“Nhân văn trong tôi” là “một dấu cách”. Trong đó, trong khoảng trống đó chứa những tự hào của một tâm thế mới, một vai trò mới – sinh viên đại học, khoảng trống đó còn chứa những bỡ ngỡ đầu tiên bước chân vào cánh cổng mang tên đại học với những thầy những bạn mới, với môi trường mới, cách dạy và cách học mới. Khoảng trống đó cũng chứa những lo lắng, bồn chồn khi xa nhà, xa quê bước chân lên thủ đô Hà Nội. Tất cả cảm xúc đó gói gọn trong 1 “dấu cách” để rồi đây chính tôi viết lên những từ mới, câu mới, đoạn mới và chính thức sang trang mới.
“Nhân văn trong tôi” là “sự thất vọng”. Kì một – năm nhất nhanh chóng qua đi khi giấc mơ chiến thắng – Đỗ đại học vẫn còn chập chờn chưa tỉnh. Tôi mải miết vui chơi, mải miết nghỉ ngơi cho xứng đáng những tháng ngày ôn thi đại học. Học đại học không phải là học đại cho qua để cho có bằng. Học đại học là tự học, tự tìm tòi nghiên cứu. Tự học đâu phải là học lúc nào cũng được. Tự học là học có ý thức có kế hoạch, có mục tiêu chiến lược rõ ràng. Đừng để đến khi nhìn thấy kết quả rồi mới thất vọng, chán nản với hai từ “Đại học”.
“Nhân văn trong tôi” là “sự bình yên”. Nhân văn bình yên đến kì lạ. Học nhân văn tôi vẫn thường so sánh với các trường đại học khác. Tôi thấy các trường khác sao mà sôi nổi năng động đến vậy. Các sinh viên trường khác cũng tự tin, tài giỏi. Phải chăng đó là môi trường thúc đấy tôi phát triển cá nhân nhiều hơn một môi trường chỉ có hoạt động giảng dạy lý thuyết đơn thuần. Nhân văn bình yên, dung dị như chính cái tên của nó. Nhưng tôi muốn nhân văn tự phá cách để chuyển mình phù hợp với thời đại.
“Nhân văn trong tôi” là “niềm hi vọng”. Tôi học nhân văn như một bước đệm tạo đà để phát triển, để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, để trưởng thành và chắc chắn có được một công việc trong xã hội với tấm bằng xuất sắc. Nhân văn cho tôi môi trường để rèn luyện, để trải nghiệm. Nhìn thấy những nhiệt huyết, những tận tình của các giảng viên vì những thế hệ sinh viên tiếp nối nhau tốt nghiệp ra trường. Tôi đã tỉnh dậy sau nhiều tháng ngày ngủ quên để tiếp tục chiến đấu, học tập. Mục tiêu nay đã xác định, quan trọng là tìm ra những con đường ngắn nhất để chạm chân đến vạch đích mà thôi.
“Nhân văn trong tôi” là “tình yêu”. Cái sự “bình yên” trước đây giờ đã thành một sự bình yên lớn. Sinh viên trường nào mà không yêu quý ngôi trường mình đang học tập rèn luyện thì cũng chưa thể yêu quý cái ngành nghề mà mình lựa chọn. Người ta vẫn thường hay giễu những phương pháp giảng dạy ở đại học đã lạc hậu, không theo kịp nhu cầu học tập của sinh viên, đi sau thế giới. Tuy nhiên bạn hãy tự hỏi lại bản thân mình xem với những phương pháp mới, đã chủ động tìm tòi sáng tạo trong học tập và phát triển cá nhân hay chưa?
Với trải nghiệm của một sinh viên năm nhất, “Nhân văn trong tôi” chỉ có vậy. Nhưng bằng tình yêu lớn tôi dành cho nhân văn sẽ giúp tôi tiếp tục trải nghiệm, nỗ lực học tập và phát triển không ngừng để xứng đáng hơn với danh hiệu sinh viên nhân văn – ngôi trường truyền thống đáng tự hào, để xứng đáng hơn với những nỗ lực trong quá khứ để được bước chân vào ngôi trường này.
“Nhân văn trong tôi” sẽ là “dấu ba chấm”. Hôm nay và những năm tháng tới tôi sẽ viết lên, viết tiếp những trải nghiệm tuyệt vời, tự hứa quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa và xứng đáng hơn nữa.
Tác giả: Nguyễn Thị Hân - K59 Sư phạm văn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn