp chỉ đúng khi đặt trong hệ thống: người học là ai, họ cần gì? bản thân chúng ta hiểu người học như thế nào? họ học như thế nào?...
Theo TS. Tôn Quang Cường, thực chất việc dạy học là việc chúng ta đồng hành với người học để người học làm được điều gì đó. Đó chính là vận dụng nội dung và thực tiễn, điều này khác với việc để người học nói lại được những điều chúng ta giảng dạy.
Trong chủ đề "Một số phương pháp giảng dạy đại học hiện này và hiệu quả áp dụng các phương pháp đó", TS. Tôn Quang Cường cũng giới thiệu đến một số phương pháp giảng dạy hiện nay như dạy học dựa trên giải quyết vấn đề, dạy học khám phá, dạy học hợp tác, dạy học trải nghiệm...
TS. Tôn Quang Cường (Chủ nhiệm Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Giáo dục), chia sẻ về một số phương pháp giảng dạy hiện nay
Nhiều giải pháp từ góc nhìn người học
Cô Thúy Hằng (Khoa Triết học) đưa ra vấn đề về những khó khăn trong việc truyền tải khái niệm trong các môn học thiên về lý luận như triết học?
TS. Tôn Quang Cường (Chủ nhiệm Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Giáo dục) chia sẻ: người học hiện nay rất thông minh. Với những tri thức tinh túy thuộc khoa học cơ bản, chúng ta nên vận dụng nó vào thực tế, lấy các ví dụ liên kết với thực tế để tạo cảm hứng cho người học.
Chia sẻ về nỗi khổ của những sinh viên mới bước chân vào giảng đường đại học, nhưng đã phải tiếp cận với các môn học lý luận, khô khan nhiều. Theo TS. Tôn Quang Cường, có nên chăng chuyển bớt các môn học này sang những kỳ học của năm thứ 3 sẽ phù hợp hơn. Ý kiến này cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi không đồng tình từ các đại biểu trong buổi tọa đàm.
Chia sẻ về sự khó khăn trong các lớp học tín chỉ khi đối tượng học đến từ nhiều khóa khác nhau, dẫn đến tâm lý học khác nhau, vậy phương pháp nào là phù hợp, cô Liên (Khoa Triết học) thắc mắc?
Theo GS.TS Trần Thị Minh Đức: Không thể san kiến thức đều theo đối tượng sinh viên trong lớp. Để giải quyết vấn đề đó, các giảng viên nên trao đổi với sinh viên về đối tượng tiếp nhận của môn học - môn học này phù hợp cho sinh viên năm thứ mấy, phải có những nền tảng kiến thức nào...Các bạn sinh viên khác chưa đáp ứng được yêu cầu đó cần phản cố gắng rất nhiều mới có thể theo được môn học này.
Tất nhiên, giảng viên cũng nên lưu danh sách những bạn sinh viên khóa dưới, chưa phù hợp trong nhóm đối tượng để có những lưu ý nhằm giúp đỡ và khuyến khích các em hỏi thêm. Việc đánh giá này chỉ mang tính chất tương đối, vì năng lực của sinh viên là khác nhau, GS.TS Trầ Thị Minh Đức chia sẻ.
Thầy Tân (Khoa Ngôn ngữ học) chia sẻ: Nhiều sinh viên có tâm lý không hiểu học môn này để làm gì - đặc biệt là các môn khoa học cơ bản. Vậy làm sao để tác động và thay đổi đến tư duy và hành động của sinh viên?
Phân tích về tâm lý người đi học, TS. Nguyễn Quang Liệu (Phòng Chính trị và Công tác sinh viên) chia sẻ: Tâm lý người học trải qua 6 giai đoạn: từ sợ đến ngại -> chấp nhận -> tự nguyện -> hứng thú ->say mê; trong khi với cán bộ, quy trình tâm lý lại từ bắt buộc -> tự nguyện -> say mê đi dạy. Đích cuối cùng hướng đến đó là sự say mê của người dạy, thúc đẩy sự say mê của người học.
Giảng viên phải quan tâm đến chương mở đầu của bài học, vì đây là chương cung cấp đối tượng, nhiệm vụ, ý nghĩa và phương pháp giảng dạy của môn học. Chương này giúp cho sinh viên có những cái nhìn toàn cảnh đối với môn học, điều mà nhiều thầy cô còn thiếu vắng.
Hơn nữa, trong qua trình giảng dạy, những nội dung cốt lõi nên được nhấn mạnh, vì đó là những nội dung rất quang trọng và có ý nghĩa với sinh viên. Hãy đi dự giờ một cách đa dạng để chắt lọc những kinh nghiệm của riêng mình, TS. Nguyễn Quang Liệu chia sẻ.
Thầy Thanh Tùng (Khoa Khoa học chính trị) chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy của mình: Sinh viên thường chú ý đến 3 trường hợp: giảng viên kể chuyện vui; nội dung liên quan đến đề thi và nội dung liên quan đến cuộc đời sau này của sinh viên. Vậy cần đưa bao nhiêu là đủ ở nội dung thứ 3, liên quan đến thực tế công việc của sinh viên sau này?
Theo GS. Đặng Cảnh Khanh, các giảng viên cần hài hòa giữa bản định tính và định lượng, từ đó ứng dụng vào bài giảng của mình sao cho phù hợp. Tránh việc xa đà vào những nội dung kiến thức bên ngoài quá mà quên mất cung cấp tri thức nền tảng cần thiết.
GS.TS. Trần Thị Minh Đức lại có những gợi mở linh hoạt hơn về vấn đề này. Theo Giáo sư, sinh viên học có nền tảng khác nhau, với những sinh viên năm đầu, giảng viên có thể giới thiệu nhiều về những gợi mở của nghề nghiệp, sinh viên năm cuối thì tập trung nhiều vào trang bị kiến thức và kỹ năng.
Với bài toán của cuộc đời, trước khi giảng viên cung cấp kiến thức cần có nhìn được những phản hồi của sinh viên. Sinh viên phải đủ tri thức và hiểu biết nhất định mới có thể cung cấp các tri thức cần cho đời sống. Với GS. Trần Thị Minh Đức, người dạy mà không tìm được sự hứng thú trong môn học thì sẽ khó mà truyền đạt được bài học hay.
GS.TS. Trần Thị Minh Đức (Chủ nhiệm Bộ môn Tâm lý học tham vấn, Khoa Tâm lý học) chia sẻ tại buổi tọa đàm
Cô Hường (Khoa Đông Phương học) lại phân loại sinh viên trong lớp theo 3 nhóm đối tượng: tích cực, e dè và thờ ơ với các nội dung học tập. Giảng viên đã tìm nhiều biện pháp để kích thích học tập của nhóm e dè và thờ ơ, nhưng chuyển biến lại không rõ rệt trong môi trường học. Nhưng kết quả theo dõi khi ra trường, cả 3 nhóm đối tượng đều có công việc tốt, kỹ năng tốt, vậy liệu phương pháp mà giảng viên đưa ra đã tốt chưa? Liệu có cách nào lượng hóa tính hiệu quả của phương pháp giảng dạy?
Luận giải về vấn đề này, TS. Tôn Quang Cường đưa ra luận điểm "chắc gì các em tham gia học tập tốt lại có động cơ tốt và ngược lại". Biểu hiện việc tham gia của người học rất đa dạng, trong một tập thể, khó có thể duy trì sự húng thú trong tất cả, giảng viên hãy hướng đến việc làm hết khả năng để có thể phát huy tốt nhất môi trường học cho sinh viên.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Trần Thị Minh Đức cũng đưa ra một ví dụ minh họa "cần bao nhiêu người để di chuyển một củ khoai tây, nếu nó không muốn di chuyển", giảng viên hãy đừng quá áy náy với vấn đề đó.
"Tất nhiên, người học không bao giờ có lỗi, lỗi chỉ từ người dạy. Giảng viên không phải truyền tải kiến thức mình có mà cần phải truyền tải những thứ sinh viên cần, do đó phương pháp là rất quan trọng", thầy Phan Kiền (Khoa Báo chí và Truyền thông) chia sẻ.
Trái quan điểm với thầy Kiền, thầy Nguyễn Quang Liệu lại đưa quan điểm về việc hài hòa kiến thức của giảng viên với nhu cầu của sinh viên. Theo thầy Liệu, trước khi nói đến thái độ của người học, chúng ta cần chú ý đến thái độ của giảng viên. Thầy Nguyễn Quang Liệu nói "Thầy cô muốn học trò nghiêm túc, trước hết thầy cô cần là tấm gương về sự nghiêm túc. Còn về người học, họ luôn thích học, vì học là giải quyết vấn đề tương lai, là cơm áo gạo tiền trong cuộc sống sau này".
Tác giả: Đình Hậu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn